[Funland] Dịch sách cổ: Ký sự Việt Nam 1835 [Hải Nam Tạp Trước]

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,174
Động cơ
691,644 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Sớm ngày mồng 9 [ ngày 25 tháng 3 năm 1836], có các Nho sĩ Trần Như Sâm 陳如琛, Trần Huy Quang 陳輝光, Hoàng Bích Quang 黃壁光 (đều là người Quảng Châu 廣州, Quảng Đông) đến chơi cùng làm thơ phú; bảo rằng Đông Kinh đất rộng, giàu có, thành trì kiên cố, dân tập trung đông, thị tứ phồn hoa, nguồn lợi trân quí đứng vào hàng đầu Việt Nam, lại nhiều bậc trí thức và thắng cảnh; không thể không chiêm ngưỡng một lần trong đời. Rồi mời vào thành, xem cung điện cũ thời nhà Lê 黎氏故宮; kìa là những bức vẽ trên cột, những nét khắc trên lầu son, cung điện cao, lầu gác san sát, phô bày rành rành trên thảm cỏ đượm hơi sương. Qua khu thị tứ, chợ búa thấy tiền bạc, hàng hóa chất đầy thành đống, kiểu cách mắt tôi chưa từng thấy. Vượt sông Nhị Hà 珥河江 (xưa gọi là Phú Lương富良江), xem sứ quán 使館 thiên triều [ nay là xã Gia Quất, huyện Gia Lâm], tại phía bên trái sông Nhị Hà, bia lớn sừng sững, khí tượng hiên ngang. Lại đến xã Đồng Nhân 同仁社 [nay là phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng] xem miếu thờ Hai Bà 二女廟 (thời Vua Quang Vũ 光武 nhà Đông Hán東漢, hai bà Trưng Trắc 徵側, Trưng Nhị 徵貳làm phản, Mã Viện 馬援 đến bình [định]; hai bà chết tại sông Nguyệt Đức月德江 [sông Cà Lồ], thây trôi về sông Phú Lương 富良江, người trong xã bèn lập miếu thờ). Lúc trở về, trú tại nhà ông Sâm 琛園 [viên ngoại] qua đêm; niềm cảm khái tràn dâng, tôi ngâm vịnh suốt đêm, hiểu rằng những hình ảnh được thưởng lãm đã ghi sâu vào ký ức.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,174
Động cơ
691,644 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Sáng hôm sau tôi dậy muộn, Phố trưởng Quảng Đông Hà Nghi Hưng何宜興, Thông ngôn Trần Chấn Ký 陳振記 (đều người Quảng Châu), Trần Hoành Khoan 陳衡寬 (người Triều Châu) cùng những người đồng hương đến biếu 10 lượng bạc cùng đồ vật; Phố trưởng Phúc Kiến, Thẩm Lâm 沈林 (người huyện Chiếu An) cùng đồng hương biếu 50 quan tiền, tôi tạ từ; duy chỉ nhận những vật tặng thêm như thức ăn và thuốc uống từ Dương Vạn Ký楊萬記, Thành Ký成記 (người đất Trường Thái 長泰) [Phúc Kiến], Hồ Vinh胡榮 (cựu Phố trưởng, người đất Chương Châu漳州). Ngày hôm đó [ngày 26 tháng 3 năm 1836] người đồng hương thiết tiệc đưa tiễn, tôi đều làm thơ cảm tạ.
Ngày 11 [ngày 27 tháng 3 năm 1836] từ biệt quan lớn họ Nguyễn, họ Trần, bàn nên theo lệ hộ tống quan lớn, dùng 50 tên lính; tôi lo rằng hao phí nhiều, xin theo con số [20 tên] như trước.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,174
Động cơ
691,644 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Xế trưa ngày ngày 11 tháng 2 [ngày 27 tháng 3 năm 1836] chúng tôi đến phủ Từ Sơn 慈山府 [Bắc Ninh], chiều tối đến tỉnh thành Bắc Ninh北寧省城, cách Hà Nội 130 dặm. Ngày 12 gặp Tuần phủ họ Nguyễn [Đăng Giai] (thân thuộc của Vương) [thực ra thì Nguyễn Đăng Giai không phải người hoàng tộc], hàn huyên mấy câu, tặng 1 cân trà thơm.
Ngày 13 [ngày 29 tháng 3 năm 1836] đến phủ Lạng Giang 諒江府 [Bắc Giang] gặp quan Tri phủ 知府官 họ Lê (tên Trinh 楨, Cử nhân xuất thân舉人出身) và quan Huyện thừa Phượng Nhãn 鳳眼縣 [huyện Yên Dũng, Bắc Giang] họ Phạm 範 (tên Hanh 亨, Tú tài xuất thân 秀才出身), cùng nhau thù tạc ngâm vịnh. Ngày 14 [ngày 30 tháng 3 năm 1836] đến đồn Cần Doanh芹營屯 [Kép, huyện Lạng Giang] (đồn này có quan trấn thủ); gần đồn nơi giáp giới với huyện Văn Giang 文江縣 có hồ Câu Lậu 勾漏 sản xuất đan sa [Đan sa tức là chu sa, chu sa, một loại khoáng chất màu đỏ sậm, vị ngọt, tính hơi lạnh và chứa chất độc. Vào thời cổ đại, nó được sử dụng làm một trong những nguyên liệu thô để tinh chế thuốc tiên. Đồng thời, nó có giá trị chữa bệnh]. Vào ngày 15 [ngày 31 tháng 3 năm 1836] trú tại đồn Quang Lang桄榔屯 [tức là châu Ôn, Lạng Sơn] (từ đồn Cần Doanh đến đồn Quang Lang đặt 7 đồn lớn, có quan giữ đồn trông coi).
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,174
Động cơ
691,644 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Ngày 16 [ngày 1 tháng 4 năm 1836] đi khoảng 30 dặm đến Quỉ Môn quan 鬼門關 [huyện Chi Lăng, Lạng Sơn], người xưa có câu ca dao rằng:
“Quỉ môn quan, thập nhân khứ, nhất nhân hoàn 鬼門關, 十人去, 一人還” [quan ải Quỉ Môn, 10 người đến, chỉ còn 1 người trở về].
