Công an Cầu Giấy hành xử khó hiểu?
Thứ Ba, 7.12.2010 | 13:16 (GMT + 7)
(LĐO) - Người khiếu nại bị cơ quan chức năng “quay như chong chóng”, nhà báo có mặt tại buổi làm việc để tìm hiểu thông tin thì bị… mời ra ngoài, là “phương án” Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) áp dụng để giải quyết khiếu nại.
Người tham gia giao thông không sai luật vẫn bị phạt?
Giải quyết hay cưỡng ép?
Ngày 15.11, anh Nguyễn Đức Đông bị Công an (CA) quận Cầu Giấy lập Biên bản vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ, với lỗi “đỗ xe ở lòng đường trái quy định”, khi anh đỗ xe tại lòng đường khu vực 61-63 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy (Laodong.com.vn ngày 26.11.2010 đã có bài “Người tham gia giao thông không sai luật vẫn bị phạt?”
Không đồng ý với quyết định xử phạt, anh Đông đã có đơn khiếu nại gửi CA quận Cầu Giấy. Theo giấy hẹn giải quyết khiếu nại, 9h00 ngày 02.12, anh Đông đến Trụ sở Công an Q.Cầu Giấy. PV laodong.com.vn cũng cùng có mặt tại trụ sở CA quận để tìm hiểu vụ việc. Điều bất ngờ là sau khi xuất trình giấy tờ, PV bị trung tá Vũ Ngọc Phúc, đại diện cho CA quận Cầu Giấy “mời ra ngoài”. Lý do ông Phúc đưa ra, buổi làm việc này chỉ mời người khiếu nại, không liên quan tới báo chí?
Đỗ xe nơi không có biển cấm đỗ, là trái quy định?
Anh Đông cho hay, buổi làm việc diễn ra rất căng thẳng. Anh Đông cho rằng, tại đoạn đường nơi anh đỗ xe, ngành GTCC chưa triển khai việc lắp đặt đủ hệ thống các biển báo, biển chỉ dẫn để nhân dân biết và thực hiện. Đồng thời, đội CSGT-TT CA quận Cầu Giấy lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt là thiếu cơ sở pháp lý. Cụ thể, Điều 31 - Điều lệ báo hiệu đường bộ (22-TCN-237-01) qui định về vị trí đặt biển báo cấm theo chiều đi và hiệu lực tác dụng của biển: “Biển báo cấm được đặt ở các ngã ba, ngã tư hoặc một vị trí nào đó trên đường cần cấm hoặc hạn chế thích hợp; …. Nếu đoạn đường phải thi hành biển cấm có giá trị rất dài hoặc là tại các ngã ba, ngã tư có xe đi vào đoạn đường ấy thì các biển cấm phải được đặt nhắc lại...”. Theo quy định này, khi không đặt biển cấm “nhắc lại” ở ngã ba, thì kể từ điểm giao cắt này, hiệu lực của biển báo cấm đỗ được đặt ở đoạn đường phía trước đó hết hiệu lực.
Theo lời anh Đông, Trung tá Phúc đặt ra một số câu hỏi chẳng ăn nhập gì tới vụ việc như: “Anh đang đi xe máy, tại sao lại về lấy ôtô đi?”, "Tại sao anh đi đường Phan Văn Trường mà không đi đường khác?”, “Đỗ xe ở đây xong anh định đi đâu tiếp?”… và cuối cùng yêu cầu anh Đông phải viết bản tường trình. Buổi làm việc vì vậy đã kéo dài tới hơn hai giờ. “Mặc dù đã trình bày rõ nội dung vụ việc trong đơn, tôi vẫn bị “hỏi cung” và phải viết tường trình. Tôi cảm giác đang bị cơ quan chức năng ép để phải nhận lỗi”, anh Đông nói.
Đã dân chủ và đúng luật?
Theo LS. Vũ Thái Hà - Công ty Luật TNHH YouMe, CA quận Cầu Giấy đã tổ chức buổi làm việc với người khiếu nại là cần thiết để làm rõ tình tiết khách quan, có cơ sở giải quyết đúng vụ việc theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, LS Hà lưu ý, trước khi thực hiện quyền khiếu nại, người khiếu nại đã có đơn trình bày rõ nội dung, lý do và yêu cầu khiếu nại. Việc “lấy lời khai” hay yêu cầu người khiếu nại phải viết “bản tường trình” không có trong thủ tục giải quyết khiếu nại tố cáo.
Đối với việc nhà báo bị “mời ra ngoài”, LS Hà cho trích dẫn điểm a, điểm b khoản 1 Điều 15 Luật Báo chí: Nhà báo có quyền “hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam; hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ; Khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật”. Quy định này được hướng dẫn chi tiết tại Điều 8 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 26.04.2010, nhà báo: “được đến các cơ quan, tổ chức, thư viện, bảo tàng, triển lãm để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan nhà nước không được từ chối cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước”. Ngoài ra, quan hệ cung cấp thông tin giữa cơ quan báo chí với tổ chức, cá nhân còn được ghi tại các điều, khoản khác trong Luật Báo chí, Luật khiếu nại - Tố cáo và các văn bản có liên quan. Trong trường hợp trên, không cho phép sự có mặt của nhà báo, có thể coi là việc từ chối nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí.
“Tranh cãi” giữa người dân và cơ quan chức năng xung quanh vụ việc lập Biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt lỗi đỗ xe trái quy định, còn chưa ngã ngũ. Nhưng cách hành xử của Trung tá Vũ Ngọc Phúc - CA quận Cầu Giấy khi giải quyết khiếu nại như trên liệu đã đảm bảo đúng tinh thần: “đúng pháp luật, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân” của Luật Khiếu nại, Tố cáo?
“Không đủ căn cứ để xác định lỗi vi phạm, không thể xử phạt”
Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT Hà Nội, ngày 16.6.2010, đã có công văn trả lời báo giới: “Trước và sau khi thực hiện Nghị định số 34/2010/NĐ-CP, lực lượng CSGT vừa xử lý vừa tuyên truyền nhắc nhở. Phòng CSGT đã chỉ đạo các đơn vị quản lý địa bàn: Những nơi nào vạch sơn mờ, không rõ, không có biển báo hoặc biển báo bị che khuất không đủ căn cứ để xác định lỗi vi phạm của người tham gia giao thông thì lực lượng CSGT không xử lý, nhắc nhở và tập hợp kiến nghị với Sở GTVT để khắc phục và bổ sung”.