Câu chuyện mợ nêu, như kụ HTlangtu đã giải thích ở trên, là một trong nhiều dị bản về vị trí này. Tất cả các câu chuyện dị bản đều xuất phát từ một thực tế từng tồn tại khá lâu trong quá khứ: ngay tại vị trí này từng có một cây si (hoặc cây gì đó khác, nhà cháu không nhớ rõ), nằm trên góc vỉa hè, sát với góc tường bao của Khu di tích Quốc tử giám.
Đây cũng là vị trí khá nguy hiểm, khi 2 tuyến tàu điện Cầu Giấy - Bờ Hồ và Hà Đông - Bờ Hồ nhập vào làm 1 tuyến. Tuyến CG-BH đi thẳng trên đường NTH gặp tuyến HĐ-BH ôm sát gốc cây si và rẽ phải đi vào NTH. Chỗ này hay xảy ra tai nạn cũng là điều có thể hiểu.
Mỗi khi tàu đi qua vị trí này, bác phụ tàu lại lóc cóc đi ra đuôi tàu, kéo cái cần dẫn điện (gắn trên nóc tàu) xuống, rồi lại căn đúng dây điện tuyến đường mới nhả ra, để bánh xe ở đầu cần không ăn lệch sang dây điện của tuyến kia.
Từ thời nhà cháu còn nhỏ, thường xuyên nhảy tàu từ ngã 3 Đoàn Thị Điểm đi Bờ Hồ, tại gốc cây si này chưa thấy có ai thắp hương cúng bái gì cả. Miếu mạo cũng không (hồi đó Chính quyền đang hạn chế các hành vi mê tín dị đoan).
Sau một thời gian khá lâu, nhà cháu bắt đầu thấy lác đác có người cắm hương, rồi tạo lập cái miếu nhỏ. Số lượng hương cắm ngày càng nhiều hơn, tỷ lệ thuận với sự sùng tín hương khói của một bộ phận người dân.
Khi Nhà nước bắt đầu vạt vỉa hè để mở đường lần đầu tại đoạn này, lòng đường ăn vào sát với cây si. Khi đó chắc một số vị chức sắc ngại, không muốn chặt cây có cắm hương. Số lượng hương cắm càng nhiều hơn.
Khi mở đường đợt sau, Nhà nước bứng luôn cây si đi, mọi người vẫn đến cắm hương. Nhà nước rào vị trí này lại bằng hàng rào sắt, mọi người vẫn thò tay qua hàng rào để cắm.
Vài năm sau Nhà nước bứng luôn cả hàng rào, lát gạch toàn bộ vỉa hè đến sát tường bao Quốc Tử Giám, để người đi bộ dẫm lên đó mà lưu thông, việc cắm hương mới vãn dần, mợ ạ (xin xem hình).
Trong hình bên dưới là vị trí trước kia của 2 tuyến tàu điện (vạch màu đỏ), mép vỉa hè (vạch màu vàng) và vị trí cây si (mũi tên màu xanh).