Một cuộc tranh luận về giải cứu hay không giải cứu thị trường bất động sản đã nổ ra ở Việt Nam. Ý kiến của Tiến sĩ về vấn đề này như thế nào?
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền: Tôi không nghĩ là giải cứu gì. Hầu hết các cuộc khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam từ trước đến nay và cả thế giới cũng vậy, đều xoay quanh câu chuyện đầu cơ.
Các cuộc khủng hoảng kinh tế có nguồn gốc từ đầu cơ chứng khoán, bất động sản, ngân hàng quá mở rộng dòng tín dụng chảy vào thị trường chứng khoán, bất động sản. Một cuộc khủng hoảng sẽ đưa về trở lại một trạng thái bình thường. Điều như vậy là rất cần thiết.
Ngân hàng nhà nước Việt Nam thắt room tín dụng trong bất động sản là điều nên làm vì lạm phát đang cao. Dòng tiền cần chảy vào sản xuất để đảm bảo sự cân bằng giữa hàng và tiền.
Cho nên trong sáu tháng đầu năm, Việt Nam bị ảnh hưởng vì Covid, các doanh nghiệp sản xuất phải ngưng sản xuất bốn tháng. Muốn khôi phục kinh tế, dòng tín dụng phải được giải ngân hết, các ngân hàng đã đăng ký hạn mức tín dụng từ đầu năm cho nên sáu tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng gần đạt mục tiêu cả năm. Nếu bơm tiếp, mà không khéo sẽ dẫn đến lạm phát không kiểm soát được.
Do đó Ngân hàng nhà nước Việt Nam thắt room tín dụng là đúng.
Bây giờ Việt Nam phải thắt bất động sản, không thể thắt hoạt động sản xuất kinh doanh được vì lượng tiền trong nền kinh tế chỉ có thể chịu được bao nhiêu đó thôi để kiểm soát lạm phát. Bây giờ bơm tiền thì phải ưu tiên sản xuất, còn hoạt động đầu cơ thì phải tạm ngưng.
Tôi lưu ý một ý quan trọng nhất không nên đánh đồng bất động sản và xây dựng. Lĩnh vực xây dựng nếu hoạt động tốt thì sẽ kéo rất nhiều ngành nghề khác theo, tạo thêm công ăn việc làm.
Cho nên khi thắt thì phải thắt cái gì, phải thắt các hoạt động đầu cơ, mua giá thấp chờ giá lên bán. Còn nếu xây dựng như kho bãi, văn phòng, thì phải để hoạt động để phát triển kinh tế.