Cứ nói dân miền biển "ăn sóng, nói gió" các cụ đọc bài này sẽ thấy họ cũng lãng mạn nhường nào:
"Cuối tuần, về Hải Phòng đi uống... cafe Ao
Một quán cafe rất lạ: không có biển, không có chỉ dẫn, không cần người phục vụ, chỉ có khách đến và tự coi mình như người… nhà.
Về Hải Phòng, được hẹn đến cafe Ao ở 209 đường Lạch Tray mà tôi tìm hết hơi không thấy. Số nhà 209 ngay ở mặt con đường thuộc hàng lớn nhất nhì Hải Phòng mà tôi không thể hình dung được đó là quán cafe. Loanh quanh mãi, có người ra đón mới biết đây là quán cafe thật.
Cổng vào quán cafe.
Quán là một khu nhà cổ còn nguyên vẹn kiến trúc, cách bài trí của những nhà giàu thời phong kiến. Ngay cổng là hai cây mít to. Mùa hè, có khi đang ngồi uống cafe, quả mít rơi bộp xuống sân, khách ra nhặt mít vào để gọn một góc và đợi khi nào chín sẽ bổ mời… chủ nhà.
Quán có ao bèo thả cá. Những cây trúc, cây hồng bì, cành dao, cây quỳnh, cây nhãn, cây dọc khoai… được mọc tự nhiên.
Quán là một khu nhà cổ, có ao bèo nên được gọi là cafe Ao.
Chủ quán là hai chị em chị Nhật, anh Thanh, vốn là những người am hiểu nghệ thuật. Chị Nhật sinh năm 1976, một người chủ nhà như chủ một quán thơ thời xưa của các tao nhân mặc khách. Khách đến hầu hết là giới văn nghệ sĩ, những người yêu thích tìm hiểu văn hóa. Họ tự phục vụ nhau. Ai đến lần đầu sẽ được người đến trước phục vụ.
Quán giữa lòng thành phố hiện đại nhưng mang đầy nét quê.
Những người đến quán lần đầu có thể bỡ ngỡ, nhưng sau đó thì lại quen nhau hết. Những buổi ngẫu hứng với đàn guita, với những buổi vẽ hứng khởi, những lúc bàn luận sôi nổi về tranh, ảnh là điều rất bình thường ở quán. Thậm chí, có người còn bàn luận về các loại ngôn ngữ, tình yêu, hôn nhân… ở quán. Chủ quán có thể… chạy ra góp vui câu chuyện cùng mọi người.
Trong quán có một chiếc máy tính bàn với cấu hình cao. Khách có thể tự vào và mở những bản nhạc mình yêu thích để chia sẻ với mọi người. Đôi khi, khách cần thanh toán, chủ nhà chạy đâu mất, sẽ có những nhân viên bất đắc dĩ là những vị khách quen ra nhận tiền hộ chủ quán.
Ngồi uống cafe cạnh ao, ngắm bèo, ngắm cá.
Có những lần ngồi uống trà, chị Nhật chạy ra từng bàn hỏi: hôm nay có lạc luộc ngon lắm, có thử một ít không? Rồi chị mang lạc nhân đỏ luộc với ít nước muối mời khách. Có cái gì ngon, lạ, dân giã chị Nhật cũng mời mọi người như thế. Chị thường được tặng tranh, tặng sách và tặng những đồ vật cổ.
Mỗi lần như thế, chị đều chỉ cho khách xem. Có người còn mượn cả sách của chị về nhà đọc. Đọc xong mang trả. Mà chị không hỏi số điện thoại của khách bao giờ. Mọi người cứ tự túc coi đây là một ngôi nhà của người thân.
Mùa hoa quỳnh nở, chị Nhật mời mọi người vừa uống trà, vừa ngồi đợi xem hoa nở. Anh Thanh, em trai chị hướng dẫn mọi người cách chụp ảnh còn chị thì mày mò những món ăn lạ, cách pha chế đồ uống ngon để đãi khách.
Đến đây, bạn không thể là người hời hợt!
Đến cafe Ao, bạn có thể nhờ đủ thứ việc… linh tinh và không linh tinh trên đời vì rất nhiều người có tài lẻ, tài lớn lui tới đây. Đến đây, khách có thể nhờ trang trí một cuốn sách, nhờ đóng cái bàn, cái ghế… Thậm chí, nếu bạn có ý định nhờ trang trí một ngôi nhà cũng có người giúp bạn được. Đối với họ, được làm những việc mình yêu thích, chia sẻ với những người hiểu giá trị công việc là điều hạnh phúc.
Nhưng nếu bạn là người hời hợt thì bạn cũng chỉ ngồi uống nước rồi về, khó hòa nhập được với không gian và con người nơi đây..."
Nguồn : carviet.com