KBC- Những chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh (theo VCBS)
Quý II/2014, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) đạt 66,9 tỷ đồng doanh thu (-56% so với cùng kỳ) và 18,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (cùng kỳ năm ngoái chỉ lãi 1,3 tỷ đồng). Lũy kế 6 tháng 2014, KBC đạt 220,5 tỷ doanh thu (+16% so với cùng kỳ) và 25,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (cùng kỳ năm ngoái lỗ 53,9 tỷ đồng).
Kết quả được cải thiện mạnh như vậy là do 2 nguyên nhân chính: (1) tình hình thu hút FDI vào các KCN của KBC tiếp tục được cải thiện đáng kể kể từ cuối năm ngoái và (2) trong quý II KBC đã thoái vốn thành công các khoản đầu tư tài chính vào CTCP Địa ốc Nam Việt, CTCP Thủy điện Sông Tranh 4 với lãi chuyển nhượng đạt 108 tỷ đồng.
6 tháng 2014, tỷ suất lợi nhuận gộp của toàn KBC hợp nhất đạt 49% (năm 2013 đạt 46%, năm 2012 chỉ đạt 38%).
6 tháng đầu năm nay, chi phí giá vốn chỉ tăng 4% so với cùng kỳ và chỉ chiếm 51% tỷ trọng doanh thu. Chi phí tài chính tăng nhẹ, tăng 7% so với cùng kỳ (trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay, đã tăng 5% so với cùng kỳ) và chiếm tới 74% tỷ trọng doanh thu thuần. Trong kỳ, KBC đã hoàn tất việc thoái vốn tại CTCP Địa ốc Nam Việt (2 triệu cổ phần) và Thuỷ điện Sông Tranh 4 (5,13 triệu cổ phần) với 108 tỷ đồng lợi nhuận.
Chi phí bán hàng và chi phí khác tiếp tục duy trì tỷ trọng nhỏ (chiếm lần lượt 3%; 0% tỷ trọng doanh thu) và tăng trưởng ít (lần lượt tăng 1% so với cùng kỳ và giảm 89% so với cùng kỳ). Đáng chú ý là chi phí quản lý đã tăng 101% so với cùng kỳ.
Nhìn chung trong nửa đầu năm 2014, doanh thu tăng chậm và hầu hết các đầu chi phí trong đó chi phí quản lý và chi phí tài chính cao hơn so với cùng kỳ, tuy nhiên lợi nhuận tài chính từ 2 thương vụ thoái vốn đã giúp cho KBC đạt 25,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế – kết quả này tốt hơn so với kết quả lỗ 77,3 tỷ đồng nửa đầu năm ngoái.
Cuối quý II/2014, cơ cấu tài sản của KBC thay đổi không đáng kể so với thời điểm đầu năm. Hàng tồn kho của KBC vẫn tiếp tục duy trì trên 7.500 tỷ đồng (chiếm 60% tổng tài sản, xấp xỉ bằng số dư đầu năm. Trong đó, 2 dự án chiếm tỷ trọng lớn nhất là Dự án KCN và Khu đô thị Tràng Cát (3.081 tỷ đồng) và Dự án KCN Tân Phú Trung (2.647 tỷ đồng).
Hàng tồn kho lớn như vậy trong khi tiền và tương đương tiền của KBC chỉ đạt 107 tỷ (chiếm 1% tỷ trọng tổng tài sản) khiến cho khả năng thanh toán của KBC thấp. Khả năng thanh toán nhanh và khả năng thanh toán hiện thời của KBC chỉ đạt lần lượt 0,51 lần và 0,02 lần.
Hệ số nợ/TTS của KBC đạt 52,3%, số dư tổng nợ đã giảm khá từ 6.521 tỷ thời điểm đầu năm xuống chỉ còn 5.037 tỷ đồng vào cuối quý II/2014 (-23% ytd). Thêm vào đó cơ cấu nợ đang dần dịch chuyển từ vay ngắn hạn sang vay dài hạn, trong đó vay dài hạn tăng nhẹ, tăng 399 tỷ đồng (+72% ytd) và vay ngắn hạn giảm 605 tỷ đồng (-18% ytd), giảm nhiều hơn mức tăng của vay dài hạn. Điều này cho thấy sức khỏe tài chính của KBC đang dần tốt lên, doanh nghiệp đã có thể trả dần các khoản vay ngắn hạn.
Trong quý II/2014, KBC đã thương thảo thành công và tái đảo nợ đến năm 2017 khoản trái phiếu 600 tỷ của PVCombank. Các khoản trái phiếu sẽ đáo hạn từ đây đến cuối năm của KBC bao gồm trái phiếu phát hành cho các ngân hàng: PVCombank (2.000 tỷ), Nam Việt Bank (300 tỷ). Bên cạnh đó, cuối kỳ, tiền và tương đương tiền của KBC chỉ đạt 101 tỷ, chiếm 1%TTS. Do vậy, chúng tôi cho rằng thời gian tới KBC vẫn sẽ tiếp tục chịu áp lực trả nợ và trả lãi tương đối lớn và chúng tôi vẫn khá quan ngại về điều này.
Tại ĐHCĐ 2014, KBC đặt kế hoạch doanh thu 1.800 tỷ (+66% so với cùng kỳ) (bao gồm cả doanh thu thuần và doanh thu tài chính) và lợi nhuận sau thuế 160 tỷ (+100% so với cùng kỳ). KBC xây dựng kế hoạch này dựa trên căn cứ vào triển vọng về tình hình thu hút FDI tại Việt Nam, nhu cầu thuê, mua đất và nhà xưởng của các khách hàng tiềm năng đã và đang đàm phán của KBC và căn cứ vào các khoản mục đầu tư mà doanh nghiệp dự định thoái vốn.
Theo đó, với kỳ vọng về việc sẽ ký kết thành công hợp đồng thuê 100 ha của Wintek, triển vọng mở bán thành công 20 ha của dự án Phúc Ninh và kế hoạch thoái vốn các khoản đầu tư tại SGI-Lào và SGT trong năm 2014, VCBS cho rằng KBC có khả năng hoàn thành kế hoạch.
Với kết quả 6 tháng đã công bố, KBC mới chỉ hoàn thành 20% kế hoạch doanh thu và 16% kế hoạch lợi nhuận sau thuế. Có thể thấy rằng sức khỏe tài chính của doanh nghiệp đã dần dần được cải thiện, tuy nhiên KBC vẫn đang trong quá trình hồi phục và chuẩn bị tăng tốc, khả năng hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận phụ thuộc nhiều vào dòng vốn FDI vào Việt Nam nói chung và vào khu vực Miền Bắc nói riêng.
Hiện tại, EPS trailing đạt 146 đồng. Tại mức giá 11.600 đồng/cổ phiếu ngày 22.08.2014, P/E trailing đạt 79,5x lần, P/B đạt 0,73 lần. EPS forward ước đạt 439 đồng, P/E forward ước đạt 26,4x lần – vẫn tương đối cao so với P/E trung bình ngành BĐS đang là 15,x. Chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu KBC.