http://cafef.vn/de-xuat-nang-tuoi-nghi-huu-20180115103244628.chn
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra phương án sửa đổi quy định hiện hành và đề xuất cho phép nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo lộ trình, kể từ năm 2021
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang lấy ý kiến về sửa đổi Bộ Luật Lao động (BLLĐ). Một trong những nội dung đáng chú ý trong việc sửa đổi BLLĐ là vấn đề
nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) theo lộ trình.
Lo quỹ mất cân đối (?!)
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, điều 187 của BLLĐ hiện hành quy định tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện bình thường là 60 đối với nam và 55 đối với nữ. Thời gian qua, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu luôn được dư luận quan tâm và đã từng được đặt ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo Luật Bình đẳng giới năm 2007, BLLĐ năm 2012 và Luật BHXH năm 2014. Lý do chính của đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cho rằng đây một giải pháp nhằm bảo đảm cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn. Nếu tiếp tục giữ nguyên các quy định hiện nay về mức đóng - mức hưởng, thời gian đóng - thời gian hưởng thì sẽ mất cân đối quỹ này.
Bộ LĐ-TB-XH cho biết theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), từ năm 2023, quỹ hưu trí và tử tuất sẽ rơi vào trạng thái thu trong năm không đủ bù chi, bắt đầu trích từ phần quỹ kết dư để chi trả; từ năm 2034, phần quỹ kết dư được chi trả hết dẫn đến nhà nước phải bố trí ngân sách để bù đắp.
"Ví dụ, một nam giới có 30 năm đóng BHXH, về hưu ở độ tuổi 60 sẽ được hưởng lương hưu bằng 75% lương trung bình đã đóng BHXH. Trong 30 năm (360 tháng) tham gia BHXH, mỗi tháng đóng 22% tiền lương thì NLĐ này đóng vào quỹ 79 tháng lương trung bình. Số tiền này chỉ đủ chi trả trong 105 tháng lương hưu (hoặc 9 năm); nếu tính cả lãi suất đầu tư quỹ thì có thể trả đủ cho 12 năm lương hưu" - Bộ LĐ-TB-XH lý giải.
Do đó, muốn bảo đảm bền vững tài chính của quỹ, nếu không tăng tuổi nghỉ hưu, chỉ có 2 cách: nâng mức đóng của NLĐ và doanh nghiệp (DN) hoặc giảm mức hưởng lương hưu của NLĐ. "Nâng mức đóng là khó vì tăng gánh nặng tài chính của NLĐ và làm giảm sức cạnh tranh của DN. Giảm mức hưởng cũng dẫn đến khó bảo đảm cuộc sống của người hưởng lương hưu" - Bộ LĐ-TB-XH cho hay và cho rằng phương án được tính đến là đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu để cân bằng giữa thời gian đóng, mức đóng và thời gian hưởng, mức hưởng.
Ngoài ra, tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2016 là 73,4 năm, trong đó nam là 70,8 năm, nữ là 76,1 năm; trong khi tuổi hưu trung bình của nam là 54,2 tuổi (luật quy định là 60 tuổi) và nữ là 52,6 tuổi (luật quy định là 55 tuổi). Có nghĩa là thời gian hưởng lương hưu còn rất dài (trung bình của nam là 16,6 năm; nữ là 23,5 năm).
Theo các chuyên gia lao động, việc nâng tuổi nghỉ hưu chỉ nên áp dụng với người làm việc trí óc và tùy đối tượng. Riêng với công nhân trực tiếp sản xuất, nhà nước nên giữ tuổi hưu như hiện hành. Trong ảnh: Công nhân ở KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) nhận quà Tết của tổ chức Công đoàn trong chương trình “Tết sum vầy” 2017
Còn nhiều ý kiến băn khoăn
Trong dự thảo tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết có nhiều ý kiến cũng đề nghị không nên tăng tuổi nghỉ hưu vì nhiều NLĐ không muốn kéo dài thời gian làm việc mà mong được nghỉ hưu ở độ tuổi hiện hành để hưởng lương hưu hằng tháng, sau đó nếu làm việc thêm thì họ có 2 khoản thu nhập. Nâng tuổi nghỉ hưu sẽ làm giảm quyền lợi của NLĐ (mất đi khoản lương hưu).
Cơ quan soạn thảo cũng cho biết có ý kiến cho rằng việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng được cho là không phù hợp với NLĐ làm việc trong các ngành nghề lao động chân tay. Ngoài ra, kéo dài tuổi nghỉ hưu ảnh hưởng đến chính sách cán bộ hành chính nhà nước, công tác quy hoạch; nhiều người dân cho rằng kéo dài tuổi nghỉ hưu chỉ có lợi đối với cán bộ, công chức khu vực hành chính, đây là biểu hiện của "tham quyền cố vị".
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết do còn nhiều ý kiến khác nhau nên dự kiến chính sách này sẽ được thể hiện 2 phương án về tuổi nghỉ hưu của NLĐ bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường: Phương án 1 (hiện hành), nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; phương án 2, nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và từ ngày 1-1-2021 cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Cơ quan soạn thảo cho biết thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án BLLĐ vào kỳ họp tháng 5-2019, Quốc hội khóa XIV và thông qua dự án luật vào kỳ họp tháng 10-2019.
Cho phép làm thêm 400 giờ/năm
Một trong những nội dung được chú ý trong hồ sơ sửa đổi luật lần này là mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và NLĐ về thời giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm. Theo quy định hiện hành, tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày, không quá 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm. Trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, đã có rất nhiều ý kiến của DN đề nghị tăng thời giờ làm thêm. Hằng năm tại các diễn đàn DN, các hiệp hội DN đều đề xuất tăng thời giờ làm thêm tối đa của NLĐ lên 500 giờ/năm để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của DN, nâng cao thu nhập cho NLĐ và tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực. Qua theo dõi, khảo sát ở các địa phương thì một bộ phận không nhỏ NLĐ cũng mong muốn được làm thêm giờ để nâng cao thu nhập. Ngoài ra, các DN còn đề xuất bỏ giới hạn làm thêm giờ theo tháng vì việc quy định như vậy là cứng nhắc, không phù hợp với chu kỳ sản xuất - kinh doanh của các DN sản xuất, gia công hàng hóa, chế biến thủy sản để xuất khẩu vốn phụ thuộc vào đơn hàng và mùa vụ kinh doanh.
"Sau khi nghiên cứu, so sánh với các quốc gia khu vực thì số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp. Trung Quốc: 36 giờ/tháng, Indonesia: 56 giờ/tháng, Singapore: 72 giờ/tháng, Malaysia: 104 giờ/tháng, Lào: 45 giờ/tháng, Campuchia và Philippines: không khống chế" - Bộ LĐ-TB-XH cho hay và đề xuất tăng số giờ làm thêm tối đa của NLĐ trong 1 năm lên mức 400 giờ, đồng thời bỏ quy định giới hạn làm thêm giờ theo tháng và khống chế số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày.