E lượm bài này trên FB: Nguyen Thao, cccm đọc cho vui.
Bạc bịp
Vài năm trước, hiện tượng thương lái mua số lượng lớn các thể loại gỗ sưa, đỉa, móng trâu, rễ tiêu..., thậm chí cả gián, đã tạo ra những cơn sốt và đẩy những thứ hàng hoá quái dị này lên mức giá phi lí. Người ta đồn nhau, Trung Quốc mua về làm thuốc đặc trị, và vẽ ra những câu chuyện liêu trai hoang đường.
Thực tế, đó chỉ là những chiêu bạc bịp của những đầu nậu lắm tiền nhưng bất lương.
Chiêu thức rất đơn giản, với một số vốn đủ lớn, chúng sẽ tìm những sản phẩm vô giá trị, đặt mua với số lượng lớn, người dân và các thương lái nhỏ lẻ thấy dễ kiếm lời, bỏ tiền ra mua. Mua bao nhiêu bán được bấy nhiêu, và mức giá ngày càng được đẩy lên đến mức phi lí. Không ai biết những thứ hàng hoá này được chuyển đi đâu, bởi chúng chưa bao giờ được xuất qua biên giới.
Khi đã tạo được cơn sốt bởi sự khan hiếm, chính những hàng hoá được mua ban đầu, bằng nhiều đường khác nhau tuồn ngược lại thị trường. Và những người bán ban đầu lại tranh nhau mua chính hàng của mình với giá cao hơn rất nhiều lần giá bán ra. Một ngày đẹp trời, những đầu nậu biến mất, bỏ lại tiếng khóc ròng của người dân và thương lái.
Mọi người biết không? Chắc chắn nhiều người biết đó là hòn than đỏ, nhưng ai cũng nghĩ chuyển được hòn than đó cho thằng đến sau, đến khi chính mình lãnh chịu hậu quả.
Và có một câu chuyện tương đồng đang xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong cái năm khốn khổ khốn nạn đối với nhiều ngành kinh tế vì dịch bệnh vừa qua, thế nào lại có một điểm sáng kinh tế đáng chú ý, đó là sự bùng nổ của thị trường chứng khoán.
Quý I/21, quy mô vốn hoá trên HOSE đạt 4,46 triệu tỉ đồng, chiếm 71% GDP và vượt qua các đỉnh lịch sử. Năm 2020, TTCK Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới, tăng 14,9% so với đầu năm và tăng 67% so với thời điểm thấp nhất.
Nhưng, các vấn đề của thị trường chứng khoán cũng đang dần trở thành khối u nhọt nhức nhối cho các nhà đầu tư, và cả doanh nghiệp niêm yết. Nổi cộm trong đó là các lỗi kỹ thuật liên tiếp, gây kẹt lệnh giao dịch của sàn HOSE, tới mức hầu như chỉ có thể giao dịch hiệu quả trong phiên buổi sáng.
Vấn đề này không chỉ kìm hãm sự tăng trưởng hết tiềm năng của thị trường, mà còn gây thiệt hại rất lớn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, những người không nắm đủ số cổ phiếu tối thiểu (20.000), và cũng không có các đối tác mua bán đủ tầm để tiến hành giao dịch thoả thuận như các tổ chức, mà hoàn toàn phụ thuộc vào việc khớp lệnh ở trên sàn.
Đề xuất giải pháp cho vấn đề này khi được đưa ra cũng gây rất nhiều tranh cãi, như việc nâng lô lên 1000 cho mỗi giao dịch, mà chắc chắn sẽ loại vô số các nhà đầu tư nhỏ lẻ ra khỏi cuộc chơi, hoặc hướng các nhà đầu tư này vào các cổ phiếu rác, cổ phiếu mệnh giá thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Có thể thấy, việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường chứng khoán là rất ít ỏi và mang tính chiếu lệ.
Nhưng đứng trên tất cả các khó khăn mang tính quy định, hoặc các lỗi kỹ thuật khách quan của hệ thống, thì thứ thực sự khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ gặp rủi ro nhất, chính là việc thao túng chứng khoán. Đây mới là nguyên nhân gây thiệt hại về tiền bạc, thậm chí tán gia bại sản đối với các nhà đầu tư cá nhân, khi phải đối mặt với dòng tiền khủng, kinh nghiệm cùng các thủ đoạn tinh vi của “đội lái” trong một thị trường mới ở giai đoạn sơ khai và hoang dã.