Tục truyền có chợ quỉ 鬼市, sau giờ Ngọ đám đông quỉ ra cửa quan mua bán, người đụng phải sẽ bị bệnh. Chúng tôi ngồi nghỉ dưới quan ải, thấy gió lạnh buốt da, lông muốn dựng lên. Bên cạnh quan ải có miếu Phục Ba tướng quân 伏波將軍廟 [Mã Viện] hết sức linh thiêng (phàm Sứ thần qua lại, đều đến miếu này dâng hương); trước miếu trồng cây ý dĩ (ý dĩ trước đây Mã Viện trồng, ăn hạt này có thể giải chướng khí, trừ nước độc, nên người ta gọi là Càn Khôn thảo 乾坤草, tôi hái một túi đầy). Cách miếu 2 dặm phía đông nam, có núi đá, Đồng Trụ 銅柱 [cột đồng Mã Viện] dựng tại nơi này (có 2 Đồng Trụ, còn 1 Đồng Trụ tại Phân Mao Lãnh 分茅嶺, châu Khâm 欽州 [Quảng Tây]), cao hơn 1 trượng [1 trượng=3,33 mét], lớn 10 người ôm, lướt xem cùng chung màu với đá núi, trên đầy phân chim; người dân địa phương bảo rằng thường có chim lạ đậu trên đó. Buổi tối ngủ tại Đài Số 5 五台 (thời trước Thái thú Biện Châu 汴州太守 [Sầm Nghi Đống?] đánh Tây Sơn西山, quân Tây Sơn cho xây 18 pháo đài từ Lạng Sơn 諒山 đến Đông Kinh [Hà Nội] liên lạc với nhau; nay còn có tên Đài Số 3, Đài Số 5]
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,174
Động cơ
691,644 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Ngày 17 [ngày 2 tháng 4 năm 1836] đến tỉnh thành Lạng Sơn 諒山省城 (cách Bắc Ninh 360 dặm). Từ Lạng Sơn phía nam đến Bắc Ninh北寧; đường sá hoang dã, cỏ rậm tung hoành, vươn cao hơn trượng, nhìn ngút tầm mắt, rất ít nhà cửa. Có chỗ núi trống, suối sâu, cây cối chưa khai phá, không thấy dấu chân người, hành khách thường lo gặp kẻ gian phi. Lại có núi đá, đột ngột nhô lên trời cao, mây mù phủ quanh, suốt ngày không tan hết; cây núi đang mùa xuân, vẫn ngả màu vàng thiếu sinh khí. Đá trông như màu sắt, từng vằn từng vằn rêu phủ, nước khe chảy phía dưới, thỉnh thoảng chim công xúm nhau tắm. Những nơi khe suối đi qua, hai bên bờ cây cối tươi tốt giao nhau, khiến ánh sáng mặt trời không thể lọt xuống; rắn rết ẩn tàng, tanh hôi chứa chất nơi khe suối, nên nước khe rất độc. Người đi đường phải che đậy thức ăn, một giọt nước bên ngoài cũng không dám cho vào miệng, sáng chiều hai bữa ăn tất phải dùng nước thang ý dĩ; viễn khách đến nơi này, ăn uống thực khó khăn.
Khi đến gần Lạng Sơn thấy nơi biên địa núi non đỉnh nhọn trùng điệp, xa nhìn như hàng vạn lưu tinh [sao băng], như một đàn rắn kéo dài đến hơn 20 dặm, thế núi vươn lên, hạ xuống, rồi đột khởi thành mấy chục đỉnh cao. Khi chúng tôi đi qua được nửa núi, gặp một lão trượng lông mày rộng, là quan Tri huyện hậu bổ 候補知縣官họ Vũ 武 (tên Huy Nhất 輝一, hiệu Đường Trạch 唐澤, Cử nhân xuất thân 舉人出身) trên đường đi đến tỉnh Cao Bằng高平省. Ông mang một bầu rượu ngon, cùng đi với chúng tôi khoảng 2, 3 dặm, rồi mời tôi ngồi nghỉ, uống rượu ngâm thơ để quên mệt nhọc; khi qua núi, tôi phải chấp tay bái biệt vị lão trượng ung dung hào sảng.
Văn Trung 陳文忠, Cao Hữu Dực 高有翼 phụng mệnh Vương đến Hạ Môn 廈門 [Phúc Kiến]; lúc về được thăng hàm Gia nghị đại phu 嘉議大夫). Mới vào cửa, các Thư lại ngạc nhiên cho là quí quan (vì Việt Nam không đặt Lẫm sinh 廩生 [người có học cao được cấp học bổng]); ông bèn giải thích về khoa mục, nói rằng:
- Nhân sĩ của Thiên triều, tuy chỉ là một Tú tài, nhưng tài học Đến thành, khoảng giờ Thân [3-5 giờ chiều], gặp quan Tuần phủ họ Trần 陳 (kiêm quản tỉnh Cao Bằng, nên gọi là Tuần phủ Lạng Bình 諒平巡撫官; tên là Văn Tuân 文恂; vào năm Nhâm Thìn [niên hiệu] Đạo Quang [ từ 2/2/1832 đến 19/2/1833] cùng với các ông Trần phải vượt hơn, chớ có khinh thị.
[dịch thoát chữ 一衿 nhất câm, nghĩa đen là Cổ áo, Thi Kinh 詩經: Thanh thanh tử câm 青青子衿 (Trịnh phong 鄭風, Tử câm 子衿) Cổ áo chàng xanh xanh, ý nói cái áo của học trò xanh xanh, vì thế nên sau gọi các ông đỗ tú tài là thanh câm 青衿. Có khi gọi tắt là câm 衿].
Ông người to lớn, râu đẹp, mặt trẻ trung, nhưng tóc màu trắng; dáng dấp phiêu phiêu như ông tiên, dùng lễ nghi giống như Trung Quốc. Ông kể rằng khi tại Hạ Môn từng tiếp xúc tốt đẹp với thầy Chu Vân Cao 周蕓皋, nay được biết tôi là học trò của thầy Chu, thì rất kính trọng, hoan hỷ như trước kia từng gặp thầy.
Rồi sắp xếp cho tôi trọ tại nhà tại phía đông thành (chủ nhân là Âu Bang 歐邦, người phủ Thái Bình 太平, Quảng Tây 廣西); việc sắp xếp chỗ ngủ chăn chiếu đều do nhân viên tỉnh thành lo liệu, yến hội tiệc tùng không có ngày nghỉ. Tỉnh đường đã thông báo cho phủ Thái Bình, xin định ngày ra khỏi quan ải (theo lệ cũ phàm những người của thiên triều do nước này đệ tống đến biên giới, quan Tuần phủ bẩm báo, đợi phủ Thái Bình phúc đáp, định ngày đến quan ải tiếp thu.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,174
Động cơ
691,644 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Ngày 20 [ngày 5 tháng 4 năm 1836] quan Tuần phủ biết tôi buồn bã tịch liêu, bèn biên thư bảo rằng:
“Lạng Sơn là nơi biên giới, sau cơn binh hỏa (ba năm trước dân bản xứ làm loạn tại Lạng Sơn, Cao Bằng, mới bình định được từ năm ngoái) [chỉ cuộc nổi dậy của Nông Văn Vân tại 3 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên từ năm 1833 đến năm1835] thành ấp hoang phế, chỉ mới sửa chữa một cách tạm bợ; núi sông, nhân vật không đáng đi thăm. Duy có một vài hang động có thể du ngoạn, ông nên thử đi xem.”
