Món ăn ngày Tết !
Từ xưa đến nay, người Việt thích ăn ngon, ăn nhiều trong ngày tết nên ta có câu “Đói giỗ cha, no ba ngày tết”. Ngày tết ta có “cỗ” tết: Ở miền Bắc ngoài món thịt đông đặc biệt còn có chả lụa (giò lụa), chả quế, chả đầu (giò thủ), canh măng, chân giò, nấm hương, miến gà, nem rán, xôi gấc và không thể thiếu bánh chưng xanh, dưa hành.
Ngày nay, dầu muốn giản dị hóa, người Việt vẫn còn nhắc “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ; cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Tục dựng nêu đã mất, muốn làm sạch môi trường và tiết kiệm nên nước ta không còn đốt pháo nhưng nếu không có bánh chưng xanh thì không được. Vì thế bánh chưng, bánh dầy không thể thiếu ở miền Bắc. Miền Nam thì dùng bánh tét. Không phải “thịt mỡ dưa hành” mà “thịt kho nước dừa, dưa giá”. Thịt kho miền Nam rất độc đáo, chẳng biết vì sao có người gọi “thịt kho Tàu”? Người Tàu không bao giờ kho thịt với nước mắm, người Việt không bao giờ kho thịt với xì dầu. Tại sao lại gọi “kho Tàu”? Người Việt còn gọi là “kho rục”. Miền Nam ngày tết luôn có nem bì và củ kiệu.
Mâm ngũ quả miền Nam.
Miền Trung có dưa món và một món đặc biệt gọi là “tré”, ít dùng chả lụa mà là chả bò và giò thủ nhưng đặc biệt phải có thịt chua và tai heo. Ngoài ra còn có các món đặc sản như bánh lá, bánh nộm không thể thiếu. Do khí hậu mà miền Bắc lạnh nên có thịt đông mà các nơi khác không có.
Ngày tết, không thể thiếu mâm ngũ quả vì người Việt coi số 5 vô cùng quan trọng trong đời sống như ngũ hành, ngũ sắc, ngũ vị (trong ẩm thực), ngũ âm (trong âm nhạc). Nguyên gốc, mâm ngũ quả có các loại trái cây: mận, hạnh, đào, táo và lý (hay điều). Nhưng do điều kiện của các khu vực sinh sống người Việt có sự khác biệt, người dân từng miền không thể lúc nào cũng kiếm được đủ 5 loại trái cây này.
Từ đó dẫn đến cách trình bày mâm ngũ quả cũng có sự khác biệt giữa hai miền Bắc và Nam. Miền Trung có lẽ cũng trưng bày mâm ngũ quả giống như miền Nam. 5 thứ trái cây miền Nam thường có: mãng cầu, dừa, sung, đu đủ và xoài vì nói theo giọng Nam thì “cầu vừa đủ xài và sung túc”, còn miền Bắc thường có: chuối, bưởi hoặc quả phật thủ, đào, hồng và quýt (hoặc quất). Về cách trình bày, thường người ta chọn những quả lớn, có trọng lượng để ở giữa sau đó mới đan chen những loại quả chung quanh để tạo thành một mâm ngũ quả hình tháp. Riêng dưa hấu luôn lựa một cặp dưa loại thật to để hai bên bàn thờ. Ngày tết cũng không thể thiếu mứt, kẹo. Người Việt có rất nhiều thứ mứt vì theo văn hóa ẩm thực mỗi thứ mứt có tác dụng trị được một bệnh. Như mứt gừng: ấm tì vị, dễ tiêu, chống đầy bụng, đầy hơi; mứt bí: giải nhiệt; mứt dừa: nhuận trường; mứt sen: an thần, dễ ngủ; mứt quất: tiêu đàm, chữa ho. Thật ra mỗi thứ mứt đều có cái ngon riêng nên người bán thường trưng bày trong một hộp to 12 thứ mứt khác nhau như: mứt me, mứt mãng cầu, mứt mít, mứt thơm và gần đây có thêm mứt khoai lang. Kẹo thường dùng ở miền Nam có “thèo lèo”, kẹo dừa, kẹo đậu phộng, hột điều; miền Trung còn có mứt me và mè xửng…
Mâm ngũ quả miền Bắc.
Ngoài việc ăn còn nghĩ đến việc uống. Đặc biệt là các thứ rượu mạnh như rượu làng Vân (Bắc Ninh), rượu Bầu Đá (Bình Định) và rượu đế (khắp cả nước). Ngày nay, còn có thêm nhiều thứ rượu Tây các loại khác.
Người Việt có những món ăn rất đặc biệt và đa dạng trong ngày tết. Và từ đó chúng ta có thể hiểu được vì sao người Việt không nói “mừng lễ tết” mà thường nói “ăn tết”
(GS-TS TRẦN VĂN KHÊ)