[Funland] Dịch sách cổ: Ký sự Việt Nam 1835 [Hải Nam Tạp Trước]

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,165
Động cơ
691,647 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Đã lâu, khi rảnh, em vẫn dịch sách cổ, vừa luyện ôn kiến-thức, vùa phục vụ các cụ đam mê tìm hiểu Lịch sử.
Trước, em đã giới thiệu phần 1 cuốn Hải Nam Tạp Trước 海南雜著 của Thái Đình Lan 蔡廷蘭, một văn sĩ Đài Loan bị bão đánh dạt thuyền vào nước ta thời Minh Mạng vào cuối năm 1835, rồi lên đường bộ từ Quảng Ngãi ra Bắc, ngược theo Lạng Sơn về Trung Quốc.
Trong suốt cuộc hành trình này, Thái Đình Lan đã ghi chép, tường thuật, quan sát phong cảnh, con người, thể chế chính trị của nước ta thời Minh Mạng, rồi viết thành sách có nhan đề Hải Nam Tạp Trước 海南雜著.
Cuốn này gồm 3 phần:
1. 滄溟紀險 Thương Minh kỷ hiểm [ghi chép về những hiểm nguy ở biển lạnh giá]
2. 炎荒紀程 Viêm hoang kỷ trình [ghi chép về hành trình qua những vùng đất xa xôi].
3. 越南紀略 Việt Nam kỷ lược [ghi chép sơ-lược về Lịch sử Việt Nam, phần này tác giả đứng trên quan điểm thân nhà Nguyễn đã cưu-mang mình nên viết khá tiêu-cực về nhà Tây Sơn nói chung và vua Quang Trung nói riêng, tập trung chủ yếu nói về tình hình xã hội, phong tục, quan chế, kinh tế, hôn nhân thời Minh Mạng]
Nay em dịch phần 2 và 3, có liên quan đến nước ta vậy. Những đoạn tác giả tự chú thích, xin để ngoặc (..) còn những đoạn người dịch chú thích them, xin để ngoặc [ ].
---------------------------
Vì trình độ vô cùng ngu dốt, kiến thức quê mùa nông-cạn, hiểu biết rất hạn-chế, bản dịch này chỉ phục vụ các cụ OF đọc vui tham khảo, rõ ràng, phần Lịch sử tác giả có khá nhiều nhầm lẫn, nhưng những phần trực tiếp quan sát, nhận định nước ta thời Minh Mạng thì rất đáng để tham khảo.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,165
Động cơ
691,647 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Tác giả:
Thái Đình Lan 蔡廷蘭 [sinh ngày 21 tháng 9 năm 1801 mất ngày 17 tháng 4 năm 1859], nguyên tên là Sùng Văn崇文, tự Trọng Chương 仲章 sau mới đổi sang tên là Đình Lan, hiệu Úc Viên 郁圓, còn các học giả gọi ông là Thu viên Tiên sinh 秋園先生.
Thái Đình Lan 蔡廷蘭, người đảo Bành Hồ 澎湖, Đài Loan, đậu Tiến sĩ năm Đạo Quang 道光 thứ 25 [1845], là vị Tiến sĩ duy nhất của đảo này. Thời còn là Lẫm Sinh 廩生 [Sinh viên được cấp học bổng ăn học thời nhà Thanh], sau khi dự kỳ thi tại tỉnh thành Phúc Kiến 福建; vào ngày mồng 2 tháng 10 năm Ất Mùi Đạo Quang thứ 15 [ngày 21 tháng 11 năm 1835], ông cùng em trai là Đình Dương, từ đảo Kim Môn 金門 đi thuyền về thăm mẹ tại Bành Hồ. Trên thuyền, vào canh ba [tức là từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng] đêm hôm đó gió bão nỗi lên, chẳng mấy chốc cuồng phong càng mạnh, thuyền chao đảo, sóng xô đâm xuống biển, nên phải chặt gãy cột buồm để thuyền khỏi vỡ. Trải mấy ngày trời, lênh đênh trên biển cả, không biết vị trí nơi đâu “xô về đông, hay dạt tới phương đoài”. Rồi một đêm bỗng gió tắt, mưa tạnh, biển êm trở lại; chờ đến sáng thấy thuyền đánh cá đi qua, gọi lại hỏi, thất vọng không hiểu tiếng, nhưng có người trên thuyền viết hai chữ “An Nam”; dùng đốt ngón tay tính, thì hôm đó là ngày 11 tháng 10 [30/11/1835]. Nơi này gần đồn Thái Cần, tại cửa sông Trà Bồng, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi; qua trình báo của thuyền đánh cá, hai ngày sau quan Thủ ngự đồn đích thân đến kiểm tra.
Riêng Thái Đình Lan từng viết thiên hồi ký nhan đề là Hải Nam tạp trước 海南雜著 tường thuật một cách sinh động chặng đường bị nạn, thời gian lưu ngụ tại Việt Nam, noi theo đường Thiên Lý [tương tự Quốc lộ 1] từ tỉnh Quảng Ngãi đến Lạng Sơn, để trở về nước.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,165
Động cơ
691,647 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Phần trích dịch:

Thuyền đến hải cảnh Việt Nam vào ngày 13 tháng 10 năm Ất Mùi [2/12/1835]. Có 2 viên quan tại đồn binh dùng thuyền nhỏ đến sát thuyền; cả hai đều chít khăn điều đen, mặc áo màu đen ống chật, quần hồng, đi chân trần (quan viên Việt Nam ở trong nhà hoặc ra ngoài đều đi chân trần , mặc quần màu hồng; y phục không phân biệt đông hè, vào tháng đông vẫn mặc áo lụa mỏng; người giàu phần lớn dùng 2 màu lam và đen, khăn đội đầu cũng vậy; riêng quần thì màu hồng); họ mang theo một viên Thông ngôn ( nghe âm phát ra thì biết là người huyện Chiếu An 詔安, Phúc Kiến, tên là Thẩm Lượng 沈亮). Y bảo chủ thuyền rằng:
- Quan Thủ ngự tại đồn Thái Cần 菜芹, tỉnh Quảng Ngãi 廣義省, phủ Tứ Nghĩa 思義府 [cửa sông Trà Bồng, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, gần Dung Quất], nghe tin thuyền Trung Quốc bị bão, đến để kiểm tra, (tên của 2 viên quan là Nguyễn Văn Loan 阮文鸞, Nguyễn Văn Lợi 阮文利).
[Chúng tôi] bèn mời lên thuyền, họ mở khoang xem xét mọi nơi, đòi trình bày rõ việc thuyền bị bão, rồi giữ lấy giấy chủ quyền [ nguyên văn là bài chiếu khứ quốc牌照去國] (nước này dùng chữ Hán, thể thức giấy tờ quan nha cũng tựa như Trung Quốc), rồi dặn ngày mai sẽ kéo thuyền vào trong cảng, chiếu lệ dâng phẩm vật trên mâm đồng 銅盤để bẩm trình (phàm dâng lễ vật, để trên mâm đồng đội trên đầu, quì xuống dâng, gọi là cống đồng bàn 銅盤).
Ngày hôm sau [tức ngày 3 tháng 12 năm 1835] vào lúc gần trưa, thấy mấy chục thuyền chài đánh cá, giăng buồm cói [ nguyên văn là 蒲帆 bồ phàm có lẽ là thuyền buồn mành], lao đến như bay. Viên Thông dịch điều một số người lên thuyền chúng tôi: kẻ thì cầm tay lái, kẻ thì kéo neo thuyền lên; lệnh các thuyền chài buộc giây vào mũi thuyền rồi kéo, thuyền từ từ đi theo. Vừa làm, dân chài vừa cất tiếng hát, âm thanh tỏa trên sóng nước, chim hải âu đang đua lượn, nghe tiếng hát vội bay đi. Đến chiều tối, thuyền đi vào cửa sông; thấy rừng tre dày đặc mông lung, nơi thôn xóm khói bếp bay lên. Chẳng mấy chốc thuyền ghé bờ, trên bờ có hàng chục căn nhà lá, đồn [Thái Cần] tại đó. Viên quan Thủ ngự đích thân đến bãi cát, chỉ huy thuyền chài, lệnh dời ra đậu trước đồn; chờ khi thuyền chúng tôi thả neo, mời được chèo đi (tục lệ nước này, khi thuyền lạ vào chỗ đồn, quan Thủ ngự lo phòng hộ; trước đó đánh chiêng lên, thuyền chài phải tập hợp nghe sai bảo, không được lấy tiền công). Ban đêm nghe tiếng trống điểm canh cho đến sáng (đánh suốt đêm, cứ mỗi canh đánh một tiếng; quan lớn đến, thì đánh chuông).