Bèn sai viên thư lại là Bát phẩm Đoàn Văn Trung 段文忠 (có thể nói tiếng Tuyền Châu 泉州) cùng các Phố trưởng Quảng Châu, Triều Châu, dẫn tôi đi du ngoạn. Từ phía đông thành, qua khe suối, thấy núi đá nhô lên sừng sững phía đông bắc gọi là núi Phi Lai 飛來山. Tương truyền khi Mã Viện 馬援 đến, định xây thành tại nơi này; chỗ xây đã định, thì đêm hôm đó một trái núi bỗng nhô lên. Mã tướng quân bèn cho dời thành sang phía nam khe, rồi bắn một mũi tên vào núi, nay trên núi vẫn còn vết hổng phảng phất mây bay qua. Cách khe khoảng 2 dặm, thấy một dãy núi đá, 4 ngọn liên tiếp tuần hoàn, đi tiếp 3,4 dặm thấy chất đá gắn kết nhuần nhuyễn. Trước núi có một động, tên gọi là Nhị Thanh 二青洞 (năm Kỷ Hợi Cảnh Hưng 景興 thứ 41 [1780] Trấn thủ Lạng Sơn Ngô Thời Nhiệm? 吳時任 [năm Cảnh Hưng 41 là năm Canh Tý chứ không phải là Kỷ Hợi, bấy giờ Ngô Thì Sĩ làm Đốc đồng Lạng Sơn, chứ không phải người con là Ngô Thì Nhậm] bắt đầu khai phá; trước đó có nét hằn trên đá giống 3 chữ “Nhị Na Thanh 二那青”, nhân đó đặt tên động là Nhị Thanh. Cửa động xây bằng gạch, có 3 cánh rộng, đi thêm hơn 20 bước thấy mái điện thiên nhiên, hình vuông khoảng 1 mẫu, bốn bề lỗ chỗ lấp lánh, sắc trơn như mỡ dê; bên trong đột xuất tòa đá nhô lên từ dưới nước như tòa sen mới nở, trên tòa đắp tượng Khổng Tử; hai bên vào giữa vách đột xuất tòa đá nhỏ, bên trái tạc tượng Thích Ca 釋迦, bên phải tạc tượng [Thái Thượng] Lão Quân 老君; gọi là Tam Giáo Đường 三教堂 (do Lê Hữu Dung 黎有容 soạn bài ký) [Lê Hữu Dung là quan nhà Lê, ông từng làm Sứ thần sang nhà Thanh vào năm Nhâm Tuất,1784]. Trên trần thạch nhũ rủ xuống tua tủa, hoặc giống hệt như chuông, hoặc như khánh, hoặc như tiểu tăng chấp tay tụng niệm. Động phía sau có tượng đức Thế Tôn 世尊, qua một con đường khấp khúc, đến một cái hang tối đen không thấy đường, sau cùng sang động Tam Thanh tại phía bắc núi.
Ra khỏi động đi một số bước, qua 1 cầu gỗ lớn, cầu nhỏ; lại gặp một động khác. Động phía dưới rộng, phía trên dáng cong như chuông, nền bằng 2 phiến đá lớn, có thể chứa vài chục người. Nước xung quanh trần nhỏ xuống lách tách; tỏa khí mát, cho dù khách đến vào tháng sáu cũng không cảm thấy nóng. Nhẩn nha ngắm cảnh, theo đường phía trước núi đi khoảng 2 dặm đến động Tam Thanh 三青洞 (khai tịch năm Cảnh Hưng 41 [1780]). Động lớn hơn Nhị Thanh gấp bội, nhưng kém phần u nhã; trong có tượng Chư Thiên Bồ Tát 諸天菩薩, ánh sáng từ chuỗi hạt ngọc trên cổ tỏa ra bốn phía. Thỉnh thoảng nước nhỏ giọt vào thạch nhũ, ngưng đọng tạo màu sắc kỳ lạ. Trước động đối diện là một ngọn núi cao đơn độc, gọi là hòn Vọng Phu 望夫山; tục truyền đây là nơi xưa Tô Nhược Lan 蘇若蘭 chờ Đậu Thao 竇滔, chuyện thực hoang đường! Bấy giờ trời gần trưa, chúng tôi theo đường cũ trở về. [Tôn Nhược Lan sinh vào khoảng Tần Mục Đế thứ nhất [357], văn hay, lấy chồng là Đậu Thao. Tương truyền Đậu Thao đi đánh giặc, Nhược Lan chờ chồng. Người TQ gán ghép vào truyện Hòn Vọng Phu, nên tác giả cho là hoang đường].
