Mùa linh cảm
(Bút ký)
-Đoàn Tuấn-
Những ngày tháng 5 êm ả bởi nắng vàng như mùa Thu, gió heo may chợt ùa về trong một vài ngày và se se lạnh. Khác hẳn với thời tiết khắc nghiệt với mưa dầm dề, nắng chói chang ở miền đất Campuchia mà trong
"Mùa linh cảm" hay
"Rừng khộp mùa thay lá" và
"Mùa chinh chiến ấy" nói đến.
Một cuốn Bút ký nhẹ nhàng nhưng không kém phần xúc động như hai cuốn Hồi ký trên. Vẫn là những không gian, thời gian ấy. Vẫn những con người đó; vẫn những cuộc hành quân đó; vẫn những địa danh lịch sử - mà khi đặt bút viết, hẳn là những-người-lính-ấy, đã rất trĩu nặng trong tâm can.
Nếu như hai cuốn Hồi ký trên, ghi lại những hồi ức về cuộc chiến, bao quát một phần hoặc dưới góc nhìn của hai người lính, sẽ thấy những gian khổ xen lẫn lạc quan, tếu táo rất "lính", rất "đời'', thì trong cuốn Bút ký này, lại thấy những linh cảm rất thật, thật như là những gì vốn có thuộc về con người - nhất là con người Việt.
Những cảm giác về những cái chết - sắp đến với những người lính, như là một phần của cuộc chiến. Vừa gần vừa diệu vợi. Là một phần trong tâm thức của mỗi người, dù muốn dù không, vẫn cứ lảng vảng đâu đó mỗi khi họ (những người tử trận) bước vào một cuộc truy quét hay thực hiện một nhiệm vụ mới.
Với một lời Tựa rất cuốn hút nhưng "Đau nhói Mùa linh cảm", mà nhà thơ Thanh Thảo đã viết:
"Chiến tranh không bao giờ là một ngày hội. Và những người lính ra trận không phải để múa hát. Họ ra trận để đánh giặc và chấp nhận một sự thật giản đơn kinh khủng này: một chết, hai sống sót. Ngày kháng chiến chống Mỹ ỏ Nam bộ, tôi thuộc nằm lòng câu thiệu: "Một xanh cỏ, hai đỏ ngực". "Xanh cỏ" thì ai cũng biết là gì. Còn "đỏ ngực" là sống mà có huân chương đấy"...
- Cảm giác chua xót không?
Vì ai ra trận mà mong có huân chương?! Càng không ai mong mình "xanh cỏ"!
Vậy mà, trong những người đồng đội của bác Đoàn Tuấn, có những người, nhiều hơn chục, hơn trăm mà phải đếm bằng bao nhiêu con người nữa, không biết, đã vĩnh viễn nằm lại Anlong Veng, nằm ở các phum (làng) của nước bạn, hay ở những nghĩa trang không tên tuổi. Những thân thể bị cắt lìa, vùi chôn tạm bợ để cho kịp cuộc hành quân; những kỷ vật; những dăn dò hay cả những bức thư viết dở...Và, trước khi những người đó không trở về, như trong Bút ký viết, thì họ đã có những linh cảm "chẳng lành" cho chính mình!
Ở
"Mùa linh cảm" vẫn là những mạch nước len lỏi vào tâm trí người đọc sự xúc động, vì vẫn là một người lính viết. Nhưng xuyên suốt, là một nỗi day dứt và cả một câu hỏi lớn. Câu hỏi về những dự cảm của đồng đội, những cử chỉ, hay hành động của họ trước khi chết, thôi thúc đi tìm câu trả lời. Sự quan sát tỉ mỉ, cẩn thận và có sự hợp sức của những đồng đội đang còn sống, đã bổ sung thêm một mảng màu vào trong bức tranh chống Pol Pot mà bác Đoàn Tuấn đã trải qua. Bức tranh đó, bên cạnh đạn, mìn, vắt, muỗi,...còn là những người lính.
"Bề ngoài, ai cũng tưởng đơn giản. Đơn giản đến tận cùng. Nhưng bên trong họ là những miền bí ẩn, là những chiều sâu thăm thẳm hơn đại dương, không ai và không bao giờ khám phá nổi."
Cuốn Bút ký dựng lên 18 chân dung của 18 người lính, người đồng đội - những người đã có những linh cảm rất rõ rệt về cái chết của mình. Đọc đến mỗi một chân dung, lại thấy sự đa dạng trong suy nghĩ của mỗi người. Có người ồn ào, có người lặng lẽ. Có người báo trước cho đồng đội, dặn dò họ ở lại hoàn thành nốt tâm nguyện; có người lại chọn cách một mình viết lại bằng con chữ - nhưng dở dang. Để khi người còn sống "chạm" vào những ký ức đó, họ mới sực tỉnh và tiếc nuối. Còn đau đớn nào hơn?!
Nói đến những linh cảm về cái chết, hay bất cứ một sự "không may" nào sắp xảy đến, không chỉ con người, mà cỏ cây và các loài sinh vật khác đều có. Chỉ là, cuộc sống quá đỗi xô bồ, bon chen, nên ở một vài khoảnh khắc "khác thường" của ai đó, chúng ta lại không để ý. Đôi khi, sự vô tâm này, khiến chúng ta day dứt. Thì trong "Mùa linh cảm", còn là nỗi day dứt đến tận tâm can của những đồng đội còn sống. Vì chung miếng nước, chung căn hầm, chung chiếc võng và chung cả những đau đáu nhớ quê hương...Thật vừa bi tráng, vừa hào hùng!
"Mùa linh cảm", thú thật, không dữ dội như hai cuốn Hồi ký trước. Nhưng sự chân thực và cách hành văn giản dị của bác Đoàn Tuấn khiến cho Bút ký này vẫn có một sức "nặng". Sức "nặng" đằng sau những chữ viết, là thân thể bao nhiêu con người đã nằm lại chiến trường K. Sức "nặng" khi đến hiện tại, có những người - vẫn-chưa-tìm-được-phần-thân-thể-đã mất!
Giữa những ngày không phải "linh thiêng" của tháng 7, mà đọc xong, vẫn không khỏi thổn thức. Cái chết, nhất là với những người lính, đến nhẹ như một áng mây, vừa chuyện trò đâu đây gần gũi, mà chỉ nháy mắt, đã trở thành một "vụn đất". Những "vụn đất" khao khát được trở về lành lặn. Được đứng trên đất Mẹ oai hùng, mà nghêu ngao hát ca, hay dạo quanh Hà Nội những ngày không khói súng...
|18.05.2022|