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,165
Động cơ
691,647 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Vào ngày 15 [ngày 4/12/1835], nhờ Thông dịch cho [chúng tôi] lên bờ, chủ thuyền mang những vật (người nước này thích như gừng, mỳ, thuốc hút, trà), mượn mâm đồng của đồn đem dâng, tôi cũng phụ tặng thêm bút và mực. Viên quan Thủ ngự rất vui, mời chúng tôi ngồi trên giường (các quan lớn nhỏ tại đây tiếp khách không dùng ghế tựa; trong phòng đặt một chiếc giường thấp; cấp lớn ngồi hướng Nam, bên trái và phải đặt mỗi giường theo hướng Đông-Tây, phía trái là chủ, phía phải là khách; nếu ngồi chung giường, thì cấp lớn ngồi ngoài, cấp nhỏ theo thứ bực ngồi trong); rồi thảo văn thư, báo lên quan tỉnh (viên quan lớn đứng đầu tỉnh gọi là quan tỉnh đường 省堂官, tại phủ xưng là quan phủ đường府堂官). Nhân dịp chúng tôi vay 1 phương gạo (khoảng 4 hộc) [4 lít], 1 quan tiền (tiền kẽm ghi niên hiệu Minh Mạng 明命, cứ 2 đồng tiền kẽm bằng 1 đồng tiền đồng, mỗi quan gồm 600 đồng); rồi cáo từ quan Thủ ngự, trở về thuyền.
Vào sau buổi trưa ngày 16 [ngày 5/12/1835], [chúng tôi nhìn] thấy trên bờ có 2 chiếc cáng đến (cáng khiêng vai, họ gọi là võng), mỗi cáng chở một người, với một số tùy tùng cầm roi mây. Sau một chốc quan Thủ ngự xuống thuyền, bảo viên Thông dịch nói rằng:
-Đây là quan tỉnh đường, sai người đến tái xét nghiệm. (một người là viên thư lại ty Bố chánh chưa nhập ngạch [quan] tên Trần Hưng Trí 陳興智, một người là viên thư lại ty Án sát chưa nhập ngạch tên Nguyễn Tiến Thông 阮進統).
Họ xét giấy tờ của thuyền, cùng sổ sách ghi tên số khách đáp thuyền (gọi những khách thuyền chở là đáp khách 搭客); bắt chìa ngón giữa tay trái ra in dấu tay, gọi là “điểm chỉ 點指”. Lại xét kỹ trong khoang thuyền có vật cấm hay không (nước này nghiêm cấm nha phiến và vũ khí, nếu mà điều tra ra cướp biển thì xử chém); đo chiều ngang, chiều dọc thuyền bằng trượng, xích; khoang thuyền sâu hay cạn, để làm hồ sơ tính thuế (nếu trong thuyền không có hàng hóa, được miễn chịu thuế). Lại lấy giấy bút ra, ghi những điều vấn đáp; hẹn tôi ngày hôm sau đến gặp quan lớn tại tỉnh đường, rồi lên bờ đi.
Sáng hôm sau, [những viên quan này] đáp thuyền nhỏ đến đón tôi, chủ thuyền cùng đi. Gió thổi nhẹ, nước chảy chậm, theo sông hơn 10 dặm [1 dặm=576 mét] thì lên bờ. Bấy giờ đã trưa, theo đường nhỏ đi 2, 3 dặm đến chợ Lộ Mẫn 潞潣 (âm Đường gọi là Lật Vạn 慄萬, có đồn lính) [ nay là Châu Ổ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi]; buổi tối [chúng tôi] trú tại nhà viên Thông dịch. Canh năm [3-5 giờ sáng] khởi hành, đi dưới trăng, từ thôn này qua thôn khác nghe tiếng mõ canh giờ; xa xa tiếng chó sủa râm ran, dưới ao cóc nhái kêu không ngớt. Đi khoảng hơn 20 dặm thì trời sáng, ăn điểm tâm tại quán nhà quê bên đường. Lại đi hơn 1 dặm, qua con sông nhỏ; hai viên chức nhường võng cho ngồi, nhưng tôi khước từ; do đó họ hô lính tùy tùng dẫn đường đi từ từ (viên quan không có kẻ hầu riêng, nên sai lính phục dịch). Bấy giờ đi trên đại lộ rộng hơn 2 trượng [1 trượng=3,33 mét] (nước này chỉ có một đại lộ, thông Nam-Bắc); hai bên bờ trồng mít, cứ 10 bước trồng một cây, cành lá xum xuê, tỏa bóng đầy mặt đất, gió mát vi vu, thổi lồng qua tay áo. Xa nhìn đất bằng ngàn khoảnh, ruộng lúa tốt tươi; vườn nhà bốn bề dậu tre, trồng chuối, cau trầu; phong cảnh cũng giống như Đài Loan. Trên đường thỉnh thoảng qua cầu làm bằng tre, lớp cũ lớp mới trồng lên nhau, dưới có đà gỗ bắc ngang nâng đỡ; đạp từng bước đi qua, dưới chân cảm thấy mềm lún. Qua sông [tức sông Trà Khúc], hơn một dặm đến tỉnh thành Quảng Ngãi. Trông coi tỉnh có một viên quan Bố chính布政官, một quan Án sát, một quan Trấn binh (hai ty Phiên, Niết, người ta quen gọi là quan Bố chính, quan Án sát 按察官; Tổng binh gọi là ông Trấn binh quan鎮兵官; xưng gộp 3 vị là Tam quan đường 三官堂). Thành nhỏ (tục gọi là thành Cù Mông 虯蒙城) [đúng ra là Chính Mông, theo Đại Nam Nhất Thống Chí ghi tỉnh thành Quảng Ngãi tại xã Chính Mông huyện Chương Nghĩa, chợ Chính Mông: ở gần tỉnh thành, trước gọi là Cù Mông, đời Minh Mạnh đổi tên], có 3 cửa Đông, Tây, Bắc; văn phòng quan, kho tàng, trại lính đều ở trong thành, dân chúng buôn bán ở ngoài thành (phàm các tỉnh thành, quận thành, dân không được ở trong đó). Chúng tôi đến chợ [chợ Chính Mông] gặp người Đường 唐人 (người nước này gọi người Trung Quốc là người Đường hoặc người Thiên Triều 天朝), tên là Lâm Tốn 林遜, người đất Đồng An [Phúc Kiến] mời đến nhà.
Một lúc sau, Ủy viên giục đi gặp quan lớn, tôi theo đi vào thành, người xem đứng đầy đường. Đến dinh thự, dẫn vào sảnh đường lớn (dinh quan chỉ có một sảnh đường, sáng chiều làm việc đều tại đây; thuộc viên, thư lại đều tụ tập tại sảnh đường lo công việc, hết giờ mọi người về nhà). Hai quan lớn ngồi tại đây, viên Thông dịch nói nhỏ cho biết:
-Một vị là viên Bố chánh họ Tôn Thất 宗室, Nguyễn Bạch 阮帛, một vị là Án sát Đặng Kim Giản 鄧金鑒. [nguyên văn còn thêm chữ công 公 sau họ, để tỏ sự kính trọng]
Chúng tôi bước lên vái chào hai vị quan, hai vị cũng đứng lên vái chào, rồi chỉ vào chiếc giường thấp tại phía bên phải mời ngồi, hướng về viên Thông dịch nói một hồi, nhưng viên Thông dịch không dịch nổi (hiểu biết của Thông dịch chỉ dịch nỗi những câu tầm thường ngoài đường, ngoài chợ; chứ cao hơn không dịch nổi!). Viên quan lớn bèn viết trên giấy hỏi về quê quán, lý lịch, cùng tình trạng gặp bão; tôi bèn đem đầu đuôi chép rõ ra. Cả hai gật đầu xuýt xoa, ra vẻ hết sức thương cảm; bèn gọi Bang trưởng Phúc Kiến là Trịnh Kim 鄭金 đến (cũng là người Đồng An) bảo chọn phòng ốc cho ở (người Trung Quốc ở đây phần nhiều là người Mân và Việt; Mân gọi là bang Phúc Kiến 福建幫, Việt gọi là bang Quảng Đông 廣東幫, mỗi xứ lập một Bang trưởng để làm việc công); rồi cấp cho 2 phương gạo [1 phương – 4 lít], hai quan tiền để ăn tiêu hàng ngày; lại gọi chủ thuyền vào, cho mở khoang thuyền, bán hàng còn lại. Tôi đứng lên cảm tạ, xin rút lui, trú tại nhà Lâm Tốn.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,165
Động cơ
691,647 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Ngày 19 tháng 10 [ngày 8 tháng 12 năm 1835] tôi soạn một bài văn, rồi nhờ Bang trưởng dâng lên cho đại quan. Đại quan hoan nghênh tán thưởng; bèn dâng sớ lên Quốc vương [tức Minh Mạng], cùng đính kèm bài văn (Quốc vương tại thành Phú Xuân富春城 [Huế], cách tỉnh Quảng Ngãi 7 ngày lộ trình). Chiều hôm đó, quan Bố chính sai Thư lại mang các đề [thi] về Tứ Thư 四書, Ngũ Kinh 五經, thi phú, yêu cầu tôi viết, hẹn giờ Thìn [7-9 giờ sáng] hôm sau đến lấy bản thảo. Chiều tối, Án sát họ Đặng cũng sai Thư lại mang các đề đến (nội dung cũng giống như quan Bố chính vậy). Tôi y theo kỳ hạn, soạn xong đem trình, họ đọc nhưng không hoàn lại.
