Đêm khó ngủ, viết lan man dài dòng đôi điều về nước Mỹ.
Nhiều năm trước tôi nhập cư vào Mỹ. Không muốn làm gánh nặng cho người đã bảo lãnh mình sang, tôi quyết định ra riêng sống tự lập về tài chính. Suốt mấy năm đầu, tôi quanh quẫn quanh khu Westminster, Little Saigon vì chỉ nơi đây mới có thể share phòng từ những đồng hương người Việt với giá rẻ. Tôi đi kiếm việc ở những liquor, cây xăng để có tiền sinh sống và tới trường vào buổi tối. Nước Mỹ trong tôi những năm đầu không có gì thú vị. Cuộc sống quay cuồng với công việc bán hàng nhàm chán, những đêm khuya từ trường quay về phòng trọ trên chiếc xe cũ mèm hư lên hư xuống, là những đêm chỉ ngủ có bốn, năm tiếng đồng hồ. Sau một năm ở Mỹ, trong giấc mơ tôi luôn thấy mình vẫn đang sống ở Sài Gòn, chứ không phải ở Mỹ. Bài hát tôi hay nghe mỗi đêm là bài “ Đêm nhớ về Sài Gòn”. Đôi khi tôi tự hỏi, mình có sai lầm khi sang đây hay không?
Thời gian ở Mỹ trôi nhanh, rất nhanh. Cuộc sống dần dà ổn định, tôi mua được chiếc xe mới đầu tiên trong đời để có thể chạy đi học xa, thuê được một căn phòng có phòng tắm riêng. Có tiền để đi chơi Las Vegas cho biết thế nào là kinh đô của cờ bạc, ăn chơi, sắm cho mình chiếc máy ảnh đắt tiền. Nước Mỹ trong tôi đã có hình dạng khác. Đó là những con người tốt bụng. Từ chú Ba, người chủ liquor tốt bụng luôn khuyến khích tôi với câu nói : nếu không muốn đứng bán hàng suốt đời thì phải ráng học lại “. Từ chị chủ nhà tốt bụng luôn để dành những thức ăn trong tủ lạnh cho tôi mổi đêm đi học về khuya. Từ cô giáo gốc người Thái Lan trong trường đã tận tình giúp tôi xin học bổng, từ những bạn bè cho tôi quá giang từ trường về nhà dù họ cũng rất bận rộn. Đến những người bạn Mỹ kiên nhẫn giúp tôi vượt qua những bài luận văn Anh ngữ đầy khó khăn.
Giờ đây sau nhiều năm sống trên đất Mỹ, nước Mỹ trong tôi giờ đây không chỉ là những cửa hàng xa hoa lộng lẫy, hay thành phố Las Vegas không ngủ bao giờ. Nước Mỹ chính là những con người tốt bụng mà ta có thể gặp ở mọi nơi . Từ những người vô gia cư sẵn sàng chia sẻ cho nhau chiếc mền hay điếu thuốc giữa màn đêm lạnh giá, từ những cô thợ nails cần cù, kiên nhẫn xoa bóp chân khách để kiếm tiền nuôi con ăn học Đại học và cũng rất hào phóng đóng góp việc cứu trợ cho đồng bào trong nước từ những đồng tiền tip đẩm công sức mình. Từ những nhóm học sinh đũ mọi màu da mỗi sáng thứ Bảy ra bãi biển nhặt rác....
Nước Mỹ cũng là nơi cho 2 đứa con của tôi một nền tảng học vấn thực sự, học để trở thành người có tư duy độc lập.... Nước Mỹ cũng cho tôi bằng sức lao động lương thiện có khả năng tài chính để giúp đỡ họ hàng ở quê.
Cho nên bây giờ mỗi khi có dịp trò chuyện với những bạn bè cũ ở Việt Nam, tôi vẫn thường nói, nếu cho chọn lựa lại lần nữa thì tôi vẫn sẽ đi sang đây.
Không định còm trong thớt của cụ vì em tôn trọng chia sẻ của cụ, tuy nhiên đến post này thì em hoàn toàn có thể hiểu và chia sẻ với cụ. Em đã trải qua cảm giác như cụ, và cảm nhận rất rõ điều cụ kể, quá khứ nó ùa về khi đọc những điều cụ viết.
Ở Mỹ thời gian trôi qua rất nhanh, đúng nghĩa là time-fly, và luôn quay cuồng trong vòng xoay công việc, và cả áp lực bị lay off nữa
Em sang Mỹ từ năm 2003 ban đầu là diện B1 - business travel (multiple entries) - một hình thức đi làm việc chui cho một hãng về softwares làm contractor cho một hãng rất lớn ở US ( Nortel Network - hãng này nó cung cấp dịch vụ về telecom cho chính phủ Mỹ, khối doanh nghiệp...), cũng phải mất hơn 1 năm em mới được convert sang làm full-time employee cho hãng với mức lương ks chỉ gần 60K, lúc này em đã có H1B, và em sống ở Sata Clara - CA 95051, thủ phủ của Silicon valley
Những ngày đầu qua Mỹ, cuộc sống nó tẻ nhạt vô cùng ngoài việc 8g phải đón xe bus ( shutle) đến hãng và phải đi bộ thêm 3 km từ ngoài chỗ đậu bãi xe ( bus stop) vào đến cái phòng lab của mình trong hãng, tối thì cũng hơn 6g mới bắt đầu về nhà, bắt đầu lục đồ để sẵn, quảng vào cái microwave và defrost nó rồi ăn. Mất mấy tháng đầu mới lân la làm quen được với mấy anh chị người Việt ở San Jose và bắt đầu thân thiết với họ.
