Vì sao biết chuyện “tự xử” của người dân man rợ như thời trung cổ, nhưng vẫn có người đi trộm chó? Và quan trọng hơn, có hay không một biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa tệ nạn đang gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội?
Chúng tôi mang câu hỏi này đến các cơ quan thực thi pháp luật tại Nghệ An, nhưng đều nhận được câu trả lời “rất khó xử lý”. Riêng Viện phó Viện Kiểm sát Nhân dân Nghệ An Tôn Thiện Phương khẳng định: “Phải tập trung điều tra, tìm đúng đối tượng quá khích để xử lý nghiêm minh, vì hành vi tự xử của người dân như thế là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không thể chấp nhận được”.
80% số “cẩu tặc làng” nghiện ma túy
Trong những lần đi tiếp xúc cử tri mới đây, đại tá Trần Sĩ Phàng - Trưởng Công an huyện Nghi Lộc, Nghệ An - thấy người dân phấn khởi khi bàn tới nạn trộm chó đã giảm hẳn. Ông trở thành đại biểu được nhiều người dân chất vấn: Vì sao giảm được nạn trộm chó?
Theo đại tá Phàng, muốn xóa sổ nạn trộm chó không phải chỉ dừng lại ở việc xử lý vụ án, mà phải thực sự vào cuộc bằng biện pháp cụ thể nhằm “triệt tận gốc, nghĩa là phải truy, xử lý đến cùng đối tượng hành nghề trộm chó là ai”.
Nạn trộm chó diễn ra phức tạp từ cuối năm 2010-2012 trong hầu hết các huyện trung du, đồng bằng Nghệ An. Trong các trọng điểm như thành phố Vinh, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu thì Nghi Lộc là địa bàn số một vì có số lượng đối tượng trộm chó nhiều nhất. Riêng năm 2011, huyện này có 54 đối tượng “hành nghề” trộm chó từ Nghệ An sang cả Hà Tĩnh. Nhóm trộm chó thường đi bốn người. Một đêm, nhóm này xuất phát từ Nghi Lộc bằng xe máy không biển số hoặc biển số giả, đi trộm xuyên qua ba, bốn huyện; đêm nào cũng trộm được chó, có đêm trộm được 10 con.
Người dân liên tục bị mất chó đến mức thấy bất lực nên tổ chức mai phục bắt kẻ trộm chó rồi tự xử lý. Có đối tượng bị bắt rồi bị dân đập chết, bỏ xác lên xe máy, đổ xăng đốt. Có vụ trộm chó bị dân làng bao vây, đuổi đánh nên bỏ xe máy tháo thân. Hầu hết những xe máy này đều bị dân đốt. Theo cơ quan công an, các huyện đều có đối tượng trộm chó bị đập chết, nhưng nạn trộm chó vẫn không giảm. Thực trạng khiến Công an Nghi Lộc phải xác lập các chuyên án đấu tranh với loại tội phạm này ngay trong huyện mình để ngăn chặn và giải tỏa bức xúc cho người dân.
Đầu năm 2012, Công an Nghi Lộc xác lập chuyên án đầu tiên, khởi tố 21 bị can. Tòa án Nhân dân huyện xét xử các bị can từ 10-36 tháng tù giam, nhưng nạn trộm chó vẫn diễn ra như một thách thức. Cuối năm, Công an Nghi Lộc tính toán lại, đưa ra biện pháp mới: Cùng với việc điều tra, truy tố các vụ trộm chó, tiến hành soát xét những đối tượng nghi vấn, lập hồ sơ cá nhân để điều tra kỹ từng người. Kết quả cho thấy, 80% số đối tượng trộm chó đều nghiện ma túy (có đối tượng mang ba tiền án).
Công an phối hợp chính quyền địa phương lập hồ sơ trình hội đồng tư vấn huyện, tỉnh xét duyệt rồi đưa 12 người vào cơ sở giáo dục (trước đây gọi là tập trung cải tạo), 24 người đi cai nghiện. Mỗi người chịu mức án hai năm. Đầu năm 2013, Công an Nghi Lộc đưa tiếp 9 người vào cơ sở giáo dục, 17 người đi cai nghiện.
Đột kích hầm lạnh cất giấu thịt chó
“Triệt được đối tượng đi trộm nguồn cung cấp thịt chó trộm, song vẫn chưa thể yên tâm, chúng tôi tính việc đột kích cơ sở tiêu thụ” - đại tá Phàng trăn trở. Đầu năm 2013 một mũi trinh sát Công an Nghi Lộc đột kích hầm lạnh dưới gầm nhà bà Đặng Thị Mai ở xã Nghi Long. Trong hầm lạnh khoảng 3m3 có 90kg thịt chó mốc xanh và bảy con chó đã cạo lông, có con thối rữa.
Mũi trinh sát thứ hai đột kích nhà ông Nguyễn Văn Sơn ở xã Nghi Ân (thành phố Vinh), thu đồ nghề của đối tượng trộm chó gồm ba bộ quần áo công nhân cũ, thòng lọng, bả chó và những công cụ khác. Công an khởi tố, bắt tạm giam hai người này về tội tiêu thụ thịt chó trộm và tội đồng phạm với đối tượng trộm chó. Tại cơ quan công an, bà Mai thú nhận: “Đi trộm chó về là họ nhập ngay, cân lên lấy tiền tươi, không cò kè một câu”. Còn ông Sơn khai: “Hội trộm chó về là thay đồ, trả xe rồi mặc đồ và lấy xe của họ về ngay”.
Đại tá Phàng kết luận: “Sau những diễn biến nêu trên, nạn trộm chó giảm rõ rệt. Nếu có thì đối tượng trộm chó không phải người dân huyện Nghi Lộc. Nếu lần theo địa chỉ đối tượng đang gây nên vụ trộm chó, công an quản lý, an ninh địa phương đó có biện pháp thuyết phục thì chắc chắn nạn trộm chó sẽ giảm, vì một lý do đơn giản: Đâu còn đối tượng hành nghề trộm chó nữa”.
Đó là một gợi ý không tồi để trả lời câu hỏi: Vì sao trộm chó?
Sông Lam