Đến ngày 22 [ ngày 11 tháng 12 năm 1835], tôi đến xin tạm biệt quan lớn, trở lại thuyền.
Ngày 24 [ngày 13 tháng 12 năm 1835], tôi cùng em trai lấy hành lý, từ biệt người trong thuyền, quay lại tỉnh thành Quảng Ngãi, từ đó chúng tôi không còn trở lại thuyền nữa.
Ngày 26 [ngày 15 tháng 12 năm 1835] quan lớn nghe rằng tôi đã đến, mệnh các thuộc viên (gồm 1 Tri Phủ 知府, 2 Thông phán 通判, 2 Kinh lịch 經歷, 2 Tri huyện知縣, 1 Huyện thừa縣丞, 1 Giáo dụ 教諭) cùng đến gặp; vì phòng hẹp, nên chào hỏi nhau rồi tan, không kịp hỏi tên. Sáng hôm sau đến gặp quan lớn, mọi người đều có mặt, tôi nhân bái tạ tấm lòng thịnh tình [của quan] và tự trách mình tội làm phiền; rồi gặp lúc sảnh đường có xử kiện, nên cáo lui. Tại đây vài ngày, các quan lại, nhân sĩ rầm rộ đến gặp, kể có hàng trăm, gọi tôi là “ông Lẫm Sinh 翁廩生” (tục nước này, gọi người tôn kính là ông翁 hoặc thầy [tác giả viết chữ Thái 太 cho giống âm tiếng Việt là Thầy]); có kẻ hỏi văn, có kẻ xin viết chữ, không kham được sự quấy nhiễu, duy tình cảm giữa tôi với các viên Thư lại ty Bố chính Bùi Hữu Trực 裴有直, Nguyễn Sĩ Long 阮仕龍 thì rất thắm thiết.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,165
Động cơ
691,647 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Sáng sớm ngày mồng 5 tháng 11 [ngày 24 tháng 12 năm 1835] quan lớn sai người báo cho biết có chiếu chỉ của Quốc vương [Minh Mạng] đến, bèn cấp tốc đến sở quan, đọc bản sao phê dấu son [của vua] rằng:
“Nghe danh người này thuộc loại văn học xuất thân, bất hạnh bị nạn gió bão, tiền chi tiêu hết sạch, thực đáng nên giúp. Tỉnh [Quảng Ngãi] đã cấp phát tiền và gạo, nay gia ơn tăng thưởng thêm 50 quan tiền, 20 phương gạo để ăn tiêu, nhắm biểu thị sự giúp đỡ Sinh viên bị tai nạn của Thiên triều, riêng những người bị nạn trên thuyền, chiếu theo số lượng, mỗi người một tháng cấp cho một phương gạo.”
[Tôi] Bèn soạn văn từ cảm tạ, đến kho tỉnh lĩnh trợ cấp, đều phát đầy đủ. Do đó các quan lớn rất kính trọng, gặp lúc rảnh gọi đến cùng bút đàm.
Vào sáng sớm ngày 9 [ ngày 28 tháng 12 năm 1835], có tân Tiến sĩ 新進士 Lê Triều Quí 黎朝貴cùng đi với viên Tri phủ Phạm Hoa Trình 範華程 đến thăm, ông họ Phạm từng giữ chức Phó sứ đi cống Thiên triều, sáng tác một tập thơ, lấy từ tay áo ra, đem cho tôi xem, tôi bèn bình phẩm chi tiết và làm thơ tặng.
Ngày 10 [ngày 29 tháng 12 năm 1835], tôi gặp Hoàng Văn 黃文 (người đất Long Khê 龍溪, Phúc Kiến, trú tại phố Quảng Ngãi) nói rằng anh ta đã trở về Phúc Kiến 3 lần bằng đường bộ (về Phúc Kiến có 2 đường: Từ Quỳnh Châu 瓊州, Quảng Đông 廣東 qua biển Hải Nam 海南 đến Xích Khảm 赤崁là đường ngoài, tuyến đường này có cướp trộm, nhiều người mới nên đi. Một đường từ Quảng Tây 廣西, tương đối xa, nhưng không lo bị trộm cướp mai phục.) Anh ta nói về đường đi rất rõ ràng, tôi rất mừng bèn quyết định về.
Ngày hôm tôi sau dâng thư lên quan lớn, xin cấp phí tổn hành trình, giấy tờ để đi đường bộ trở về nhà. Quan lớn cho rằng trái với thông lệ, nên ra vẻ đăm chiêu (theo lệ cũ: Phàm thuyền Trung Quốc bị tai nạn gió bão đến đây, nếu là viên chức văn võ, cùng thân sĩ, cho đáp thuyền quan, hộ tống trở về nước; dân buôn thì cho đi đường bộ trở về). Nhưng tôi ra sức xin, mới viết sớ trình lên.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,165
Động cơ
691,647 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Vào ngày 13 [ngày 1 tháng 1 năm 1836] tôi đến phố Quảng Ngãi, phố Quảng Ngãi cách thành 30 dặm [khoảng 17 km, có thể là bên sông Vệ], tại khu phố Trung Quốc, thuyền tập trung tấp nập. Trú tại nhà Hoàng Văn, bàn chuyện quê hương rất vui, chủ nhân gọi vợ con ra chào, người Hoa tranh nhau đến thăm, ở 2 đêm thì trở về chỗ cũ.
Ngày 20 [ngày 8 tháng 1 năm 1836] có thầy giáo tư thục Trần Hưng Đạo 陳興道 mời uống rượu ngâm thơ. Thầy dạy học trò Tứ Thư, kinh sử, cổ văn, thi phú giống như Trung Quốc. Học trò viết bài, dùng bút tre, chấm mực bằng bùn lỏng [ nguyên văn 塗泥水 đồ nê thủy] trên nghiên đá; rất thô sơ (bút mực rất ít, kẻ học chữ không có giấy viết chữ mẫu để đồ lên); nhưng có trò đặt giấy lên bàn tay, viết chữ thảo rất nhanh. Ông Trần thông kinh sử, biết làm thơ, người ta gọi là Ông thầy 翁柴 [ tác giả dùng chữ Hán cận âm: Ông Sài翁柴 wēng zhài để phiên âm tiếng Việt là: Ông Thầy] (gọi Tiên sinh là thầy). Từ đó, các nhân sĩ gọi uống rượu ngày một đông.
