Em chả biết post vào đâu, Xin phép MIN, MOD cho em post vào chổ này cái
Trung đoàn Sao Đỏ và kế hoạch X-1 của Việt Nam
theo Tuổi trẻ | 21/12/2013 20:48 Chia sẻ:
Trung đoàn không quân đầu tiên của VN chính là trung đoàn không quân tiêm kích 921, thường được gọi với cái tên trung đoàn Sao Đỏ.
Về nước tham chiến
Đoàn Sao Đỏ thành lập ngày 30-5-1963 và chính thức được công bố quyết định ngày 3-2-1964 với 70 phi công được đào tạo và huấn luyện tại Trung Quốc, trong đó có 33 phi công có thể trực chiến được ngay. Về máy bay, theo Hiệp định ký giữa VN và Liên Xô năm 1963, Liên Xô đã bàn giao cho VN 36 chiếc
MiG-17 (32 chiếc MiG-17A và 4 chiếc UMiG-15). Số máy bay này được biên chế hoàn toàn cho trung đoàn 921.
Sau sự kiện vịnh Bắc bộ ngày 5-8-1964, không quân và hải quân Mỹ ồ ạt tấn công đánh phá các mục tiêu ven biển từ Quảng Ninh vào đến vĩ tuyến 17. Bộ Quốc phòng quyết định mở mặt trận trên không, gấp rút đưa trung đoàn không quân 921 đang rèn luyện và “ém quân” tại Trung Quốc về nước tham gia chiến đấu. Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng trực tiếp chỉ đạo Quân chủng Phòng không - không quân thực hiện kế hoạch này - kế hoạch mang mật danh X-1.
Sáng sớm 6-8-1964, từ sân bay Mông Tự (Trung Quốc), hơn 30 chiếc MiG-17 nổ máy và cất cánh theo từng biên đội bốn chiếc với đầy đủ cơ số đạn, sẵn sàng chiến đấu hướng về sân bay Nội Bài, Hà Nội. Biên đội đầu tiên do trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện bay số 1, bay số 2 là chủ nhiệm dẫn đường trung đoàn Phạm Ngọc Lan, bay số 3 là phi công Trung Quốc Tào Song Minh (trưởng đoàn chuyên gia Trung Quốc, sau này là thượng tướng - tư lệnh không quân Trung Quốc giai đoạn 1992-1994), bay số 4 là chủ nhiệm xạ kích của trung đoàn Lâm Văn Lích.
Về đến sân bay Nội Bài, số 1 Đào Đình Luyện bay thông thường một vòng, nghiêng cánh chào đất mẹ rồi biên đội giải tán và hạ cánh. Số 2 Phạm Ngọc Lan vinh dự là người đầu tiên ép độ nghiêng, thiết lập vòng kín để hạ cánh, sau đó lần lượt 30 máy bay của trung đoàn hạ cánh xuống Nội Bài an toàn. Trung tá Đào Đình Luyện, viên phi công cao lớn và hùng dũng trong bộ đồ bay, chạy lên đài chỉ huy báo cáo Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng: “Toàn bộ trung đoàn hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện và trở về, sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu!”.
Đó là giây phút lịch sử khi
Quân đội nhân dân VN chính thức có thêm một binh chủng mới và hiện đại: không quân.
Mở mặt trận trên không
Theo thông tin tình báo, ngày 3-4-1965, các biên đội cường kích của không quân Mỹ sẽ đánh phá cầu Hàm Rồng và các mục tiêu lân cận. Bộ Tư lệnh không quân VN đã giao nhiệm vụ chiến đấu theo phương án: dùng tốp hai chiếc MiG-17 làm nhiệm vụ nghi binh yểm hộ trên độ cao 6.000m, biên đội đánh chính gồm bốn chiếc MiG-17 sẽ đánh tốp cường kích bắn phá các khu vực cầu Hàm Rồng và Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Đây là trận đấu mở mặt trận trên không nên từ chỉ huy đến người bay đều quyết tâm rất cao. Lệnh được phổ biến xuống các phi đội từ tối 2-4.
Lúc 5g30 sáng 3-4, các biên đội trực chiến đã sẵn sàng. Phương án chiến đấu là sử dụng sáu chiếc MiG17-A. Trong đó, biên đội tấn công có bốn máy bay MiG-17 A: Phạm Ngọc Lan số 1, Phan Văn Túc số 2, Hồ Văn Quỳ bay số 3, Trần Minh Phương số 4. Biên đội nghi binh, thu hút tiêm kích địch và sẵn sàng yểm trợ cho phi đội tấn công: Trần Hanh số 1 và Phạm Giấy số 2. Nhiệm vụ của các biên đội là không chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng.
