Chơi đồ sứ thế kỷ 20
Thế kỷ 20 mới đó mà đã xa chúng ta, phàm cái gì đủ trăm năm tuổi đã được xem là đồ cổ, đồ xưa, thậm chí có khi còn ít hơn, chỉ năm sáu mươi năm. Như vào thập niên 1950, 1960 những món đồ sứ sản xuất vào đời vua Quang Tự nhà Thanh (Trung Quốc) đã được các nhà sưu tập trưng bày vào tủ trân tàng.
Năm 1900, năm cuối cùng chia tay thế kỷ 19, đó cũng là năm Từ Hy thái hậu dẫn vua Quang Tự cùng triều thần chạy về Tây An lánh nạn 8 nước liên quân đánh phá kinh thành Bắc Kinh. Đồ sứ ghi niên hiệu Quang Tự đến giữa thế kỷ 20 chỉ mới “trung niên” đã được sưu tầm, cất giữ. Thậm chí lúc ấy có người lùng mua cả đồ non tuổi hơn, ghi niên hiệu Tuyên Thống (tức Phổ Nghi – 1909) hoặc Hồng Hiến (Viên Thế Khải – xưng đế năm 1915, tại vị 83 ngày) đến đỏ con mắt, nhưng vẫn rất hiếm hoi.
Nói vậy để thấy, giữa thế kỷ 20 việc săn tìm đồ sứ xưa đã trần ai. Những ai đã đọc bộ
Hiếu cổ đặc sancủa cụ Vương Hồng Sển, xuất bản vào những năm 1970-1972 lại càng thấm thía chuyện này hơn.
Vậy mà bây giờ hàng ngày vẫn thấy nhiều người túc trực ở phố Lê Công Kiều (TP.HCM) hoặc lùng sục về các tỉnh, hy vọng sẽ mua được những món đồ cổ Trung Hoa ký niên hiệu Tuyên Đức, Thành Hóa (Minh), Khang Hy, Ung Chính, Càn Long (Thanh) hay đồ sứ men lam hiệu Nội Phủ thời Lê – Trịnh (Việt Nam đặt làm).
Người viết bài này vào những năm 20 tuổi, lúc đó đang trốn lính ở Sài Gòn, được một số anh em đùm bọc tại nhà in của bà Linh số 55B Hồ Xuân Hương Q.3 (sau giải phóng là chi nhánh Công tư hợp doanh in số 1), được tổ typo giao nhiệm vụ đọc morasse lần 1 (sửa lỗi sắp chữ do ấn công) mấy quyển sách viết về đồ xưa của cụ Vương Hồng Sển đặt in tại đây. Lúc đó còn trẻ, thấy chơi đồ xưa sao mà nhiêu khê quá. Mất công mất của đeo theo món đồ muốn hụt hơi, đến chừng cầm được trên tay thì là đồ hư, đồ bể, lại cứ khăng khăng cho thứ mình có là trân báu nhất trên đời(!)
Sau đó, dù không chú tâm mấy món đồ sứ xưa nữa, nhưng suốt quãng đời của tôi, cứ thỉnh thoảng lại bị những câu chữ của cụ Vương ám ảnh. Và tôi đã từng “vác” tiền ra nhà Khai Trí (nhà sách Sài Gòn bây giờ) mua quyển
Trung Hoa quốc bảo (Hong Kong xuất bản, bộ 2 cuốn, cuốn kia là tranh và thư pháp) về xem hình màu cho mãn nhãn. Sở dĩ nói vác tiền vì giá cuốn sách rất đắt (tôi quên mất bao nhiêu), nhà sách trưng ở kệ kính trên cùng, ngăn đụng trần cao nhất, mấy cô nhân viên mặc áo dài phải bắc thang leo lên đem sách xuống. Vì không chuẩn bị trước, tôi đỡ quyển sách nặng khuỵu cả tay (sách khổ lớn, in trên giấy dày, quyển này tôi vẫn còn giữ).
