Nhà cháu thấy cái này hay quá nên pót lên mong cccm ủng hộ xe mới ạ.
Từ cuộc chiến nội cung nhà Lý đến cuộc Bắc phạt phá Tống của Lý Thường Kiệt
Đăng lúc: 29/03/2016 05:58
Sau khi Lý Thánh Tông mất, triều đình rơi vào cuộc đấu đá giữa phe của hoàng thái phi Ỷ Lan được Thái úy Lý Thường Kiệt ủng hộ và phe của Thượng Dương hoàng thái hậu được thái sư Lý Đạo Thành phò tá. Nhà Tống nhân cơ hội đó nhòm ngó nước ta.
1. Sự hùng cường của vương triều Lý và quốc hiệu Đại Việt
Những triều đại phong kiến đầu tiên hậu Bắc thuộc trị quốc chủ yếu bằng võ, các quan đa phần là võ tướng. Các vua thu phục nhân tâm bằng uy tín cá nhân, chuẩn mực đạo đức phong kiến chưa thực sự hoàn thiện để có thể duy trì một hệ thống thế tập. Ngai vàng liên tục đổi họ, mỗi một vị vua qua đời là để lại một khoảng trống quyền lực để rồi các phe phái trong hoàng tộc hoặc quý tộc phong kiến nhảy vào tranh giành. Do đó mà gây ra những cuộc nội chiến liên miên. Đó là mầm họa rất nguy hiểm cho đất nước.
Vào thế kỷ XI, khi vương triều Lý thành lập thì những rường mối cho một chính quyền phong kiến thế tập mới thực sự được hoàn thiện. Vua Lý Thái Tổ Lý Công Uẩn là nhân vật được sự hậu thuẫn của giới tăng lữ Phật giáo, lại là một người được học tập cả sách Nho và sách Phật. Lý Công Uẩn làm quan dưới triều Lê Long Đĩnh được phong đến chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ, uy tín và đức độ bậc nhất triều đình. Năm 1009, ông được triều thần suy tôn làm vua sau khi vua Lê Long Đĩnh chết.
Cuộc đổi ngôi này êm thắm hiếm thấy bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Trong thời gian trị vì, vua Lý Thái Tổ đã thiết lập lại trật tự cho nhà nước quân chủ. Ông thường xuyên phải đi đánh dẹp những phiên thần không quy phục triều đình, sửa sang văn trị, trọng nông nghiệp, mở rộng giao thương. Dưới thời ông, tam giáo Nho, Phật, Lão đều được phát triển, bổ khuyết cho nhau để hình thành một hệ thống tư tưởng mới cho đất nước.
Nếu như Nho giáo dạy người trung quân, ái quốc giúp thuận lợi cho xây dựng nhà nước quân chủ, thì đạo Phật làm góp phần làm nên một xã hội hài hòa, thuận lợi cho phát triển đời sống nhân dân. Đặc biệt, Lý Thái Tổ đã cho định đô ở thành Đại La, đổi tên là thành Thăng Long, đánh dấu một thời kỳ mới của dân tộc. Người Việt đã không còn giữ thế thủ ở đô thành Hoa Lư hiểm trở, mà đã hiên ngang với một kinh đô mới nằm giữa đồng bằng cao thoáng, nhằm phát triển mọi mặt từ kinh tế, văn hóa đến sức mạnh quân sự.
Bản đồ nước Việt thời Lý
Các vua đầu triều Lý đều là những bậc minh quân. Nhờ vậy mà thế nước ngày một vững mạnh. Trải qua các đời vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông thì nước Đại Cồ Việt đã dần vươn lên trở thành một đất nước thịnh vượng, văn minh và mạnh mẽ. Năm 1054, Lý Thánh Tông đã đổi tên nước thành Đại Việt. Từ đây, quốc hiệu Đại Việt đã cùng dân tộc ta trải qua biết bao vinh quang, cay đắng, những thăng trầm trong tiến trình lịch sử.
