Dù hôm nay Nhật Bản đã thắng chúng ta một trái bóng, nhưng phim của Nhật thì em chưa xem bộ phim nào trọn vẹn. Có lẽ, do không hợp gu, hay do em trót "phải lòng" phim của Trung Quốc, nên từ nhỏ tới hiện tại, đều mê mệt các tác phẩm điện ảnh của họ. Từ dáng vẻ ung dung của Thư Kỳ trong "Gác kiếm", đến vẻ mỏng manh, tinh khiết của Lưu Diệc Phi trong "Tình yêu thứ ba", hay gần đây nhất, là diễn xuất của Châu Tấn trong "Hoạ bì", và bộ phim đình đám "Hậu cung Như Ý truyện". Không chỉ mê mẩn bởi diễn xuất có chiều sâu, dùng ánh mắt, cử chỉ để lột tả nội tâm nhân vật, mà còn mãn nhãn vô cùng với phục trang tinh tế của điện ảnh Hoa ngữ. Những set đồ vô cùng đẹp, những phụ kiện rất rất liên quan tới tổng thể trang phục...Chừng đó thôi chưa đủ, còn vì những câu thoại sâu sắc, phải nghe, phải ngẫm mới hiểu ra dụng ý. Điểm hấp dẫn chết người mà bất cứ bộ phim nào của hàng xóm, được đầu tư bài bản từ trang phục, diễn viên, lời thoại chỉn chu,...thì đều không làm chúng ta thất vọng!
"Chúng ta kết hôn đi" - một bộ phim cũng của Trung Quốc, nằm trong thể loại tâm lý, tình cảm. Không có những cảnh tranh giành sủng hạnh; không có đấu đá thương trường; không có những phục trang cầu kỳ; không có những mái nhà cổ của phim trường Hoành Điếm hiện diện trong các cảnh quay. Bộ phim về hôn nhân thời hiện đại, với bốn cặp đôi. Ba cặp đôi còn lại, em sẽ không bình luận ở trong phạm vi này - khi chúng ta đều là những ông bố, bà mẹ trung niên rùi. Em sẽ lưu tâm hơn tới cặp đôi Diệp Văn Văn và Trần Chấn Hiên, bởi vì, cặp đôi này là tâm điểm xuyên suốt bộ phim. Đan xen giữa những dỗi hờn, giận dỗi, xung đột về việc lựa chọn công việc và gia đình; quyết định kết hôn hay còn lừng chừng chờ "thời", thì tình yêu của Văn Văn và Chấn Hiên như mạch nước ngầm, nhẹ nhàng len vào tâm trí người xem, khiến họ vừa xúc động, vừa thích thú.
Một cô gái bị bạn trai phụ tình, một người đàn ông sống cảnh "gà trống nuôi con", họ đã đến bên nhau một cách rất dịu dàng - như là cuộc đời vốn đã an bài như vậy. Tiệm váy cưới với người thiết kế chính là Chấn Hiên, đã lấy cảm hứng từ cô "em gái" Văn Văn để cho ra đời hàng trăm mẫu váy cưới tuyệt đẹp. Cũng chính từ đây, những mẫu váy cưới được anh thiết kế, lại được chọn bởi vợ tương lai của người yêu cũ Văn Văn. Một sự "cố tình" có chủ ý, đã khiến Văn Văn suýt chút nữa thì bẽ bàng trong tiệc cưới của người yêu cũ. Nhưng chính Chấn Hiên đã giải vây giúp cô, bế cô đi trong vòng vây của quan khách - khi cô say. Và lời mạo nhận "bạn trai" của anh, đã giúp cô hoá giải những khúc mắc mà mọi người đang mong muốn nhận được câu trả lời.
Để từ đó, anh - Trần Chấn Hiên, định sẽ gói ghém tình cảm của mình, gửi vào cuốn sổ những mẫu váy cưới cho các cặp đôi tương lai. Bởi, anh nghĩ mình không có cơ hội: "Văn Văn xinh đẹp thế kia mà; cô ấy xứng đáng có người chồng tốt", còn anh, goá bụa nuôi con, lại trải qua một lần hôn nhân, già cả, anh có phần ngại ngùng, sợ bị từ chối.
Chính những suy nghĩ tử tế này của anh, lại là điểm nhấn trong bộ phim. Vì hoá thân vào nhân vật, anh mang cho mình một diễn xuất đang vào độ "chín" của một người đàn ông từng trải. Điềm đạm, sâu sắc và chừng mực. Không dễ dàng thổ lộ, không dám vồn vã, e ngại sự khước từ, và, chỉ biết đứng từ xa ngưỡng vọng. Tình yêu của anh, khiến cho người xem vô cùng đồng cảm. Vừa muốn nhanh nhanh có kết thúc tốt đẹp, lại muốn được thấm những cử chỉ âm thầm mà anh lặng lẽ làm - vì người mình yêu.
Cho đến lúc vô tình Văn Văn đánh rơi cuốn sổ và lặng người nhìn các thiết kế trong đó. Từng hình ảnh mẫu, từng chiếc váy cưới, đều là hình ảnh cô ở đó. Năm 2012,2013 và đến 2014, anh vẫn bền bỉ lấy cô làm "nàng ther" cho các thiết kế của mình. Không một lời thổ lộ, nhưng từng đó hành động, cũng đủ nói lên, tình yêu anh dành cho cô lớn biết chừng nào...!
Có rất nhiều lời thoại đáng để chúng ta suy ngẫm. Em không viết ra đây, bởi sẽ mất đi sự thú vị vốn có. Cả bốn cặp đôi, đều có một cái kết thực sự "trọn vẹn". Tuy đến với nhau bằng đường thẳng hay ngang, đi qua bao nhiêu thăng-trầm, hờn giận, thì cuối cùng, họ vẫn thuộc về nhau như đã từng. Không dùng những câu nói hàm ý, chỉ là những lời thoại thân thuộc, song bộ phim lại đi vào lòng khán giả bởi nó rất "thực", rất gần gũi. Những cãi vã rất "gia đình", rất "đậm chất yêu" được lồng ghép vào cả bộ phim, khiến cho riêng em cảm nhận như là hơi thở. Dù có những chi tiết gây cười nhưng cũng có nhiều chi tiết khiến chúng ta rơi nước mắt. Nhân văn và truyền tải thông điệp đẹp về tình yêu, hôn nhân, vốn dĩ không đơn giản. Nhất là, khi cuộc sống có quá nhiều mối lo toan, và nhân duyên thì lại bị vin vào sự tuỳ ý. Nên những ngày chớm Đông này, em nghĩ bộ phim rất hợp để vừa xem vừa ngẫm, vừa nhâm nhi như là tách trà, để đặt những điều phiền muộn lại, đắm mình với những hạnh phúc vốn nhỏ nhoi mà chúng ta đã nhận về...
.