Sau giờ Ngọ đi qua phía tây thành, lại du lịch động Đại Thanh 大青洞 (không biết khai tịch từ thời nào, không có bia để khảo); đường núi dốc, phải vin vào cành lá, mỏm đá, quanh co mấy vòng mới leo tới bên trên. Khi gần nữa triền núi, cửa động rộng mở, đá lớn nhô lên như muốn rơi, trên vách đá khắc 4 chữ lớn “thạch Phật cổ tích” 石佛古跡 [dấu tích cũ Phật bằng đá]; thẳng người đi vào, cảnh trí rộng mở. Trong có một pho tượng bậc đại sĩ, quí tướng trang nghiêm, mặt mũi tay chân giống như thật, ngưng thần hướng thẳng, xem cõi trần như không, nội tâm hướng về cõi tĩnh tịch. Sau pho tượng mấy bước có hang thông lên đỉnh núi, hiểm trở chật hẹp khó đi. Trước pho tượng phía bên phải, có một hang tròn, đi khoảng hơn 10 bước, nhìn ngang thấy ánh sáng mặt trời. Người dẫn đường bảo rằng qua nơi này còn một động khác tối hơn; nhưng tiếc rằng mặt trời đã xuống thấp, chân cũng đã quá mỏi; nên đại khái chiêm ngưỡng kỳ quan dừng tại đây; quả thật là nơi tiên cảnh tại hải ngoại.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,174
Động cơ
691,644 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Vào ngày 24 [ngày 9 tháng 4 năm 1836], quan Tuần phủ tế văn miếu文廟; các quan và học sinh đều áo mũ, cầm hốt, mặc đại lễ phục hành lễ; trong miếu đồ tế khí không đầy đủ, không vũ nhạc, chỉ thổi sáo, đàn Hồ cầm 彈胡琴, đánh chuông không ngừng. Phía ngoài sân miếu, quân lính tinh nhuệ trang bị vũ khí, xếp bốn hàng nghiêm chỉnh theo hướng đông tây, ngoài cửa đốt hình 2 con rồng [bằng giấy]. Tế xong sai người biếu [tôi] thịt nướng.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,174
Động cơ
691,644 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Ngày 27 [ngày 12 tháng 4 năm 1836] nhận được hồi văn của Tri phủ Cảnh Công 景公 từ phủ Thái Bình (hẹn ngày 5 tháng 3 [20/4/1836] đến quan ải. Tuần phủ họ Trần biết được ngày đi, vào ngày 28 [ ngày 13 tháng 4 năm 1836] thết tiệc tại nhà khách, mệnh Tri phủ Tràng Định 長定 họ Đặng 鄧 (tên là Huy Thuật 輝述, Tiến sĩ xuất thân 進士出身), quan Kinh lịch 經歷官 họ Nguyễn (tên Đăng Giảng 登講), quan Tri châu Lộc Bình 祿平州知 họ Nguyễn (tên Đình Diêu 廷姚, quan Tri huyện Văn Khai? 文開縣 [đúng ra là huyện Văn Quan文關縣, chữ Khai 開 và chữ Quan 關 hay lầm] họ Hồ 胡 (tên Văn Trước文著), quan Phó vệ 副衛官 họ Nguyễn (tên Kim Đôi 金堆; gồm 5 quan văn võ bồi tiếp. Rượu nữa chừng, Tri phủ họ Trần đề nghị theo thứ tự lần lượt làm thơ liên cú, chuyền ly lớn uống cho say. Ông Đặng tao nhã, thi tứ bén nhạy, thơ hùng hồn; bữa hôm đó mọi người đều hoan hỷ. Vào ngày 29 [ngày 14 tháng 4 năm 1836] vào từ tạ Tuần phủ họ Trần, định ngày mai khởi hành; ông nghe tin sắp đi, buồn bã hồi lâu, đưa biếu 10 lạng bạc, cùng vài vị thuốc; tôi từ chối tiền chỉ nhận thuốc, rồi cảm tạ bằng thơ.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,174
Động cơ
691,644 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Ngày 30 cáo biệt [ngày 15 tháng 4 năm 1836], ông sai quan Lục phẩm Cai đội 六品該隊官 Nguyễn Văn Lương 阮文良, Bát phẩm Thư lại 八品書吏 Đoàn Văn Trung 段文忠, hai viên quan giữ ải Nguyễn Đình Tây 阮廷西, Nguyễn Hành Kiệm 阮行儉 mang 20 tên lính của tỉnh, y phục nghiêm chỉnh, khí giới bóng loáng, hộ tống ra quan ải. Ông đích thân đốc suất quan lại ra khỏi thành tiễn hành, dặn tôi khi trở về Hạ Môn xin gửi lời thăm thầy Chu Vân Cao để biểu đạt tấm lòng ngưỡng mộ; ông không dám viết thư, vì lễ không cho phép, rồi gạt nước mắt từ biệt [theo luật bấy giờ, quan không được tự tiện giao dịch thư từ với người nước ngoài]. Qua sông [sông Kỳ Cùng] là phố Kỳ Lừa 駈驢庯 (nơi cho phép người Lưỡng Quảng tập trung buôn bán); đi tiếp 35 dặm đến châu Văn Uyên 文淵州.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,174
Động cơ
691,644 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Ngày mồng một tháng 3 [ngày 16 tháng 4 năm 1836], quan Tri châu họ Nguyễn (tên Thiếu 眺) mời dự tiệc. Đến chiều quan coi ải Nguyễn Đình Tây阮廷西 cũng mời. Ngày hôm sau Thư lại châu 州書吏 là Trương Sùng Lễ 張崇禮 cùng Lẫm sinh Nông Mãnh Âu 農孟區 (người châu Ninh Minh寧明, Quảng Tây, khách trú tại đây) làm thơ đưa tặng.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,174
Động cơ
691,644 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Ngày mồng 2 [ngày 17 tháng 4 năm 1836] quan Tri phủ họ Đặng gửi thơ tặng, cùng tặng 2 quan tiền; quan Tri châu nghe tin, cũng làm thơ tặng và tặng tiền 2 quan; tôi đều làm thơ báo đáp.
Buổi sáng ngày mồng 5 [ngày 20 tháng 4 năm 1836] khởi hành từ Văn Uyên đi theo đường nhỏ, qua núi rừng trùng điệp, âm u không bóng người, không nghe tiếng gà chó; khoảng 40 dặm đến ải Do 由隘, tức Nam Quan 南關 (Việt Nam gọi là ải thôn Do 油村隘, giáp giới với châu Ninh Minh 寧明州, phủ Thái Bình 太平府; là nơi tiếp giáp xung yếu giữa Quảng Tây và đất Giao 交[Chỉ], có viên Bả tổng 把總 trấn thủ) [Tác giả lầm, ải Do không phải ải Nam Quan, ải Do cách ải Nam Quan khoảng trên 5 km, về phía đông. Thời nhà Thanh, hai nước giao thiệp thông thường tại ải Do; lúc có việc đại sự như Sứ thần qua lại mới qua ải Nam Quan].
Ngày hôm đó nha môn thuộc 3 xứ, đạo Tả Giang 左江道, phân phủ Minh Giang明江分府, châu Ninh Minh (đều gần ải Nam Quan), sai lính đến tiếp nhận. Tôi từ biệt những người hộ tống, rồi theo quân lính đạo Tả Giang trên đường lên phương bắc; từ đó ra khỏi nước ngoài để đi vào trung thổ. Tuy nhiên hồi tưởng đến sự ân cần của các quan Việt Nam cùng đồng bào Hoa cư ngụ tại đây, không thể ngăn được giọt nước mắt cảm động!
