16:00, Huyện Phù Yên
Và Rừng Thiêng mang danh Đại tướng, lần đầu em biết đến đia danh này
Cóp nhặt trên VTC News ạ, rồi sẽ có lúc em quay lại chốn này
Khu rừng thiêng mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Lang thang qua những bản làng thuộc huyện Phù Yên (Sơn La), khi qua bản Nhọt, xã Gia Phù, tôi bất chợt gặp một tấm biển ghi: “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Hóa ra có một khu rừng mang tên vị đại tướng đại tài không những của
Việt Nam mà còn vang danh cả thế giới.
Rừng thiêng
Tôi trèo lên sườn một ngọn núi, phóng tầm mắt thấy ngút ngàn rừng xanh. Rừng già trải khắp thung lũng, rừng trùm lên đỉnh núi Dưn lẫn trong mây mù. Phóng tầm mắt ra hướng khác, thấy núi đồi trọc lốc, những mảnh nương vàng cháy xen lẫn những dải xanh của rừng tạp.
Tôi thả dốc xuống thung lũng, đến sát mép suối Bùa thì thấy xuất hiện một căn nhà gỗ nhỏ xíu lọt thỏm sau những tán rừng rậm.
Mở chiếc cổng tre xộc xệch, tôi gõ cửa, một người
đàn ông đi ra. Hỏi thăm về khu rừng mang tên vị Đại tướng tài ba của dân tộc, người đàn ông này vồn vã mời tôi vào nhà.
Người đàn ông sống một mình trong căn nhà giữa đại ngàn này là ông Đinh Quyết Tiến, người Mường, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Gia Phù.
Theo ông Tiến, ông chuyển vào khu rừng này ở với mục đích trông nom, quản lý cánh rừng mang tên Võ Nguyên Giáp, một khu rừng ít ỏi còn sót lại trên địa bàn giáp ranh giữa huyện Phù Yên và Bắc Yên của Sơn La.
Ông Tiến cho biết, ngày trước, cánh rừng bao phủ ngọn núi Dưn, trải dọc thung lũng sông Bùa này là rừng thiêng, hay còn gọi là rừng cấm của người Mường sống tại các bản thuộc xã Gia Phù.
Ông Tiến dựng lều sống để trông nom, bảo vệ rừng.
Đối với người Mường và một số dân tộc vùng cao khác, rừng cấm là chốn linh thiêng huyền bí. Trong rừng cấm có thần rừng, thần núi, là những thế lực siêu nhiên, bảo hộ cuộc sống đồng bào.
Hàng năm, cứ đến ngày 14/7 âm lịch, là ngày tết Xíp Xí, đồng bào Mường lại kéo nhau vào rừng, mổ lợn, gà, trâu để hiến tế thần rừng, thần núi, cầu mong mùa màng tốt tươi, trâu bò đầy núi, gà lợn đầy chuồng.
Sau lễ cúng thần rừng, đồng bào nấu nướng, ăn uống thoải mái mấy ngày liền trong khu rừng cấm. Ăn không hết thì để lại rừng, tuyệt nhiên không được mang thứ gì về.
Sau lễ cúng, khu rừng lại trở thành rừng cấm, tuyệt đối không ai được vào rừng, nếu chưa được phép của thầy cúng, người được bản làng phân công trông nom, cúng khấn khu rừng này.
Theo đồng bào Mường, các vị thần ngự trên các thân cây lớn trong rừng để nghị sự, tìm cách giúp con người được no ấm, yên bình. Do đó, mọi sự xâm phạm đến rừng, dù chỉ nhặt một cành khô, đào một củ măng, cũng được coi là xúc phạm thần rừng, sẽ bị trừng phạt.
Đồng bào Mường nơi đây tuyệt đối tin vào thần rừng, nên không bao giờ xẻ gỗ, phá rừng, đốt nương.
Chính vì vậy, dù rất nhiều khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa Phù Bắc Yên đang biến mất từng ngày, song khu rừng thiêng này vẫn không bị xâm phạm.
“Ngôi đền xanh” thiên nhiên
Từ căn nhà nhỏ của ông Tiến ở cửa rừng, chúng tôi lần theo con đường mòn vắt chùng chình trên sườn núi, vòng xuống tận suối Bùa.
Theo ông Tiến, con đường chúng tôi đang đi chính là con đường hành quân lên Điện Biên Phủ của bộ đội Cụ Hồ. Đây cũng chính là con đường thồ gạo, kéo pháo lên Điện Biên năm xưa.
Con đường rộng 1-2m, chỉ có thể cuốc bộ hoặc cưỡi ngựa giờ không ai đi nữa, có đoạn rêu xanh, cỏ cây bít lối, có đoạn đã nhập vào Quốc lộ 37 đi Hát Lót (Sơn La).
Rừng thiêng dưới sự trông nom của ông Tiến và những người dân bản Nhọt vẫn xanh tốt như 55 năm trước. Những cây lát, dổi, chò chỉ, sấu, sâng khổng lồ, to mấy người ôm, ngọn cao chót vót lẫn trong mây mù. Nếu không được trông nom cẩn thận, những cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi này đã bị lâm tặc đốn hạ.
Lội qua con suối Bùa, chúng tôi tiến lên phía đỉnh núi Dưn. Ông Tiến chỉ cho tôi xem những hố đất sâu hoắm nham nhở dọc sườn núi, dưới những tảng đá, khe vách, gốc cây cổ thụ. Theo ông Tiến, ở khu vực này xưa kia có rất nhiều hầm, hang trú ẩn do bộ đội đào khi dừng chân ở đây.
Lang thang trên những lối mòn dưới tán rừng âm u ngàn năm tuổi mà người dân nơi đây gìn giữ như một báu vật bỗng cảm thấy như vẫn đâu đây từng trung đoàn bộ đội Cụ Hồ đang hò dô kéo pháo, thồ
gạo tiến về phía Tây Bắc để làm nên một chiến thắng vang dội địa cầu.
Đồng bào Mường bản Nhọt còn đói cơm, thiếu mặc, nhưng họ vẫn nâng niu, gìn giữ từng nhành cây ngọn cỏ. Họ tự đặt tên cho khu rừng là “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Khu rừng cấm thiêng liêng này chính là ngôi “đền xanh” để người dân nơi đây ghi nhớ công lao của Đại tướng cùng với những chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Còn đối với vị Đại tướng giản dị, đôn hậu, từng được đồng bào gọi là “già bản Võ Nguyên Giáp” mỗi khi trở lại thăm chiến trường xưa, đó là một
hạnh phúc vô bờ.