“Không được xét nghiệm thì phải làm gì để cứu con tôi đi chứ?”
Khoảng 10h đêm 7/10 tại Bệnh viện Nhi Trung ương, rất nhiều người có con nhỏ đang bị sốt, ho đã tập trung lại với nhau và làm ầm lên chuyện con họ không được xét nghiệm cúm A/H1N1 do bệnh viện đã hết sinh phẩm. Điều đáng nói là họ nhận được câu trả lời này sau khi đã nộp tiền xét nghiệm và chờ đợi suốt hơn một ngày trời.
Mô tả ảnh.
Cha mẹ các bệnh nhi đang bức xúc chất vấn các bác sỹ của Bệnh viện Nhi Trung ương vì cho rằng bệnh viện vô trách nhiệm với số phận và sức khỏe con cái họ (Ảnh chụp lúc 10h đêm 7/10 tại Bệnh viện Nhi Trung ương - C.Q)
Chị Hải Hà, trú tại phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân có con là cháu Nguyễn Hà Phương (7 tuổi) đang bị sốt 39 độ. Theo lời chị, sáng 6/10, chị đã cho con vào Bệnh viện Nhi Trung ương khám và có yêu cầu được xét nghiệm cúm A/H1N1 cho cháu. Đến khoảng 10h sáng 6/10, cháu được xác định nhiễm cúm A (chưa biết là cúm A/H1N1 hay cúm A tuýp khác).
Sau đó, chị Hà nhận được giấy hẹn là 10h sáng 7/10 đến lấy kết quả xét nghiệm cúm A/H1N1 (kết quả xét nghiệm có sau 24 tiếng). Trong thời gian chờ đợi, chị Hà phải đem con về nhà chứ không được nhập viện theo dõi.
Thấy con vẫn sốt cao, bác sỹ lại cho về nhà mà không có hướng dẫn gì thêm là có uống thuốc gì để hạ sốt hay không, chị Hà sốt ruột, lo lắng nhưng không làm gì được vì “bác sỹ đã nói vậy là phải làm theo, chúng tôi đâu có chuyên môn mà đề nghị, yêu cầu này nọ với bác sỹ”, chị nói.
Đến 10h sáng 7/10, theo đúng lịch hẹn, chị đã đến Bệnh viện Nhi Trung ương để lấy kết quả xét nghiệm cúm A/H1N1 cho con. Nhưng khi đến nơi, chị nhận được câu trả lời: “Đúng 9h tối chắc chắn có kết quả, lúc đó quay lại lấy”.
“Tôi ức chế lắm, vì cả nhà tôi đang chờ xem cháu có bị cúm A/H1N1 hay không. Càng để lâu càng nguy hiểm, mà cháu không hề hạ sốt, vẫn 39 độ suốt từ lúc ở viện về”, chị Hà bức xúc kể lại.
Đến 9h tối 7/10, lại một lần nữa chị trở lại bệnh viện (tức là đã 36 giờ kể từ lúc cháu được lấy mẫu bệnh phẩm). Lúc này, thay vì trả kết quả xét nghiệm cúm A/H1N1, chị nhận lại được giấy khám của con mình, trên đó ghi dòng chữ: “Khoa vi sinh hết hóa chất làm xét nghiệm cúm A/H1N1”. Ngoài ra, bệnh viện không hề ghi thêm hướng dẫn xử lý với các cháu như thế nào trong trường hợp không được xét nghiệm.
Mô tả ảnh.
Hóa đơn xét nghiệm trả lại chỉ ghi thêm một dòng chữ: "Khoa vi sinh hết hóa chất làm xét nghiệm cúm A/H1N1" mà không giải thích gì thêm, không hướng dẫn xử lý trẻ em sốt cao như thế nào (Ảnh: C.Q)
Chị Hà nổi đóa: “Thế này là thế nào? Họ để con tôi sốt suốt hơn 1 ngày trời qua để chờ xét nghiệm mà bây giờ họ đưa cho tôi một kết quả như thế này, như thế có vô trách nhiệm quá không? Trong nhà sắp hết gạo thì chủ nhà phải biết chứ? Nếu sắp hết hóa chất xét nghiệm thì phải thông báo sớm để chúng tôi còn biết đường mang con đi chỗ khác chứ? Để chúng nó nằm bẹp ở nhà rồi bây giờ bỏ mặc như thế này sao? Không được xét nghiệm thì phải làm gì để cứu con tôi đi chứ?”.
Không chỉ riêng chị Hà, có khoảng hơn 30 người khác có con nhỏ cũng đang ho, sốt và muốn làm xét nghiệm cũng bị rơi vào cảnh “khóc dở mếu dở” vì cứ nằm không ở nhà suốt hơn 1 ngày qua để chờ kết quả xét nghiệm, cuối cùng đều chưng hửng.
Nhắc đến con trai Lã Chí Thành mới được 15 tháng tuổi đang nằm ở nhà vì sốt 39 độ, chị Lê Huyền Trang (Cầu Giấy) bật khóc nức nở: “Nó mới 15 tháng tuổi. Nếu cứ để sốt thêm mà có chuyện gì thì ai chịu trách nhiệm đây? Bệnh viện không xét nghiệm, cũng chẳng làm cách nào để chữa cho chúng nó là sao? Cứ trả lại một tờ giấy ghi là hết hóa chất là có thể xong được ư?”.