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,174
Động cơ
691,644 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
PHẦN 3: VIỆT NAM KỶ LƯỢC 越南紀略
------------------------------------
Việt Nam, xưa là đất của người Việt Thường 越裳氏; ở biển Nam, cách Đài Loan 台灣 tám mươi ba canh đi thuyền thì đến. Nơi đây phía đông giáp biển, phía tây tiếp giáp với các nước Chư Man Lão Qua 諸蠻老撾 và các nơi khác, phía nam là Chiêm Thành 占城 (Chiêm Thành là một nước riêng, xưa gọi là Nhật Nam日南, đời Minh nhà Lê sáp nhập), phía bắc giáp phủ Tư Ân, Quảng Tây và phủ Lâm An, Vân Nam. Nơi thuộc đất Nhật Nam xưa gọi là Quảng Nam, xưng là Tây Kinh; nơi thuộc đất Giao Chỉ xưa gọi là An Nam, xưng là Đông Kinh 東京; nay hợp lại thành một nước.
Thời vua Đường Nghiêu 唐虞時, vua Thuấn, nơi đây là đất Nam Giao南交. Đời Tần đặt làm Tượng Quận 象郡. Đầu đời Hán, Triệu Đà 趙陀 chiếm giữ. Hán Vũ Đế 武帝 bình định Nam Việt, đặt quận Giao Chỉ 交趾郡. Đời Quang Vũ 光武, hai chị em Trưng Trắc 徵側, Trưng Nhị 徵貳nổi dậy, Mã Viện馬援 đánh dẹp, lập cột đồng làm ranh giới. Đời Kiến An 建安 [năm 196-220], đổi tên thành Giao Châu交州. Đời Đường đổi thành An Nam, đặt chức Đô hộ, Tiết độ sứ An Nam đô hộ phủ 靜海軍節度使. Đều thuộc về Trung Nguyên. Sau vì hay phản hay phục nên bỏ, chỉ nhận cống nạp. Đời Ngũ Đại, người bản địa Khúc Thừa Mỹ 曲承美chiếm giữ, bị Nam Hán sáp nhập. Đầu đời Tống, Đinh Liễn 丁璉 chiếm giữ, được phong làm Giao Chỉ quận vương. Sau ba đời Đinh Liễn, bị thuộc hạ là Lê Hoàn黎桓 đoạt ngôi. Sau ba đời Lê Hoàn, [lại] bị thuộc hạ là Lý Công Uẩn 李公蘊 đoạt. Sau tám đời Lý, không có con trai, truyền cho con rể là Trần Nhật Tôn陳日煚 [ua Trần Thái Tông (1225 - 1258)]. Nhà Nguyên đánh chiếm, phong con trai là Trần Quang Bính光昺 làm Giao Chỉ quận vương交趾郡王.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,174
Động cơ
691,644 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Đầu đời Minh Hồng Vũ 明洪武 [Niên hiệu vua Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (1368 - 1398)], phong Trần Nhật Tôn làm vua nước An Nam安南國王; khi đó [nước này] xâm chiếm Chiêm Thành. Sau bốn đời, bị thuộc hạ là Lê Tú 黎秀đoạt, giết hại toàn bộ con cháu nhà Trần [Có lẽ là Hồ Quý Ly]. Năm đầu niên hiệu Vĩnh Lạc 永樂, phong con trai nhà Lê là Hồ胡 [có lẽ là Hồ Hán Thương] làm vua. Sang năm sau, em trai Nhật Tôn là Trần Thiên Bình天平 [sử ta gọi là Trần Thiêm Bình] cùng thuộc hạ là Bùi Bá Kỳ 裴伯耆 đến cửa khuyết [triều đình nhà Minh] phủ xin trả thù, vua Minh ra lệnh đón về cai trị đất nước; nhà Hồ giết Thiên Bình và binh lính hộ tống, nhà Minh bèn chia đường tiến đánh, bắt cha con Hồ Quý Ly [nguyên văn vẫn để họ Lê, nay ngườ dịch xin phép đổi lại cho đễ đọc], truy tìm con cháu nhà Trần không được, bèn đổi thành quận huyện [nội thuộc nhà Minh], chia thành 17 phủ, 47 châu, 157 huyện, 12 vệ, đặt ba Ty trị vì. Sau đó, Trần Giản Định 陳簡定 và con trai là Trần Quý Khoáng nối tiếp nhau làm loạn; sau khi dẹp yên, Lê Lợi 黎利 lại làm loạn. Năm thứ hai niên hiệu Tuyên Đức宣德 [Niên hiệu vua Minh Tuyên Tông Chu Chiêm Cơ (1426 - 1435)], Lê Lợi sai sứ dâng tấu biểu xin phong Trần Cao làm vua; [vua Minh nghe] theo lời bàn của Dương Sĩ Kỳ 楊士奇 và Dương Vinh楊榮, [nhà Minh] đình chiến và phong vương, bãi bỏ ba Ty. Cao chết, Lê Lợi giả xưng con cháu nhà Trần đã tuyệt tự, vua Minh ra chiếu cho phép tạm quyền cai quản đất nước. Con trai là Lê Lân 麟 phong làm vua [ không rõ là vua Lê nào?], sau đó sáp nhập Chiêm Thành. Sau mười đời, bị thuộc hạ là Mạc Đăng Dung 莫登庸 thoán đoạt. Năm thứ mười sáu niên hiệu Gia Tĩnh嘉靖 [Niên hiệu vua Minh Thế Tông Chu Hậu Thông (1522 - 1566)] , con trai vua cũ Lê Ninh 黎寧 đến cầu viện [tức là Lê Trang Tông 黎莊宗 (1515 - 9 tháng 3 năm 1548), hay còn gọi là Trang Tông Dụ Hoàng đế 莊宗裕皇帝, là vị Hoàng đế thứ 12 của nhà Hậu Lê và là vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Lê Trung hưng], Đăng Dung sợ hãi, dâng tiền vàng quy thuận, đổi tước phong làm An Nam đô thống sứ 安南都統使, và đưa nhà Lê đến sống ở sông Mã [Thanh Hóa]. Sau hai đời nhà Mạc, bị Lê Duy Đàm 黎維潭, con trai Lê Ninh đánh đuổi, vua Minh ra chiếu phong Duy Đàm làm đô thống sứ [tức là Lê Thế Tông 黎世宗 (1567 - 12 tháng 10 năm 1599), là vị hoàng đế thứ tư của Hoàng triều Lê - giai đoạn Trung hưng và thứ 15 của triều Hậu Lê nước Đại Việt, ở ngôi từ năm 1573 đến năm 1599. Ông là hoàng đế nhà Lê đầu tiên trở lại nhập chủ Thăng Long sau 66 năm nhà Lê Sơ bị họ Mạc cướp ngôi (1527-1593) và hoàn thành công cuộc trung hưng vương triều], và đưa nhà Mạc đến sống ở Cao Bằng, theo như điển lệ sông Mã. Năm thứ tư niên hiệu Thiên Khải天啟, nhà Lê tấn công Cao Bằng 高平, nhà Mạc càng suy yếu. Cho đến hết đời Minh, hai họ chia nhau cai trị.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,174
Động cơ
691,644 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Năm thứ năm niên hiệu Khang Hi 康熙 triều ta [tức nhà Thanh], phong Lê Duy Hi 黎維禧 làm vua nước An Nam [ tức là Lê Huyền Tông 黎玄宗 (1654 – 16 tháng 11 năm 1671) tên thật là Lê Duy Vũ 黎維禑, là vị Hoàng đế thứ tám của nhà Lê Trung hưng và thứ 19 của triều Hậu Lê]. Năm thứ năm mươi tư niên hiệu Càn Long乾隆, nhà Lê mất nước, phong Nguyễn Quang Toản 阮光年làm vua nước An Nam [nguyên tác nghi là Niên]. Năm thứ bảy niên hiệu Gia Khánh, đổi phong [Nguyễn Ánh] làm vua nước Việt Nam, từ đó đổi An Nam thành Việt Nam. Những gì ghi chép trong sách sử, rõ ràng như ban ngày, không dám bịa đặt. Những gì Thái Đình Lan tôi nghe được đều là chuyện gần đây, không thể khảo cứu kỹ lưỡng, cùng với những gì tận mắt chứng kiến, tạm ghi chép lại để cung cấp cho những người ở hải ngoại tham khảo.
