Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ
Trong cơn mưa ban trưa.
Thấy lòng mình ướt thành 2 nửa
Nửa ướt bây giờ...
...Nửa ướt xa xưa...
Mị văn thơ tí cho nó sướt mướt giựt gưn tí thôi CCCM ợ. Hôm nai Mị đi bộ ngắm đường ngắm phố. Mị rất thích đi qua những ngôi nhà bên này. Phải nói những kiến trúc sư bên này cực kỳ tài ba. Họ xây những ngôi nhà dù to dù bé đều rất có hồn. Dù nó cũ kỹ đến mức nào đi nữa thì trải qua năm tháng, ngôi nhà vẫn đẹp đẽ, vẫn toát lên cái hồn của nó. Bên ngoài đẹp là vậy, còn bên trong họ đề cao tính nghỉ ngơi, tiện ích. Nhà là nơi để nghỉ ngơi đúng nghĩa. Tất cả các góc trong nhà đều đẹp, đều gọn gàng, sạch sẽ, thoải mái. Trong nhà rất nhiều tủ để chứa quần áo, bếp cũng nhiều ngăn, nhiều tủ để tối ưu hoá hết việc cất đồ, tránh để đồ lộn xộn bừa bãi khắp nơi. Điều quan trọng nhất của một căn nhà ở bên này là cái kho chứa đồ. Bếp cũng có kho, mỗi tầng cũng đều thiết kế 1 kho nhỏ chứa đồ cho phòng đó. Nói chung, căn nhà của họ rất lý thú để khám phá.
Bên này phải thật thân quen và phải dịp nào đó quan trọng mới mời nhau đến nhà. Họ tuyệt đối rất tôn trọng riêng tư của nhau. Không giống như ở VN hehe. Em mà buồn buồn là em tót sang nhà ông anh Đài phát thanh Bát Đa mồi cho đài phát xong cười nghiêng ngả. Sang đến nơi thấy bàn có ngô khoai sắn gì là chén, ăn mòn bát đũa nhà ông anh. Mà không ăn mòn cũng chả được vì vắng cái mẹt em Mị là đôi chim cu ấy buồn. Nấu cơm xong kiểu gì cũng sang gọi hoặc điện thoại gọi ăn để em Mị còn phát cho nghe. Đài em phát chuẩn hơn đài Bát Đa nên cả nhà đểu thích nghe đài em Mị.
Nhưng chả cho vào nhà thì thôi, em Mị đi qua vậy. Và hôm nay em Mị đi xuống quảng trường Martin Place, là quảng trường giống như quảng trường Đông Kính Nghĩa Thục ở Hà Nội nhà mình ấy ạ. Nó nằm ở trung tâm thành phố Sydney - vốn là một thành phố cổ kính và được gìn giữ rất cẩn thận. Phần vì con người ở đây họ rất ý thức, phần chính quyền họ rất coi trọng việc bảo tồn thành phố. Vì vậy sự cổ kính, huyền bí của Sydney luôn là một cái gì đó níu chân du khách. Em Mị chọn con đường Pitt Street để lượn.
Đầu tiên em Mị đi qua một nhà thờ tuyệt đẹp. Mị nghé vào xem có cha Ralph ở đây không mà chả thấy. Chắc CCCM ai cũng biết cuốn tiểu thuyết "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" của nữ nhà văn nổi tiếng người Úc Collen McCollough - một trong những cuốn tiểu thuyết được coi là hay nhất mọi thời đại. Nó cũng được chuyển thể thành phim và hỉnh ảnh hai diễn viên đóng vai cha Ralph cùng với Megghi đã trở thành biểu tượng của vẻ đẹp nam nữ cũng như của tình yêu thời bấy giờ. Ngày xưa mỗi lần về thăm bọn Mị, bố mẹ Mị thường lặn lội tìm mua hoặc tìm mượn về cho ông bà đọc những cuốn tiểu thuyết cực kỳ hay. Và những cuốn tiểu thuyết kinh điển ấy lần lượt bị Mị đọc trộm. Từ đó, ở cái miền sơn cước hẻo lánh khắc khổ ấy, thế giới bên ngoài bắt đầu mở ra với Mị. Đêm đêm dưới ánh đèn dầu le lói, Mị ngạc nhiên và lạ lẫm tìm hiểu về thế giới bên ngoài qua những trang sách tuyệt vời bố mẹ Mị mang từ dưới xuôi về. Sống trên thảo nguyên bao la rộng lớn, giữa núi rừng trùng điệp vắng bóng người, Mị mơ về một Sông Đông êm đềm, một nước Mỹ xa xôi nơi có Scallet Ohero trong Cuốn theo chiều gió, một nước Úc với con đường đất đỏ bụi lầm và tình yêu của cha Ralph với Megghi.
Nhà thờ vắng lặng, chả có con chiên cũng chả có cha Ralph
Còn đây là cánh cửa của văn phòng đăng ký bác sĩ hoàng gia Úc. Nước Úc do nữ hoàng Anh trị vì nên nói đến hoàng gia Úc là nói đến Hoàng gia Anh ạ.
Một chiếc cầu thang xinh xắn dẫn lên tầng trên của căn nhà. Dù cả trăm năm nó vẫn được giữ nguyên bài trí tuyệt đẹp của nó.