Gía thuốc, BHYT và cái bẫy Mấy ngày nay có nhiều phóng viên gọi điện hỏi tôi, “chỗ anh vẫn bình thường chứ, có gì xao động không ạ”. Tôi ngạc nhiên trả lời “Không, chỗ anh vẫn bình thường, có gì...
www.facebook.com
Giá thuốc, BHYT và cái bẫy
Mấy ngày nay có nhiều phóng viên gọi điện hỏi tôi, “chỗ anh vẫn bình thường chứ, có gì xao động không ạ”. Tôi ngạc nhiên trả lời “Không, chỗ anh vẫn bình thường, có gì đâu”.
Mãi mấy ngày sau khi nghe ở trên an ủi ngành y tôi mới vỡ lẽ ra. Hóa ra các vị ấy hiểu lầm. Các vị ấy xúc động và thương xót nhầm
Các vị ấy tưởng tượng ra rằng ngành y chúng tôi đang xao động lắm, đang bối rối lắm, đang suy sụp ý chí lắm khi một loạt lãnh đạo ngành y bị bắt.
Không. Với ai thì không biết, nhưng với cá nhân tôi và những người tôi quen thì chẳng ai tỏ ra cảm xúc gì cả với những sự việc trên.
Vì sao lại vô cảm thế!
Vâng, thật sự chúng tôi từ lâu đã vô cảm với những tin tức kiểu đó rồi. Nó xảy ra là tất yếu phải xảy ra. Nên chẳng còn tý cảm giác ngạc nhiên hay xúc động nào cả. Tất cả các nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm pháp ấy đã được nói đến từ lâu mà không có gì thay đổi cả, thì tất yếu nó phải dẫn đến coi là bình thường, và tất cả phạm pháp mà tưởng như bình thường, sẽ dẫn đến bắt bớ hàng loạt như hiện nay.
Các nguyên nhân phạm pháp trong ngành y có thể kể đến:
- Mức đãi ngộ cho ngành y thấp, dẫn đến tham nhũng vặt để “tự cứu lấy mình”, rồi ăn vặt quen mồm thì sẽ ăn to dần lên
- Bổ nhiệm lãnh đạo không căn cứ vào chuyên môn mà còn cần x,y, z yếu tố khác, dần yếu tố tiền sẽ xuất hiện và to dần lên, thành giá ghế cụ thể. Một khi ghế đã có giá thì nó sẽ làm băng hoại theo dây chuyền từ dưới lên, làm thối ruỗng cả cái cây.
- Kẽ hở của pháp luật. Vô tình hay hữu ý, các kẽ hở tô hô này không được nhìn thấy để bịt lại, mà như mời chào người ta phạm luật, nên gọi là cái bẫy.
Chắc các nguyên nhân tôi phạm trong ngành y còn có thể liệt kê dài hơn nữa, tôi chỉ xin kể vậy để dẫn vào ý chính của bài này. Đó là: Kẽ hở hay là cai bẫy về giá thuốc, là nguyên nhân chính dẫn đến tham nhũng trong ngành y. Cái này nếu không phải người đã lăn lộn trong ngành y thì không thể hiểu được.
Vì vậy tôi sẽ nói thật dễ hiểu để bạn đọc ngoài ngành có cơ sở mà phán xét. Đó là:
Năm 2005, khi lần đầu tiên tham gia vào quản lý bệnh viện, tôi hết sức bất ngờ khi biết 1 quy định của BHYT là: Bệnh viện không được hưởng 1 xu nào trên tổng tiền thuốc mà bệnh viện tiêu thụ. Ví dụ trong 1 năm bệnh viện nhập về 100 tỷ tiền thuốc để chữa bệnh, thì cuối năm BHYT trả cho bệnh viện đúng 100 tỷ, không hơn không kém.
