Ghi chép về những sự-kiện đáng ghi nhớ đã xảy ra trong địa phận Giáo hội Bắc Hà về chính trị, dân sự và tôn giáo từ tháng 8-1787, cho tới trung tuần tháng 10-1788.
(Giáo hội phân-chia địa bàn truyền giáo tại Việt Nam làm 2, một ở Bắc Hà, từ Bắc Bố Chính trở ra, và một tại miền Trung và Nam Hà; mỗi khu vực do một vị Giám mục cai quản và một vị Giám mục phụ tá. Nhưng Giáo hội Bắc Hà chỉ gồm có miền Tây Bắc Hà thôi vì miền Đông được giao phó cho dòng thánh Đa Minh từ năm 1693).
Kẻ Vinh (tức Nam Định) ngày 6 tháng 10 năm 1786. Thư của ông Le Roy [Giáo sĩ Pháp sang Bắc Hà năm 1780, truyền đạo ở Nam Định] gửi cho Đức Bá Đa Lộc và các giáo sĩ khác tại Nam kỳ:
“Tại xứ Nam, chúng tôi nhận được thư của Đức Bá Đa Lộc và ông Toussain mà một người lính tuỳ tùng của Tiếm vương Nhạc đã đưa lại cho một linh mục của chúng tôi ở xứ Nghệ An tên là Cha Tần, nhưng mãi lâu sau lúc Nhạc trở về ( Quy Nhơn) cha người Bắc Hà ấy mới gửi thư lại cho ông Breton”.
… Ngày 16 tháng 7, quân địch [Tây Sơn] được kẻ phản nghịch Coũ Chỉnh [ tức là Nguyễn Hữu Chỉnh, vì đỗ Hương Cống nên ngày ấy dân ta gọi là Cống Chỉnh] chỉ huy đã tới, bằng rất nhiều thuyền bè, cách trường của chúng tôi tại làng Kẻ Vinh một ngày đường. Chúng đi rất nhanh. Có vài người lính của một đại thần Bắc Hà đã bắn vào quân Nam Hà, nhưng sau đó quân này vẫn giữ trật-tự khi tới thị trấn lớn tên là Vị Hoàng, nơi có một vựa gạo mới mang từ Nam Hà ra. Quan quân Bắc Hà đã bỏ trốn và địch liền chiếm cứ tất cả các đồn và kho của vương quốc nhưng họ không làm hại ai và vẫn tôn-trọng công lý khắp nơi. Dân chúng thấy họ cư-xử nhân-đạo như vậy chỉ chê cười quân giặc và không ai nghĩ tới cách ngăn-chặn họ tiến tới Hiến Nam [thủ phủ trấn Sơn Nam], nơi trấn thủ chúng tôi ngụ. Họ ra chợ che chở dân chúng khỏi bị quân ăn cắp quấy nhiễu và chặt đầu liền tại chỗ không cần làm thủ tục, những tên bị nộp cho họ. Muốn được lòng dân hơn, có khi họ xử trảm ngay cả lính của họ vì mấy người này đã quấy nhiễu dân chúng ở chợ. Cuối cùng ông ta [người gửi thư] còn cho biết chúa Nguyễn vài ngày nữa, sẽ ra Bắc. Chúng tôi còn nghĩ rằng người Anh và người Hà Lan sẽ đi theo ông vì người ta thường bàn tới tàu Châu Âu, đại bác… và các khí giới khác được thông dụng tại Châu Âu. Ít lâu sau người ta thấy một chiếc thuyền lớn của người em Nhạc [còn gọi là Đức Oũ, Đức Ông, tên gọi những người có địa vị cao thời Lê] long- rọng tới. Dân chúng Bắc Hà dại khờ từ khắp nơi chạy tới coi các ông Chúa và nghe nhạc của họ. Đêm 18, 19 tháng 7 [1786], chúng tôi nghe thấy tiếng súng đại bác nổ cả đêm. Đó là một cuộc giao chiến giữa quân Bắc Hà và kẻ địch tại Hiến Nam, Trấn thủ cũ của chúng tôi cùng vệ binh và con ông chống cự hết sức, nhưng vì sợ hãi xâm chiếm, binh lính họ bỏ trốn một cách hèn nhát; và sau khi bị thiệt hại 200 người, quân Bắc Hà không dám đụng độ địch nữa. Quân [Tây Sơn] nhân lúc đang thắng thế, tiến thẳng ra kinh đô và ngày 20 tháng 7 [1786], chúng vào đó không gặp sự kháng-cự nào. Thượng đế đã lấy mất trí suy-đoán của quan binh chúng tôi vì ai nấy đều thi nhau trốn chạy toán loạn và mặc hết để cứu cái mạng sống của họ. Người ta kể rằng lính Bắc Hà chỉ bắn có 12 phát súng vào quân Nam Hà thôi, rồi họ bỏ chạy và đốt cháy vài toà nhà do đó 1/4 thành phố bị thêu rụi. Địch có viết trên cờ họ chữ “Diệt Trịnh phù Lê” bởi vậy chỉ có Chúa Trịnh và bộ hạ cùng binh lính ông chạy trốn thôi. Gia đình nhà Lê ở lại kinh đô và 2 ngày sau khi chúng đến nơi, quan quân Nam Hà đến ra mắt vua Cảnh Hưng với đầy đủ lễ nghi. Người ta tưởng ngài đã băng hà nhưng ngài chỉ qua đời một tháng sau thôi. Trước khi mất đi, vị vua tuổi tác đó đã gã một công chúa cho Đức Oũ [Đức Ông Nguyễn Huệ]. Chạy được một, hai ngày thì chúa Trịnh [Khải] bị chính thần dân ông bắt lại và định mang ông nộp cho quân