7g sáng, máy bay trinh sát của hải quân Mỹ xuất hiện, sau đó bầu trời yên tĩnh tuyệt đối. Cả sở chỉ huy căng thẳng vì không biết hướng đánh chính của cường kích Mỹ sẽ là khu vực nào.
9g40, các trạm quan sát báo phát hiện các máy bay Mỹ đang bay vào không kích các cây cầu trên quốc lộ số 1.
Ngay từ những phút đầu, pháo phòng không của trung đoàn 234 và phòng không địa phương đã bắn rơi một chiếc A-4C của hải quân Mỹ, bắt được thiếu tá phi công Raymond Arthur Vohden thuộc phi đoàn VA-216, tàu sân bay USS Hancock.
9g45, cả hai biên đội trực chiến được lệnh vào cấp 1 và mở máy ngay. Lúc 9g47, biên đội hai chiếc nghi binh cất cánh bay vào vùng trời Ninh Bình. Một phút sau, biên đội tấn công cất cánh. 10g09, số 4 Phương báo cáo phát hiện mục tiêu sáu chiếc F8 bên phải đang bay đối đầu, một số chiếc khác đang không kích các trận địa phòng không quanh cầu Hàm Rồng.
Trận đầu đánh thắng
Ngay lúc đó, số 1 Phạm Ngọc Lan lập tức ra lệnh: “Vứt thùng dầu phụ, tăng tốc tiếp cận đội hình F-8”! Biên đội tách thành hai tốp. Đúng lúc đó những chiếc F-8 cũng phát hiện có MiG, vòng gấp vào để không chiến. Lúc này chiếc F-8 của thiếu tá S.Thomas sau khi thoát ra khỏi không kích đang kéo vọt lên độ cao 10.000ft (3.300m) và tìm kiếm số 2 bị lẫn trong những đám mây, thì số 1 MiG-17 Phạm Ngọc Lan đã nhanh chóng bám theo phía sau. Số 1 Lan đưa được chiếc
F-8 vào vòng ngắm, đến đúng cự ly anh bóp cò, máy bay F-8 trúng đạn bốc cháy, lao xuống đất. Đó là lúc 10g14 ngày 3-4-1965. Đây là giờ phút lịch sử khi MiG của
không quân Việt Nam lần đầu tiên bắn rơi chiếc F-8 của Hải quân Mỹ trong cuộc không chiến trên bầu trời miền Bắc Việt Nam.
Đây là biên đội MiG-17 đã bắn rơi hai chiếc F-8 của Mỹ: Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương - Ảnh tư liệu
Thiếu tá Thomas thấy máy bay của mình bị trúng đạn, lúc đầu Thomas tưởng là đạn súng phòng không, nhưng ngay khi ngoái lại phía sau anh ta nhận ra có bốn chiếc MiG đang bám theo các máy bay Mỹ. Chiếc F-8 của thiếu tá Thomas bị trúng đạn pháo của MiG-17 do trung úy Phạm Ngọc Lan điều khiển, đạn pháo của MiG-17 bắn vỡ nắp buồng lái, cánh và đuôi đứng, hệ thống thủy lực bị hỏng khiến chiếc F-8 bị rơi. Cùng lúc đó, số 2 Túc đã phát hiện chiếc F-8 số 2, anh từ phía sau có độ cao cao hơn đã nhào xuống bắn một loạt đạn, chiếc F-8 trúng đạn bốc cháy lao xuống đất.
Lúc 10g15, số 3 và số 4 MiG-17 cũng phát hiện mục tiêu, báo cáo xin vào không kích. Cả hai chiếc MiG bám theo chiếc F-8 số 4, số 3 Hồ Văn Quỳ bám theo chiếc F-8 rất quyết liệt và bắn ra hai loạt đạn dài, nhưng do cự ly bắn còn xa nên đối phương chạy thoát ra phía biển, số 3 tiếp tục bám theo nhưng cự ly đã quá xa không không kích được.
Quá bất ngờ khi bị MiG tấn công, các máy bay F-8 tăng tốc lực bỏ chạy, bỏ mặc các máy bay cường kích A-4 không có lực lượng hộ tống. Số 1 Phạm Ngọc Lan, sau khi nổ súng bắn rơi chiếc F-8 đã lao qua đám mây mù, bám theo các máy bay cường kích A-4. Khi thoát ra khỏi lớp mây, anh đã nổ thêm một loạt đạn, ngay lúc đó anh thấy phía trước là biển, đã nhanh chóng đổi hướng bay quay về sân bay.
Như vậy, trong trận ngày 3-4-1965, biên đội MiG-17 Lan, Túc, Quỳ, Phương bắn rơi hai chiếc F-8 của hải quân Mỹ. Đây là trận đầu đánh thắng của không quân Việt Nam.