Quyển “Trung Hoa Quốc Bảo” xuất bản năm 1970, bản in Hongkong
Tôi bỏ tiền ra mua món đồ sứ đầu tiên là vào khoảng cuối năm 1975, đó là cặp bể (chậu) cắm hoa hình chữ nhật để bày bonsai, hay chưng Thủy tiên ngày Tết. Tôi thích cặp bể vì kiểu dáng chứ không phải vì nó xưa cổ, người bán là ông Pho bày hàng ở lề đường ngay đầu phố Lê Công Kiều (sau này tôi có đến nhà của ông ở hẻm Thủ Khoa Huân, cửa Nam chợ Bến Thành). Ông lật trôn cặp bể cho tôi thấy bốn chữ “Càn Long niên chế” đỏ chót trong ô vuông đóng khung đôi. Càn Long niên chế thì đã sao chứ? Thời điểm đó đời sống rất khó khăn, ai có tiền chơi đồ xưa, đang đổ bán nhiều trên lề đường?
Tôi đem cặp bể về nhà, thỉnh thoảng lấy ra săm soi và không tin nó được làm vào đời Càn Long, mặc dù lạc khoản niên hiệu đúng như trong sách nói, có dấu cát kê khi nung trong lò, đúng chuẩn Cảnh Đức trấn. Bạn bè thấy cặp bể đẹp, dáng lạ, nhà có đám tiệc thường mượn để cắm bông, có người còn hỏi tôi đồ Càn Long cổ quý sao để đi lang bang vậy?
Sở dĩ tôi biết cặp bể này không phải Càn Long, vì mọi thứ từ cốt gốm, bút pháp đề thơ, hình vẽ, nước men, lạc khoản…đều có thể bị nhầm, nhưng tôi không nhầm vì là dân ăn cơm nhà in, trên mép bình có in thêm viền hoa văn rất nhuyễn, in màu đen trên lớp men sau khi món đồ đã nung xong, nhìn là biết làm vào những năm đầu Trung Hoa Dân quốc, thế kỷ 20.
Lạc khoản “Càn Long niên chế”
Nói dài dòng như vậy để giải thích vì sao tôi chú ý dòng đồ sứ Trung Hoa thế kỷ 20. Tôi nghĩ mình thích những món lành đẹp, thì chỉ có những thứ như cặp bể này mà thôi. Thế là tôi trở lại gian hàng ông Pho mua bộ đèn sứ cùng loại men màu và lối vẽ tương tự (sau này tôi mới biết là bút pháp của nhóm Chu Sơn bát hữu rất nổi tiếng ở đầu thế kỷ 20), còn lành nguyên, không chút tì vết. Đã hơn 30 năm, tôi không nhớ rõ giá cả các món mình mua, nhưng chắc chắn là nó không đắt lắm, vì sau đó tôi còn mua nhiều lần những chén trà lẻ bộ, dầm và bình trà men lam vẽ tích Bá Nha – Tử Kỳ, Lân giáo tử, Ngũ liễu, Tam hữu, Mẫu đơn điểu, Mãn họa tùng đình…lạc khoản ghi Nội phủ, Ngọc, Trân ngọc, Ngoạn ngọc, Nhược thâm trân tàng… và cả Thành Hóa, Khang Hy, Càn Long niên chế. Tất cả theo tôi đều là đồ sứ được làm vào những năm đầu thế kỷ 20, hoặc giả món xưa nhất cũng chỉ đến đời vua Quang Tự nhà Thanh là cùng.
Tới đây cần phải nói rõ rằng, tôi không phải nhà sưu tầm đồ cổ, tôi chỉ mua những món mình thích và chúng chẳng ăn nhập gì với nhau, như chén trà thì không đủ bộ hoặc không có dĩa, trong khi dĩa thì khác kiểu mà lại mồ côi. Lọ chưng hoa, ống cắm bút, bình trà, chén ăn cơm…cứ cái nào còn nguyên hoặc “re” nhẹ, giá mềm thì mua. Số lượng không nhiều và chúng đã theo tôi hơn 30 năm. Trong số đó, ngoại trừ mấy chén trà lạc khoản đề chữ “Nhật” và vài món có tuổi, số còn lại là đồ sứ Cảnh Đức trấn sản xuất vào những năm đầu thế kỷ 20.
Bẳng đi mấy chục năm không để tâm đến đồ sứ nữa, gần đây bỗng giật mình khi thấy nhiều món rao bán trên mạng, được “giao lưu – cổ vũ” là Minh Thành Hóa, Thanh Khang Hy hay tệ nhất cũng thế kỷ 18, 19…Giật mình vì những món được khen là “sâu tuổi”, nhưng nhìn qua ảnh cũng biết phần lớn là đồ sứ dân dụng, sứ giả cổ, sản xuất trong thế kỷ 20, thậm chí có những món tuổi đời chỉ từ thập niên 1980 trở lại đây…
Thật ngại khi phải lên tiếng về một lĩnh vực không phải chuyên môn “ruột” của mình, nhưng tôi hy vọng với cái tỉnh táo của một người ở ngoài cuộc chơi, có thể giúp ích cho những ai bắt đầu si mê đồ sứ cổ, cũng kịp tỉnh táo trước một món mình ham muốn.