Vào ngày 6 tháng chạp [ngày 23 tháng 1 năm 1836] Vương [Vua] sai Sứ giả Bùi Kính Thúc 裴敬叔 (Cử nhân, Tri huyện hậu bổ 候補知縣) gặp tôi, đích thân đến nơi trọ ân cần an ủi. Ngày hôm sau tôi đến cảm tạ, các quan đều có mặt tại tỉnh đường. Sứ giả cùng các quan lớn thể theo ý của Vương, đều khuyên tôi bỏ đường bộ đi thuyền, họ dự định mùa xuân năm sau khi gió từ phương nam khởi phát, sẽ dùng thuyền quan chở tôi đến Hạ Môn 廈門 [Phúc Kiến], mọi người đều cho là thuận tiện. Tôi bảo rằng muốn về nhà sớm để phụng dưỡng mẹ, hai bên thảo luận qua lại bằng bút đàm từ giờ Thìn đến giờ Mùi [7-9 giờ đến 13-15 giờ], lời yêu cầu của tôi rất cương quyết. Bấy giờ Sứ giả bắt đầu chuyển ý, hẹn khi trở về kinh đô tâu trình, sẽ đem xuống bộ nghị bàn, rồi ngay đêm hôm đó khởi hành. Tôi về nhà bồn chồn lo lắng thành bệnh, trong 10 ngày không ngồi dậy được, quan lớn thường sai người đến thăm hỏi.
Rồi đến sáng sớm ngày 19 [ngày 5 tháng 2 năm 1836] Ủy viên trước đây đến xét thuyền là Trần Hưng Trí 陳興智 vào chúc mừng tôi rằng:
- Bộ bàn nghị đã chấp thuận!
Bệnh tôi vụt biến mất, bèn ngồi dậy hỏi thêm, ông Trần giục tôi chỉnh trang y phục để gặp quan lớn. Quan lớn đưa ra lời phúc trình của bộ kèm theo lời phê son của Quốc vương như sau:
“Cứ [thấy] tên này mấy lần xin đi đường bộ trở về quê cũ, không thể ở lâu, lý nên chấp nhận lời xin, lệnh bộ Hộ đưa cho 10 lạng bạch kim để giúp hành trình, vẫn do quan tỉnh liệu biện thật ổn thỏa”.
Tôi đọc xong, khóc cảm tạ, xin quan lớn định ngày lên đường. Án sát họ Đặng chảy nước mắt nói:
- Túc hạ trở về là phải, từ nay [cách biệt] chân trời nam bắc, biết ngày nào gặp nhau?
Tôi cũng buồn không ngăn được nước mắt, bèn cáo từ rồi bảo em trai chuẩn bị hành lý, mướn người đi phụ theo và từ biệt những người quen biết.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,165
Động cơ
691,647 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Ngày hôm sau [ngày 6 tháng 2 năm 1836] hai quan lớn sai đem tiền của bộ Hộ cho, cùng giấy Lộ chiếu quan 路照關文 [tức là giấy đi đường] (sai một viên Cai đội mang theo 20 lính hộ tống đến Quảng Nam, cấp văn thư dọc đường hoán đổi lính, chi cấp lương ăn), lại tặng thêm 5 lượng bạc. Án sát họ Đặng sai người thân đến biếu quế và thơ văn đựng trong ống ngà voi, tôi nhận và bái tạ bằng thơ. Lại được Thư lại Bùi Hữu Trực biếu 3 quan tiền, và các đồng hương Lâm Khiểm (người Đồng An), Lâm Tốn, Trịnh Kim tặng thuốc men, những người khác gửi tiền tôi đều khước từ.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,165
Động cơ
691,647 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Vào buổi sáng ngày 21 [ ngày 7 tháng 2 năm 1836], gửi thư văn xin cảm tạ Quốc vương. Quan lớn đưa ra khỏi dinh, từ Tri phủ trở xuống tiễn tại ngoài thành. Các vị đồng hương đưa đến bờ sông [sông Trà Khúc], nhỏ nước mắt tạm biệt. Chủ thuyền và người trong thuyền đều lưu lại, chờ khi thuận tiện có thuyền mới trở về. Tính ra thời gian ở Quảng Ngãi hơn 50 ngày, trời mưa, lam chướng nhiều, đất lại bùn lầy, chân khó mà cất bước; y phục, dép guốc, giường chiếu đều ẩm ướt, ngày đêm ruồi muỗi vo ve; gặp được hôm tạnh thì đi gặp quan lớn, đón tiếp người đến thăm, nên tôi không có dịp du lịch tiêu khiển, thăm sông núi, vườn rừng. Do đó bồi hồi buồn bã, trong lòng u uất không yên; rồi được về, anh em tôi như chim hạc được ra khỏi lồng, hăng hái vỗ cánh bay đi, không nghĩ đến tiền đồ còn hàng vạn dặm! ……
Từ thành Quảng Ngãi đi 40 dặm thì đến Lộ Mẫn 潞潣 [nay là thị xã Châu Ổ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi] là 1 cung đường (1 cung bằng 40 lý, đặt một đồn canh), mưa gió suốt đêm đông, [chúng tôi] trú tại nhà viên Thông dịch Thẩm Lượng 沈亮. Ngày hôm sau, đi 40 dặm đến Khẩn Bản 緊板 (từ Khẩn Bản đi thuyền trên sông suốt ngày đêm đến Quảng Nam 廣南); qua sông 20 dặm đến Chợ Mẫn 𢄂潣 (âm Đường gọi là Tọa Vạn 坐萬). Lại đi 160 dặm đến tỉnh thành Quảng Nam (thường gọi là Hội An 惠安, thành gọi là Tọa Quì 坐葵城) [đúng ra phải viết là 會安, không rõ vì sao tác giả lại viết là Huệ An 惠安]; chúng tôi trú tại nhà phố trưởng Hồng Đỉnh 洪錠 (người Đồng An, Phúc Kiến). Cách thành 20 dặm là phố Hội An (người Trung Quốc rất nhiều), có dinh thự cũ của Chuyển vận sứ (thờ những viên Chuyển vận sứ triều trước, người Trung Quốc thờ cúng không lợi, nay giao cho người địa phương trông coi, thường đóng cửa không vào được).
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,165
Động cơ
691,647 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Ngày 25 tháng chạp [ngày 11 tháng 2 năm 1836] gặp quan Tuần phủ 巡撫官 (quan kiêm quản Quảng Ngãi, gọi là Nam Ngãi Tuần phủ 南義巡撫官) họ Phan 潘 (tên là Thanh Giản 清簡, hiệu Mai Xuyên 梅川, xuất thân Tiến sĩ, từng đi sứ Thiên triều, giữ chức Đông các đại học sĩ 東閣大學士; gặp việc nên bị giáng ra cõi ngoài, điều giữ chức hiện tại). Ông tài học cao, tính khiêm cẩn, lễ tiết theo văn học, dáng nhàn nhã. Trong một ngày mời đến gặp 2 lần, tặng 5 quan tiền, các đồ vật như trà, cùng xướng họa thơ. Sáng sớm hôm sau, sai thuộc hạ cầm danh thiếp tiễn đưa.
Ngày 26 [ngày 12 tháng 2 năm 1836] đi trên đường Quảng Nam, thấy ruộng lúa tươi tốt, lúa non xanh một màu như tấm thảm, cò trắng đứng lêu nghêu bất động trong ruộng, xa nhìn cây cối xanh tốt làm người ta mê mẩn. Phía biển có 3 quả núi, chia rõ ra 3 chòm, động trống mở ra như 3 tòa nhà thiên nhiên [núi Ngũ Hành Sơn]; tục truyền xưa là hang 7 con nhện, biến thành gái đẹp để làm việc ma quái, sau được Phật trừ diệt, nay gọi là động Thất Tỷ Muội 七姊妹洞 [động 7 Chị Em], dáng cao hơn 2 trượng [1 trượng =3,33 mét]. Buổi tối trú tại đồn dưới đồi, người phu võng (tức người khiêng cáng) dặn ngày mai dậy sớm, ăn no để đi lên ải hẹp (có một con đường qua núi cao dốc, là đèo hiểm trở nhất tại Việt Nam [tức là đèo Hải Vân].