Theo lời kể của những người lưu vong Việt Nam, vào cuối triều đại nhà Lê, đất nước xảy ra nhiều loạn lạc, chia thành ba phe:
Gia Long嘉隆: Niên hiệu của cha vua hiện nay, họ Nguyễn; người dân trong nước kiêng kỵ nhất việc nói tên vua. Cát cứ ở Lũng Nai [Đồng Nai] (nay là tỉnh Gia Định).
Thái Đức泰德 chưa rõ họ và niên hiệu [tức là Nguyễn Nhạc].
Quang Trung 光中: Chưa rõ tên, vốn là người buôn bán, sống ở xã Tây Sơn 西山社, tự xưng là Tây Sơn vương西山王, người ta gọi là giặc Tây Sơn西山賊, lấy niên hiệu là Quang Trung, chiếm giữ Thuận Hóa 順化即 (tức Phú Xuân富春). Mỗi vị vua cai quản một vùng, kết nghĩa anh em với nhau [thực ra là anh em Tây Sơn, chứ Nguyễn Ánh thì không]. Thái Đức chết, con trai bị thuộc hạ ép buộc, chạy đến nương nhờ Quang Trung. Quang Trung mưu hại chết [con của Thái Đức] và chiếm lấy đất nước của Thái Đức. Gia Long tức giận, dấy binh đánh dẹp, phá vỡ thành Tân Châu 新州城, sai phò mã trấn giữ. Quang Trung cử Thiếu phó少傅 và Đại tư đồ大司徒 đem quân vây hãm Tân Châu, nhiều năm không hạ được, lại cử Đô đốc都督 tăng quân tấn công mạnh mẽ. Trong thành lương thực đã hết, quân tiếp viện từ xa đến đã mệt mỏi. Tân Châu phía Bắc cách Thuận Hóa 11 ngày đường bộ, phía Nam cách Đồng Nai hơn 20 ngày đường bộ. [Quân Nguyễn] đánh trận nào cũng bại, thành bị hạ, Phò mã tự thiêu chết. Đô đốc [quân Tây Sơn bèn] chuyển quân sang Đồng Nai, quân Gia Long [Nguyễn Ánh] tan vỡ, [Ánh bèn] bỏ thành chạy ra biển. Quang Trung càng mạnh, thống nhất Bắc Hà [nguyên văn là Đông Kinh東京], thay thế nhà Lê lên làm vua. Khi Nguyễn Ánh chạy ra biển, giặc cướp biển người Quảng Đông [nguyên văn là Việt nhân粵人, tỉnh Quảng Đông 廣東, Quảng Tây 廣西 nguyên trước là đất của Bách Việt 百粵, nên gọi hai tỉnh ấy là tỉnh Việt, trong các văn bản xưa TQ thì Việt 粵 là tên gọi tắt của tỉnh Quảng Đông 廣東] là Hà Hiến Văn 何獻文 dẫn vài trăm quân vây đánh. Gia Long kế cùng lực kiệt, bèn mặc áo mũ chỉnh tề bước ra khỏi thuyền, hô lớn:
-Ta là vua Đồng Nai. Nay nước đã diệt vong, ta sắp đi nước khác cầu viện binh để báo thù, trên thuyền không có gì cả, giết ta cũng chẳng ích gì! Nếu các ngươi có thể tập hợp hết quân lính giúp ta đánh tan giặc, đến ngày thành công, ta nguyện chia sẻ đất nước cho các ngươi và tôn các ngươi làm vua.
[Câu này cho thấy bản chất sẵn sàng bán nước của Nguyễn Ánh, chỉ lo lấy ngai vàng dòng họ mà thôi]
Hiến Văn 献文 vui mừng, bèn cùng vua Gia Long thề ước, cùng đi đến nước Xiêm La, xin quân tinh nhuệ vài vạn, chia đường tiến đánh, hạ được hai thành Lũng Nại [Đồng Nai] và Tân Châu, thừa thắng tấn công Thuận Hóa順化, tiến ra chiếm lấy Đông Kinh東京. Quang Trung đem quân còn lại trốn vào núi, Thiếu phó và Đại tư đồ của ông theo đường tắt chạy về Đông Kinh, bị quân phục kích bắt được. Vua Gia Long lấy xác họ làm đuốc tế Phò Mã駙馬; Đông Kinh cũng đầu hàng. Toàn bộ đất nước An Nam đều thuộc về vua Gia Long. Lũng Nại được đổi tên thành Gia Định嘉定, Đông Kinh được đổi tên thành Thăng Long升隆. Niên hiệu Gia Long嘉隆 được đặt ra, lấy mốc từ khi khởi nghĩa ở Gia Định và thành công ở Thăng Long. Vị hiệu đã định, vua Gia Long sai sứ thần mang biểu văn dâng cống triều đình nhà Thanh; sau đó được đổi phong làm vua Việt Nam. Vua Gia Long cắt một quận đất ban cho Hiến Văn 献文. Hiến Văn 献文 không dám chống cự, cuối cùng vì đảng phái ít ỏi, thế lực yếu ớt, người địa phương không phục, nên bỏ đi nơi khác. Vua Gia Long thương cảm cho ông ta, thường đối xử tốt với người Hoa. Nay vua nước này đã lên ngôi hơn mười năm, vẫn ban ơn như cũ, khiến cho thương nhân được an cư lạc nghiệp.