Vậy, người mới vọc vạch chơi làm sao có thể phân biệt được đâu là đồ sứ cổ, đồ kiểu (gọi là đồ kiểu – chén kiểu, tô kiểu, dĩa kiểu như ông bà mình vẫn gọi là chính xác), đồ giả cổ…trong cái mê hồn trận này? Chỉ có cách là, sau khi đã phân loại như trên, người chơi cứ bám vào từng hạng mục mà suy xét, tự mình nghiền ngẫm về phong cách thời đại của từng sản phẩm, mà đánh giá:
Đồ sứ cổ
Đối với đồ sứ cổ cần phân làm 2 loại:
1. Đồ sứ cung đình: tức đồ sứ do lò ngự, lò quan và đôi khi có cả lò dân ở Cảnh Đức trấn tham gia sản xuất, dùng trong cung đình hoặc vua chúa ban cho triều thần, quà tặng ngoại giao dành cho vua quan các nước lân bang. Phần lớn lạc khoản ghi niên hiệu bằng chữ Triện, như: Đại Minh Thành Hóa Niên Chế, Đại Thanh Khang Hy Niên Chế…Mục đích sử dụng các món đồ sứ này được ghi chép rõ ràng trong thư khố, theo từng danh mục.
Tôi dám chắc rằng ở Việt Nam, hiếm có người làm chủ được một món đồ sứ cung đình Trung Hoa, vì ngay ở Viện bảo tàng Cố cung Bắc Kinh loại này cũng không nhiều, mà nó hiện đang nằm tại Viện bảo tàng Cố cung Tân Lầu, thành phố Đài Bắc, Đài Loan.
Khoảng năm 1986, tôi nhờ một người quen là thủy thủ tàu viển dương mua được quyển
Cố cung bác vật viện tàng bảo lục, bản in lần thứ nhất tại Hong Kong tháng 12 năm 1985. Tác giả đề tựa quyển sách là Lý Nghị Hoa, làm việc tại phòng nghiên cứu Viện bảo tàng Cố cung Bắc Kinh đồng thời là giám đốc nhà xuất bản Tử Cấm Thành, trong phần lời tựa ông viết như sau:
“Gốm sứ thời đồ đá mới trưng bày trong Viện bảo tàng Cố cung chủ yếu là những cổ vật được khai quật sau giải phóng, đã phản ánh những thành tựu trong công tác khảo cổ của nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.Về các cổ vật gốm sứ cung đình của hai triều đại Minh – Thanh, tác giả này viết:
“Nguồn gốm sứ hiện thời Viện bảo tàng Cố cung (Bắc Kinh) đang lưu giữ, có thể gợi nhớ đến những vật phẩm trong cung đình nhà Thanh, từng được lưu giữ ở Tử Cấm Thành trước đây, một số bị phân tán ở các nơi khác như vườn Viên Minh, sơn trang nghỉ mát Thừa Đức, Thẩm Dương. Sau Cách mạng Tân Hợi, năm 1914 tại Đại tam điện Cố cung đã xây dựng khu trưng bày cổ vật, các văn vật ở các nơi được mang về bổ sung…”
Tôi gạch dưới hai chữ "gợi nhớ" để bạn đọc lưu ý đoạn văn này. Đối với số cổ vật gốm sứ cung đình Trung Hoa, chủ yếu là của hai triều đại Minh – Thanh hiện bị “lưu lạc”, ông Lý Nghị Hoa cho biết, vào tháng 10 năm 1925, sau khi hoàng đế cuối cùng của đế chế phong kiến Trung Hoa là Phổ Nghi rời cung, Viện bảo tàng Cố cung được thành lập trong hoàng thành, tiếp nhận toàn bộ đồ sứ cung đình từ các nơi tập kết về, phối hợp quản lý cùng với khu trưng bày các sản vật cung đình khác. Sau sự kiện Lư Cầu kiều ngày 18.9.1931 quân phát xít Nhật đánh chiếm vùng đông bắc Trung Quốc, những cổ vật quý hiếm bao gồm cả đồ sứ cung đình được sơ tán đến Thượng Hải và Nam Kinh, sau đó chia 3 đường phân tán đến Quý Châu, Lạc Sơn và Nga Mi. Năm 1945, Nhật Bản bại trận đầu hàng, hầu hết cổ vật được chuyển về Bắc Kinh, lưu giữ ở Viện bảo tàng Trung ương. Những ngày tháng trước khi nhà nước CHND Trung Hoa thành lập, Tưởng Giới Thạch khi chạy sang Đài Loan đã kịp mang theo toàn bộ những gì thuộc Viện bảo tàng Trung ương và cất giữ tại Đài Trung. Năm 1965, Viện bảo tàng Cố cung (Tân Lầu – Đài Loan) được xây dựng xong ở Sĩ Lâm, Đài Bắc, dùng làm nơi cất giữ trưng bày cổ vật, trong đó có hơn 20.000 món gốm sứ cổ.