Sáng sớm khi thấy mặt người, ra khỏi đồn đi khoảng 2 dặm trong sương mù. Ngưỡng nhìn trên đỉnh, mây che như tuyết phủ cuồn cuộn tiếp trời cao, nhìn không thấy núi. Bấy giờ mặt trời sớm mai lên, đã qua được một đỉnh nhỏ. Một con đường nhỏ uốn khúc qua triền núi giáp biển, nước biển hung hãn, sóng xô ầm ầm, chấn động cả ghềnh đá. Rồi đến một thôn nhỏ, gặp một đồn lính có quan trấn thủ, quan tra xét hỏi rất nghiêm. Theo sườn núi đi lên, đường quanh co hơn 10 dặm, hai bên đường gai góc mọc đầy, rừng tre giăng mắc như lông nhím, trong lùm cây chim chóc líu lo, hàng trăm tiếng hót khác nhau; trên đường hoa dại rộ nở, cánh hoa rơi rụng khắp nơi, cảnh vật đẹp không thể tả xiết! Khi lên được nửa núi, thế núi dốc, đường đi từng bậc, như leo lên chiếc thang ngàn trượng lên mây, phu võng phải để võng trên vai mà đi, các lính hộ vệ ra tay giúp đỡ; thẳng gối, thót bụng, mồ hôi nhỏ trên lưng như mưa; qua 7,8 dặm mới lên đến đỉnh núi.
Ngồi nghỉ dưới gốc cổ thụ, nhìn lên vách tường đá, thấy tấm bảng dày 1 xích [0.33 mét] giăng ngang làm cổng, trên đề “Hải sơn Quan 海山關”; nơi đây đặt đồn, do viên Đồn thủ trông coi, lính tinh nhuệ vài chục tên, phòng thủ vòng quanh bằng đại bác, cẩn mật đến độ một con chim cũng không qua lọt. Lên quan ải nhìn xuống, phía bắc là biển lớn ngút ngàn, thuyền buồm nhấp nhô, như những chim hải âu bơi lặn nơi biển xanh. Trước đỉnh núi 2 phía đông tây có cảng, phía trong khe sâu, có thể chứa hàng ngàn thuyền. Nước trong sóng gợn, phô vẻ bình an, trời quang, mây lơ lững trên mặt nước, đủ gây thư thái trong lòng.
Về phía tây nam một dải, nơi núi rừng rậm rạp, là nơi ở của từng bầy voi, hươu nai, khỉ vượn sinh sống, hoang vu không bóng người. Rừng cây lâu năm, cây lớn to hàng trăm người ôm, cành lá xum xuê, che khuất trời cao, dây leo quấn quít, khỉ vượn leo vin hàng bầy, thấy người thì kéo nhau nhảy đi (vùng này có loại khỉ 2 tay trước giao nhau, dân ở đây gọi là Viên tướng quân 猿將軍 [khỉ đầu đàn?]). Chẳng mấy chốc, gió thổi mạnh vào rừng cây, vạn vật xao xác, cảnh vật chuyển màu buồn thê lương, lòng tôi nhuốm buồn bèn đi xuống. Từ giã viên quan coi đồn, rời quan ải đi khoảng 6,7 dặm; trời đã về chiều, trú tại nhà thôn dân trên núi. Đêm trời rất lạnh, phải đốt củi bên giường, cùng em sưởi ấm.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,165
Động cơ
691,647 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Ngày hôm sau khởi hành muộn, qua rừng rậm khoảng 2, 3 dặm, đi về phía bên phải núi, từ trên cao nhìn xuống, vách núi thăm thẳm, nhìn không thấy đáy. Tôi bước xuống võng, bảo 2 người phu giúp bước đi; đằng sau lưng là vách đá, chân bước xuống theo bậc đá trũng, vượt qua khoảng 300 bậc; rồi ngồi nghỉ trên phiến đá. Lại tiếp tục vượt bậc đá mà đi, qua 3 núi nhỏ đều dốc đá gồ ghề. Đi khoảng 10 dặm, đến bờ biển đất bằng, theo bờ vài dặm đến một sông lớn [đây là Lăng Cô], phía bắc có chợ nhỏ, đặt đồn binh tra xét. Người khiêng võng bảo tôi rằng:
- Từ khi lên quan ải đến chỗ này, đã qua hơn 20 miếu thần (dân gọi là Bản Đầu công 本頭公, rất là linh thiêng); người đi qua đốt hương không ngừng, tuy hàng ngày qua lại nhưng không có mối lo về cọp, rắn; là do thần phù hộ vậy.
Quan ải mở ra từ thời Gia Long 嘉隆 (Gia Long là niên hiệu của thân phụ Vương hiện nay) là nơi chính giữa Việt Nam; một người giữ ải, vạn người cũng không xông vào được, xưa gọi là Ải Lãnh 隘嶺, cách Phú Xuân富春 140 dặm (cách Quảng Nam 100 dặm).
Vào ngày 30 tháng chạp [ngày 16 tháng 2 năm 1836], chúng tôi đến thành Phú Xuân [Huế] (tục gọi là thành Thuận Hóa 順化). Thành xây bằng gạch, hết sức kiên cố, cao hơn 1 trượng [1 trượng=3,33 mét, thực tế chiều cao là 6 mét], chu vi khoảng 4,5 dặm [thực tế thì chu vi thành Huế khoảng 10km] xây 8 cửa, thành lầu hẹp nhỏ. Trên thành, khoảng hơn 200 bước đặt 5 cỗ đại pháo nối liền nhau, các khẩu pháo đều che bởi pháo đình, trông như bầy chim vung cánh. Ngoài thành có hào (hào sâu nước không bao giờ cạn); ngoài hào lại có sông [sông Hương] (sông rộng và sâu, phía trong thông với các sông khác, phía ngoài chảy ra biển. Phàm chiến hạm, thuyền lớn nhỏ các màu đều đậu ven bờ sông, mui thuyền bằng lá. Gần bốn phía thành, phố chợ rất hoa lệ huyên náo, hàng hóa phong phú, dân chúng đông đúc sung túc, nhà cửa chỉnh tề. Tôi đến thành vào buổi trưa, viên Cai đội 該隊官 (Cai đội là chức quan danh tương đương với Thiên tổng) dẫn đến thành, gặp quan Phủ Doãn [đứng đầu kinh đô] Nguyễn Thạc Phủ 阮碩甫, quan Phủ thừa Lê Tiếu Hạ黎肖夏, là tiến sĩ xuất thân. Quan họ Nguyễn gặp tôi rồi lui, riêng quan họ Lê có tài hùng biện, trao cho giấy tờ với thơ và phú, múa bút bình luận, đến quên ngày giờ [nguyên văn: chí vong hình hài 至忘形骸 đến quên cả hình hài, ý nói trời tối không nhìn rõ người]. Trời sắp tối, tôi bèn từ giã, đi sang phố mới (tại bờ sông phía bắc thành) trú tại nhà người thân họ Trần (người đất Tấn Giang晉江) [Tấn Giang, Phúc Kiến]. Hôm đó là đêm Trừ Tịch [ba mươi tết, 16 tháng 2 năm 1836], nhà nhà thay đối liễn, đốt pháo [ nguyên văn là bạo trúc 爆竹 nghĩa là pháo tre, ngày xưa dùng lửa đốt tre cho nổ lớn, để khu trừ ma quỷ] tống cựu nghênh tân giống như Trung Quốc; xa nhà nhớ người thân, tôi và em suốt đêm nhỏ nước mắt, không ngủ được.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,165
Động cơ
691,647 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Hôm sau là ngày mồng một tháng giêng năm Bính Thân 丙申, [nhà Thanh là năm] Đạo Quang 道光thứ 16 [ngày 17 tháng 2 năm 1836] (Việt Nam là năm Minh Mệnh 明命 thứ 17). Lễ tết bắt đầu, mọi người hân hoan chúc mừng may mắn, mọi đường trong phố thị [người ta] ca múa tưng bừng náo nhiệt [nguyên văn là động địa 動地], niềm vui tràn trề. Tôi mang bài văn khánh chúc, cùng với Hồng Lương 洪涼 (người Hạ Môn) [Phúc Kiến] đến dinh Phủ Doãn chúc năm mới và xin giới thiệu đến mừng Quốc vương. Gặp lúc quan Đông các đại học sĩ 東閣大學士 Quan Nhân Phủ 關仁甫, Lang trung bộ Hộ 戶部郎中Nguyễn Nhược Thủy 阮若水 đều tại dinh; cùng đem bài văn ra bình phẩm. Một lúc, Ông họ Quan bút đàm cho biết:
“Nước tôi có lệ ngày Nguyên Đán 元旦 lúc [nghe tiếng] gà vừa gáy sáng, các quan văn võ vào cung mừng Vua, được ban vàng rồi ra về. Sau đó lập tức đóng cửa cung, đợi chiếu chỉ cho mở cửa, mới được ra vào. Nay ông muốn làm lễ tại nước tôi, xin đợi khi mở cửa, sẽ dẫn vào, e rằng Vua chúng tôi sẽ giữ ông lại, chờ thuận tiện thuyền thì đưa về, lúc đó không thể khước từ được. Nếu không làm như vậy, thì cứ theo lệnh cũ, lấy giấy thông hành từ quan tỉnh, đợi đến ngày mồng bảy [ngày 23 tháng 2 năm 1836] lúc mở kho, lãnh lương khởi hành; rồi lưu văn chương tại tòa Phủ Doãn, sẽ giúp ông đề đạt lòng chí thành chúc mừng Vua.”
