Vua Quang Trung thấy làng nào cũng có chùa chiền, mà những người đi tu thì ngu dốt, không mấy người đạt được cái đạo cao sâu của Phật, chỉ mượn tiếng thần thánh mà đánh lừa kẻ ngu dân, ngài xuống chiếu bắt bỏ những chùa nhỏ ở các làng, đem gỗ gạch làm ở mỗi phủ một huyện một cái chùa rất to, rất đẹp, rồi chọn lấy những tăng nhân có học thức, có đạo đức, ở coi chùa thờ Phật. Còn những người không xứng đáng thì bắt về làm ăn. Ý vua Quang Trung muốn rằng chỗ thờ Phật phải cho tôn nghiêm, mà những người đi tu hành thì phải là người chân tu mộ đạo mới được. Những việc cải cách ấy rất có nghĩa lý...” (1). Trong bài tựa thứ nhất ở bức trướng thêu, có một đoạn nhà vua viết rằng:
“Trẫm từ khi lên ngôi bao giờ cũng dùng đạo để cai trị thiên hạ. Nay được thong thả, muốn nuôi dưỡng chân lý của trời, mong được phúc đức yên ổn, làm được việc thiện là lấy làm vui, để hết tinh thần vào đạo huyền diệu, tìm hiểu lý lẽ sâu kín của chân kinh, rồi bảo các nhà sư in thành sách cho đẹp đẽ mà truyền bá rộng rãi để mong mọi người trong thiên hạ hiểu rõ được sự kỳ diệu của kinh này”.