Khú khú em phải note lại mấy lời của cụ. Cụ bonus thêm nghĩa 2 từ sau gác cu và cầm chầu là ntn vậy ?
Dạ để em trích nguồn Internet hầu các cụ ạ:
Có thể bạn chưa biết.
BỐN CÁI NGU
Các cụ dạy:
Ở đời có bốn cái ngu:
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu
Bốn cái ngu xếp hàng ngang nên chả biết được cái ngu nào ngu hơn cái ngu nào, gạch ra thế kia là theo chiều tăng hay chiều giảm của độ ngu.
1. Làm mai
Cái ngu đầu tiên – làm mai, nghĩa là làm ông mai bà mối, mà ở đây là làm mai mối nghiệp dư, toàn người thân quen với nhau, chứ không phải dịch vụ mai mối ăn tiền. Người ta nên duyên chồng vợ thì không sao, thậm chí hầu như chẳng ai biết ơn người làm mai; ngược lại lỡ mà không nên chuyện, người làm mai cũng khó ăn nói với đôi bên, gặp nhau sẽ có đôi chút sượng sùng, thậm chí còn phải chịu tội, bị nguyền rủa. Nên duyên chồng vợ xong cũng chưa hẳn là xong. Đến chồng bát chồng đĩa còn có lúc chạm nhau nữa là chồng vợ. Những lúc đó, người ta có khi lại nghĩ đến mình mà mắng thầm cũng nên. Đã lỡ đi làm mai cho người khác là dại rồi.
2. Lãnh nợ
Là việc cả nể ai đó mà trả nợ dùm hoặc vay tiền cho họ trả nợ cũng như cho mượn tiền để họ làm một việc khác khi chưa hiểu về nhau, hiện nay ngoài đời thường sau khi trả nợ dùm họ sẽ cãi bỏ hoặc lỳ ra không thèm trả nợ mình thậm chí còn tránh mặt và hoặc đối xử với ta một cách phũ phàng, trong khi đó ta bị vướng nợ, đôi khi bị hạ cả uy tín vì bảo lãnh cho họ. Tự dưng đang yên đang lành lại đứng ra bảo lãnh cho người ta vay nợ nhau, người đòi nợ đòi mãi không được cũng phiền, mà người nợ bị đòi riết cũng phiền. Tự nhiên vì mấy đồng vặt mà anh em bạn bè nhìn nhau bằng đôi mắt khác, không còn tự nhiên như trước được nữa. Đôi khi lãnh dùm số tiền nợ của người khác, đứng tên dùm cho một người đi vay ngân hàng chẳng hạn, đến khi người ta không trả thì mình lãnh đủ. Với câu nói này hàm ý muốn nói đừng bao giờ nên dại dột vì cả nể mà tự dưng lãnh nợ cho người khác, nghĩa “lãnh nợ” này được hiểu về tất cả các mặt cả về tiền bạc hay 1 vấn đề nào đó kể cả lấy uy tín của mình để đứng ra bảo lãnh cho họ hoặc hy sinh danh dự, chính trị để làm một việc giúp họ trong hoàn cảnh bê bối nhưng thường là không được sự mang ơn đáp lại, đại loại như là "không ăn ốc mà phải đi đổ vỏ". Vì thực ra thời buổi nào cũng vậy thôi, những người biết mang hoặc trả ơn thì rất ít mà người trả oán và quên ơn lại rất nhiều. Do đó ý muốn nói ai có nợ phải tự trả, đừng có dại mà lãnh nợ dùm, do vậy việc “lãnh nợ” được các cụ xếp vào “cái ngu” thứ hai.
3. Gác cu
Một cái ngu khác là đi bẫy cu, người xưa đi bẫy chim cu gọi là gác cu, phải nấp một chỗ mà gác. Họ phải làm dùng 1 con cu trống để dụ chim cu đến rồi giật bẫy để bắt. Trước khi đi bẫy chim cu, người “gác cu” phải tốn khá nhiều công, nhiều của và thời gian để chọn, nuôi và thuần dưỡng được 1 con chim mồi của mình để làm mồi bẫy con chim khác. Đại loại như: Xem tướng chim cho kỹ, nhất là hàng cườm trên cổ để bảo đảm có tiếng gáy dài. Lúa phải xát cho sạch mày để khỏi làm hư họng chim tạo không tốt cho tiếng gáy, đồ đựng nước phải đảm bảo thật vệ sinh, trông chừng không cho chim dẫm vào phân của chính nó, nếu dẫm phải thì sẽ bị liệt giò và thường xuyên phải “tập gù” với chim để luyện giọng và giữ nhịp tiếng gáy thật tốt có như vậy mới quyến rũ được các con chim khác sa bẫy.v.v. tất cả các bước như vậy là quá trình rất vất vả của người “gác cu”.