Ý tôi quyết muốn về, bèn từ giã các quan lớn, rồi lần lượt đi khắp nơi trong kinh thành. Cung điện [của Quốc] Vương tại góc đông nam, đối mặt với núi Ấn Sơn 印山 [ Huế không có núi Ấn Sơn, có lẽ là núi Ngự Bình?] (núi hình như quả ấn, tại ngoài thành, phía trên có núi sông, đàn xã tắc 社稷壇); qui mô tráng lệ, lầu, gác, đình, đài, đều là những công trình cực kỳ tinh xảo, phía trên điện trang trí bình hồ lô 葫蘆 màu vàng kim, ánh hào quang đẹp chói cả mắt. Trước cung có cửa Ngọ Môn 午門, giữa đường trước cửa Ngọ Môn dựng một lá cờ lớn. Bên trái và phải cung là doanh trại, [là chỗ đóng quân của] thân binh bảo vệ [hoàng cung], khí giới tề chỉnh nghiêm túc. Cách cung điện về phía Bắc là phủ của Tả, Hữu tướng quân; có 16 gian chứa súng đại pháo, thuốc súng. Phía ngoài chu vi tường, cứ chỗ ngoặt là đặt pháo đài, bên trong có đại pháo phủ vải đỏ [câu này người dịch chưa hiểu ý tác giả, nguyên tác là Hồng Y đại pháo 紅衣大炮, dịch đúng thì phải là đại pháo mặc áo đỏ, hoặc là ý tác giả mô tả quân lính canh đại pháo mặc áo đỏ?] bên ngoài đào hào sâu, rộng hơn một trượng; ngoài hào lại có 2 vòng rào ngăn, cấm người dân thường không được gần. Lại xây lầu Minh Viễn 明遠樓, tại một cung riêng, song cửa, hàng hiên sáng sủa, cột lớn, phòng ốc nhìn huy hoàng, đây là nơi dùng dạo chơi và mở yến tiệc để chiêu đãi. Phía tây Vương cung, là các cung cho các con Vương và thân thuộc; lại phía tây là nha môn của các quan lớn trong nội. Gần phía đông bắc là kho tàng, gạo lương thực chất đầy, có thể dùng đến hàng chục năm. Ngoài ra là dinh của các quan văn võ, doanh lính phòng thủ, doanh viện, chùa miếu, nhưng ít nhà dân.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,165
Động cơ
691,647 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Ngày mồng 2 [Tết] [ngày 18 tháng 2 năm 1836], tôi đến dinh Phủ Doãn dự yến; những người nghe tin tôi là nhân sĩ Trung Quốc, nên đến dự gần chật phòng, vì đông nên không biết rõ địa vị cao thấp.
Ngày mồng 7 [Tết] [ ngày 23 tháng 2 năm 1836], tôi làm thơ từ biệt các quan Đông các, Phủ doãn, rồi mướn thuyền đến Nghênh Hạ 迎賀 (tên đất) [nay là Đông Hà, Quảng Trị]; quan Phủ thừa họ Lê tiễn ra khỏi thành, lệnh lính hộ tống đi đường bộ đến đợi ở tỉnh Quảng Trị 廣治省 trước, người thân họ Trần đem cả gia đình đến sông đưa tiễn. Đi trên sông 2 ngày [tác giả đi từ sông Hương, qua phá Tam Giang, đến sông Ô Lâu Quảng Trị], mây mù giăng mắc, 4 phía núi tuy ban ngày nhưng trời tối, cửa mui thuyền ẩm ướt, qua chốn lau lách nước chảy sột soạt, thủy triều mới dâng lên khoảng 2,3 xích [1 xích=0,33 mét].
Đến bình minh ngày mồng 10 [ngày 26 tháng 2 năm 1836] đến Quảng Trị (từ Phú Xuân đến nơi này, đường thủy 120 dặm). Ghé thuyền vào bến đò khúc khuỷu, nên phải nhờ người chèo thuyền giúp lên bờ; đi khoảng 2, 3 dặm đến tỉnh thành Quảng Trị, viên Cai đội đã đến trước đứng đợi tại cửa thành. Mưa bắt đầu, nên phải gọi gấp viên thư lại dẫn đến gặp quan Tuần phủ họ Hà (quan kiêm quản tỉnh Quảng Bình nên gọi là Tuần phủ Trị Bình治平巡撫官何, tên là Đăng Khoa 登科) [đây là Hà Đăng Khoa, Án sát tỉnh Quảng Trị]. Bấy giờ viên quan đang mặc áo ngắn nghỉ ngơi, thấy khách tới phải vội vàng thay y phục; nên giận viên thư lại, lệnh đánh 20 roi. Tôi vội đưa thư ngăn:
- Khi tôi [ tác giả dùng từ Mỗ 某, xem ra khá xấc xược] đến anh ta không thất lễ, sao lại trừng phạt nhục nhã thế?
Hà công dịu mặt từ tạ rằng:
- Hắn ta không thông báo trước, khiến lão phu thảng thốt không kịp làm lễ; nhất thời đường đột, xin tha lỗi! [tất cả những lời này đều là bút đàm, chứ thực tế thì tác giả và Án sát Quảng Trị không thể nói trực tiếp được].
Rồi mời vịnh thơ tức cảnh, Công xem thơ rất vui, mời lưu lại, nhưng tôi không nhận lời. Tôi giục Công soạn văn thư giới thiệu để xuất quan ải, hoán đổi hộ tống, lệnh họ đến đợi trước tại Nghênh Hạ. Tôi cáo từ, phu thuyền cõng tôi đội mưa đi xuống thuyền. Ngày hôm sau [ngày 27 tháng 2 năm 1836] lên bờ (từ tỉnh thành Quảng Trị tới nơi này đường thủy 40 dặm) [khoảng 23km] chúng tôi trú tại Nghênh Hạ [Đông Hà, Quảng Trị], rồi mướn phu võng để ngày hôm sau lên đường tiếp.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,165
Động cơ
691,647 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Ngày 13 [ ngày 29 tháng 2 năm 1836], đến tỉnh thành Quảng Bình 廣平省 (tục gọi là Động Hải 洞海, âm Đường gọi là Long Hồi 龍回) [tức là Đồng Hới], trú tại nhà Phố trưởng Hồng Cẩn 洪謹 (người Đồng An, Phúc Kiến). Sau vào yết kiến quan Bố chánh 布政官 họ Ngô吳 (tên là Dưỡng Hạo 養浩, tự Tông Mạnh 宗孟, hiệu Cối Giang 檜江; xuất thân từ Cống sinh貢生出身 Quốc Tử Giám), [đây là cụ Ngô Dưỡng Hạo, làm Bố chánh tỉnh Quảng Bình] ông ta có vẻ niềm nở nói:
- Xem diện mạo ông không phải là người tầm thường, xin được chỉ bảo về thơ.
Rồi gọi rượu, ngay trên chiếu vừa ăn vừa bàn luận thơ văn, hứng khởi ngâm nga, các thuộc tòng cũng được dự tiệc. Khi về biếu một con gà, hẹn hôm sau sẽ gặp lại. Sớm hôm sau sai thư lại đến giục.
