Về nhà thổ ở Điện Biên Phủ các cụ đọc ở:
1)
ĐIỆN BIÊN PHỦ, 170 NGÀY ĐÊM BỊ VÂY HÃM
Tác giả: Erwan Bergot
Nhà xuất bản Công An Nhân Dân, 2003
Trích:
"Tháng 1 năm 1954
Perrin cúi gập người, hai tay chống nạng sườn, cười rất to rồi dùng khuỷa tay huých một cái khiến cho Fattori đang ngồi xổm rải dây điện thoại phải bật dậy:
- Này, Fattori! Tớ nói đúng không, máy bay chở gái điếm vừa hạ cánh. Điện Biên Phủ đã trở thành một thành phố pháo đài rồi!
- Chỉ còn thiếu có rạp chiếu bóng.
Đúng vậy. Cũng như ở Nà Sản trước kia, binh lính đóng tại Điện Biên Phủ hiện nay vẫn còn phải tập trung tại sân bay xem chiếu bóng. Mà toàn là những phim cũ, rách nát, máy chiếu lại thường hỏng hóc về kỹ thuật. Bộ phận phục vụ xã hội của quân đội chỉ chiếu toàn những phim khô khan, không có chuyện làm tình hiện đại.
Với nhà chứa gái điếm tạm đặt trong chiếc Dakota ở đầu đường băng đã có thể giải quyết được nhu cầu hằng ngày.
Perrin vẫn chống tay vào sườn, nói tiếp:
- Riêng tớ, tớ sẽ đi tìm kiếm chính “bà má”.
“Bà má” là tên gọi binh lính đặt cho mụ chủ cai quản lũ gái điếm, một mụ đàn bà gầy gò, khô cứng kéo lê đôi guốc sơn màu vàng trên đường băng đầy bụi. Một tay, mụ cầm chiếc ví xách bằng da thuộc, đồng thời cố giữ tà áo dài màu hồng tươi đang bay tung trước gió. Tay còn lại, mụ giương giương cao chiếc dù đen tránh ánh nắng gay gắt của mặt trời.
Đi bên cạnh mụ chủ chứa là bác sĩ quân y tiểu đoàn 1, trung đoàn lê dương số 2, có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cho binh lính, và cũng là ông chủ của bọn gái điếm. Lũ con gái bước theo sau hai người, dáng điệu trơ tráo, tự tin, nhìn thẳng vào đám lính tò mò đang theo dõi bước đi và bàn tán tục tĩu. Vài anh lính lê dương được cử đi theo mang vác hành lý gồm những chiếc va-li nặng trĩu hoặc chỉ là những làn mây tre.
Fattori hỏi bạn:
- Bao giờ thì đến lượt chúng mình?
Perrin doạ:
- Cậu là lính mới, phải đợi đến lượt sau cùng.
Mọi việc đã làm xong, Perrin quay trở về đơn vị, gặp đại đội trưởng, giọng nói hồi hộp:
- Báo cáo trung uý! Bọn gái điếm đã tới. Đầy một chuyến bay Dakota.
Trung uý Turcy mỉm cười:
- Tôi biết rồi!
Nếu chuyện gái điếm mang lại niềm vui cho Perrin và đồng đội thì cũng là một vấn đề phải tranh cãi nghiêm chỉnh trong ban chỉ huy. Phải đợi rất lâu sau khi đã thảo luận kỹ, ban chỉ huy mới đồng ý để cho “kíp” gái điếm đầu tiên đến phục vụ tiểu đoàn 1, trung đoàn lê dương số 2.
Quyết định này đặt ra nhiều vấn đề thực chất cho “khách làng chơi” và rất nhiều viên sĩ quan được cử ra đón nhận và nuôi dưỡng bọn gái điếm này. Không thể để bọn này ở ngoài trời dưới một lều bạt mà chính họ cho là rất thuận tiện để hành nghề. Từ đầu tháng 2, tất cả đều đã phải sống trong hầm. Bởi vì, cứ đúng vào ngày lẻ, vào quãng 4 giờ chiều thì một khẩu pháo bí mật của Việt Minh lại nã một loạt đạn 75 vào cứ điểm. Đã xác định được đây là một khẩu pháo của Nhật Bản, có thể Việt Minh đã tịch thu được. Lính trong cứ điểm cũng đã quen được với việc pháo bắn và cũng mới chỉ có vài người bị thương, nhưng dù sao cũng phải đề phòng và không ai muốn bị rủi ro một cách vô ích.
