Phải chăng, vì cây Gạo từ xưa tới nay, từ thuở bận áo bà ba màu nâu, các bà các mẹ gồng gánh trên vai, tất tưởi trên triền đê. Gió lộng hất tung chiếc nón, và tà áo thì đượm một màu man mác, nên cây Gạo cũng bị "mặc" cho mình một trách nhiệm có vẻ như là hơi cao cả?! Hay là một sự huyền bí nào đó mà có khi, cả đời chúng ta vẫn chưa tìm ra lời giải?!
Em chỉ thấy một sự hoài niệm; một nỗi da diết mỗi mùa hoa Gạo ở đâu đó trên mạng, đốt một góc trời. Hay có bất chợt thấy bông hoa trên tay ai đó, là hình ảnh những chú chim ríu rít bay về. Chúng râm ran, chuyện trò hay cãi cọ với nhau bằng thanh âm của loài vật. Chắc cũng có vui, có buồn như con người. Có những lúc mệt nhoài, đậu trên cành cây mà im lặng. Hay lí lắc đi chòng ghẹo bầy đàn...Cứ thế, nhìn cây Gạo lại thấy "ngôi nhà" ấy vững chãi biết bao nhiêu!
Chỉ riêng việc ủ mình, trút lá để đơm hoa, dù không hương, đã là một nỗi khắc khoải. Người ta xanh mướt mượt lá, cành như hoa Trà, hoa Ban, hoa Bưởi - thì mình phải đau đớn ruồng bỏ một phần "thân thể" chỉ để khoe mình sự rực rỡ. Như là biệt ly, như là cúi mình một phút lên hương, rồi hẹn mùa sau, gặp lại...
Yêu hoa, ai lại nỡ đi cho vào nồi nấu?!
Yêu hoa là phải cho vào nồi nấu, để nhẩn nha mà thưởng thức hay ngấu nghiến đến tận cùng dư vị của hoa mới thoả lòng yêu
. Em là ví dụ điển hình của đam mê ăn hoa. Vừa hết mùa với món “Nộm tháng Hai”, lại chuyển qua món “Tháng Ba xào thịt bò”, salad rau Bồ công anh
.
Hoa gạo với em là hồn quê, là thứ nhắc nhớ cho mỗi người đi xa trở về. Cây gạo đầu làng em chẳng biết có tự bao giờ, chỉ nhớ khi em bắt đầu nhận thức về thế giới thì đã thấy cây gạo già với gốc cây xù xì những chiếc bướu thô ráp, những cành cây khẳng khiu như tạc tượng sừng sững đứng đó, vừa rêu phong vững chãi, vừa uy nghiêm như người bảo vệ làng.
Tháng Ba ngày giáp hạt, khi những hạt thóc cuối cùng trong bồ đã dần cạn, mẹ vẫn nhìn cây gạo rồi buông tiếng thở dài “Hoa gạo được mùa, mong lúa vụ xuân năm nay cũng trĩu bông”. Những đứa trẻ con như em thời ấy còn chưa hiểu chuyện đói no nhưng mỗi độ hoa gạo đỏ rực 1 góc trời vẫn cứ háo hức rủ đám bạn trốn ngủ trưa chạy ra gốc gạo mà chơi đủ trò con nít.
Cây gạo làng em to và lạ lắm, thân cây to vừa cả chục đứa trẻ con nối tay nhau ôm mới xuể. mỗi chiếc bướu trên thân to như những chiếc ghế mà 2 đứa trẻ con ngồi vừa. Từ những chiếc bướu đó mọc ra những chùm nụ núc nỉu, chính là món ăn yêu thích của tụi trẻ con thời đó. Những chiếc cúp gạo có vị chan chát bùi bùi chẳng biết diễn tả nó ngon như thế nào, chỉ biết rằng bó là mảng kí ức tuổi thơ khó phai mờ, chỉ những ai trải qua mới dây dưa nhớ mãi hương vị của nó. Những chùm nụ dưới gốc này chưa khi nào kịp nở hoa vì đã kịp yên vị trong dạ dày của trẻ con khắp làng
.
Phía tít trên cao, những cành cây khẳng khiu xù xì rêu mốc phủ dày một màu hoa đỏ rực. Mỗi khi ngước nhìn lên, thấy cành gạo tựa như những nét đan thanh mà người hoạ sỹ tài hoa nào đó kì công khắc lên nền trời xanh thăm thẳm.
Mùa nước, cây gạo xanh mướt nghiêng mình soi bóng xuống dòng kênh xanh uốn lượn quanh làng. Tháng Ba mùa nước cạn, những bông gạo khẽ khàng chao mình xuống bãi kênh nứt nẻ, tụi trẻ con lại được thoả mình nhặt những bông gạo đỏ thắm mà chơi trò cô dâu chú rể. Em thích thú vô cùng mỗi khi đặt bông hoa còn nguyên vẹn trong lòng bàn tay. Khi đó, bông gạo rực rỡ như những chiếc đèn lồng thắp lên để mừng sinh nhật mùa nắng mới.
Sau này, em đã đi nhiều nơi, gặp nhiều cây hoa gạo nhưng không có cây gạo nào đặc biệt như cây gạo đầu làng em. Chỉ tiếc là, vì thói sân si, người ta đã tìm cách giết cây chiếm đất. Dù thế nào, cây gạo cũng đã hiên ngang hoàn thành sứ mệnh của nó, đồng hành với không biết bao nhiêu thế hệ đã sinh ra, lớn lên cùng những kí ức mát rựoi của màu hoa tháng Ba tại ngôi làng này. Dù ở lại hay đi xa khỏi làng, cây gạo già vẫn như ngừoi gìn giữ một phần hồn quê mênh mang êm dịu.
Cứ mỗi độ tháng Ba về, nhìn thấy màu đỏ hoa gạo, em lại thèm được trở về kí ức, vịn vào những rêu phong cổ kính của làng, nơi có bóng cây gạo già nghiêng mình buông hoa xuống bãi kênh mùa cạn nước. Để thời gian cứ thế chậm trôi. Chẳng thế màNhững ngày tháng Ba này, trên đường đi làm về em vẫn hút mắt tìm kiếm những cây gạo đỏ lung linh hiên ngang khoe sắc giữa chốn thị thành như là cách để xoa dịu nỗi nhớ hồn quê mênh mang sóng sánh.
Cuối tuần này, em lại có hẹn với tour “Bác Cổ - mùa hoa gạo“