Khi mới vào cửa, thấy ông họ Ngô đang cùng quan Án sát 按察官 họ Nguyễn 阮 (tên Đăng Uẩn登蘊) [ đây là cụ Nguyễn Đăng Uẩn làm Án sát tỉnh Quảng Bình] xử kiện, nên tôi dừng chân trù trừ. Ông họ Ngô bèn cho giải phạm nhân đi, rồi mời ngồi trên giường, lại ngâm vịnh thù tạc; hỏi han phong tục, giáo hóa, nhân vật tại Trung Quốc. Ngồi lâu, mời ăn trưa; thay phiên đàm luận, lưu tâm đến vấn đề kinh tế 經濟 [ ở đây kinh tế không mang nghĩa như hiện nay, mà kinh tế là viết gọn của cụm từ kinh bang tế thế, tức là cách phụng sự đất nước và giúp đời]; cảm khái tràn ngập, trò chuyện đến tối mới lui.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,165
Động cơ
691,647 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Ngày 15 [ngày 2 tháng 3 năm 1836] ông họ Nguyễn có việc công phải đi; ông họ Ngô mang rượu đến nhà trưởng phố, tay cầm ly nói:
- Hôm nay là ngày Nguyên Tiêu元宵, chúng ta cần ca múa ngâm vịnh, để đón buổi chiều đẹp.
Ông ta đưa ly mời uống, tôi từ chối không dám ngồi lâu. Ông thấy phu khiêng võng đứng đợi bên đường, bèn nói:
-Cơ duyên gặp gỡ sao ngắn quá vậy!
Ông đưa 3 quan tiền, cùng thơ phú tống tiễn lên đường; tôi y vận họa lại. Ông ra, sai gấp nhà trạm dưới cửa quan, dọn chiếu tiệc đợi tôi tới, lại đưa tiễn 3 chén; nước mắt chảy thành dòng, rồi nắm tay đưa ra khỏi quan ải. Ông đi khoảng 2 dặm thì trở lại, leo lên đỉnh ải [lũy Thầy] nhìn, vẫy tay ly biệt. Ông Hồng Cẩn cùng đồng hương Ngô Thâm 吳深 (cùng người Đồng An) [Phúc Kiến] cùng vợ con tiễn đưa, mỗi nhà đều đem thuốc tặng, đưa xa đến hơn 5 dặm, rồi khóc ly biệt. Chẳng mấy chốc quan binh hộ tống đến, trong đó có 1 người tùy tùng thân của Bố chánh họ Ngô sai đi để săn sóc trên đường (sau này khi đến Hà Tĩnh 泃靜, tôi gửi thơ cảm tạ quan Ngô Công). Chiều hôm đó trú tại chợ Luân 𢄂崙 (âm Đường gọi là Tọa Luân 坐輪, cách Quảng Bình 40 dặm) trời mưa không thấy trăng. Chủ nhân nhà hàng giăng đèn, làm yến tiệc đón Nguyên Tiêu, lòng tôi càng thêm buồn.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,165
Động cơ
691,647 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Từ chợ Luân đi 2 ngày đến chợ Ròn 洊 [tác giả dùng từ cận âm, vì chữ Hán không có từ Ròn] (lộ trình 80 dặm); mưa dầm không ngớt, y phục ẩm ướt thấm vào da thịt, lạnh không chịu nỗi. Từ chợ Ròn, qua 1 dặm đến sông Ròn [sông Ròn, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình], trú tại Cổ Luân 固崙 (âm Đường gọi là Cứ Luân 據輪) [tức là Cổ Luân: Cạnh sông Ròn gần quốc lộ 1, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, hiện nay có tên đất Di Luân].
Ngày 19 [ngày 6 tháng 3 năm 1836] trời hơi tạnh, đi 20 dặm [khoảng 11 km] đến núi Hoành Sơn 橫山嶺 (âm Đường gọi là núi Bố Chính 布政嶺); đường núi quanh co, đi lên 2,3 dặm khúc khuỷu thấy một cửa quan chắn ngang, phía trên biển đề “Hoành Sơn Quan 橫山關”; có viên quan coi đồn cùng mấy chục binh lính, ngày đêm phòng tra, đây là đường trọng yếu ra Bắc. Qua khỏi cửa quan, thế đất thấp, vượt đất bằng hàng dặm; đi tiếp hơn 50 dặm, chúng tôi trú tại Trung Cố 中固 (tên đất) [nay là xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh].
Ngày 20 [ngày 7 tháng 3 năm 1836], sau giờ Ngọ, chúng tôi đến phủ Hà Hoa 河華府 (phủ thành tại phía đông đường thiên lý khoảng 2 dặm); lại đi 3 dặm đến tỉnh thành Hà Tĩnh 河靜省城, trú tại nhà Vương Thất 王七 (người Triều Châu 潮州, Quảng Đông 廣東). Bấy giờ quan Bố chánh 布政官 họ Cao高 (tên là Hữu Dực 有翼, vào năm Nhâm Thìn 壬辰 Đạo Quang 道光 [ từ ngày 2 tháng 2 năm 1832 đến ngày 19 tháng 2 năm 1833] từng phụng mệnh Vương, dùng thuyền quan hộ tống gia quyến viên cố Huyện lệnh 縣令 Chương Hóa 彰化 [Đài Loan] Lý Chấn Thanh 李振青, đến Hạ Môn 廈門 [Phúc Kiến]; lúc về được gia phong hàm Gia nghị đại phu 嘉議大夫), bị cảm lạnh không ra gặp, nên biên thư sai thuộc viên đến chỗ cư ngụ tạ lỗi, cùng nói rằng đã từng đến Trung Quốc. Ngày 21 [ngày 8 tháng 3 năm 1836] ông họ Cao sai 2 viên quan Thông phán, Kinh lịch tiễn đưa; tôi để thư tạ biệt rồi đi.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,165
Động cơ
691,647 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Ngày 22 [ngày 9 tháng 3 năm 1836] đến sông [sông Lam] thành Nghệ An 又安 (từ Trung Cố đến nơi này 200 dặm), trú tại nhà Lâm Tống 林送 (người Chiếu An 詔安) [Phúc Kiến]. Từ Quảng Bình đến Nghệ An khoảng 400 dặm, đất ẩm thấp, trên đường nhiều bùn dính vào chân, đường trơn trượt khó đi. Chỗ bình nguyên rộng rãi mấy chục dặm tuyệt nhiên không thấy có khói bếp bóng người; trong chốn hoang vu cỏ mọc um tùm kia, trộm cướp có thể ẩn núp, người đi đường cần phòng bị. Nhà trọ có thể dùng thuốc mê độc [nguyên văn là 蠱藥 cổ dược, một loại thuốc mê chế từ loài tiểu trùng độc] hại người, trộn vào thịt bò, ăn phải không cứu được; thứ thuốc độc này kỵ Phiên Khương [gừng Tây] (cũng gọi là tiêu Tây Phương, trồng tại Hà Lan, hoa trắng có chấm xanh, nấu chín màu đỏ tươi, ruột chua cay, có thể ăn cả vỏ, có loại dài mà nhọn, có loại tròn mà nhọn), khi ăn nên thêm thứ đó vào, để phòng ngộ độc. [tác giả nói có lẽ thật, xưa trên đường thiên lý từ Nam ra Bắc luôn có những toán cướp thông đồng với chủ nhà trọ, chúng thường xem khách trọ giàu hay nghèo rồi mới ra tay hạ độc, giết người cướp của].
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,165
Động cơ
691,647 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Ngày 23 [ngày 10 tháng 3 năm 1836] gặp quan Tổng đốc 總督官 (quan kiêm quản Hà Tĩnh 兼管河靜, gọi là Tổng đốc Nghệ Tĩnh又靜總督, họ Nguyễn; là thân thuộc của Quốc vương, địa vị tôn kính quyền lực cực lớn, người ta không dám nói tên húy), Thư lại là Trịnh Đức Hưng 鄭德興 (tổ tiên người huyện Đức Hóa 德化縣, Phúc Kiến, có thể nói tiếng vùng Tuyền Châu泉州) làm thông ngôn. Quan đặt sẵn 4 tên lính khỏe, cầm đại đao chầu chực hai bên sảnh đường (ngày thường quan lớn lên sảnh đường, không cần phải hô chào, ra vào không phải đánh phèng la dẹp đường), mời tôi vào, nói vài câu rồi rút lui. Hai viên quan lớn Bố chánh, Án sát có việc công đi vắng; có quan Giáo thụ Trần Hải Đình 陳海亭, Tú tài Hồ Bảo Định 胡寶定 (tổ tiên người Thuận Đức 順德, Quảng Đông) đến cùng ngâm vịnh; ông họ Hồ thơ trong sáng, có tài mẫn tiệp; chiều tối lên đèn, chúng tôi ngâm vịnh đến gà gáy mới tan.