Nam Hà nhưng ông không cho chúng thì giờ làm vậy vì ông đã tự thắt cổ chết. Thế là hết đời ông hoàng bạc phước, đã được quân đội đem ra khỏi tù đặt lên ngai vàng và đã cầm đầu chính quyền trong một thời kỳ đen tối [loạn Kiêu binh], như quý ông đã biết. Quân địch đã cướp hết mọi thứ chúng chỉ để lại những căn nhà trống không và các dinh thự thôi. Chúng vét sạch cả phủ Chúa và biến đền chùa thành nhà của quan. Chúng đem chôn các pho tượng và không thờ thần nào cả. Có người còn phao tin rằng hai Đức Oũ [ Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ) đều theo Công giáo và có rất nhiều giáo đồ trong quân đội. Có một vị quan Nam Hà, sau khi rửa tội tại nhà một linh mục chúng tôi, đã viết thư cho đức Cha Céram [tức là đức cha J. Danoust, tác giả cuốn nhật ký này] nhờ đức ông cho ông biết voi (?) ở đâu để ông ta lĩnh phần. Các lái buôn xứ này làm giàu nhờ sự đói kém gần đây. Chúng không thương xót những kẻ chết đói đáng thương nằm dài dọc bên lề đường, lại còn đầu cơ gạo để bán với giá đắt hơn. Hình như Thượng đế đã có chủ tâm dẫn quân Nam Hà vào vương quốc này để trừng-phạt những kẻ tàn-bạo đó. Các lái buôn mất hết thuyền và vàng bạc thành thử mỗi ngày lại có kẻ âm thầm về nhà, thân thể bị lột trần chỉ còn một mảnh khố nhỏ, nhưng cũng may vì chưa bị giết. Lúc họ về tới nhà, họ còn gặp nhiều tai nạn nguy hiểm hơn nhiều. Đạo tặc lan tràn khắp nơi như kiến, và cắn hết mọi thứ như châu chấu của “Ngày tận thế”. Chúng nhảy xổ vào các lái buôn; cướp đốt nhà họ và giết khá nhiều người. Gần Cửa Bạng [Thanh Hóa], có một hòn đảo danh tiếng tên là Biện Sơn, trước dân cư gồm toàn lái buôn độ 3.000 người, trong số đó có 6,700 giáo đồ. Những kẻ bất hạnh đó trước kia làm giàu trên xương máu người nghèo nhờ bất-công và tham-nhũng, lần này Thượng đế đã trừng phạt họ và trên nhiều người như thế chỉ còn 2, 30 người sống sót mà thôi. Năm nay thật là năm đen tối của Bắc Hà. Phủ Yên Trường ở xứ Thanh [phủ Trường Yên trước thuộc Thanh Hóa, nay thuộc Ninh Bình] là kho tàng của họ Trịnh nên đầy vàng bạc và chiến lợi phẩm thu được tại Nam Hà [đây là nói về số vàng Hoàng Ngũ Phúc tướng Trịnh đã đánh bại quân chúa Nguyễn, thu được nhiều vàng bạc], đã bị quân Bắc Hà [ quân Trịnh] bỏ lại. Những quân cướp [ không phải quân Tây Sơn] đã ùa vào đấy lấy những gì có thể cướp được. Chúng đánh, giết và tranh giành nhau từng vật một. Sau đó quân Nam Hà tới và cướp sạch hết. Ai cũng tin rằng quân Nam Hà sẽ thay thế nhà Trịnh. Chúng công bố vài sắc lệnh mà ai khinh-thường. Sau chót, sau khi đã thu nhặt hết chiến lợi phẩm, Đức Oũ [ Nguyễn Huệ] sửa soạn để ra đi, nói rằng mục-đích ra Bắc của ông là đánh đuổi quân Trịnh đang áp-bức nhà Lê, nay nhiệm-vụ đã xong ông xin trở về. Đang lúc đó, lại có tin khác: đó là tin vua Trời với 30 con voi và một vạn quân đã qua xứ Nghệ, xứ Thanh và xứ [ Sơn] Nam và đã tới Kẻ Chợ [Thăng Long] trong một thời gian ngắn. Người đó chính là Nhạc. Ông lưu lại tại Kẻ Chợ có 2, 3 ngày, rồi ông lại hấp-tấp trở về [Nam Hà] qua xứ Nghệ và Bố Chính, tất cả đội ngũ Nam Hà về theo ông, kẻ theo đường biển, người đường bộ. Không ai ngờ tới chuyện này cả nên được tin, nhiều kẻ bạo nhất cũng phải xanh mặt. Hết vua, hết quan, hết bạc, hết gạo, cả vương quốc bị bỏ rơi cho lũ đạo tặc… Chúng tôi tưởng chừng sắp khốn đến nơi, và thật vậy, nên Thượng đế để hàng triệu quân ác tâm nảy nở ở Bắc Hà, chúng tôi sẽ không còn trên thế gian này nữa. Lũ giặc [Nam Hà] lúc ra Bắc thì hiền lành, nhưng lúc về Nam thì ngược lại: chúng đã cướp bóc dân chúng hai bên sông. Giữa sự hỗn-loạn này nhiều sự phạm-thượng [thần thánh] đã xảy ra. Nhiều linh mục của chúng tôi đã mất bình dầu thánh, hoặc tế phục, thánh tước, sách vở. Quân đạo tặc còn xé tế phục để may quân phục. Người ta có thấy nhiều đứa chết trong bộ áo lễ trắng…