[Đoạn này tác giả viết sai nhiều về Lịch sử, bạn đọc chỉ coi là tham khảo mà thôi]
 
Chỉnh sửa cuối:

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,174
Động cơ
691,644 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Về sau, tướng giữ thành Gia Định [Lê Văn Khôi] chống lại vua Minh Mạng, chỉ trong một ngày đã chiếm được bốn phủ, nhiều người Hoa theo phe tướng giữ thành. Vua phái quân vây đánh thành Gia Định nhiều năm nhưng không hạ được, tổn thất hơn năm vạn quân, (đa số bị gỗ lăn từ trên thành đè chết) Người dân Gia Định biết vua có hiềm khích với nước Xiêm La, (trước đây nước Xiêm La đã dùng quân giúp Gia Long giành được ngôi vua, Gia Long cảm kích ơn nghĩa đó, hằng năm phái vài trăm người sang Xiêm La phục dịch, thay phiên nhau làm việc, đó là lệ thường; sau này vì không chịu nổi sự ngược đãi, tất cả đều bỏ trốn về, vua không phái người thay thế nữa), tình giao hảo tốt đẹp giữa hai nước do đó đứt đoạn, người dân Gia Định ngầm viết thư cầu cứu vua Xiêm La; quả nhiên vua Xiêm La phái mười vạn quân thủy đến chi viện, dùng người Hoa hướng làm đạo. Khi quân Xiêm La đến gần thành Gia Định, người Hoa lén lút lấy trộm vàng bạc của họ rồi bỏ trốn. Quân Xiêm La không biết đường, bị quân đội Việt Nam chặn đánh, hơn một nửa quân số bị tiêu diệt, quân Xiêm La thua chạy. Quân trong thành Gia Định bị cô lập, quân đội Việt Nam tấn công càng cấp bách, xây dựng thành ngoài, từ trên thành nhìn xuống thành trong, dùng đại bác bắn vào. Hai bên giao chiến liên tục mười lăm ngày, thành Gia Định bị hạ, quân trong thành bị tiêu diệt hoàn toàn.
[Đoạn này tác giả nói về chiến tranh Việt-Xiêm 1833-1834 và cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi tại thành Gia Định chống lại Minh Mạng]
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,174
Động cơ
691,644 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Năm Nhâm Thìn [1832], (niên hiệu Đạo Quang thứ 12), giặc cướp ở Cao Bằng高平 nổi loạn, liên kết với lưu dân vùng biên giới Quảng Tây, tập hợp đông đảo, phá vỡ thành Cao Bằng, lan rộng đến Lạng Sơn, quấy rối hơn hai năm mới dẹp được. Nhiều người cho rằng đó là do người Hoa gây ra, nhưng không biết rằng thủ phạm chính là người bản địa, chỉ có một hai kẻ gian trong số dân nhập cư lợi dụng cơ hội theo phe, hoặc bị ép buộc không phải lòng, khiến cho hàng vạn người mang hộ tịch phải chịu oan khuất, mất lòng tin và bị nhà vua nghi kỵ, mà thuyền buôn cũng phải chịu gánh nặng thuế tăng, há chẳng oan uổng thay!
[Đoạn này kể về cuộc khởi nghĩa của Nông Văn Vân hay còn gọi là Nùng Văn Vân (農文雲 ?-1835) là thủ lĩnh cuộc nổi dậy chống Nguyễn của các dân tộc vùng Đôg Bắc trong lịch sử Việt Nam. Cuộc nổi dậy nổ ra từ đầu tháng 7 (âm lịch) năm Quý Tỵ (1833) đến khoảng giữa tháng 3 (âm lịch) năm Ất Mùi (1835) thì bị triều đình nhà Nguyễn dập tắt với việc phóng hỏa đốt rừng Thẩm Pát ở Tuyên Quang và tuyên bố là đã tìm thấy Nông Văn Vân bị chết cháy ở trong đó. Tuy không đầy hai năm, nhưng đây là một cuộc đấu tranh rộng lớn và tiêu biểu nhất của các dân tộc thiểu số ở thế kỷ 19, và đã làm cho quan quân nhà Nguyễn khá khốn đốn]
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,174
Động cơ
691,644 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Giặc Tây Sơn Quang Trung, sau khi vào núi, đã dụ dỗ người thiểu số, tập hợp đảng phái cướp bóc, vẫn xưng là vua Tây Sơn, con cháu nối đời nhau có các niên hiệu giả như Cảnh Thịnh景盛, Bảo Điển寶典. Lại có một loại rắn ma quỷ, là giống người Mèo Trắng白苗, sống trên núi, sinh sôi nảy nở, một con rắn ma quỷ cai trị, thỉnh thoảng ra ngoài giết người làm hại. Tuy nhiên, Đình Lan lén lút quan sát tình hình Việt Nam, thấy kinh thành kiên cố và có phòng bị, dựa vào núi, ngăn biển, lấy được thế hiểm yếu có thể tự cường, một dải Nam Bắc như sợi dây dài, hơn năm nghìn dặm đều quy về thống trị, có thể không lo tranh giành, thực sự là nước mạnh chót vót trong các nước chư hầu. Điều lo ngại là roi dài không tới, lòng dân nông nổi vô thường mà thôi [ý câu này là pháp luật không thi hành được ở những nơi xa xôi, lòng dân còn nông nổi dễ bị dụ dỗ]
oạn này tác giả cũng viết sai nhiều về Lịch sử, quy kết những cuộc nổi dậy chống lại nhà Nguyễn là do Tây Sơn lãnh đạo, thực tế thì vua Quang Trung đã mất từ năm 1792, còn triều đình Tây Sơn đã chính thức sụp đổ năm 1802, sau khi vua Quang Toản và gần như toàn bộ con cháu nhà Tây Sơn bị Nguyễn Ánh hành hình]
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,174
Động cơ
691,644 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Vua nước An Nam hiện nay [tức là Minh Mạng] rất mực tôn kính Thiên Triều [triều đình nhà Thanh], hiểu rõ phép tắc bề tôi, đặc biệt thông hiểu sách vở, tự mình biên soạn tập thơ văn, đề cao Nho học, nhiều quan lớn được tuyển chọn qua khoa cử, hiếu thảo với mẹ, tích trữ của cải, kho tàng đầy ắp vàng bạc, giỏi về kinh tế, buôn bán tứ phương, mọi thứ trong nước không có đều tìm kiếm mang về, dù chỉ một nghề cũng truyền dạy kỹ thuật. Trang phục tuy theo quy chế cũ, nhưng lễ nghi phép tắc đều noi theo Trung Quốc như đặt quan, tuyển sĩ, văn bản, luật lệ, không khác gì Trung Quốc. Vua từng nói:
"Thiên Triều là nơi ta kính phục, bề tôi đương thời phải giữ gìn tiết tháo, những dân tộc khác không đáng nói đến."
