Chất vấn của ĐB Trần Luân Kim, Đoàn ĐBQH Phú Yên: "Dư luận đang ngày một lan rộng, không đồng tình với chủ trương khống chế tốc độ các loại ô tô vận hành trên QL1 của quý Bộ. Dư luận cho rằng mức tốc độ được khống chế hiện nay gây trở ngại và lãng phí không nhỏ đối với lưu thông, trong lúc nó không phải là nguyên nhân duy nhất và quan trọng nhất gây ra tai nạn giao thông. Đồng chí Bộ trưởng có thể tìm ra biện pháp tối ưu nào khác không, chẳng hạn chỉ khống chế tốc độ ô tô ở những đoạn đường bắt buộc phải làm như vậy, còn thì có thể nới lỏng hơn, như nhiều nước khác vẫn làm không";
Bộ GTVT xin được trả lời như sau:
Về nguyên tắc, tốc độ của các loại phương tiện cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông không được cao hơn tốc độ thiết kế theo cấp kỹ thuật của đường, như Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4054-98 quy định: đường cấp 1 (6 làn xe), cấp II (4 làn xe), cấp III (2 làn xe) tốc độ thiết kế là 80-60 Km/h (tùy theo lưu lượng xe qua lại trên đường trong một ngày/đêm); đường cấp IV (2 làn xe) tốc độ thiết kế là 60-40 Km/h; đường cấp V (2 hoặc 1 làn xe) tốc độ thiết kế là 40-20 Km/h. Đây là tốc độ tính toán khi thiết kế xây dựng đường bộ, còn tốc độ thực tế trên đường bộ ở nước ta bị hạn chế bởi các nguyên nhân (chưa kể yếu tố thời tiết, địa hình đồi núi) cơ bản sau đây:
- Hành lang an toàn đường bộ bị lấn chiếm, che khuất tầm nhìn của người điều khiển; tạo ra nhiều tình huống nguy hiểm bất ngờ cho người tham gia giao thông. Việc mở đường ngang, đấu nối trực tiếp vào Quốc lộ tạo nhiều điểm giao cắt đồng mức, phá vỡ tiêu chuẩn của Quốc lộ (trừ một số tuyến Quốc lộ cao cấp có rào chắn).
- Các phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ rất nhiều kiểu, loại; với tốc độ khác nhau từ xe thô sơ đến xe cơ giới. Do vậy giao thông trên đường bộ VN là giao thông hỗn hợp; các phương tiện tự kiềm chế tốc độ của nhau vì không đi đúng phần đường, làn đường quy định cho từng loại phương tiện.
- Số lượng ô tô, xe máy ở nước ta trong những năm qua tăng rất nhanh: từ 1990 đến 2000 tăng 6,2 lần; từ năm 2001 đến nay, trung bình mỗi năm tăng 1,5 triệu xe cơ giới các loại (xấp xỉ 30%). Tình trạng gia tăng đột biến phương tiện đã vượt quá khả năng đáp ứng của cầu, đường khiến mật độ phương tiện qua lại trên hầu hết các tuyến Quốc lộ trọng yếu như Quốc lộ 1, 3, 5, 10, 18, 14, 51,... thường là gấp đôi lưu lượng thiết kế.
- Qua thử nghiệm: trong điều kiện bình thường, xe tải 5 tấn chạy tốc độ đều 45 km/h thì từ khi đạp phanh gấp cho đến khi xe dừng hẳn, xe đó đã chạy được đoạn đường 12 mét; nếu xe đó chạy với tốc độ 50 km/h thì đoạn đường tương ứng là 18 mét. Thực tế tại các nước EU người đi bộ va chạm với phương tiện cơ giới lưu thông với tốc độ 50 km/giờ thì xác suất tử vong là 85%, nếu phương tiện đó lưu thông với tốc độ 30 km/giờ thì xác suất tử vong chỉ còn dưới 10% . Khi tăng tốc độ lưu thông thêm 1 Km/h vượt tốc độ trung bình cho phép ở đô thị thì số vụ tai nạn tăng 3%, giảm 1 Km/h so với tốc độ trung bình đó thì số vụ tai nạn giảm 2%.
Ở nước ta, khi chưa tăng cường kiểm tra tốc độ thì nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông do vi phạm tốc độ chiếm trên 30% các vụ tai nạn giao thông đường bộ, đến nay vi phạm tốc độ gây tai nạn giao thông đã giảm xuống 22% đến 24%, nhưng vẫn ở mức cao. Giải pháp này đã góp phần vào kết quả chung là: năm 2003 tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí so với năm 2002, giảm 7.762 vụ tai nạn giao thông (giảm 27,2%), giảm 1.046 người chết (giảm 8,1%), giảm 11.084 người bị thương (giảm 34,8%); năm 2004 tai nạn giao thông vẫn được kiềm chế; trong 10 tháng đầu năm 2005 xảy ra 12.115 vụ tai nạn giao thông làm chết 9.472 người, bị thương 10.192 người, so với cùng kỳ năm 2004 giảm 2.633 vụ tai nạn giao thông (giảm 17,9%), giảm 636 người chết (giảm 6,3%), giảm 3008 người bị thương (giảm 22,8%). Tại các Hội nghị kiểm điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông toàn quốc, các Bộ, ngành, địa phương đều thống nhất việc giới hạn và kiểm soát tốc độ là biện pháp hữu hiệu để kiềm chế gia tăng tai nạn giao thông.