Vất vả nuôi cu như vậy, mà nếu không cẩn thận thì chim sẽ “sổ lồng” và bay mất mà không hề “ngoảnh lại” để nhớ lại cái công của người chăm sóc nuôi dưỡng nó. Trước cái tính vô ơn, bạc nghĩa của chim cu khiến người nuôi bị mang tiếng là “ngu”. Câu ca dao này cũng muốn nói con người ta cũng không nên quá “ôm rơm mà rặm bụng” vì ở đời có nhiều người vì tình cảm con cháu mà cưu mang độ thế qua nhiều, nhưng thử hỏi khi chúng lớn khôn, có của ăn của để chưa chắc đã nhớ tới người chăm no nuôi dưỡng, nếu người nuôi dưỡng chỉ vì một sơ xuất nhỏ thì kẻ vong ơn bội nghĩa sẽ sẵn sàng chê trách hoặc quay lưng lại với chính chúng ta, người nuôi dưỡng lúc đó sẽ trở thành “công cốc” và chẳng thể trách ai.
Nhưng điều khó khăn nhất là khi bẫy cu. Con chim rừng thấy con chim mồi là kẻ xâm phạm lãnh thổ, sẽ bay lại hót thị uy. Con chim mồi đáp lễ, con chim rừng lại hót, hai con cứ hót qua hót lại như vậy cho đến khi con chim rừng đáp xuống tấn công, bẫy sập. Bẫy cu mà không tinh, không khéo, thì sau khi phải tốn công nuôi chim mồi, rồi ngồi bất động để dụ chim, mặc cho muỗi đốt, kiến cắn, nếu không dụ được con cu đẹp, có giọng, mất công nấp kín một chỗ cả buổi mà không nên chuyện. Lại có khi con cu rừng và con cu mồi vờn nhau, kỳ phùng địch thủ, hót cả ngày, người gác cu nghe mê mệt đến nỗi mất cảnh giác, bị cọp vồ. Cụ Sơn Nam cũng từng kể câu chuyện ông già gác cu suýt bị cọp vồ là vậy.
4. Cầm chầu
Giờ nói đến cái ngu thứ tư trong bài viết này: cầm chầu. Không hiểu sao nó được xếp cuối cùng, vì đó là cái ngu lớn nhất hay vì là cái ít ngu nhất?
Để hiểu được vì sao cầm chầu lại được xếp trên bảng vàng bốn cái ngu, trước hết phải biết cầm chầu là gì, người cầm chầu là ai. Cầm chầu là một thú chơi tao nhã của bậc tao nhân mặc khách; người cầm chầu còn được gọi là quan viên. Việc cầm chầu là một hoạt động đặc trưng trong ca trù hoặc hát ả đào, khi người thính giả được tham gia một cách trực tiếp vào canh hát. Ba nhạc cụ chính của ca trù là đàn đáy, cỗ phách, và trống chầu, thì người cầm chầu xưa thường không phải là thành viên trong đoàn hát hay một nhạc công chuyên nghiệp, mà là người nghe có hiểu biết về văn học, về các làn điệu ca trù qua tiếng đàn tiếng hát, khổ phách. Việc này thuở xưa khi làng nào có đám lại gọi phường hát đến diễn mua vui, nếu hay thì thưởng tiền. Những khi làng có hội, mở canh hát ở cửa đình, các quan viên, thường là chức sắc trong làng sẽ cầm chầu. Anh ta tham gia canh hát với tư cách thính giả, một thính giả đặc biệt, sử dụng trống để chấm câu sau mỗi câu hát, khổ đàn, và cũng để khen – chê ca nương, kép đàn. Họ được trả công tuỳ theo tài hát của gánh hát, nhưng người đánh trống phải là người của làng được chọn ra và có vai trò quan trọng phải dùng tiếng trống chầu để điều hành và cổ vũ phường hát.