Tôi rất ngạc nhiên vì bản thân tôi và các bác sĩ lúc đó cũng đang mở phòng mạch ngoài giờ ở nhà, chúng tôi biết giá thuốc bán sỉ (bán buôn) và bán lẻ phải khác nhau chứ. Tôi lên chợ thuốc mua một mớ thuốc về cắt bán cho bệnh nhân, tính cao thêm một chút coi như công khám bệnh. Bệnh nhân trả tiền thuốc cũng coi như đã trả công khám của bác sĩ trong đó rồi, nên thuốc có cao hơn ngoài tiệm cũng không ai thắc mắc.
Thế mà bây giờ bệnh viện tiêu thụ được cả 100 tỷ tiền thuốc mà không được đồng lời nào thì quá khó hiểu. Mà càng khó hiểu hơn nữa là bất công như thế mà các giám đốc bệnh viện cứ nhơn nhơn ra, chẳng ai thắc mắc gì.
Không ai giải thích cho tôi cái bất hợp lý ấy, khiến tôi phải nát óc suy nghĩ, tìm cách tự giải thích. Sau cùng tôi tạm tự giải thích như thế này: toàn thể nhân viên bệnh viện từ giám đốc cho đến hộ lý đều là người làm thuê cho 1 ông chủ, tên là nhà nước. Đất xây bệnh viện ông ấy cấp, nhà cửa máy móc ông ấy cho, lương mình ông ấy trả, thuốc ông ấy cấp để mình phát lại cho bệnh nhân. Thế thôi. Hoàn toàn là xin cho và cấp phát.
Toàn bộ chu trình này là không lợi nhuận. Vì thế nên thuốc tiêu bao nhiêu thì được thanh toán đúng bấy nhiêu.
Chu trình đúng là lý tưởng. Nhưng thực tế cuộc đời lại không lý tưởng. Thế mới sinh ra chuyện.
Kẽ hở đầu tiên đến từ nguồn cung cấp thuốc. Trước đấy thì thuốc cung cấp từ các xí nghiệp dược quốc doanh, nên bản thân người ta có lãi thì cũng vào cái nồi cơm chung là nhà nước, nên không ai thắc mắc gì.
Nhưng bắt đầu từ khi ngành dược được tư nhân hóa thì khác. Cty dược tư nhân mọc lên như nấm, chiếm chủ đạo trong việc cung cấp thuốc cho bệnh viện. Và bây giờ thì kẽ hở đã hiện ra.
Cty dược tư nhân khi cung cấp thuốc cho các cửa hàng thuốc thì dĩ nhiên phải với giá bán sỉ (bán buôn), rồi các cửa hàng mới bán lẻ thuốc đến tay người bệnh. Chênh lệch giữa giá bán sỉ và lẻ này khoảng 20%, các mặt hàng độc quyền, khan hiếm, đặc trị thì lợi nhuận còn cao hơn nữa.
Thế nhưng khi cty ấy cung cấp thuốc cho bệnh viện, thì được bán với giá bán lẻ đến tay người dùng.
Công ty ấy khi xuất một lượng hàng ra chợ thuốc cho các cửa hàng tư nhân, thu về 80 tỷ tiền hàng; nhưng cũng lượng thuốc ấy khi xuất cho bệnh viện, thu về 100 tỷ ngon ơ. Đấy là chỗ khác nhau mà người ngoài ngành không ai để ý, đó là các công ty dược khi bán hàng cho bệnh viện được bán với giá bán lẻ. Và BHYT thanh toán tiền đó đầy đủ không thiếu một xu.
Buôn bán kiểu ấy nhắm mắt cũng làm giàu được, ai mà chẳng ham. Lúc đầu tôi cũng rất khó hiểu với kiểu hạch toán kinh tế này. Sao không ai phát hiện ra lỗ hổng to đùng này nhỉ.
