Xăng sinh học: gió đã xoay chiều
Nhiều quốc gia vẫn đang buộc người dân phải sử dụng nhiên liệu sinh học (biofuel) để vận hành máy móc, xe cộ, coi đó như là biện pháp làm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch không tái tạo được.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá xăng dầu giảm tới đáy, đã có nhiều ý kiến phản bác việc sử dụng nhiên liệu sinh học, và thực tế đã có hàng loạt nhà máy pha chế xăng sinh học phải đóng cửa.
Nhiên liệu sinh học, xăng sinh học... là loại nhiên liệu hỗn hợp, gồm xăng thông thường pha với một tỷ lệ cồn ethanol - chiết xuất từ bắp, mía đường hoặc sắn và các phụ phẩm nông nghiệp khác. Tùy theo tỷ lệ pha trộn, ta có xăng E5 (ethanol chiếm 5%), E10 (ethanol chiếm 10%), E20... Ở Việt Nam, các trạm xăng được yêu cầu phải bán xăng E5, tiến tới thay dần cho xăng A92 phổ biến hiện nay.
Ý tưởng pha ethanol vào xăng để tạo ra xăng sinh học được bàn luận từ lâu, và chính thức được ứng dụng lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 1978. Lo ngại trước nguy cơ phụ thuộc quá nhiều vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu, chính quyền Mỹ khuyến khích sử dụng ethanol, sản xuất từ bắp mà nước Mỹ có nhiều, để thay thế xăng dầu.
Quyết định của Quốc hội Mỹ trợ cấp 40 xu Mỹ cho mỗi gallon (3,785 lít) ethanol được chiết xuất từ bắp để pha vào xăng là bước ngoặt quan trọng: trước đó bắp hầu như chỉ được sử dụng làm thức ăn cho người và gia súc; nhưng từ khi sản xuất ethanol được trợ cấp, diện tích và sản lượng bắp đã gia tăng mạnh: tính đến năm 2007, sản lượng bắp của Mỹ đã tăng gấp 3 lần so với thập niên 1980. Một “vành đai bắp” (Corn Belt) hình thành và trải rộng qua nhiều tiểu bang ở vùng đại bình nguyên của nước Mỹ để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chưng cất ethanol.
Năm 2007, khi giá dầu thô thế giới đạt đỉnh 147,27 đô la Mỹ/thùng, Tổng thống Mỹ khi ấy là ông George W. Bush đã ban hành đạo luật “Độc lập và an ninh năng lượng”, bắt buộc các nhà máy lọc dầu lớn của tập đoàn Exxon Mobil Corp., Chevron Corp... phải pha một tỷ lệ ethanol nhất định vào xăng dầu bán ra thị trường, bất chấp ý kiến của giới chuyên gia rằng sử dụng lương thực làm nhiên liệu là “lợi bất cập hại”. Từ đó, bình quân mỗi năm nước Mỹ sử dụng 13 tỉ gallon ethanol pha vào 142 tỉ gallon xăng dầu mà người dân Mỹ sử dụng.
Tuy nhiên, thị trường đã không diễn biến theo ý định của nhà cầm quyền. Giá bắp đã không tăng lên như kỳ vọng của người nông dân mà trái lại càng giảm xuống khi sản lượng bắp và ethanol đều tăng vọt, dẫn đến mất cân đối cung cầu: hiện nước Mỹ có tới 214 nhà máy ethanol với công suất 15,7 tỉ gallon. Số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ được Bloomberg trích dẫn cho biết đến đầu tháng 4 này, tồn kho ethanol của Mỹ đã lên tới 979 triệu gallon không tiêu thụ được. Bộ này cũng cho biết, cứ mỗi gallon ethanol, nhà sản xuất bị lỗ 10 xu, còn khoản trợ cấp 40 xu mỗi gallon đã bị Quốc hội Mỹ bãi bỏ vào năm 2011 do thâm hụt ngân sách.
Nhưng quan trọng hơn, ethanol đã không tỏ ra “ưu việt” như kỳ vọng. Nhiều tài liệu khoa học cũng như kinh nghiệm của người tiêu dùng đều chỉ ra ethanol gây ô nhiễm môi trường nhiều hơn là xăng thông thường và hiệu suất sử dụng năng lượng thấp hơn đáng kể: 1 gallon ethanol tạo ra được 76.000 Btu (đơn vị đo nhiệt lượng, tương đương 1.055 joule) trong khi 1 gallon xăng có thể tạo ra 114.000 btu; nghĩa là 1,5 lít ethanol mới có hiệu suất bằng 1 lít xăng. Ethanol cũng có đặc tính hút ẩm, tạo thành bụi nước trong xăng, và bào mòn các linh kiện động cơ bằng nhôm nhanh hơn nhiều so với xăng thông thường. Sử dụng xăng sinh học để chạy xe hơi thì tốn nhiều chi phí hơn vì thế những năm gần đây, người tiêu dùng Mỹ đã quay lưng với xăng sinh học.
Ngày 30-11 năm ngoái, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ lên tiếng kêu gọi hạn chế việc pha ethanol vào xăng và Quốc hội Mỹ trong tháng này sẽ tổ chức các buổi điều trần để quyết định xem có nên tiếp tục bắt buộc các nhà máy lọc dầu phải sản xuất nhiên liệu sinh học hay không.
Nhưng cái chết của nhiên liệu sinh học ở Mỹ được thúc đẩy chủ yếu bởi sự phát triển của công nghệ khai thác dầu từ đá phiến (shale). Nhờ công nghệ mới, sản lượng dầu khí nội địa Mỹ đã tăng thêm 3,6 triệu thùng dầu/ngày, giúp nước Mỹ đạt được “độc lập và an ninh” về năng lượng. Không chỉ vậy, giá dầu thô có lúc chỉ còn 26 đô la Mỹ/thùng, giá xăng bình quân tại các trạm xăng ở Mỹ có lúc chỉ còn 1,7 đô la/gallon, khiến cho xăng sinh học không thể nào cạnh tranh nổi..
Ở Việt Nam, Nhà nước đã có lộ trình bắt buộc người dân phải dùng xăng E5 thay cho xăng A92. Nhưng tất cả 7/7 các nhà máy chưng cất ethanol từ sắn của Việt Nam đều đã phá sản, ngừng hoạt động hoặc thua lỗ, kể cả nhà máy sản xuất xăng sinh học Bio-Ethanol do tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư với số vốn 1.887 tỉ đồng cạnh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ngoài yếu tố sử dụng công nghệ lạc hậu của Trung Quốc, các nhà máy này không thể tồn tại được vì không cạnh tranh nổi về giá với xăng dầu thông thường.
Sự cáo chung của nhiên liệu sinh học, vì vậy, không chỉ là chuyện của nước Mỹ.
http://www.thesaigontimes.vn/144653/Xang-sinh-hoc-gio-da-xoay-chieu.html