Như vậy là phải đào thêm một loạt hầm trú ẩn. Đối với công việc này, không hiếm người tình nguyện lao động. Họ được miễn trừ việc xây dựng các công trình quân sự để đổi công bằng việc đào hầm nhà chứa gái điếm, có đủ cả mái vòm, đường hào dẫn vào và lối thoát ra ngoài.
Một công văn được gửi tới các đơn vị, qui định ngày và giờ mở cửa nhà chứa, các đơn vị tới thưởng thức theo thứ tự luân phiên. Những đơn vị đóng ở xa quá, tận trên cao điểm bao quanh Điện Biên Phủ vẫn được phục vụ. Lính tại những điểm tựa này không tới được nhà chứa thì sẽ có đội gái điếm lưu động đến phục vụ tại chỗ.
Chỉ riêng các linh mục là phản đối. Các cha tuyên uý đòi thay đổi giờ giấc đón khách, làm sao không trùng hợp với giờ đọc kinh hoặc làm lễ rửa tội. Họ nói rất có lý.
- Nếu không làm như vậy, các con chiên sẽ sao nhãng phần đạo.
Riêng với Perrin, Fattori và một số người khác họ đã không có may mắn được thưởng thức thú vui này. Bởi vì, chỉ 2 ngày sau khi đội gái điếm được đưa tới Điện Biên Phủ, đơn vị Perrin được điều động đi đóng giữ Dominique 2 là một cao điểm khoá chặt cửa Đông Bắc. Đây là một cụm cứ điểm quan trọng nhất trong dãy đồi vành đai, cao hơn mặt sông Nậm Rốm tới 80 mét. Trung tá Piroth chỉ huy hoả lực đã quyết định đặt trên điểm cao này 6 khẩu súng cối nặng dưới sự chỉ huy của trung uý Bergot có thể xa tới mức yểm trợ được cho cụm cứ điểm Béatrice ở bản Him Lan. Ông nói:
- Để có thể bắn được tới chỗ chúng ta, Việt Minh phải đặt pháo trên cánh đồng, hoặc ít nhất cũng ở sườn núi ngoại vi, đối diện với chúng ta. Địch vừa mới nổ pháo lập tức sẽ lộ ngay mục tiêu. Mỗi khẩu pháo địch bị lộ là lập tức bị tiêu diệt ngay tức khắc.
Phản pháo là một chiến thuật đã được chỉ dẫn trong sách giáo khoa, tỉ mỉ đến từng chi tiết, được coi như kinh thánh của lính pháo. Trung tá Piroth nói:
- Các khẩu pháo 105 và 155 của chúng ta sẽ đảm bảo việc phản pháo, nã pháo vào các khẩu pháo địch. Còn các khẩu đội cối 120 của chúng ta sẽ chịu trách nhiệm bắn nát bộ binh địch.
Ngay sau khi có quyết định này, mỗi điểm tựa đều được tiến hành một loạt cuộc bắn tập. Những cuộc bắn tập này, gọi tắt là CPO, tức là “diễn tập để chuẩn bị phản kích bằng pháo” được thực hiện ngay khi có lệnh báo động. Các pháo thủ đều đã nhận được mật lệnh theo từng mã số với ba con số.
____________________
Điện Biên Phủ qua một nhà báo Mỹ
“Graham Greene (tác giả tiểu thuyết Người Mỹ trầm lặng) từng miêu tả những cái ôm chầm sầu thảm. Trước trận oanh tạc cuối cùng, vợ và người yêu của các sĩ quan Pháp bay tới trong vài giờ đồng hồ vào ban ngày”, phóng viên International Herald Tribune (IHT) James Pringle mở đầu bài viết về Điện Biên Phủ.
“Thật đáng thương và đáng tha thứ”, Greene viết trong hồi ký, “dù đó không phải là chiến tranh”. Greene, nhận thấy sự cô lập và thế bị động của vùng thung lũng, không yên tâm khi qua đêm trong dãy hào của binh lính Pháp. Một sự đền bù là loại rượu vang hảo hạng, mà tướng Christian de Castries cấp cho binh lính trong bữa tối. Người Pháp đã khôn ngoan trữ 48.000 chai rượu vang ngon ở đây.
