E đọc đc cái này trên báo, copy về các cụ nghiên cứu thêm....
Cuộc chiến 3 tháng ròng với căn bệnh đại tiện của con
Tôi là một bà mẹ trẻ và có con từng bị táo bón từ khi 2 tháng tuổi. Ba tháng trời vợ chồng tôi vật vã từng ngày, lo lắng, thậm chí dẫn đến stress vì chuyện đại tiện của con.
Bây giờ bé đã được 11 tháng tuổi, thông minh, khỏe mạnh, và quan trọng hơn là đã hết hẳn bệnh.
Từ khi sinh ra, con tôi bú mẹ hoàn toàn. Bé phát triển bình thường cho đến tháng thứ 2 bắt đầu có dấu hiệu táo bón. Hai ngày mới đi đại tiện một lần, rồi đợt tiếp theo là 3 ngày, 5 ngày kế tiếp, kèm theo đó là xì hơi nhiều, rất to và thối, phân dẽ, kết dính, có triệu chứng nôn trớ, bú kém. Bé bứt rứt, khó chịu…
Qua tìm hiểu, tôi biết được rằng có 2 nguyên nhân dẫn đến táo bón là:
- Nguyên nhân cơ năng (cấp tính) có thể táo bón vài ngày đến vài tuần. Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn thì có thể do mẹ bị bón, cần thay đổi chế độ ăn hợp lý nhiều chất xơ… Còn nếu trẻ bú sữa công thức, nên chọn loại sữa có thành phần chất xơ tự nhiên cao, pha sữa đúng chỉ dẫn...
- Nguyên nhân tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa (mãn tính) có thể bón sớm, ngay từ khi mới sinh hoặc muộn hơn và kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, thậm chí cả năm nếu cha mẹ không chữa trị sớm cho bé.
Đầu tiên tôi tìm hiểu từ nguyên nhân thứ nhất. Cải thiện chế độ ăn cho mẹ, ăn nhiều rau quả hơn như rau lang, rau mùng tơi luộc, canh khoai, đu đủ chín, chuối chín, thanh long, cam, bưởi… Kiểm tra lượng sữa bé bú có đủ không bằng cách theo dõi tiểu tiện của bé, bé tiểu trên 15 lần một ngày, nước tiểu vàng nhạt, nhiều. Vậy là bé bú đủ số lượng.
Sau một tuần áp dụng mà bé vẫn chưa cải thiện được tình hình. Tôi đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa nhi. Bác sĩ kê toa gồm: men tiêu hóa vi sinh, thuốc nhuận tràng và vitamin C. Vẫn không tiến triển gì, bé chậm lên cân. Tôi lo lắng thực sự vì có thể bé bị bón do nguyên nhân thứ hai.
Tôi lại đưa bé đến Bệnh viện nhi đồng 2. Bác sĩ cho chụp X-quang đường ruột và kết luận: dài đại tràng nên không tự đại tiện được, để lâu phân tích lại mới sinh ra bón. Bác sĩ kê toa: Dufalac 1 ngày 2 lần, mỗi lần 1/2 gói, song song với việc nong hậu môn vào một giờ nhất định trong ngày để hỗ trợ và tập cho bé thói quen đại tiện mỗi ngày.
Một tuần sau tái khám. Quả nhiên hiệu quả, bé tự đại tiện được, một ngày 2 lần, phân lỏng, bú được nhiều, dễ chịu hẳn, giảm nôn trớ, nhưng lại chậm lên cân.
Tôi lại đưa bé đi tái khám. Qua tìm hiểu, thì ra là do bẩm sinh, có thể bệnh sẽ tự hết khi lớn với điều kiện mẹ biết cách xử trí phòng ngừa táo bón cho con. Nếu để lâu bệnh sẽ trầm trọng và khó điều trị sau này. Dufalac không phải thuốc điều trị mà chỉ giữ nước, làm mềm phân giúp bé dễ đại tiện mà thôi. Bác sĩ cho giảm liều lượng còn 1/3 gói một ngày, uống một tháng rồi từ từ ngừng hẳn thuốc, kết hợp xoa bụng lúc đói và nong hậu môn mỗi ngày.
Nắm rõ được tình hình bệnh của con, tôi bắt đầu lên kế hoạch chữa trị và phòng bón cho bé. Lại một cuộc chiến không tên với chuyện đại tiện của con.