Chuyện kể rằng, vua Lý Thánh Tông tuổi đã gần tứ tuần mà chưa có con trai nối ngôi, nên ngày ngày cầu khấn mong sinh được hoàng tử. Vua thường đi chơi khắp các chùa quán, dân gian thấy xa giá đến đâu thì rủ nhau xúm lại xem. Vua đi cầu tự ở chùa Dâu, thấy dọc đường mọi người đổ xô ra đón, duy chỉ có người con gái hái dâu đứng ở phía xa, tựa vào gốc cây lan mà hát. Vua lấy làm thích, đưa người con gái ấy vào cung, phong làm Ỷ Lan Phu Nhân. Được vua yêu, ít năm sau Ỷ Lan sinh hoàng tử, đặt tên là Lý Càn Đức. Ngay sau khi sinh ra, hoàng tử Càn Đức đã được vua Lý Thánh Tông phong làm Đông cung Thái tử. Trăm họ vui mừng, bá quan phấn khởi. Số mệnh của cậu bé Lý Càn Đức đã được định sẵn, sinh ra để làm quân chủ nước Đại Việt.
Ỷ Lan được vua phong làm Thần Phi, sau vua lại phong là Ỷ Lan Nguyên Phi, đứng đầu các phi tần, chỉ sau Thượng Dương hoàng hậu. Năm 1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh đánh Chiêm Thành, lấy cớ là nước Chiêm Thành đã lâu không sai sứ sang chầu và thường quấy nhiễu biên giới phía nam. Ỷ Lan Nguyên Phi được vua tin cậy giao cho làm Nhiếp chính, cùng Thái sư Lý Đạo Thành trông coi chính sự. Bấy giờ, vua đánh Chiêm Thành lâu ngày mà không dứt điểm được, bèn lui quân. Thuyền ngự về đến châu Cư Liên, nghe tin Ỷ Lan Nguyên Phi trị quốc tài giỏi, trong nước muôn dân ca tụng. Vua khẳng khái nói :
"Kìa, một người đàn bà còn làm được như thế, ta là tài trai mà không hạ được nước Chiêm Thành nhỏ xíu, chả hóa ra xoàng lắm ru ?”. Nói xong bèn dẫn quân quay trở lại đánh tiếp. Lúc này sĩ khí lên cao, quân Đại Việt đại thắng. Đô thành Vjiaya của Chiêm Thành bị chiếm, vua Chiêm là Chế Củ cùng 5 vạn dân Chiêm bị bắt. Chế Củ dâng ba châu Ma Linh, Bố Chính, Địa Lý để chuộc mạng. Vua bằng lòng, lãnh thổ Đại Việt được mở rộng về phương nam, bờ cõi phía nam cũng được yên.
Mọi chuyện diễn rất tốt đẹp kể từ sau chiến thắng với Chiêm Thành. Nước Đại Việt bấy giờ là một đất nước thanh bình, thịnh vượng với nền nông nghiệp phát triển, với những công trình cung điện, chùa chiền tráng lệ. Các nghề thủ công như đúc đồng, điêu khắc, làm gốm, làm mộc… đều phát triển rực rỡ. Thuyền buôn Đại Việt giương buồm đi khắp nơi trên vùng biển Đông Nam Á, đến các nước Tống, Chiêm Thành, Chân Lạp, Java… để buôn bán các sản phẩm như gia vị, hương liệu, tơ lụa, đồ gốm, thổ sản … Nước Đại Việt còn có nguồn lợi mỏ vàng, mỏ đồng ở phía Bắc. Người Việt ở các vùng có mỏ vàng trở nên giàu có, hay mua người Tống về để làm nô tì. Hải cảng Vân Đồn tấp nập ghe thuyền ngoại quốc đến buôn bán. Dười triều Lý Thánh Tông, nước Chân Lạp cũng thường gởi sứ sang dâng cống phẩm. Nước Tống khi đó quả không dám vọng động nhòm ngó xuống phương Nam.
2. Ấu chúa và cuộc đấu đá nội bộ
Năm 1072, vua Lý Thánh Tông mất, hưởng dương 50 tuổi. Thái tử Lý Càn Đức mới 7 tuổi lên nối ngôi vua. Sử gọi là vua Lý Nhân Tông. Vua còn nhỏ tuổi chưa hiểu chuyện để trị nước, triều đình và nội cung rơi vào cuộc đấu đá cạnh tranh quyền lực giữa phe của hoàng thái phi Ỷ Lan được Thái úy Lý Thường Kiệt ủng hộ và phe của Thượng Dương hoàng thái hậu được thái sư Lý Đạo Thành phò tá.
