Xét xử vụ Gang thép Thái Nguyên: Cựu tổng giám đốc TISCO phủ nhận vai trò chủ mưu
TTO - Trước tòa, cựu tổng giám đốc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) Trần Trọng Mừng phủ nhận vai trò chủ mưu, cho rằng việc chọn nhà thầu phụ là Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam vì có thứ trưởng Bộ Công thương giới thiệu.
Là người đầu tiên trả lời xét hỏi, ông Trần Trọng Mừng cho rằng cáo trạng nói ông là người chủ mưu, cầm đầu trong vụ án là không đúng.
Ông Mừng trình bày ở dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, TISCO có rất nhiều hợp đồng, nhiều gói thầu, trong đó có gói thầu đã ký hợp đồng EPC số 01 với Tập đoàn Khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).
Theo cáo trạng, dự án này có 2 gói thầu lớn là khai thác quặng sắt (đấu thầu trong nước) và gói thầu dây chuyền luyện kim khu vực Lưu Xá.
Năm 2012, ông Trần Văn Khâm, tổng giám đốc TISCO, ký văn bản gửi Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) xin chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 8.100 tỉ đồng, tăng hơn 4.200 tỉ đồng. Viện kiểm sát cáo buộc việc nâng giá đầu tư này là vô căn cứ và vi phạm hợp đồng.
Tại tòa, ông Mừng khai dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỉ đồng, có tiền dự phòng cho cả dự án. Hợp đồng EPC số 01 ký với MCC có tổng giá trị 160 triệu USD. Khi ký hợp đồng với MCC, hợp đồng có điều khoản thưởng phạt. Khi ký xong hợp đồng, TISCO đã tạm ứng khoảng 35 triệu USD cho MCC.
"Quá trình thực hiện hợp đồng nhà thầu có vi phạm. Khi MCC có vi phạm, TISCO đã nhắc nhở, đốc thúc. TISCO có báo cáo việc chậm hợp đồng lên VNS, Bộ Công thương" - bị cáo Mừng khai.
Hội đồng xét xử hỏi: Tại sao không phạt hợp đồng, thu hồi 35 triệu USD tạm ứng khi MCC có vi phạm? Ông Mừng cho biết đơn vị đã đề ra và xem xét hết sức thận trọng thì luôn nhận được sự chỉ đạo từ VNS đến Bộ Công thương nói tìm các biện pháp.
Tại tòa, ông Mừng khai ngoài việc báo cáo cấp thẩm quyền, TISCO đã nghiên cứu, có báo cáo bằng văn bản gửi VNS, Bộ Công thương, có đề cập chuyện dừng hợp đồng, kiện MCC ra tòa án quốc tế, thu hồi tiền tạm ứng.
Tin vào nhà thầu phụ, gây thất thoát 830 tỉ đồng
Nói về Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON), bị cáo Trần Trọng Mừng khai TISCO là đơn vị đề nghị VINAINCON là nhà thầu phụ.
Nhưng theo ông Mừng, đề nghị được thực hiện trên căn cứ VINAINCON có đơn xin làm hợp đồng, có giới thiệu của Bộ Công thương. TISCO cũng có kiểm tra lại năng lực của đơn vị này. Đáng chú ý, theo ông Mừng, thời điểm đó một thứ trưởng Bộ Công thương đã trực tiếp giới thiệu VINAINCON.
Trước khi nghỉ hưu, ông Mừng đã có một văn bản báo cáo toàn bộ về dự án, trong đó có giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ. Đồng thời đề nghị điều chỉnh phần C của hợp đồng theo hình thức trọn gói, điều chỉnh một lần, chứ không phải theo đơn giá.
Ông Mừng thừa nhận trách nhiệm trong việc giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ, đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm 15,57 triệu USD: "Cái sai của bị cáo là chưa đủ cơ sở để tính toán đã tin hồ sơ của nhà thầu, tin sự giới thiệu của cấp trên".
Cơ quan công tố xác định việc chấp thuận VINAINCON làm nhà thầu phụ thực hiện phần C của hợp đồng, trong khi VINAINCON không đủ năng lực dẫn đến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh tăng lãi vay, tăng chi phí đầu tư... gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước hơn 830 tỉ đồng.