Qua tháng thứ 3, mẹ vẫn giữ chế độ ăn hợp lý nhiều rau củ quả. Nong hậu môn bé theo một giờ nhất định trong ngày để tập cho bé quen với việc đại tiện mỗi ngày. Kết hợp cho bé uống 1/3 gói dufalac mỗi lần một ngày. Cho bé uống nước rau luộc. Một nắm rau lang hay mồng tơi cắt nhỏ, luộc nhừ lược qua rây, lấy nước cho uống khoảng 40ml một ngày. Kết quả bé đi đại tiện 1-2 lần một ngày, phân bớt lỏng hơn, hết hẳn nôn trớ khó chịu, lên cân một tháng 800 gr.
Qua tháng thứ 4 tôi bắt đầu tập cho bé dặm thêm sữa công thức, tư vấn từ bạn bè có kinh nghiệm nuôi con nhỏ và nghiên cứu tìm hiểu từ những sữa hiện có bán. Cuối cùng tôi chọn được một loại sữa có vị ngọt thanh, mùi vị gần giống sữa mẹ, quan trọng nhất là sữa có chứa chất xơ Inulin và GOS giúp điều hòa tiêu hóa nhằm tăng cường sức khỏe đường ruột và giảm táo bón, mà giá cả cũng dễ chấp nhận.
Hai tuần đầu tôi giảm thuốc cho bé còn 1/3 gói cho 2 ngày. Vẫn cho cháu đi cầu theo giờ đã định. Không còn nong hậu môn mỗi ngày nữa, ngày nào bé khó đi đại tiện mới nong hỗ trợ. Uống nước rau luộc mỗi ngày. Thêm 30 ml sữa công thức vào buổi sáng. Kết quả bé tăng cân 400 gr sau 2 tuần.
Hai tuần sau tôi bỏ hẳn thuốc, thêm một cữ 30ml sữa vào buổi chiều. Vẫn uống nước rau. Dùng thêm 1/3 hũ sữa chua susu mỗi ngày, một vài thìa nước đu đủ chín. Kết quả là bé tự đi đại tiện theo nhu cầu, bú mẹ tốt, lên cân đều trung bình một tuần 200 gr.
Đến tháng thứ 5 tôi đưa bé đi bệnh viện tái khám (chỉ tái khám bệnh này lúc 1h chiều thứ 3 mà thôi). Bác sĩ kết luận bé đã hết bệnh, từ giờ trở đi nhiệm vụ của mẹ là không để cho bé bị bón.
Ba tháng ròng rã lo lắng, mất ăn mất ngủ, nhờ báo chí, internet, các bác sĩ và cả những bạn bè có kinh nghiệm nuôi con nhỏ, tôi đã tìm được cách xử trí và ngăn ngừa táo bón cho con tôi như thế.
Từ tháng thứ 6 trở đi, tôi bắt đầu cho bé ăn dặm, trong khẩu phần ăn của bé tôi luôn chú trọng đến sự cân bằng giữa rau củ, thịt cá, trứng, sữa chua và trái cây tươi mỗi ngày.
Ơn trời, giờ con tôi được 11 tháng, bé phát triển tốt, thông minh, nhanh nhẹn, đi giỏi và đang tập nói bi bô. Quan trọng nhất là chuyện đại tiện của bé đã hoàn toàn bình thường.
Qua những trải nghiệm thực tế từ hoàn cảnh của mình, tôi đã rút ra được một bài học mà xưa nay người ta vẫn nói nhưng không phải ai cũng thực hiện được đúng như vậy. Đó là: một chế độ dinh dưỡng khoa học hợp lý đã là rất cần cho một người bình thường khỏe mạnh, huống hồ là đối với những trường hợp như con tôi thì còn cần hơn rất nhiều. Vì nếu không kịp thời xử trí và ngăn ngừa táo bón, sẽ dẫn đến tình trạng táo bón kéo dài, bé kém ăn, chậm phát triển và rất nguy hiểm cho đại tràng, ruột già, hậu môn…
Nhân đây, tôi cũng xin sẵn lòng tư vấn cho những ai có con ở trường hợp giống con tôi. Nếu cần, xin liên hệ
lahankieu@gmail.com. ĐT: 0972232956 gặp Kiều.
-----------------------------------------------------------------------------------