Phó chủ tịch uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia:
“Phí hạn chế phương tiện cá nhân đáng ra phải thu từ 10 năm trước”!
SGTT.VN - Trao đổi với báo chí bên hành lang buổi giao ban trực tuyến về công tác trật tự an toàn giao thông ngày 21.3, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, phó chủ tịch uỷ ban An toàn giao thông quốc gia khẳng định: phí hạn chế phương tiện đáng ra đã phải thu từ 10 năm trước.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: T.Đức
Nhiều ý kiến phản đối đề xuất thu phí lưu hành phương tiện vì trong bối cảnh này càng gia tăng gánh nặng lên người dân, quan điểm của ông?
Tất cả quyết định hiện nay về giao thông đều liên quan đến người tham gia giao thông - chính là người dân, nên quyết định nào cũng liên quan đến dân.
Còn nói về phí - lệ phí, hiện đúng là có nhiều loại phí, giá ô tô ở Việt Nam cao hơn các nước khu vực và các nước sản xuất xe cũng vì phí và thuế. Mới đây Thủ tướng đã ban hành nghị định về quỹ bảo trì đường bộ, tới đây phải thu phí cho quỹ. Sắp tới chúng ta sẽ thu phí hạn chế phương tiện cá nhân mà trước đây nói là phí lưu hành. Hiện cả nước có 37 triệu ôtô, xe máy, trong đó 2 triệu ô tô và 35 triệu xe máy, xét trên đầu dân là lớn nhất thế giới, nên phải có lộ trình để giảm xe máy. Để đi đến cấm phải đồng bộ hạ tầng, có phương tiện thuận lợi, để có lộ trình tiến tới cấm. Các phí này có mục tiêu khác nhau. Phí bảo trì để duy trì bảo dưỡng đường bộ, vì kinh phí bảo hành theo các nước tính toán bằng 2/3 kinh phí xây mới, trong khi mức của ta 17 triệu đồng/km bảo trì thì chưa đủ trả lương cho công nhân. Còn phí hạn chế xe cá nhân, tôi cho là "đánh" đúng đối tượng.
Trong vòng 3-5 năm tới, hệ thống giao thông công cộng ở Hà Nội và TP.HCM chưa đáp ứng nổi, hạn chế kiểu này chỉ khó cho dân?
Đúng là người dân có nhu cầu đi, nhà nước phải tạo điều kiện tốt nhất cho dân trong tất cả các lĩnh vực. Dân có quyền sở hữu tài sản, ngoài nhà cửa còn có phương tiện giao thông, vì thế ta không cấm, nhưng nhà nước có biện pháp hạn chế để đảm bảo điều tiết của nhà nước trong giao thông. Với hai thành phố này, khi thu phí hạn chế phương tiện giao thông thì vẫn có giải pháp cho dân đi lại.
Đúng ra hạ tầng và vận tải công cộng phải đồng bộ với việc hạn chế phương tiện, chứ không phải thu phí rồi hạ tầng để thế, phương tiện công cộng chỉ thế. Hai thành phố đều đã có lộ trình mua thêm 1.000 xe buýt và bộ Tài chính đã đồng ý miễn giảm thuế. Còn lâu dài thì tàu điện đang triển khai.
"Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đã phải thu từ 10 năm trước rồi, và sẽ không có cảnh ùn tắc giao thông như hiện nay", ông Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: Thanh Hảo
Chưa có phương tiện thay thế thì người dân làm sao có lựa chọn, vì vẫn phải đi dù có đóng phí?
Phải có lộ trình và đồng bộ. Trước mắt thu phí vào nội đô, phí hạn chế xe cá nhân. Nhưng như tôi nói, với tốc độ gia tăng phương tiện 15%/năm thì nếu không làm ngay thì chỉ ba năm nữa, hai thành phố Hà Nội và TP.HCM không còn chỗ để xe, nên vẫn phải cần phí này để hạn chế phương tiện.
Theo đề xuất của Chính phủ, đúng ra phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đã phải thu từ 10 năm trước rồi, và sẽ không có cảnh ùn tắc giao thông như hiện nay. Chúng tôi tính, trung bình mỗi gia đình có hai xe máy là đủ rồi. Vừa qua chúng tôi nhận được tin nhắn thế này: nhà tôi mua ô tô, giờ cất 2 xe máy - không đi sao phải đóng phí? Rồi ngay hôm qua có người nói nhà tôi có mấy ô tô, có đi hết đâu mà đóng phí mấy chục triệu đồng, làm sao chịu được. Đó là những câu chuyện thực tế.
Nhưng có ý kiến nói không đi mà cũng phải đóng phí thì người ta tìm mọi cách đi nhiều để khai thác tối đa, khi đó ùn tắc không giảm mà ngược lại?
Cứ để cho người ta đi nếu họ có nhu cầu. Nhà tôi có ô tô nhưng chỉ để về quê, chứ hàng ngày đi xe máy, đi phương tiện công cộng, vì đi ô tô ở Hà Nội giờ rất khó khăn. Cách thu phí đường bộ qua đầu phương tiện, vì chúng ta chưa đủ yếu tố để thu theo kiểu gắn chip kiểm soát, tốn kém lắm, số tiền lắp chip còn nhiều hơn số thu từ phí.
Khi đề xuất đưa việc thu phí ra Quốc hội, các ông đã lường được phản ứng của người dân?
Phải xin ý kiến người dân. Đã có luật của Quốc hội cái nào cần trưng cầu dân ý, cái nào Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định, các cơ quan cứ đề xuất đã. Vấn đề tiếp thu ý kiến người dân thế này: trước hết sẽ lắng nghe dân xem thu như thế nào, thu bao nhiêu, đối tượng nào;
chứ tôi khẳng định chắc chắn vẫn phải thu.
Chí Hiếu (ghi)