Ngày 24 [ngày 11 tháng 3 năm 1836], viên hộ tống đến hỏi ngày ra đi, bèn khởi hành. Các đồng hương người Mân, Việt [người Quảng Đông] góp tiền tặng 3 quan; cùng nhau tiễn đưa đến ngoài phố. Ra khỏi thành Nghệ An 10 dặm, trời mưa phùn lâm thâm; may không quá cực khổ! Bên đường nhiều con công đậu trên cây, màu [ lông] xanh ngọc rất đẹp mắt, mưa bám vào đuôi nặng nề nên không thể bay xa. Sắp đến Thanh Hóa 清華, có nhiều núi đá, vách thẳng đứng và cao, sừng sững hiên ngang, như quỷ thần đẽo tạc, thiên nhiên gọt dũa, kỳ khôi không thể tả hết; từng đàn chim công, bạch trĩ các loài thường tụ tập trên đó; trong núi là những rừng quế, hương vị tối thơm ngon, [cảnh đẹp] hơn cả Đông Kinh 東京 [tức là Tokyo, Nhật Bản].
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,165
Động cơ
691,647 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Vào ngày 26 tháng giêng [ngày 13 tháng 3 năm 1836] đến tỉnh thành Thanh Hoa 清華 [vì kiêng húy nên Minh Mạng cho đổi thành Thanh Hoa] (cách Nghệ An 240 dặm), trú tại nhà Thẩm Lượng 沈壬 (người đất Chiếu An詔安) [Phúc Kiến]. Ngày hôm sau đến yết kiến quan Tổng đốc họ Nguyễn (Thanh Hoa nhiều họ Nguyễn, tự cho là con nhà quyền quí khó trị, vì vậy phải chọn Tổng đốc người thân thuộc, để khống chế). Ông ta chỉ chỗ tại mặt tiền nhà, yêu cầu tôi đề câu đối, xem qua lòng rất hoan hỷ. Ông gọi các công tử 公子 ra gặp (trưởng công tử 長公子 biết đánh đàn, giữ chức quan Phó vệ副衛官). Ông lại gửi trát ra lệnh cho các đồn trên đường sắp đi, ban đêm lo phòng vệ. Kế đó gặp quan Bố chính họ Nguyễn (tên Nhược Sơn 若山, tổ tiên người Phúc Châu 福州, Phúc Kiến; chú là Thượng thư bộ Lại 吏部尚書, đã mất) được an ủi, biếu 1 lượng bạc và trà ngon; lại gửi thư đến Hà Nội 河內dặn chuẩn bị thông dịch nói tiếng Triều Châu, Quảng Đông; bảo Phố trưởng thu góp tiền trợ giúp 10 [lạng?] vàng [ nguyên văn là thập kim 十金], tôi cảm động làm thơ tạ ơn. [Tháng 3 năm Minh Mệnh thứ 17, từ 16/4 đến 14/5/1836 Phạm Văn Điển làm quyền Tổng đốc Thanh Hóa, tác giả lại ghi viên tổng đốc họ Nguyễn vào ngày 13 tháng 3 năm 1836, người dịch chưa biết là ai, hoặc có sự nhầm lẫn nào không, tuy nhiên Án sát Nguyễn Nhược Sơn được thăng làm Bố chánh Thanh Hoa là có thật].
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
24,165
Động cơ
691,647 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Ngày 28 [ngày 15 tháng 3 năm 1836], quan Giáo dụ 教諭官 Ông Ích Khiêm 翁益謙 mời đến nhà; vừa đến cửa, giang tay đón chào, cùng nhau chuyện trò vui cười; ông tự buồn vì lương bổng ít, [chỉ có thể] biếu 2 quan tiền. Một số người đồng hương biếu một số tiền cộng là 3 quan, đều cảm tạ và xin hoàn lại; bấy giờ mặt trời đã lên cao, từ giã các quan lớn lên đường. [Ông Ích Khiêm sinh ngày 21 tháng 12 năm Mậu Tý [25/1/1829], bấy giờ mới 7 tuổi, không thể làm Giáo dụ được. Chắc tác giả nhầm tên với người khác].
Ngày 29 [ ngày 16 tháng 3 năm 1836] đến tỉnh thành Ninh Bình 寧平省城 (tục gọi là thành Bình Sáng平創), trú tại nhà Chúc Hạm 祝艦 (người Triều Châu, Quảng Đông). Ninh Bình cách Thanh Hoa 160 dặm, núi đá la liệt, nhô lên những chóp nhọn hình dáng kỳ dị, trong đó có những hang động sâu thăm thẳm, không đo nổi. Núi Phi Phượng 飛鳳山 [tức là núi Dục Thúy] trấn tại tỉnh thành, trong thành có núi nhỏ chắn ngang như bình án. Hai núi này xưa nay được ca tụng là danh thắng, cảnh tượng hiên ngang, có thể gợi hứng cho khách du lãm, người xưa khắc chữ đề vịnh thơ rất nhiều.
Vào ngày mồng một tháng 2 [ngày 17 tháng 3 năm 1836] gặp quan Tuần phủ họ Nguyễn (Ninh Bình cũng có nhiều người họ Nguyễn, nên Vương dùng người thân làm Tuần phủ để dễ quản lý). Gặp lúc quan mới duyệt binh trở về, bèn lưu giữ dùng cơm sớm, gọi các quan bồi tiếp, thi nhau nhắm rượu, sáng tác thơ làm vui. Lúc ra về tặng 1 buồng cau, 5 quan tiền; tôi lấy cau nhưng hoàn lại tiền. Ngày đó đi 60 dặm đến phủ Lý Nhân 里仁府 [Hà Nam].
Vào sớm ngày mồng 2 [ngày 18 tháng 3 năm 1836] quan Tri phủ 知府官 (Tri phủ gọi là Tri phủ quan, hoặc Phủ đường quan 府堂官) họ Lê 黎 (Tĩnh Uyên 靜淵) mời uống rượu; tôi uống hết một bình rồi cáo lui (họ lấy trái bầu hồ lô 葫蘆匏 làm bình đựng rượu). Ngày mồng 5 [ ngày 21 tháng 3 năm 1836] trú tại phủ Thường Tín 常信府 [thành phố Hà Nội] (cách Lý Nhân 240 dặm) [tác giả nhầm lẫn, hoặc in sai, 40 dặm thì đúng hơn, vì từ Lý Nhân đến Thường Tín chỉ khoảng 20km]; ngày mồng 6 đến thăm quan Tri phủ, nhưng không gặp. Từ Thường Tín trở lên phía bắc, ruộng lúa phì nhiêu, dân no đủ, nhà cửa có vẻ đẹp; qua 60 dặm đến tỉnh thành Hà Nội 河內省城 (tức Đông Kinh 東京 xưa, tên cũ là Thăng Long 升隆, nay cải tên là Hà Nội 河內), trú tại nhà người Phúc Kiến 福建. Hôm sau dời đến ở nhà đồng hương Tăng Thiêm曾添 (người Đồng An 同安, Kim Môn 金門). Vào ngày mồng 8 [ngày 24 tháng 3 năm 1836] gặp quan Tổng đốc 總督官 họ Nguyễn. Khi mới đưa danh thiếp xin gặp, ông vội ra, cầm tay mà bảo rằng:
- Không ngờ hôm nay được thấy văn sĩ thiên triều.
Ngồi chuyện trò, ý tứ diễn đạt triền miên, từ giờ Thìn đến giờ Ngọ [ từ 7-9 giờ sáng đến 11-13 giờ chiều] mới cáo từ. Lại gặp quan Bố chánh họ Trần (5) (tên Văn Trung陳文忠, vào năm Nhâm Thìn 壬辰 [niên hiệu] Đạo Quang 道光 [từ 2/2/1832 đến 19/2/1833] cùng Bố chánh Cao Hữu Dực 高有翼 phụng mệnh Vương đáp thuyền đến Hạ Môn [Phúc Kiến]; lúc về được gia phong hàm Gia nghị đại phu). Khi đến nơi, thấy sảnh đường sạch sẽ sáng sủa, bày sẵn mấy chiếu tiếp khách; ông chỉnh tề y phục ra đón, hết sức khiêm nhượng, tự tay cầm chén trà mời khách; hỏi han tình hình Hạ Môn, Phúc Châu, cùng những vị quan từng quen biết. Ông hết sức mời lưu lại vài ngày, nhưng tôi không thuận; biếu 10 lượng bạc, tôi cố từ chối mãi mới thôi.
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top