Nguyên bấy giờ Ỷ Lan Hoàng thái phi là mẹ đẻ của vua, lại là người có tài trị quốc, từng có kinh nghiệm nhiếp chính lúc tiên đế Lý Thánh Tông thân chinh nên được nhiều triều thần ủng hộ. Nhưng Thái sư Lý Đạo Thành là người trọng lễ giáo, ông đã cùng những người ủng hộ suy tôn Thượng Dương Hoàng Thái Hậu - người vợ chính thức của tiên đế Lý Thánh Tông lên làm Nhiếp chính. Thượng Dương Hoàng thái hậu tuy có được danh chính ngôn thuận nhưng là người không thông hiểu chính trị và thiếu uy tín.
Ỷ Lan vốn tự phụ mình là người có công sinh ra vua lại giỏi giang hơn, có nhiều công lao hơn mà không được dự quyền chính nên sinh lòng ghen ghét, bất phục. Cô gái hái dâu vùng Kinh Bắc ngày nào giờ đã trở thành người phụ nữ đầy tham vọng và mưu mô. Bà đã cố gắng thuyết phục Thái úy Lý Thường Kiệt về phe của mình trong cuộc chiến tranh giành quyền lực để làm áp lực lên vua nhỏ Lý Nhân Tông và triều thần. Mặc khác, với thân phận là mẹ đẻ của vua, Ỷ Lan Hoàng thái phi đã nói riêng với vua :
"Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú qúy người khác được hưởng thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?". Vua Lý Nhân Tông đã vì chữ hiếu với mẹ đẻ mà ra tay, Thượng Dương Hoàng thái hậu bị giam lỏng trong cung Thượng Dương cùng với 72 tì nữ của bà.
Hình tượng Ỷ Lan trên sân khấu
Năm 1073, vua Lý Nhân Tông cùng một số triều thần lại thể theo tục lệ tùy táng vốn thịnh hành trong giới quý tộc thời trung đại, bắt Thượng Dương Hoàng thái hậu và 72 tì nữ phải chết theo tiên đế Lý Thánh Tông. Sau khi Thượng Dương Hoàng thái hậu chết, Ỷ Lan Hoàng thái phi được vua phong làm Linh Nhân Hoàng thái hậu, giữ vai trò nhiếp chính, cùng với Thái úy Lý Thường Kiệt làm phụ chính. Vua phong cho Lý Thường Kiệt chức Đôn Quốc thái úy, Đại tướng quân, Đại tư đồ, gia hiệu Thượng phụ công, đứng đầu cả hai ban văn võ. Thái sư Lý Đạo Thành và toàn bộ những người ủng hộ Thượng Dương hoàng thái hậu đã hoàn toàn thất thế. Thái sư Lý Đạo Thành lãnh chức Tả gián nghị đại phu, được điều ra coi châu Nghệ An. Đối với một vị Thái sư thì chức vụ này chẳng khác gì bị đi đày. Vốn đây là một bước đi loại trừ địch thủ chính trị tại trung ương của Ỷ Lan Linh Nhân Hoàng thái hậu.
Đánh giá về sự kiện này, sử thần Ngô Sĩ Liên triều Hậu Lê đã có nhận xét dưới cái nhìn của đạo đức Ngo gia :
Nhân Tông là người nhân hiếu, Linh Nhân là người sùng Phật, sao lại đến nỗi giết đích thái hậu, hãm hại người vô tội, tàn nhẫn đến thế ư? Vì ghen là thường tình của đàn bà, huống chi lại mẹ đẻ mà không được dự chính sự. Linh Nhân dẫu là người hiền cũng không thể nhẫn nại được, cho nên phải kêu với vua. Bấy giờ vua còn trẻ thơ, chỉ biết chiều lòng mẹ là thích, mà không biết là lỗi to. Thái sư Lý Đạo Thành phải ra trấn bên ngoài, biết đâu chẳng vì can gián việc ấy ?
Những sự tranh giành về quyền chính, đấu đá nội bộ này của Đại Việt đã không lọt khỏi tai mắt của thám tử nước Tống. Đây là một trong những tiền đề quan trọng khơi dậy dã tâm xâm lược Đại Việt của vua tôi nước Tống. Tuy quốc lực Đại Việt đầu thời vua Lý Nhân Tông vẫn rất vững mạnh, nhân tài vật lực dồi dào nhưng với nội bộ thiếu đoàn kết, nước ta đã trở thành miếng mồi mà nước Tống nhắm tớ