Vấn đề thứ hai: Quy định liên quan đến đường cao tốc trong Luật giao thông đường bộ năm 2008
Đặt hàng của BĐH như sau:
Luật Giao thông đường bộ năm 2008, hiện có 01 điều quy định riêng quy định về giao thông trên đường cao tốc.
Quy định này đưa ra những nguyên tắc chung như việc nhập dòng, ra khỏi đường cao tốc, tốc độ, những phương tiện được tham gia trên đường cao tốc…
Những vấn đề đặt ra:
- Quy định như hiện nay có bất cập gì?
- Hiện nay đường cao tốc là cấp kỹ thuật đặc biệt? có nằm trong hệ thống đường bộ? có gọi là quốc lộ, tỉnh lộ?... (các vấn đề liên quan đến hệ thống đường bộ, cách thức quản lý?)
- Có cần bổ sung không? Bổ sung một chương, một vài điều hay bổ sung trực tiếp vào các nội dung khác đã có?
- Bổ sung những nội dung gì?
- Kinh nghiệm quốc tế trong việc quy định các nội dung liên quan đến đường cao tốc.
Những ý kiến của em về các điểm này như sau:
1. Quy định trong luật GTĐB 2008
Điều 26 trong luật GTĐB 2008 có ghi:
1. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùngtrên đường cao tốc ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông quy định tại Luật này còn phải thực hiện cácquy định sau đây:
a) Khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc;
b) Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc;
c) Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường;
d) Không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường.
2. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùngphải cho xe chạy cách nhau một khoảng cách an toànghi trên biển báo hiệu.
3. Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.
4. Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
2. Những bất cập trên thực tế giao thông thông trên cao tốc và những kiến nghị
a) Về việc vào đường cao tốc
Quy định về việc ra khỏi cao tốc về cơ bản là không cần phải chỉnh sửa gì. Tuy vậy, cần phải xem xét quy định vào đường cao tốc. Với quy định hiện nay thì lái xe hoàn toàn có thể vào cao tốc theo kiểu rất mất an toàn như video dưới đây.
(Địa điểm: Cao tốc Cao Bồ - Cầu Giẽ, nút giao Liêm Tuyền,
Xe có camera hành trình đã giảm tốc độ từ 110 km/h xuống 80 km/h và chuyển làn
để đề phòng xe nhập làn ẩu từ bên phải
nhưng tình huống nhập cao tốc cẩu thả vẫn xảy ra như dự kiến)
Do vậy, nên chăng phải bổ sung thêm quy định tương tự như với việc ra khỏi đường cao tốc đó là “chỉ được chuyển dần sang làn đường phía bên trái phần đường xe chạy”.
b. Quay đầu và lùi xe trên cao tốc
Điều 15 (khoản 4) và điều 16 (khoản 2) Luật GTĐB 2008 đã quy định: các phương tiện khi tham gia giao thông trên đường cao tốc không được quay đầu, không được lùi xe.
Tuy vậy, hiện tượng này vẫn xảy ra, nhất là ở các khu vực nút giao với cao tốc.
Trong Công ước Viên về Giao thông đường bộ 1968, mặc dù không có khái niệm về đường cao tốc như hiện nay nhưng đã có quy định tại điều 25 về motorways và các đường tương tự (hạn chế sử dụng), theo đó, các phương tiện không được phép quay đầu và lùi xe.
Nên chăng chuyển hai quy định về lùi xe và quay đầu xe trên đường cao tốc từ các điều 15 và điều 16 về điều 26 để nhấn mạnh quy định này?
c) Việc dừng đỗ trên cao tốc
Tại khoản 3 điều 26 có quy định: chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định. Vấn đề là nơi quy định chưa được quy định cụ thể, dẫn đến vẫn có nhiều lái xe dừng đỗ xe ở những nơi có vạch kẻ chéo và cũng là những chỗ đường buộc phải mở rộng vì có hầm chui dân sinh phía dưới.
Cũng tại khoản 3 điều 26 có quy định phải báo hiệu cho xe khác biết khi không đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy. Tuy vậy, thực tế cho thấy các xe dừng đỗ khẩn cấp trên làn dừng khẩn cấp mà không có báo hiệu vẫn gây nguy hiểm cho các xe từ phía sau tới, đặc biệt là trong điều kiện sương mù, mưa, tầm nhìn giảm, … Do đó, cần quy định là bắt buộc phải sử dụng mọi biện pháp báo hiệu có thể để báo cho các xe khác. Đây cũng là quy định của nhiều nước trên thế giới.
d) Trường hợp nhập làn trở lại từ làn dừng khẩn cấp
Thực tế trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tuyến cao tốc vành đai 3 trên cao Hà nội cho thấy, khi có một xe rời khỏi làn dừng khẩn cấp, nhập làn trở lại cao tốc đã gây ra nhiều tình huống ùn tắc kéo dài, thậm chí gây va chạm. Lý do là các xe này phải tăng tốc dần từ 0 đến tốc độ tối thiểu 60 km/h trên 1 trong 2 làn được phép sử dụng, các xe từ phía sau tới phải giảm tốc độ hoặc phải chuyển làn, …
Do đó, có nên xem xét cho phép các xe này được phép tăng tốc trên làn dừng khẩn cấp cho tới khi đạt tốc độ tối thiểu rồi mới chuyển sang làn sát phải giống như ở xứ Wales?
(Còn tiếp ạ).