Hôm nay báo VNN có bài này, em đọc thấy rất ưng, tất nhiên ưng là vì giống với ý kiến của em và em thấy đây là suy nghĩ thức thời, hiện đại và thực tế chứ
không viển vông như mấy ông sử học. Em trích vài đoạn ra đây nhé, còn cụ nào thích thì vào link đọc cả bài:
Thùy link đây:
http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/118629/dan-xa-tac--cay-cau-vuot-va-van-hoa-tranh-luan.html
Trích:
.... cho đến hôm nay, sau gần 7 năm, chưa có nhà khảo cổ, nhà sử học, nhà văn hóa nào tìm được tư liệu để có thể chỉ ra được chính xác vị trí Đàn Xã Tắc nằm ở nơi nào dưới lòng đất khu vực Xã Đàn. Vậy, nếu muốn bảo vệ Đàn Xã Tắc thì chúng ta bảo vệ thế nào?
Trở lại nguyên trạng trước khi các nhà khảo cổ phát lộ ra các dấu vết có liên quan đến vùng đất xưa đã từng có Đàn Xã Tắc, thì mọi người hẳn còn nhớ rõ. Phía bên trên hố khai quật mà bây giờ tạm lấp cát, trồng cỏ, làm thành đảo giao thông, vốn là nơi người dân làm nhà sinh sống bình thường từ bao đời trên mảnh đất thiêng cha ông để lại.
Vả lại, có cha ông nào nỡ "hành" con cháu khi nhu cầu ăn, ở, xây dựng, phát triển là qui luật, là thuận thiên? Có ai lại cực đoan, nhất nhất bất cứ cái gì của quá khứ cũng đòi bảo tồn và bảo tồn nguyên trạng, cản trở hoặc bỏ qua đòi hỏi rất bức bách của phát triển thì thật là phiến diện và phi thực tế. Nếu cực đoan tới mức ấy thì, như có người nói, "tất cả chúng ta hãy trở về hang động của thời đại đồ đá".
...
Cũng cần phải chính xác hóa một thông tin: phần dưới lòng đất đảo giao thông bây giờ là những dấu tích có liên quan đến Đàn Xã Tắc, chứ các nhà khảo cổ chưa tìm thấy Đàn Xã Tắc. Kể cả cho đến hôm nay, chưa có ai chỉ ra được trên bản đồ khảo cổ Thủ đô, Đàn Xã Tắc hiện giờ đang ở nơi nào?
Thế nhưng, không ít người hiện đang nhầm lẫn nơi sắp làm cầu vượt, là sẽ "vượt trên đầu Đàn Xã Tắc"; thậm chí còn nói rất gây xúc động lòng người, rằng: "con cháu dám trèo cả lên đầu tổ tiên".
Với những người nói về tâm linh, tại sao chúng ta không nghĩ, tổ tiên, ông cha không mong gì hơn là con cháu đời sau được mọi bề tốt đẹp. Lẽ nào tổ tiên, ông cha ta lại đành lòng (hoặc mong cho) sự ùn tắc, tai nạn giao thông xảy ra ngay trước mắt mình?
Chúng ta nhớ lại, khi tranh luận về việc nên hay không nên làm cáp treo Yên Tử, cũng đã có không ít người phản đối. Có ý kiến cũng không khác gì hôm nay: "nếu làm cáp treo như vậy thì chúng ta sẽ ngồi trên đầu ông cha". Và khi ấy cũng có những ý kiến đem yếu tố tâm linh ra hù dọa mọi người. Cũng rất ồn ào, sôi động, có lẽ còn hơn cả cuộc thảo luận đang diễn ra hôm nay.
May sao, vào thời điểm đó, lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin đã đồng ý cho làm cáp treo Yên Tử, với những yêu cầu điều chỉnh hợp lý, hạn chế đến mức thấp nhất sự xâm hại đối với cảnh quan và di tích.
Từ khi cáp treo Yên Tử, và sau đó là ở Chùa Hương được đưa vào khai thác sử dụng, nhờ đó mà mỗi năm có thêm hàng triệu người, dù là tuổi cao sức yếu cũng có thể tới được non cao Yên Tử để viếng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông và thăm viếng động Hương Tích. Đó là những minh chứng đầy tính thuyết phục về sự kết hợp bảo tồn với phát triển.
Tại di tích 18 Hoàng Diệu, một di sản văn hóa vô cùng quan trọng, gắn với bề dày lịch sử Thăng Long - Hà Nội, trước khi phát lộ, mấy trăm hộ gia đình vẫn sống trên vùng đất thiêng liêng ấy bình yên.
Lẽ nào ông cha không phù hộ cho cháu con. Nếu được "xin ý kiến", chắc tổ tiên của chúng ta sẽ cả cười mà rằng: "Các con cứ yên tâm, chớ nghe những lời can ngăn cổ hủ, chúng ta sẽ hết lòng phù hộ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Hãy cố gắng làm cho dân tình thuận lợi, đỡ khổ!". Sao chúng ta lại không thể tin vào điều đó?