Người thính giả đặc biệt này sử dụng trống để khen, chê đào, kép, cũng như đánh dấu chấm câu sau mỗi câu hát. Nếu người đánh trống đánh “cắc” có nghĩa là chê phường hát dở, còn nếu đánh nhiều nhịp “tùng” là ý khen phường hát tốt. Mỗi tiếng vào tang trống là một lần tấm thẻ tre được quẳng vào thau đồng. Cuối canh hát, người ta cứ dựa vào số thẻ tre trong thau đồng mà tính ra số tiền phải thưởng cho đào nương, kép đàn. Chữ Hán “trù” là “thẻ”, đó cũng là một trong những lý do tạo nên cái tên “Ca Trù”.
Vấn đề là người lãnh trách nhiệm quan viên phải biết cách nghe, đã khen thì khen thẳng cánh, khen đúng thì không ai nhớ, nhưng khen nhiều, lúc thưởng tiền cho ca nương kép đàn lại lên cơn tiếc. Người cầm chầu cũng phải biết khen, chê đúng chỗ, đúng lúc, chấm câu sao cho nhã, không đánh tống khẩu, đánh trống như đấm vào mồm ca nương. Giữa bàn dân thiên hạ mà đánh trượt, mải ngắm đào hát mà quên chấm câu, khen chê bừa bãi thì ê mặt lắm, xung quanh bao nhiêu kẻ cầm chầu đến mòn cả trống đều biết. Bỗng dưng mình hóa ra kẻ chơi trèo, văn hóa lùn mà thích phô trương. Ngay đến cả canh hát ở nhà riêng, chỉ có mình, một đôi người bạn thân, với cô đầu mà cầm chầu không đúng cũng ê mặt như thường. Ê mặt với bạn một, mà ê mặt với cô đầu mười. Cô đầu sẽ coi gã này như kẻ trọc phú giàu xổi, ăn chơi nửa mùa đua đòi ra tao nhân mặc khách cho hợp mốt mà thôi.
Hơn nữa, nếu người cầm chầu khen nhiều quá thì làng phải chi nhiều tiền thưởng cho phường hát, nếu làng chi ít tiền thì người cầm chầu phải bỏ tiền túi mình ra mà chi cho phường hát. Nếu người cầm chầu khen ít thì lại bị phường hát chê trách và cho là keo kiệt làm tổn hại đến danh dự của phường hát và như vậy họ sẽ không được hội làng và người thưởng thức cho tiền, lúc đó phường hát bội có thể thông qua vai diễn để châm biếm đả kích nguyền rủa người đánh trống. Vì vậy mà người đánh trống khó mà làm vừa lòng cả 2 được.
Qua hình ảnh người đánh trống chầu để nói lên cái vô lợi của người “làm dâu trăm họ” để chẳng mang lại cái gì cho bản thân, phường hát hay thì được thưởng tiền còn kẻ đánh trống chẳng được gì mà còn bị thiệt đi hoặc thiên hạ chê cười. Do vậy ở đời này nhiều cái quả thật là bất công, vô ơn và khó nói, nhất là những ai cứ bỏ công bỏ sức để giúp kẻ khác nhưng không được mang ơn, nên ở đời việc gì cần tránh thì nên tránh, vì vậy các cụ coi việc “cầm chầu” là cái ngu thứ tư.
Trong số 4 cái ngu được các cụ liệt kê, 2 cái ngu trước là mang tính xã hội, hai cái ngu sau đầy chất cá nhân. Quan trọng là biết ngu, nhưng người ta vẫn cứ lao vào, lao mạnh. Thế mới là con người.
Suy ra, thì "4 cái ngu" trên đời là khuyên người tránh can thiệp vào chuyện tình duyên, chớ lao vào cảnh nợ nần, không theo đuổi việc viễn vông, và đừng lãnh cái chân phải khen chê người khác (khổ nỗi dạo này có một số nghệ sĩ thích khen chê người khác công khai trên mạng xã hội nên dễ bị công chúng ghét)!
Nguồn: Vietnamese Arts & Culture - Văn Hóa & Nghệ Thuật Việt Nam