Greene miêu tả de Castries có những “nét sến và giả tạo của một anh kép lâu năm”. Nhưng sau 56 ngày Pháp bị bao vây, bắt đầu từ 13-3-1954, sự “sến” ấy không còn nữa. Thực dân Pháp chết ở Đông Dương sau gần 100 năm, tại một trong những trận đánh quan trọng nhất của thế kỷ 20. Lời cuối cùng mà de Castries nói qua điện đài cho cấp trên của mình ở Hà Nội, tướng René Cogny, là: “Tôi đang cho nổ tung các kho quân sự. Các kho đạn đang nổ rồi. Tạm biệt”. Cogny đáp lại: “Vậy thì tạm biệt, anh bạn”.
Người Pháp bắt đầu củng cố khu thung lũng heo hút gần Lào từ cuối năm 1953, hy vọng lùa lực lượng cộng sản vào một trận chiến được họ sắp đặt trước, và những cuộc không kích và tấn công trên bộ sẽ phá huỷ lực lượng của ông Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chính người Pháp lại bị mắc vào nút thòng lọng, khi Việt Minh chuyển pháo và quân vào các vùng núi xung quanh. Quân Pháp gặp phải đối thủ kiên cường: tướng Võ Nguyên Giáp, một thày giáo sử trở thành chiến lược gia quân sự đại tài, cùng 49.500 binh lính Việt Minh.
Khác với cuộc chiến của người Mỹ sau này, cả hai bên đều có những anh hùng. Tuy nhiên, như Greene bình luận: “Hai phía chiến đấu với mức thương vong cao nhất”. Hơn 15.000 hai bên đã thiệt mạng trong cuộc chiến.
Chuyến bay cuối cùng xuống sân bay ở Điện Biên Phủ là vào ngày 27-3, 50 năm về trước. 19 người bị thương được sơ tán. Người Pháp đầu hàng ngày 7-5, mặc dù không có lá cờ trắng nào xuất hiện trước khi Việt Minh cắm lá cờ đỏ trên hầm tướng de Castries. Những binh lính bại trận phải đi bộ 700 km đến các trại giam; nhiều người chết dọc đường đi.
Ở Geneva, ngày 8-5, các cường quốc bắt đầu bàn về số phận Việt nam và chia đất nước này làm hai, mở đường cho sự can thiệp của Mỹ…
Việt nam đang kỷ niệm 50 năm chiến thắng của Việt Minh ở Điện Biên Phủ bằng các chương trình truyền hình, các tiết mục văn nghệ và các bài báo. Tại hầm chỉ huy ở Điện Biên Phủ, tôi gặp bà Trần Thị Mạc, 80 tuổi, từng tham gia Việt Minh, và làm nhiệm vụ thồ vác vũ khí. Bà đã đi gần 500 km đến đây: “Tôi cảm thấy tự hào về chiến thắng của chúng tôi. Tôi phải thăm lại nơi này sau 50 năm”.
50 năm trước, trong doanh trại của Pháp cũng có những người phụ nữ. Một cô y tá được giới báo chí Pháp mệnh danh là “Thiên thần của Điện Biên Phủ”. Còn có hai “nhà thổ di động”, với 18 cô gái Việt và Algeria. Khi cuộc bao vây chấm dứt, các cô gái và tú bà Việt được gửi đi “phục hồi nhân phẩm”, giống như những cô gái bar Sài Gòn sau năm 1975. Nhưng giờ đây, trong khách sạn của tôi, cũng như nhiều khách sạn khác ở Điện Biên Phủ, lại xuất hiện những cô cave mới trong các phòng “Massage Thái”…
Pháp tiếp tục tham chiến và thất bại ở Algeria. Đôi khi họ phải đương đầu với những người Algeria từng chiến đấu cho nước Pháp. Đến lượt người Mỹ gặp thất bại của chính mình ở Việt nam. Nhưng trước đó, năm 1965, họ còn ném bom Điện Biên Phủ lần nữa.
3) "Đôi xoè" của Đèo Văn Long ở Lai Châu
Trước khi quyết định rút đội quân người Thái khỏi Lai Châu (trong Chiến dịch Pollux), Tướng Navarre và Cogny đến Lai Châu
Những hình ảnh dưới đây trong chuyến đi của hai ông