Cho đến nay, việc cống nạp không thiếu sót. Quan lại Trung Quốc gặp gió dạt vào bờ biển nước này đều được đối đãi trọng thị.
[Đoạn này ca ngợi Minh Mạng tài giỏi, thực tế, cũng cho thấy đầu óc cuồng Nho, cuồng Tàu của Minh Mạng nói riêng và các vua Nguyễn nói chung]
Vua An Nam thường một hoặc hai lần mỗi tháng đi du ngoạn. Vua có thể đi kiệu, cưỡi ngựa hoặc voi. Trang phục lộng lẫy, nghi vệ uy nghiêm, có hàng nghìn lính đi theo. Dọc đường đi qua chợ búa, nhà nhà bày hương án đón rước, vua ban cho mỗi nhà ba quan tiền để tỏ lòng ưu ái. Khi không có việc gì, vua thường ở trong cung. Các hoàng tử, công chúa hơn trăm người ở những cung điện riêng, được dạy dỗ về văn chương và võ nghệ. Lượng thức ăn được quy định, nếu phạm lỗi sẽ bị giảm bớt. Con cháu, họ hàng nếu ỷ thế lấn át người khác, dù thân thích cũng phải bị trừng phạt theo pháp luật.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,174
Động cơ
691,644 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Cán bộ văn chức trong ngoài nước An Nam, phẩm cấp và danh hiệu đều mô phỏng theo chế độ quan lại nhà Thanh. Trước đây, những người được bổ nhiệm vào chức vụ đều xuất thân từ thư lại, từ thư lại chưa được bổ nhiệm vào quan chức chính thức, đến khi có chỗ trống thì được thăng dần; nay thì coi trọng khoa cử. Kỳ thi khoa cử được tổ chức ba năm một lần, triều đình cử quan đốc học chủ trì việc thi cử. Học sinh từ các tỉnh đến kinh đô thi về văn chương, kinh nghĩa, thơ phú. Người có bài thi hay được chọn làm cử nhân, người đạt yêu cầu được chọn làm tú tài. Tú tài 40 tuổi được chọn bổ nhiệm vào chức vụ giáo thụ, cử nhân được chọn bổ nhiệm làm tri huyện. Những người chưa ra làm quan thì dự thi Hội, đỗ đạt được gọi là Tiến sĩ. Kỳ thi Đình, vua đích thân chấm chọn quan chức thuộc bộ Hàn Lâm, đồng thời bổ nhiệm tri huyện ngay, không có quy định về thứ bậc đỗ đạt. Chức vụ võ quan vẫn theo quy định cũ của nước An Nam, không tổ chức thi võ. Lương bổng của quan lại thấp, xét xử kiện tụng không dám nhận hối lộ, kẻ phạm tội bị trừng phạt nghiêm khắc. Ngay cả quan to như bố chính, án sát cũng không có tích lũy được vài trăm lạng vàng. Ngày thường không đội mũ, mang giày, đi chân trần. Khi tiếp xúc với dân chúng, yết kiến vua cũng vậy. Người có công được ban cho mũ và giày, khi vào triều được phép mang giày thêu màu đỏ sau khi chết. Chỉ có vào dịp tế lễ lớn mới theo phẩm cấp mặc trang phục theo quy định, áo thụng, hốt, ủng, mũ đều giống như triều Hán [ý nói các triều đại của người Hán, khác với người Mãn Thanh]. Mỗi người có hai chiếc túi to hình bầu quai xách, (giống như hà bao荷包, tức là iúi nhỏ mang theo mình để đựng tiền hoặc đồ vật lặt vặt nhỏ) đựng các vật dụng nhỏ và thức ăn, quan lại có trách nhiệm mang theo bên mình. Khi ra vào che ô bằng dầu màu xanh, dùng ô lớn che mưa, không phân biệt màu sắc. Người có công được ban thêm một chiếc ô, lấy việc có nhiều ô che để làm vinh dự. Ngồi kiệu, không phân biệt tôn ti, đều do hai người khiêng kiệu trên vai, dùng gậy tre, phía dưới lót một tấm lưới lụa, hai đầu gắn thanh gỗ để cố định, treo trước sau gậy, lấy lá tre đan thành hình mai che phía trên, hai bên rủ chiếu làm rèm che. Khi muốn ngồi, nhấc rèm che, bước vào từ bên hông, nằm ngửa bên trong. Quan lại dùng gậy gỗ, trang trí bằng sơn đỏ. Lưới lụa, quan từ phẩm cấp thứ ba trở lên dùng màu đỏ, còn lại đều dùng màu xanh đen. Người dẫn đường có hơn mười lính tráng, mỗi người cầm súng, gậy gỗ, dao, roi mây vài đôi mà thôi.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,174
Động cơ
691,644 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Quân đội nước An Nam không thuộc quyền quản lý riêng của võ quan. Các nha môn quan văn lớn nhỏ đều có số lượng lính nhất định được phân công. Lính đóng ở tỉnh gọi là tỉnh binh省兵, đội nón tre, (nhỏ chỉ che được đầu), sơn màu vàng, cắm lông gà, mặc áo vải thô màu đỏ, viền xanh, tay áo xanh. Lính đóng ở phủ, huyện gọi là phủ binh府兵, huyện binh縣兵 [lính phủ, lính huyện], đội nón sơn màu xanh, đen, cắm lông gà, mặc áo vải đen, viền đỏ, tay áo đỏ. Vũ khí trang bị rất tinh xảo; nhưng nước này không sản xuất sắt, ít thuốc súng, (thường xuyên luyện tập, nhưng không bắn súng hỏa mai, chỉ làm động tác bằng tay). Kỹ năng chiến đấu của binh lính yếu kém. Quân pháp nghiêm khắc, ra trận dù chết cũng phải tuân theo. Tướng soái đánh giặc chủ yếu dựa vào mưu kế và chiến thuật nhanh chóng. Người dân nhìn vào thắng bại của quân đội để quy phục hay chống đối, nên dễ xảy ra loạn lạc khi hợp tan, và cũng do lòng tin và sự gắn kết giữa quân đội và người dân chưa được củng cố.
[đoạn mô tả về quan chế, quân phục, tình hình, sức mạnh quân đội nhà Nguyễn thời Minh Mạng của tác giả là khá chính xác]
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top