Từ những phân tích nêu trên thì việc quy định tốc độ lưu thông của xe cơ giới phù hợp với điều kiện thực tế của cầu, đường và dân trí là rất cần thiết; Tuy nhiên, đây là một vấn đề rất nhạy cảm, cần phải xem xét giữa lợi ích vận tải với kiềm chế tai nạn giao thông, bảo vệ tính mạng của nhân dân. Vì vậy, trong thời gian qua, Bộ GTVT không đơn phương quy định mà đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp, các cơ quan liên quan và các địa phương nghiên cứu kỹ vấn đề này để điều chỉnh kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và bảo đảm an toàn giao thông.
Nguyên tắc quy định tốc độ tại các quyết định đã ban hành là: Những đoạn đường ngoại thành, ngoại thị cho phép xe cơ giới chạy với tốc độ thiết kế theo cấp đường (80-60 Km/h tùy theo từng loại xe): chỉ hạn chế tốc độ ở đường qua khu đông dân cư (nội thành, nội thị) hoặc do các nguyên nhân thực tế hạn chế; Ví dụ: Quốc lộ 1, sau khi được nâng cấp, cải tạo mới đạt cấp III với bình đồ, trắc dọc, kết cấu mặt đường, độ nhám chỉ cho phép xe ô tô con đến 9 chỗ chạy với tốc độ tối đa là 80 km/h (Riêng đoạn Quốc lộ 1 mới Hà Nội - Bắc Ninh, Pháp Vân - Cầu Giẽ đã cho phép chạy đến 100 Km/h) nhưng nhiều đoạn tuyến Quốc lộ 1 buộc phải quy định hạn chế tốc độ do: 25,5% chiều dài toàn tuyến Quốc lộ 1 là nằm trong đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn), hành lang an toàn Quốc lộ 1 trước đây thông thoáng, hai bên là đồng ruộng hoặc đồi núi thì nay đã hình thành nhiều khu công nghiệp, chế xuất, thương mại, dịch vụ, dân cư, nhà máy,... tự mở nhiều đường ngang đấu nối trái phép vào Quốc lộ tạo nhiều giao cắt đồng mức gây ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ lưu thông trên Quốc lộ 1 .
Vừa qua, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 42/2005/QĐ-BGTVT thay thế Quyết định số 17/2004 quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới lưu hành trên đường bộ để nâng tốc độ tối đa cho phép trên một số đoạn tuyến Quốc lộ đã qua khu vực nội thành, nội thị nhưng có dải phân cách giữa hoặc các đoạn tuyến Quốc lộ đã được xây dựng mới tránh các đô thị hoặc nằm trong đô thị nhưng hành lang an toàn đường bộ thông thoáng thì cho phép chạy với tốc độ như đường ngoại thành, ngoại thị (80-60 Km/h). Trong quá trình dự thảo, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với ngành Công an tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị có sự tham gia của các doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan; Cục Cảnh sát GT đường bộ - đường sắt đã khảo sát việc quy định tốc độ của xe cơ giới ở Nhật Bản và một số nước ASEAN để có cơ sở tham gia ý kiến với ngành GTVT. Trước khi ban hành, Bộ GTVT đã gửi dự thảo quyết định để xin ý kiến của các Bộ, ngành liên quan và UBND 64 tỉnh, thành phố và đều nhận được sự nhất trí cao.
Ý kiến đề nghị quy định tốc độ xe chạy ban đêm cao hơn ban ngày do đường vắng là không phù hợp vì ban đêm các tình huống nguy hiểm bất ngờ cao hơn ban ngày do đường tối, tầm nhìn của người điều khiển bị hạn chế, đèn chiếu sáng của các xe chạy ngược chiều nhau gây lóa mắt người lái. Mặt khác, quy định đó không phù hợp với thông lệ quốc tế và khu vực.
Biện pháp để nâng cao tốc độ lưu thông phương tiện hiện nay là cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ và lâu dài: nâng cấp, mở rộng các tuyến đường cũ, làm thêm nhiều tuyến đường mới để giảm bớt lưu lượng phương tiện, thực hiện lộ trình loại bỏ các loại phương tiện cũ nát, kém an toàn, phân làn giao thông riêng cho từng loại xe, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân như xe máy, ô tô con, phát triển các loại hình vận tải công cộng, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật kết hợp với việc cưỡng chế thi hành pháp luật để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân,... Trong điều kiện kinh tế xã hội của nước ta hiện nay, đòi hỏi phải có thời gian và sự nỗ lực không chỉ của Bộ GTVT mà phải có sự ủng hộ tích cực của các Bộ, ngành và địa phương.