Thao túng chứng khoán là điều đã được xác nhận rằng có tồn tại, nhưng nó không đơn giản chỉ là những cá nhân với NAV từ vài tới vài chục tỉ cố gắng gian lận để trục lợi chút ít, giới quan sát tin rằng, TTCK Việt Nam đang tồn tại một hệ thống thao túng chuyên nghiệp, bài bản, có tổ chức, được đỡ đầu bởi những cá mập tên tuổi, để biến thị trường chứng khoán thành cỗ máy in tiền tin cậy của riêng họ.
Việc thao túng chứng khoán có tác động thực tế rộng và sâu hơn rất nhiều so với những gì người chơi chứng khoán nhỏ lẻ có thể hình dung, vì khối lượng cổ phiếu không được giao dịch luôn gấp nhiều lần số được khớp lệnh trên các sàn chứng khoán mỗi phiên.
Không có điều khoản luật nào cấm các doanh nghiệp, lãnh đạo mua bán và thu lợi từ chính cổ phiếu của mình, tuy luật chứng khoán mới có hiệu lực có siết chặt hơn về việc mua cổ phiếu quỹ, nhưng nhìn chung hoạt động này là chính đáng và hợp pháp. Ben Graham - người thày vĩ đại của Warren Buffett thậm chí cho rằng, việc lãnh đạo mua ròng cổ phiếu của công ty mình là dấu hiệu của một doanh nghiệp tốt.
Từ đầu năm tới nay, hầu như tất cả các công ty niêm yết lớn đều ghi nhận nguồn thu lớn từ bán cổ phiếu quỹ, khi đã tranh thủ mua gom cổ phiếu của chính mình trong đợt sụt giảm vì Covid, và bán ra trong thời gian qua khi thị trường phá đỉnh để huy động nguồn vốn tái sản xuất kinh doanh thời hậu dịch.
Công ty Nam Long đã đăng ký bán 10 triệu cổ phiếu quỹ, GEX đăng ký bán 6,3 triệu, UDJ muốn bán 1,89 triệu, Petrolimex cũng thông báo bán toàn bộ cổ phiếu quỹ mình đang nắm giữ. UDJ thậm chí ước tính thu lãi 198% từ khoản đầu tư vào cổ phiếu quỹ của mình, một tỉ suất lợi nhuận không thể đạt được từ kinh doanh truyền thống.
Trong cuối Q1 vừa qua, VietJet đã bắt đầu bán ra 17 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 3,28% vốn điều lệ, giúp huy động khoảng 2.300 tỉ đồng để bổ sung vào nguồn vốn lưu động. Bất chấp một năm hàng không thê thảm, doanh thu giảm 68% và hoạt động dưới giá vốn, VietJet vẫn báo lãi 70 tỉ nhờ các nghiệp vụ tài chính rất khéo léo, đóng góp quan trọng trong việc giúp giá cổ phiếu duy trì đà tăng hòa cùng đợt bùng nổ vừa qua của thị trường. Dòng họ FLC thì khỏi phải nói.
Tuy nhiên nếu đặt giả thuyết rằng việc mua/bán cổ phiếu quỹ không thực sự đến từ kỳ vọng kinh doanh của doanh nghiệp, mà do những nguồn tin nội bộ chưa được công bố, hoặc là sự chuẩn bị cho một đợt tăng/giảm giá ảo được đạo diễn bởi “đội lái”, thì đây lại là hành vi thao túng thị trường một cách phi pháp.
Câu chuyện thao túng chứng khoán, đã được lịch sử thế giới ghi chép cách đây vài trăm năm, sự hoàn thiện dần của các chế tài quản lý, và sự thích ứng đối phó của các tội phạm cổ cồn, là một cuộc đuổi bắt chưa có hồi kết. Nhưng nếu khoảng cách của người truy đuổi và kẻ bị đuổi không dần bị thu hẹp, mà ngược lại ngày càng cách nhau xa hơn, chỉ bởi lòng tham của những "con cá mập", hành vi "mắt nhắm mắt mở" của các cơ quan quản lí, sự khát nước của những con bạc nhỏ lẻ ... thì đó thực sự là một bi kịch không chỉ cho ngành tài chính, mà còn cho cả nền kinh tế cũng như những doanh nghiệp và nhà đầu tư tử tế, dẫn tới những cảnh đau lòng và xói mòn niềm tin vào các quy ước kinh tế cơ bản nhất của thị trường.
Thao túng chứng khoán là một tội danh hình sự, muốn tạo một thị trường công bằng, dứt khoát phải bỏ tù một số kẻ trục lợi. Bản chất TTCK đã giống một môn cờ bạc, mà còn bạc bịp ngang nhiên nữa, thì chả mấy mà ... TOANG.