Với tình yêu Hà Nội, họa sỹ Văn Thơ đã mất 5 năm miệt mài nghiên cúu và cho ra đời dự án “Thành phố sông Hồng”.
Dự án này đã được cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giải và được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội.
Họa sỹ Văn Thơ tác giả dự án Thành phố sông Hồng. (Ảnh. Xuân Hải).
Ý tưởng táo bạo
Khuôn mặt trầm tư bên mái tóc bạc dài ngang vai, nhấp ngụm trà nóng, trong căn nhà nhỏ nằm sâu bên đường Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội, họa sỹ Văn Thơ kể cho tôi nghe về sự ra đời cũng như niềm tâm huyết của ông đối với Hà Nội qua dự án Thành phố sông Hồng mà ông là tác giả.
Sinh ra ở miền quê nghèo tỉnh Hà Nam năm 1938, tuổi thơ của họa sỹ Vũ Văn Thơ trôi qua trên những cánh đồng, thửa ruộng đầy lúa, ngô. Năm 1960, ông cùng gia đình chuyển ra Hà Nội và gắn bó với Thủ đô hơn 50 năm qua.
Ông kể, khi ra Hà Nội mỗi khi mùa mưa lũ, lại thấy bà con ở khu vực An Dương, Phúc Xá bồng bế nhau lên khu vực nhà hát lớn để tránh lũ và khi đi bộ trên cầu Long Biên nhìn xuống thấy hai bên bờ sông, bãi bồi bên ngoài hai con đê chính còn rất nhiều đất ẩn khuất bên cạnh là những khu nhà lụp sụp, thấp bé, họa sỹ Văn Thơ đã nuôi ý tưởng phải làm gì đó để sử dụng quỹ đất này đỡ lãng phí và tạo cảnh quan cho Thủ đô. Sau nhiều năm trăn trở, một ý tưởng táo bạo đã ra đời.
Họa sỹ Văn Thơ nhớ lại, hôm ông viết xong bản thảo dự án Thành phố Sông Hồng và gửi luôn cho Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Đỗ Hoàng Ân thì ngay buổi chiều nhận được điện thoại và vị Phó Chủ tịch Thành phố đã đến nhà nói chuyện với họa sỹ.
“Hôm đó, tôi viết xong bản thảo dự án Thành phố Sông Hồng trong khoảng 3 trang giấy, dự án của tôi là sẽ làm con đê mới ngay sát Sông Hồng, rồi điều chỉnh dòng nước, nạo vét, khơi thông dòng chảy của sông Hồng, sông Đuống chạy qua Hà Nội tận dụng quỹ đất bên ngoài 2 con đê cũ hai bên sông dài khoảng 65 km, làm như vậy Thành phố sẽ có thêm 8000 ha quỹ đất để xây dựng một Thành phố hiện đại soi bóng xuống dòng sông. Và để thực hiện điều này rất ít tốn kém vì khu vực này chủ yếu do dân ở tạm nên việc thu hồi đất dễ dàng thực hiện”, họa sỹ Văn Thơ cho hay.
Vừa nói chuyện, ông vừa lục tìm trong đống giấy tờ dự án, rồi giở cho tôi xem bản phối cảnh dự án thành phố sông Hồng. Nhìn những tòa nhà hai bên sông cao ngất soi bóng xuống dòng sông Hồng đã được nắn dòng, nạo vét và xây dựng đê mới sát mép sông cũng như những tòa nhà chọc trời giữa bãi bồi của sông Hồng thật đẹp.
Họa sỹ Văn Thơ nói tiếp: Ông Đỗ Hoàng Ân khi đến nhà tôi đã bảo, ông làm Phó Chủ tịch TP 3 khóa, nhận được khoảng 20 dự án xây dựng liên quan đến việc này nhưng đều giữ đê cũ, không có đề án nào nói di chuyển đê cũ, làm đê mới như của tôi. Ông Ân đề nghị tôi tiếp tục triển khai và hoàn thiện để gửi thành phố xem xét.
Sau đó ông Ân còn giới thiệu cho họa sỹ gặp Viện trưởng Viện Nghiên cứu thủy lợi Tô Anh Tuấn.
Phối cảnh dự án Thành phố sông Hồng của họa sỹ Văn Thơ. (Ảnh. Xuân Hải).
Nỗi niềm tác giả dự án Thành phố sông Hồng
Đến năm 2005, họa sỹ Văn thơ hoàn tất trình lên Thành phố dự án “Thành phố sông Hồng” và dự án “Điều chỉnh dòng chảy của sông Hồng và sông Đuống”. Năm 2005 và 2006, 2 dự án này của họa sỹ Văn Thơ đã được Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa thông tin cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả.
Kể đến đây, họa sỹ Văn Thơ bỗng trầm tư hồi lâu, giọng đượm buồn, ông kể, từ khi hai dự án của ông được hoàn tất và trình lên UBND Thành phố nhưng ông không nhận được bất cứ hồi âm nào.
Bẵng đi một thời gian, đọc trên báo ông thấy có tin UBND TP Hà Nội cùng TP Seoul của Hàn Quốc ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch cải tạo và phát triển hại bên bờ sông Hồng, đoạn chay qua Hà Nội.
Sau đó, Hàn Quốc đã trưng bày dự án thành phố sông Hồng tại Tràng Tiền, Hà Nội, thật bất ngờ nhiều nhà khoa học khi đến xem triển lãm đã điện cho ông và bảo “Dự án của Hàn Quốc rất giống với dự án của Văn Thơ”.
Sau đó tại một số cuộc hội thảo, Cục bản quyền tác giả đã kết luận có việc Hàn Quốc đạo dự án của họa sỹ Văn Thơ, ngay sau đó phía Hàn Quốc đã rút lui và bỏ phương án giống họa sỹ Văn Thơ.
Thời sau, phía Hàn Quốc lại tiếp tục đưa ra phương án mới làm theo sông Hàn và dự án này được trưng bày tại nhà thi đấu Quần Ngựa. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng dự án sông Hà không áp dụng được với sông Hồng, vì sông Hồng khắc nghiệt, lở, bồi hai bên, còn sông Hàn thì hiền hòa.
Tiếp đến năm 2009, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức 2 cuộc hội thảo để đánh giá 2 dự án giữa Hàn Quốc và dự án của họa sỹ Văn Thơ, có sự tham gia cả phía Hàn Quốc. Tại 2 cuộc hội thảo, nhiều nhà khoa học đã phân tích và đánh giá cao dự án của ông.
“Năm 2008, dự án Thành phố sông Hồng của tôi đã được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội cùng với con đường gốm sứ, tôi chỉ muốn dành tâm huyết của mình đối với Thủ đô nên đã dành rất nhiều công sức để nghiên cứu, hoàn thành dự án Thành phố sông Hồng và mong muốn nếu dự án của tôi ưu việt thì Hà Nội xem xét để áp dụng thực tiễn”, họa sỹ Văn Thơ nhấn mạnh.
Tạm biệt họa sỹ Văn Thơ trong chiều muộn, khi qua cầu Chương Dương nhìn những ngôi nhà lụp xụp hai bên, giữa dòng nước đục ngàu phù xa của sông Hồng, tôi thầm hy vọng một ngày nào đó ý tưởng của họa sỹ Văn Thơ sẽ sớm trở thành hiện thực.