Xong việc sáng, kiếm cốc cà phê duỗi chân thư giãn, lan man về cái sự Nghe tí cho nó thay đổi không khí:
Cái con Âm, đến được với chúng ta thì nó phải trải qua bao nhiêu công đoạn rất là nhọc nhằn: bị đút qua các khe kẽ kim loại bông mút, điện giật, nung đốt, khắc chạm, chuyển hoá, cắt xẻ...ép nén đến nỗi mà chả còn hình dạng gì để thấy được chút gì đó là âm thanh nữa.
Tắt đèn đóng cửa, áp sát băng đĩa vào tai...cũng im bặt, không một động tĩnh gì, chết cứng rồi!
Hàng loạt công đoạn đó ta không có tội, chả làm gì được, thôi đành để người ta hành nó thế nào thì hành thôi!
Rồi ta mang cái băng cái đĩa đó về, việc của ta đây, là làm nó sống lại, chứ chả có nhẽ đóng tủ đóng kệ rồi cho nó vào để nhìn à?
Tất nhiên quá trình làm con Âm sống lại thì phải ngược với các công đoạn làm nó chết cứng thế kia chứ!
Nó lại trải qua cả một quy trình hồi sức cấp cứu để cởi dây trói cho nó, truyền nước truyền máu cho nó, để nó thều thào, rồi nó khoẻ lên, rồi nó đủ sức hát cho ta nghe cái bài nó hát trước kia...
Quá trình đó các cụ nhà ta thường dùng từ “tái tạo âm thanh” để mô tả công việc của chúng ta.
Việc phục hồi sức khoẻ cho nó phụ thuộc vào 2 thứ, là trình độ bác sỹ và trang thiết bị hiện có trong trạm xá. Chứ không phải ở đâu cũng có chất lượng phục hồi như nhau...
Và khác với các sinh vật sống, thì cái món này, rất đau đớn rằng là dù bác sỹ giỏi đến đâu, thiết bị đầy đủ đến đâu, may ra cũng chỉ cứu nó gần được đến tình trạng trước khi nó chết lâm sàng mà thôi, không thể tương đương lúc nó sống được!
Haizzz zaaaa...đau lòng quá!
Nhưng rồi nó cũng sẽ hát cho ta nghe!
Lại mừng quá!
Vấn đề là ta đang nghe cái gì vậy nhỉ?
Không phải nghe “con âm sống” được các ông bà ca sỹ nhạc sỹ biểu diễn rồi, vì ta chả thấy ông bà nào cả, đến trống phách chiêng phèng đàn sáo ta cũng chả thấy nốt.
Vậy ta đang hưởng cái gì nhể?
Ồ, ra là cái Ảo Ảnh. Ta đang thưởng thức cái Ảo Ảnh đó, chứ không phải Thực đâu!
Cái thực thì nó ở đâu ấy chứ, ta đang ngồi hưởng cái ảo ảnh của nó thôi! (Dùng tạm từ “ảo ảnh” cho gọn, chứ đúng ra phải là cái gì đó ảo tất, kiểu như ảo giác ấy).
Nhưng mà nó cũng có tí “ảnh” đấy chứ, về sân khấu, vị trí diễn viên, nhạc công nhạc cụ, lớp trước lớp sau...
Tuy nhiên mọi thứ đến được với ta thì chỉ là qua đôi tai (tức là thính giác) và sự định hình ảo tưởng của hệ thần kinh, thì thành ra có cả hình, là cái “âm hình”.
Thế mới đểu, cảm ứng thính giác và hệ thần kinh oái oăm của ta, chúng nó lừa ta tưởng tượng thành ra một sân khấu sinh động nhộn nhịp trước mặt đủ loại thầy cúng thầy pháp phèng la chuông mõ mỗi thứ một xó...chỉ qua mỗi 2 cái màng nhĩ. 2 cái loa 2 bên mà có cả âm thanh rõ ràng ở chính giữa, chỗ bức vách luôn.
Khác hẳn với cái đám được ngồi trực tiếp từ năm ngoái hoặc vài chục năm ngoái, còn được căng mắt ra mà dòm xem ai đấy, đàn gì đấy, ngồi chỗ đó à...
Hơ hơ, thiệt là oái oăm, nhưng cũng thiệt là vi diệu, những cái màng vi diệu!
Nguyên nhân chính có lẽ là nằm sâu trong vùng bầy nhầy nào đó của não ta, phụ trách cái công việc xây dựng- giả lập lại cả âm thanh và hình ảnh buổi biểu diễn, chứ 2 tai ta chỉ thấy mấy tiếng phèng phèng mà thôi, nhiệm vụ của tai chỉ có thế.
Phần bầy nhầy phụ trách việc gây ảo ảnh thính giác này nó có luôn xây dựng nên ảo ảnh thuần khiết không?
Có nhẽ là Không!
Nó có phần cứng nền tảng được tạo thành có thể từ cả nhiều đời, do chủng tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hoá, tri thức, trải nghiệm...và có lẽ cả do kỷ niệm nữa...Ví như các bản nhạc có tiếng chuông ngân thì thường thu hút các bác Thiên Chúa chẳng hạn.
Và phần mềm (sự dao động, biến thiên khác nhau) do thời điểm, do tâm sinh lý, do môi trường nhất thời. Chẳng hạn như khi đông người ồn ào hoặc khi đang lo nghĩ thì nghe nhạc không thể hay được, vẫn bản nhạc đó.
Nên ta nghe nhạc thì phụ thuộc cả cái nền tảng phần cứng và biến thiên phần mềm của phần thần kinh thính giác, sẽ chọn mấy dòng nhạc để nghe nhưng không phải lúc nào cũng nghe được loại nào đó.
Cái phần thần kinh đó nó có lý riêng của nó mà chả ai hiểu được, chỉ biết rằng nó sẽ chỉ đạo ta phải nghe cái gì.
Nó rất nhạy cảm, nếu nó không thích thì nó có thể làm cho chúng ta đau đầu, khó chịu hoặc mệt mỏi.
Vậy cái công việc tái tạo-hồi sức cấp cứu cho cái con Âm đang chết lâm sàng kia, phải làm sao để cởi bỏ vướng mắc cho nó thì nó mới thoải mái, chứ làm nó khó chịu thì nó chê, nó bắt ta phải đổi đồ, tốn mà chưa chắc nó đã gật.
Các phản xạ phòng nghe gây nhiễu loạn làm nó khó chịu, sự tập trung âm thanh tại 1 điểm quá lớn làm cho nó phải căng ra phân tích thì cũng làm nó nản, và các thành phần trong hệ thống “cãi nhau” cũng làm nó không hứng thú...
Nên là, việc xây dựng một thứ đồ giả- ảo ảnh âm thanh- là muôn vàn khó khăn, vì tuyệt đại đa số là các yếu tố ta không nhìn được, không sờ được, mà chỉ có thể “cảm” được và cố gắng xây dựng nên một Ảo Ảnh gần giống nhất với cái Thực.
Hà hà...
Các cụ chơi âm thanh là những người thích đồ fake, bỏ công sức tiền bạc thời gian ra để nhận lấy cái Ảo ảnh mà thôi!
Nhưng nó cũng vui chứ nhể?
Chỉ có mỗi tiếng vọng lại mà ta nghe được, nhìn được mọi thứ ở xa diễn ra lâu rồi. Khó hơn nhiều xem film, vì film thì mắt còn đỡ cho khối thứ, tai rất nhàn, cái phần “bầy nhầy” đỡ phải tưởng tượng.
Hết giờ cà phê, đến giờ ăn trưa rồi!