Cám ơn các cụ, các mợ đã chia sẻ và động viên cháu.
Về việc trầm cảm sau sinh của vợ. Cháu là đàn ông, và cũng không có thiên chức "đẻ con" nên chắc chắn không bao giờ trải qua để hiểu nó tồi tệ đến mức nào. Các mợ luôn bảo rằng mình là phái yếu, cần phải được yêu thương, chiều chuộng và bù đắp. Tuy nhiên, các mợ có nhận ra rằng, tuổi thọ trung bình của đàn ông luôn thấp hơn phụ nữ khoảng 5 năm không? Đấy là đàn ông đã được trời phú cho sức khoẻ, lý trí ... hơn phụ nữ, họ cũng chả phải hàng tháng mất vài lít máu, họ chả phải chịu cảnh đau đẻ mà theo nghiên cứu nào đấy nó đau gấp vài lần khi tra tấn.
Các mợ có biết vì sao lại thế không? Đó là vì bên cạnh sức khoẻ, lý trí đó, họ phải gánh thêm cái thiên chức trụ cột của gia đình. Họ phải lao ra ngoài kia, bằng cách này hay cách khác, họ bị bào mòn sức khoẻ và chịu áp lực một cách khủng khiếp để chăm lo cho gia đình, mong muốn những đứa trẻ được hưởng những điều tốt đẹp nhất.
Người đàn ông không dễ dàng gì thành công, họ xông pha ra xã hội. Họ đôi khi cũng mệt mỏi, họ muốn được nghỉ ngơi, được động viên. Họ cũng trầm cảm, cũng stress ...
Cháu cũng vậy, cháu biết thừa vợ cũng đang stress, và vợ muốn gì. Tuy nhiên, cháu không đủ sức để đáp ứng hơn nữa. Đêm hôm con quấy khóc, cả hai vợ chồng đều mất ngủ. Thế mà sáng hôm sau, vợ nghiễm nhiên được cái quyền mặt sưng lên như cái thớt và gắt gỏng với chồng. Mà chồng thì vẫn phải đi làm, vợ thì có thể tranh thủ ngủ bù khi bọn trẻ nó ngủ trong một lúc nào đấy!
Các cụ từng trải chắc các cụ cũng hiểu sự cạnh tranh ngoài kia khốc liệt đến mức nào và áp lực của người đàn ông vì gia đình nó ra sao. Ở Việt Nam cháu cũng cố gắng miễn cưỡng xếp vào loại là tài năng. Tuy nhiên, cháu đang làm ở một trường đại học top đầu thế giới. Cháu phải cạnh tranh với chính người bản địa và các tài năng ở khắp nơi trên thế giới. Khi làm tốt công việc thì có tất cả (có công việc, có lương, có hàng tá đãi ngộ), còn không thì chẳng có gì cả, không có chỗ cho kẻ về nhì. Thế nên cháu luôn luôn phải gồng mình lên để cuốn vào cuộc cạnh tranh đó. Cháu cũng mệt mỏi vì vừa phải chiến đấu ngoài xã hội, vừa phải chăm con khi về nhà. Thêm việc phải đáp ứng những nhu cầu "thấu hiểu", "chia sẻ", ... của vợ thì cháu chịu thua. Thế nên mới xảy ra việc mâu thuẫn gia đình.
Ngày xưa hồi yêu nhau, cháu (hay các cụ) chả mấy khi bị phàn nàn vì "chưa đủ quan tâm" cả. Vì lúc đó cháu quá "thừa thời gian". Cơ thể của cháu đã nghỉ ngơi đủ, tiền cũng rủng rỉnh để 1 mình phè phỡn. Thế nên cháu dư sức trồng cây si, thường xuyên tặng những món quà nàng thích, đưa nàng đi ăn, ...
Điểm mấu chốt ở đây là khi khó khăn, tất cả các nhu cầu giải trí, thư giãn của cả hai vợ chồng trở về tiệm cận con số 0. Chồng thì không còn được chơi thể thao, lâu lâu làm cốc bia, tụ tập bạn bè ... Vợ thì không có thời gian làm đẹp, mua sắm, du lịch ... vì chăm con nhỏ, vì nỗi lo cơm áo gạo tiền (phí nuôi trẻ, phí lễ tết nội ngoại, phí mua nhà, phí mua xe, ...).
Cháu ước rằng, vợ chỉ cần không sưng mặt lên, không mắng chồng vì những điều trời ơi đất hỡi ... Điều đó có quá xa xỉ không? Còn được vợ quan tâm chia sẻ thì cháu chẳng dám mơ nữa rồi ạ!