Để nhắc nhở đời sau, ở phần cuối Lời tựa, tác giả Lý Nghị Hoa nhấn mạnh:
“Đây là tình hình khái quát về gốm sứ cổ của Trung Quốc mà hiện nay Viện bảo tàng Cố cung đang cất giữ và bị thất lạc”.
Tôi nghĩ, biết được điều này chắc không ai dám bỏ ra vài chục, vài trăm triệu, thậm chí bạc tỷ để mua những món sứ ghi niên hiệu Thành Hóa hay Khang Hy niên chế, ngoại trừ khi món đồ đã được giám định đáng tin cậy.
2. Đồ sứ dân dụng: là đồ gốm sứ được các lò dân sản xuất đại trà dưới các triều vua ở Trung Quốc, chủ yếu là những vật dụng phục vụ cho đời sống hàng ngày của người dân bản địa và buôn bán, trao đổi hàng hóa với các nước khác. Đặc biệt từ thế kỷ 15, các lò sứ ở Cảnh Đức trấn đã xuất khẩu ra nước ngoài lượng hàng hóa rất lớn, việc buôn bán này kéo dài hầu như suốt hai triều Minh – Thanh, đến những năm đầu Dân quốc vẫn chưa kết thúc và hiện nay đã được nối lại bởi những nhà buôn đồ sứ Cảnh Đức trấn cùng với nhiều mặt hàng khác.
Tiêu biểu cho loại gốm sứ này là những cổ vật khai quật được từ các con tàu cổ bị chìm, mà chúng ta còn thấy nhiều, như đồ gốm sứ dân dụng thời Ung Chính nhà Thanh khai quật từ tàu cổ Cà Mau năm 1998-1999, gốm sứ đời Minh (thế kỷ 15, 16, 17) khai quật từ hai tàu cổ Cù Lao Chàm năm 1997-1999 và tàu cổ Bình Thuận năm 2002. Những ai đang có trong tay những món khai quật được từ 3 con tàu cổ này, đều có thể an tâm nó đúng là cổ vật, đúng đời, đúng tuổi.
Bình cắm hoa hiệu đề “Khang Hy niên chế”, bị bể mất từ cổ trở lên
Bộ trà "Trúc Lâm thất hiền", đồ sứ thế kỷ 20
Đồ kiểu
Bên cạnh đó, các gia đình ở Việt Nam hiện còn lưu giữ một lượng khá nhiều đồ thờ cúng, đồ dùng trong nhà là gốm sứ dân dụng, do ông bà xưa để lại, trong đó có nhiều món lạc khoản ghi niên hiệu Thành Hóa, Khang Hy, Càn Long…nhưng chỉ được sản xuất vào những năm đầu thế kỷ 20. Những loại này trước 1975 ở miền Tây không nghe ai gọi là đồ cổ, mà là đồ kiểu, nguyên do là những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi đặt hàng cho thương lái, các chành vựa ở kênh Tàu Hủ, kênh Lò Gốm, chợ Bình Tây hay các chợ dọc theo sông nước Nam bộ, mọi người thường dùng hàng mẫu để ra kiểu dáng đặt hàng, gọi là kiểu. Vì vậy, khi đem ra sử dụng được gọi là đồ kiểu: Chén kiểu, dĩa kiểu, tô kiểu… (ý nói đồ đặt làm, đồ quý, con cháu phải giữ gìn).