10h đêm, các bậc cha mẹ đã tập trung gây áp lực đòi gặp bác sỹ. Nhưng gặp bác sỹ cũng không giải quyết được gì vì bác sỹ cũng chỉ biết nói là “hết hóa chất”.
“Bệnh viện xin lỗi về sự cố bất khả kháng”
Trước sức ép của người nhà bệnh nhân, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã có mặt tại bệnh viện 30 phút sau đó để giải quyết sự việc.
Sau khi nghe một rừng bức xúc tuôn ra, ông Hải nói: “Bệnh viện xin lỗi bà con vì sự cố vừa rồi. Đây là sự cố bất khả kháng”.
Mô tả ảnh.
Ông Lê Thanh Hải (giữa) đã có mặt tại bệnh viện sau khoảng 30 phút để giải quyết sự việc. Ông Hải thay mặt lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương xin lỗi bệnh nhân vì sự cố vừa rồi. "Đó là sự cố bất khả kháng". Cha mẹ các bệnh nhi vẫn không thoả mãn với câu trả lời của ông Hải, nhưng vấn đề quan trọng nhất là con họ đã được can thiệp y tế (Ảnh: C.Q)
Ông Hải nói tiếp: “Sinh phẩm dùng để xét nghiệm cúm A/H1N1 Việt Nam không sản xuất được, cũng không nhập được mà phải dựa vào một đơn vị tài trợ quốc tế. Đến trưa nay họ đã thông báo cho chúng tôi là họ không có khả năng cung cấp sinh phẩm nữa vì dịch đã bùng phát quá rộng trên toàn cầu. Lượng sinh phẩm ít ỏi còn lại chỉ được sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp mà thôi”.
Do đó, hiện nay, khâu kiểm tra nhanh để xem các cháu có nhiễm cúm A hay không thì bệnh viện làm được. Nhưng để xét nghiệm cho ra cúm A tuýp nào (tuýp A/H1N1 hoặc A/H5N1) thì điều này hiện nằm ngoài khả năng của Bệnh viện Nhi trung ương.
“Tôi nghĩ là sinh phẩm để xét nghiệm cúm A/H1N1 thì phải quan trọng lắm, vì nhà nước luôn tuyên truyền cúm A/H1N1 là bệnh nguy hiểm. Như thế phải có kế hoạch và chiến lược nhập, sử dụng sinh phẩm chứ? Sao lại có thể để những chuyện như thế này xảy ra? Tôi hỏi cả ở Viện Nhiệt đới cũng bảo hết sinh phẩm xét nghiệm. Bộ Y tế luôn nói “hoàn toàn trong tầm tay”, “vẫn kiểm soát được”. Như thế này thì làm sao mà dân người ta yên tâm được?”, chị Hải Hà nói.
Không thỏa mãn với câu trả lời này, các phụ huynh cho rằng vấn đề không nằm ở chỗ sinh phẩm còn hay hết, có nhập được nữa hay không. Họ chỉ quan tâm đến chuyện cứu chữa cho con cái họ bằng cách nào đó mà thôi. Chuyện để con họ tiếp tục ho sốt suốt hơn 1 ngày trời kể từ khi vào viện mà không can thiệp gì, rồi sau đó lạnh lùng trả lời “không xét nghiệm nữa” là việc không thể chấp nhận được. Đó là chưa kể đến thái độ “không chịu nổi” của y bác sỹ trong viện.
Ông Lê Thanh Hải đồng tình với mong muốn trên của người nhà bệnh nhân, đồng thời giải thích: “Việc có được sinh phẩm, bệnh viện hoàn toàn bị động. Chúng tôi rất xin lỗi vì thông báo này không đến sớm được với bà con”.
Giải pháp mà ông Hải đưa ra trong tình huống cụ thể này là: “Đối với các cháu đã vào viện, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại. Nếu cháu nào bị nặng chúng tôi sẽ cho nhập viện và điều trị. Cháu nào nhẹ vẫn trở về nhà và theo dõi triệu chứng tại nhà. Nếu sau đó có biểu hiện nặng thì mới tiếp tục nhập viện”.
“Chúng tôi cũng rất muốn phục vụ trọn vẹn cả những ca nhẹ, nhưng hiện nay bệnh viện đã quá tải quá rồi, tình hình dịch cúm A/H1N1 cũng đã khác trước (dịch đã tràn lan trong cộng đồng) nên chỉ tập trung được cho những ca nặng mà thôi”, ông Hải giải thích.
Ông Lê Thanh Hải cho biết, việc có xét nghiệm hay không không ảnh hưởng đến quá trình và kết quả điều trị bệnh cúm A/H1N1. Nếu cứ dùng thuốc đặc hiệu tamiflu tràn lan sẽ tăng nguy cơ kháng thuốc, thậm chí gây suy gan, suy thận, tăng ảo giác, người bệnh mắc chứng hoang tưởng.
Hiện nay, trên toàn thế giới có khoảng 95% bệnh nhân cúm tự khỏi. Chỉ có khoảng 5% là có biến chứng nặng mà thôi.