Chuyện đi lại: Ô tô “Gửi tới mai sau” Thứ Sáu, 13/04/2012 09:52
(TT&VH Cuối tuần) - Từ hồi rôm rả dự án “Gửi tới mai sau” nhân dịp 1.000 năm Thăng Long, khi người ta gợi ý nên chôn xuống cho con cháu đời sau chiếc tivi, chiếc bút bi, hay cái đầu thu kỹ thuật số…, đã có người nghĩ đến chiếc ô tô.
Vâng, chiếc ô tô - báu vật vô giá đối với mỗi người Việt Nam, một thứ ngọc tỷ truyền quốc, nhờ nó mà bạn có thể trở thành đại gia trong nháy mắt, rất xứng đáng để lại cho con cháu muôn đời sau. Nhưng hồi đó, có lẽ kiếm được một người tình nguyện hiến ô tô cho dự án hơi bị khó, nên chưa thấy ai mạnh dạn đề xuất ý tưởng này. Nhưng giờ đây, điều đó đã trong tầm tay…
Thật ra, ý tưởng chôn ô tô trong các dự án “Chôn giữ thời gian” không phải là mới. Ở Mỹ năm 1957 người ta đã làm một việc tương tự, tất nhiên thời gian chôn có 50 năm thôi. Và khi người ta hoan hỉ đào báu vật lên vào năm 2007, chiếc xe gỉ nát được trục lên bằng cần cẩu rất ấn tượng, trông y hệt như nhân vật Mater trong phim Cars (Vương quốc xe hơi). Cái ô tô đó, nếu được nhập khẩu vào Việt Nam và được tút tát lại một chút, có khi vẫn có giá tới dăm bảy chục triệu đồng. Ở thị trường Việt Nam, mọi thứ đồ cũ đều ở mức trên giá sàn được quy định bởi ngành đồng nát. Mà ngành đồng nát ở Việt Nam là ngành lâu đời, tồn tại vững bền trong một xã hội khan hiếm đồ công nghiệp và giàu những ý tưởng tái chế. Ngành này lại có “phổ” kinh doanh rộng nhất thế giới, từ máy bay, ô tô đến cái ắc quy chì hết niên hạn sử dụng… đều có thể tiêu thụ.
Nói vậy để các bạn yên tâm rằng, nếu hôm nay chúng ta quyết tâm gửi chiếc ô tô cho muôn đời sau, thì khi con cháu chúng ta đào lên, chúng vẫn còn có thể vớt vát được phần nào của cải nếu đem “hóa giá” nó, tất nhiên là trong điều kiện thuế má đánh vào ô tô nhập khẩu ở thời điểm đó vẫn đầy ưu việt như ngày nay.
Nói vậy thôi chứ giá trị của chiếc ô tô chúng ta gửi hôm nay đến năm 3012 (nếu gửi 1.000 năm) hoặc 2112 (nếu gửi 100 năm) không thể quy đổi ra bằng tiền (nhất là quy đổi với giá đồng nát). Con cháu chúng ta vào những năm đó sẽ đưa chiếc ô tô của năm 2012 này vào trong bảo tàng, và một hội đồng giám định quốc gia sẽ được thành lập để nghiên cứu những thông điệp mà cha ông chúng vào thời điểm 2012 sẽ gửi gắm. Chúng sẽ kinh ngạc trước những giá trị phi vật thể ngoại hạng mà chiếc ô tô chứa đựng.
Thứ nhất, chúng không thể tưởng tượng được tải trọng chịu thuế phí của chiếc ô tô và sự giàu có ghê gớm của các đại gia 2012. Chúng sẽ ngạc nhiên vì một chiếc ô tô lăn bánh trên đường đã chịu tải trọng là cả chục thứ thuế rồi, mà một ngày đẹp trời nào đó nhìn thấy khung sườn của nó còn khỏe, và mạng mỡ của cha ông chúng ngồi trong đó hãy còn béo, người ta lại muốn chất thêm cho hai thứ thuế, phí “khủng” nữa. Nào phí bảo trì đường bộ từ hơn 2 triệu - 15 triệu/năm (tùy theo từng loại xe), đến phí “hạn chế phương tiện cá nhân” đánh từ 20 triệu đến 50 triệu một năm trên mỗi đầu xe tùy theo dung tích xi lanh, đó là chưa kể đến phí vào trung tâm thành phố vào giờ cao điểm. Trước đó phí gửi xe đều tăng lên gấp 2-4 lần. Người ta nói mức chi phí cho một chiếc xe ở Việt Nam sẽ cao hơn 30 lần so với ở Pháp nếu cùng một điều kiện so sánh (tức tính cả tỷ lệ về thu nhập bình quân).
