Phật “độ” chúng sinh như thế nào?
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện ca khúc "Độ ta không độ nàng" đang gây “sốt” với hàng triệu lượt xem và like. Tuy nhiên, nhiều người phản đối bài hát này, cho rằng bài hát lấy bối cảnh Phật giáo, nhưng đi ngược với tư tưởng Phật giáo, lời bài hát phản ánh chiều hướng sai lệch với giáo lý nhà Phật. Chúng tôi đem vấn đề này đến thỉnh giáo Thượng tọa Thích Minh Hiền, Phó trưởng Ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Bạch Thượng tọa. Xin Thượng tọa giải nghĩa chữ độ?
Chữ “độ” xuất phát từ Hán văn, với rất nhiều chữ “độ” khác nhau, cùng âm nhưng khác nghĩa. Tùy từng văn cảnh, mà chữ “độ” được sử dụng thể hiện ngữ nghĩa khác nhau: là đơn vị đo lường (như mức độ, nồng độ, trường độ, giác độ); nói về phép tắc đặt ra (pháp độ, chế độ); chỉ lòng bao dung của con người (độ lượng); sự biểu hiện (thái độ); con đò đưa người qua sông (quá độ, bến đò...); cứu giúp (độ tận)…
Trong Phật giáo, độ thường được dùng với nghĩa cứu giúp, trợ giúp. Chữ “độ” ở đây với hàm ý là trang bị thêm kiến thức, hiểu biết cho chúng sinh, Phật làm con đò đưa chúng sinh vượt qua sông mê để sang đến bến bờ Giác Ngộ. Phật giáo thiết kế “lục độ”, là sáu pháp: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thuyền định, trí tuệ. Nếu thực hành được 6 pháp này, con người sẽ vượt qua được bể khổ, đạt được cuộc sống an lạc.
Hiện tượng bài hát “Độ ta không độ nàng” được nhiều người nghe. Thượng tọa lý giải thế nào về điều này?
Điều này phản ánh tâm thế, đặc tính của người miền Bắc là rất thích nhờ vả. “Bé thì nhờ mẹ, nhờ cha, lớn thời nhờ vợ, già thời nhờ con”. “Một người làm quan, cả họ được nhờ”. “Trăm sự nhờ Chính quyền”… đã thành câu cửa miệng. Thậm chí, ngay cả trong nhiều văn bản của các cơ quan nhà nước cũng đang rơi vào cảnh huống tha lực này: “Thành công này là nhờ sự chỉ đạo của Đảng và nhà nước…”. Khi quá trông chờ vào tha lực, khiến ít người dám tự khẳng định năng lực của mình. Dường như duy nhất có mỗi vấn đề “tiêu tiền hộ” là không nhờ ai.
Có một thời, người ta cấm hát những bài “nhạc vàng”, cấm hát những lời bi lụy. Thế nhưng, những bài hát ảo não, bi lụy vẫn phổ biến và vẫn được nhiều thính giả yêu thích. Bởi vì, những người đã từng phải trải qua tình cảnh ưu tư, những người từng trắc trở trong tình duyên mà chưa gặp được Phật Pháp để hóa giải, khi nghe những bài hát này, họ thấy đồng cảm nên cũng cảm thấy nhẹ lòng hơn. Điều này lý giải vì sao, ca khúc “Độ ta không độ nàng” lại được nhiều người thích nghe.
Một số người đề xuất rằng, cần phải cấm lưu hành ca khúc này. Quan điểm của Thượng tọa?
Người hành giả Phật giáo có trách nhiệm hướng dẫn Phật tử hiểu, nghĩ, sống đúng theo chánh niệm, tri kiến và hiểu biết của Phật giáo. Tuy nhiên, chúng tôi không chỉ trích, không “dạy” điều gì cho các tôn giáo khác, nên cũng không chỉ trích những người không theo đạo Phật. Người ta không phải là Phật tử, thì mình không thể “nhảy xổ” vào để “dạy” người ta được.
Họ sáng tác và hát những bài hát về nỗi buồn cuộc đời của họ, thì chúng tôi không phê phán hay bảo rằng họ làm như vậy là đúng hay sai. Tuy nhiên, theo dõi thấy nội dung chuyển thể bài hát này gặp phải vấn đề ở khâu dịch lời, dịch nghĩa. Người phóng tác đã không hiểu được nguyên tác bài hát tiếng Trung Quốc, cũng chưa hiểu được nội dung tư tưởng của tác phẩm văn học Phật giáo “Thoát vòng tục lụy” và bộ phim "Bất Phụ Như Lai Bất Phụ Khanh", nên việc phóng tác đã không chuyển tải đúng ý của nguyên tác.