Thật sự thời gian đầu khá là stress vì tiếng của mình chưa tốt, phải meeting với nhiều team qua conference, và phải ghi meeting minutes, cái việc này ban đầu nó thật sự là ác mộng , nhưng dần nó quen và vượt qua được nó. Tuy không giống nhiều người ra đi trước 75, hay dạng HO, ODP sau này, em sang Mỹ với diện skill work và có visa H1B nên cũng có khá nhiều anh, chị cũng là người Việt làm cùng hãng luôn có một thái độ không thân thiện và thoải mái, vì rất nhiều người trong số họ có gia đình chết mất xác trên biển, bị rape khi ở trại ,,, và họ phải trả cái giá rất đắt cho con đường đi đến thiên đường của rmình, muốn đưa được người thân sang, chỉ có cách nhờ người hay bỏ tiền ra thuê người vè VN làm kết hôn giả, còn em? chỉ bước lên máy bay, ngủ một giấc và đến Mỹ, checkin vào mà chưa từng một lần bị secondary check, vào Mỹ một cách hợp pháp, mọi cái nó quá dễ dàng nên có lẽ họ không thấy có sự công bằng khi người khác không phải trả một cái giá tương tự so với mất mát, thương đau mà họ phải gánh chịu, khi cả hai đều đến đươc thiên đường như nhau. Em hiểu điều đó, thời đó vẫn còn một khoảng cách khá lớn trong việc hoà nhập và hiểu biết giữa cộng đồng người Việt mình ở Cali, với chính quyền VN, hay với người từ chính quyền CS sang, chủ đề này nó cũng nhạy cảm thời đó, mọi cái nó không hề dễ dàng như bây giờ, khi cả hai bên đều có thể qua và về lại thoải mái, và được khuyến khích góp phần gia tăng lượng kiều hối hàng năm.
Em không quên cái cảm giác rất là thù địch một lần em đến khu Phước Lộc Thọ ở Orange county , cả đám tướng tá mặc đồ từ trung tá tới thiếu tướng (chuẩn tướng VNCH) ngồi khu ngoài cửa chỗ bãi xe, họ ngồi cafe và hút thuốc và tám chuyện , có lẽ thấy em mặc đồ không giống người bản xứ ( em mang quần áo từ VN sang) và có lẽ nhìn nước da nên họ đoán là từ VN sang, hỏi em từ VN qua ? em trả lời theo phép lích sự, và thế rồi họ cà khịa đủ chuyện, toàn nói chuyện chính trị, rồi lôi cả chuyện thủ tướng Phan Văn Khải mới sang thăm Mỹ ( em nhớ hồi đó là năm 2005) rồi lăng mạ, chế giễu . EM chỉ tặc lưỡi và cho qua bụng nhủ thầm: Fucking loser! rồi bước tiếp
Tuy nhiên cái cảm giác cuối tuần, sáng ra pha ly cafe (instant), hút điều thuốc, ngồi sau sân nhà nghe mấy bản nhạc về Sài Gòn qua cái ipod mà thấy buồn tê tái, Nghe Ý Lan hát bài Khóc một dòng sông mà cảm giác nước mắt nó chảy ra khi nào không hay, nhất là khi ta bỏ lại người yêu phía sau để ra đi mà không cam kết sẽ quay về. Một sự mất mát dâng trào, chỉ muốn quảng hết và bay về SG ôm ghì lấy người yêu nhó bé, hôn lên những giọt nước mắt mà cô ấy đã khóc như mưa vào cái tuần cuối em chuẩn bị bay và né tránh không gặp mặt.
Những ngày cuối tuần em toàn lên chơi với anh chị bạn ở San Jose, đi cafe nghe Nguyên Khang hát, rồi tối vè nhà ( mướn phòng) ngủ. Cuộc sống ở Mỹ chỉ có mở mắt ra là nhét đồ ăn trưa vào túi và đón xe đi làm, tối về thì hâm lại đồ trong tủ lạnh, cái điệp khúc đấy nó cứ lặp đi lặp lại rất là nhàm chán. Công việc thì rất là stress vì mình phải nỗ lực gấp 2-3 lần để cạnh tranh với chính bọn Ấn Độ, đối phương cũng là H1B như mình, làm không tốt thì khả năng layoff là cao vì hãng không support H1B nữa.
....
Hơn 8 năm sống ở US và 1 năm ở Ottawa ( head của hãng) em cũng quen với nhiều cái, nhưng vẫn có những cái không quen được khi nó đã thuộc về bản chất con người. 8 năm là một khoảng thời gian đủ cho một người có thể có quốc tịch nếu cư trú dài hạn trên 5 năm và không có bad records, nhưng có lẽ số mình không có cơ hội mang passport màu xanh nên đành quay về VN và bắt đầu làm lại mọi thứ.
Dù sao nước Mỹ cũng là nơi các giấc mơ vĩ đại, những con người vĩ đại được sinh ra, tạo ra những thành tựu cho nhân loại, đa phần người mỹ rất tốt bụng và helpful, họ làm điều đấy một cách thật tâm, không đòi hỏi điều gì từ mình, một khi mình là người cần sự giúp đỡ, họ sẵn lòng cho đi nếu họ thấy đó là điều đúng đắn cần làm. Và em vẫn luôn giữ một phần ơn nghĩa với họ trong tim mình.
Ôi giấc mơ Mỹ thời tuổi trẻ không trọn vẹn của tôi. (Dù sao em cũng đã đến và tận tay sờ vào cái cổng trường MIT, một phần giấc mơ cũng thành hiện thực)