Nhưng vấn đề không chỉ là tiền. Con cháu chúng ta ngạc nhiên nhất là ngay từ đầu thế kỷ 20, tức là trước đây cả thế kỷ rồi, người Âu - Tây đã cưỡi xế hộp chạy bon bon trên đường; và trong phim Hollywood lậu bán đầy ngoài chợ trời thì một kẻ thất nghiệp, chẳng nghề ngỗng gì ở Tây cũng thấy lái ô tô đi… ăn cắp vặt. Trong khi cha ông chúng ở Việt Nam, cứ cưỡi lên ô tô là được gắn mác đại gia, bất kể đó là chiếc Lada một hai chục triệu, con Kia Pride dăm bảy chục triệu hay con Toytota Crown 90 triệu, nhưng đăng ký từ năm 1987, tức nhiều hơn cả tuổi của người đang cưỡi lên nó. Mặc dù không điều tra thu nhập, nhưng chúng biết tỏng rằng, không phải ai ngồi trên xe ô tô cũng đại gia, thiếu gia hay những kẻ “xúc” được tiền của thiên hạ. Thế nên vừa nghe đến nộp phí, có đến 3/4 số người được gắn mác đại gia (trừ các vị xài xe công) đều tơi bời ruột gan. Người ta bảo đại gia sắm được xe tiền tỷ rồi thì tiếc gì con lợn còi. Nghe có vẻ đúng lắm, nhưng có ai biết rằng, dù tiền của người xế hộp có to như cả một con voi, nhưng chỉ cần mỗi con muỗi “hút” một tí máu thôi, thì con voi cũng chỉ còn cái xác.
Thêm 3-5 triệu đồng thuế phí một tháng mà bảo là ít thì lạ thật. Ai nói là ít nhất định kẻ đó làm ở văn phòng nước ngoài lương tính bằng đô hoặc doanh nhân làm ăn phát đạt, hoặc quan chức nhiều bổng lộc hoặc kẻ có khả năng tham ô. Những người bình thường có thu nhập từ trung bình trở lên, ki cóp hàng chục năm trời để sắm ô tô cá nhân; và nhất là những người dùng ô tô như một cái cần câu cơm hàng ngày…, thấy món thuế phí kia đã muốn sụn cả xương sống.
Con cháu chúng ta ở thế kỷ hay thiên niên kỷ sau, khi nhìn thấy chiếc ô tô sẽ hiểu được tâm trạng mà cha ông chúng năm 2012 rứt ruột gửi tới. Ôi chao, chúng sẽ thốt lên, khi thấy đằng sau lớp vỏ gỉ nát như nhân vật Mater trong phim Cars, chiếc ô tô chứa đựng cả một giấc mơ to lớn kỳ vĩ đang vượt ngoài tầm với của ông cha chúng vào năm 2012 này. Trên các diễn đàn, trong các dòng comment dưới các bài viết về chuyện phí xe ô tô thời gian qua có biết bao nhiêu người bày tỏ sự chán nản nghĩ đến lúc phải bán xe, thậm chí còn đề xuất Bộ GTVT lập trung tâm để thu mua các loại xe không chịu được thuế, phí.
Chiếc ô tô gửi tới mai sau còn là cách chúng ta có thể giữ được báu vật ô tô cho muôn đời sau mà trốn được mọi thứ thuế phí. Thật vậy, chính sách thu phí đề ra chả biết được bao lâu, cho nên ấp ủ ý định làm đơn xin “tạm ngừng lưu hành xe” để vẫn giữ được xe như một tài sản, song không phải chịu các loại phí mới, còn mình thì chuyển sang đi xe ôm. Vậy thì tại sao không trốn nốt khoản tiền gửi xe ngoài bãi (đến 4 triệu/tháng). Ta cất nó vào thiết bị “Gửi tới mai sau” cực kỳ an toàn, chẳng mất phí, lại được tiếng là vì nước vì dân.
Bạn nào có nhu cầu đăng ký để gửi ô tô tới mai sau nhanh chóng liên hệ với ban tổ chức. Suất gửi có hạn, mà thời điểm dự kiến thu phí mới đã đến gần.
Nguyễn Mỹ