Cũng phải nhìn thấy rằng, ở đời, có những người chưa tiếp cận và hiểu được giáo lý, tư tưởng đẹp đẽ của đạo Phật, nên mỗi khi gặp phải điều không như ý trong cuộc sống, họ chỉ biết kêu “toáng lên”: Giời, Phật ơi, sao con khổ thế này! Rồi oán Trời, trách Phật. Phật vốn từ bi vô lượng, nên dù biết rằng chúng sinh kêu những điều rất vô lý, nhưng Phật không bảo chúng sinh không được kêu. Trái lại, Phật sẵn sàng nghe mọi lời kêu than của chúng sinh, để từ đó có hướng giúp tháo gỡ, “độ” qua bể khổ.
Mới đây, nhạc phẩm “Tự thân nàng hãy cứu độ nàng” do Đại đức Thích Đồng Hoàng và ca sĩ Phương Thanh thực hiện là một nhạc phẩm hay, truyền tải đúng tư tưởng, giáo lý Phật giáo đến với chúng sinh. Rất khuyến khích nhạc phẩm này đến được với nhiều thính giả, giúp họ nhận ra chân lý cuộc sống và biết cách để đạt được an lạc. Tuy vậy, bảo rằng nên phổ biến bài hát này, và cấm bài hát kia thì không nên. Một bàn tay phải có cả mặt trái và mặt phải, mỗi tờ giấy cũng phải có 2 mặt. Thính giả có thể nghe cả 2 bài hát, thì sẽ thấy ý nghĩa hơn, lĩnh hội được nhiều hơn. Cũng như, mỗi chúng sinh phải qua khổ đau thì mới thấm được ý nghĩa của sự an lạc, qua nỗi gian truân vất vả sẽ thấy ý nghĩa khi đạt đến thành công, trải qua thời kỳ chưa giác ngộ thì mới đến giác ngộ.
Vậy phải chăng, chúng sinh không nên trông chờ vào sự trợ giúp từ Phật, thưa Thượng tọa?
Đạo Phật chỉ ra 2 khái niệm: Tự lực và Tha lực. Tự lực là sức lực của chính bản thân mình. Tha lực, là lực phải đi nhờ từ người khác.
Trong cuộc sống, phải lấy tự lực làm căn bản, dùng sức mạnh và ý chí của chính mình để mà tồn tại, sống, làm việc. Đức Phật khuyên mọi người: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Tức là phải sử dụng tự lực để tự độ cho mình.
Phải sử dụng tự lực là chính, nhưng cũng có những lúc phải dựa vào tha lực từ người khác. Sự thành công của mỗi người đạt được là nhờ sự kết hợp cả tự lực và tha lực. Nếu chỉ trông chờ vào tha lực, thì sẽ thất bại. Nhưng nếu chỉ một mình đơn độc làm những gì mình thích, không tham vấn người có kiến thức cao hơn, thì không phải lúc nào cũng đạt được thành công.
Vậy, Phật “độ” chúng sinh như thế nào, thưa Thượng tọa?
Phật “độ”, tức là Phật sử dụng tha lực để hỗ trợ chúng sinh. Đức Phật sẽ độ tận cho tất cả chúng sinh, không trừ một ai. Nhưng Phật độ như thế nào thì cũng phải tùy từng tình huống, tùy hoàn cảnh của chúng sinh mà có phương pháp thích hợp.
Thời kỳ kháng chiến, bom đạn nhiều, nên chúng sinh thường cầu Quán Thế Âm cứu độ phù hộ cho họ tránh được bom rơi đạn lạc. Thời kỳ những năm 1980 trở về trước, khi xảy ra tình trạng vượt biên, nhiều người viện chờ đến tha lực, sự cứu độ của Quán Âm độ Hải để vượt qua được biển. Ngày nay, thời đại hòa bình, các bức tường ngăn cách đã được xóa bỏ, nên chúng sinh ít cầu viện đến Quán Âm Nam Hải, mà cầu viện đến Phật Dược sư nhiều hơn. Bởi, ngày nay bệnh tật nhiều. Chúng sinh bây giờ phải viện đến 3 “ông Thầy” mới chữa được căn bệnh của thời đại: đông y, tây y và tâm y. Bệnh lo sợ, bệnh bất an trước xã hội, môi trường đầy bất ổn, nếu chỉ dùng đông y hay tây y thì sẽ không thể chữa được, mà phải có Phật giáo tham gia điều trị tâm bệnh cho con người. Khi sự bất an, khủng hoảng tinh thần đã được điều trị, mỗi người không còn sự lo sợ nữa, họ sẽ phát huy được tự lực trong mình để đạt được thành công, hay giải quyết những vấn đề mà họ gặp phải. Xin nhấn mạnh lại, Phật “độ”, tức là Phật giáo cùng với hệ thống giáo dục tham gia giáo dục, trang bị thêm kiến thức, hiểu biết cho chúng sinh, chữa bệnh tâm y cho chúng sinh, từ đó chúng sinh sẽ có kiến thức, tự tin để sử dụng tự lực của mình đạt được những mục tiêu của mình. Phật không làm thay việc của ai, nên nếu người nào không làm gì, chỉ trông chờ Phật cứu giúp thì sẽ thất bại.
Nhà báo Chu Minh Khôi thực hiện.