Mãi sau này tôi mới hiểu ra, cái này ai cũng biết, nhưng đều giả vờ không biết. Cái lỗ hổng ấy nó nuôi sống biết bao người, làm nên sức hấp dẫn cho những chiếc ghế, làm nên chất bôi trơn cho ngành y vận hành trơn tru êm ru bao năm qua.
Để tôi phân tích tiếp cho bạn nào đọc đến dòng này mà vẫn còn ngu ngơ chưa hiểu (có lẽ chắc không nhiều). Đường đi tiếp theo của đồng tiền nó là như thế này:
Giám đốc cty dược sau khi nhận được thanh toán 100 tỷ liền hiểu ngay là phần của mình cả vốn lẫn lãi chỉ có 80 tỷ thôi, mang ngay 20 tỷ đến trả cho giám đốc bệnh viện. Giám đốc bệnh viện sau khi nhận 20 tỷ thì cũng chỉ dám cất vào tủ của mình chừng 2 tỷ, chia cho anh em trong ban giám đốc và mấy trưởng khoa lớn vài tỷ, còn đâu đem ngay cho các bên hữu quan và lên trên.
Cứ thế, từ năm này qua năm khác, đồng tiền này nó là mạch nước ngầm nuôi xanh mát cái cây sum suê, đơm hoa kết trái. Và xã hội cũng coi là đương nhiên. Thế nên nhiều người khi bị bắt mới khóc khi lần đầu tiên nhận ra mình nhận tiền như thế là phạm tôi. Thương hết sức.
Chỉ có nhân viên y tế cấp thấp và người bệnh không nhận được lợi ích gì từ việc này, thậm chí bị hại thêm do liên minh ma quỷ này.
Nên giờ cái cây ấy bị đổ thì tôi cũng chẳng thấy xúc động gì lắm, vì đáng ra nó phải bị đổ từ rất lâu rồi.
Nhưng cái lỗ hổng định giá thuốc phi kinh tế kia phải được nhận diện và bịt lại, nếu không thì hết lớp này đến lớp khác lại lao vào thôi.
Có một trong hai cách:
Cách thứ nhất là: Bệnh viện được chủ động đàm phán mua thuốc theo giá bán buôn, sau đó được thanh toán với bảo hiểm y tế theo giá bán lẻ. Phần thặng dư đó được hạch toán vào chi phí hoạt động bệnh viện, trả lương nhân viên, tích lũy phát triển. Cái này là hoàn toàn bình thường theo pháp luật, được theo dõi sổ sách hạch toán rõ ràng minh bạch, không chạy vào túi riêng của ai.
Cách thứ hai là: Bảo hiểm y tế thay mặt nhà nước quản lý nguồn tiền, thì tự xuất tiền ra mua thuốc để ở kho của BHYT, các bệnh viện có bao nhiêu bệnh nhân, cần bao nhiêu thuốc gì thì cứ đến kho của BHYT mà lĩnh về. Thế là bệnh viện chỉ làm công ăn lương, hết đường ăn chia tiền thuốc nhé.
Tuy nhiên, cách thứ hai này nghe có vẻ không xong, vì thực ra thì chỉ là chuyển địa chỉ tham nhũng từ chỗ này sang chỗ khác mà thôi. Khó nhỉ.
Trong câu chuyện tôi vừa kể, các bạn có thể thay từ thuốc bằng máy móc, vật tư y tế, kit test... thì cũng tương tự và các bạn sẽ hiểu nội tình tham nhũng trong ngành y phần lớn do các kẽ hở về quản lý, vô tình hay cố ý mà để nguyên trong bao năm qua.
Nhưng thôi, mục đích của bài này không nhằm dạy nhà nước cách chống tham nhũng trong ngành y mà chỉ muốn nói lên tiếng nói ở dưới cùng xã hội là ngành y vẫn ổn, mặc cho có ai đấy làm mình làm mẩy là ngành y xao động lắm, suy tư lắm vì các vụ bắt bớ vừa qua.
Thân