Tưởng bài mới, nội dung mới. Mỗi copy and paste mà cũng lâu
https://tuoitre.vn/biet-doi-cam-tu-do-bo-len-dao-1069672.htm
Giành lại Len Đao
Trong một đêm đầu tháng 3, hồi tưởng lại ký ức 28 năm trước, ông Đinh Xuân Toại, một trong 35 người lính công binh hải quân ấy, rưng rưng nói: “Ra Trường Sa thời điểm đó rất nguy hiểm. Nhưng không ai thoái thác nhiệm vụ. Khi nghe chỉ huy phổ biến xong nhiệm vụ, chúng tôi đều xác định chấp nhận hi sinh để thực thi nhiệm vụ”. \
Khi đó, ông Toại là đại đội trưởng của đơn vị C7 - D3 (Lữ đoàn công binh E83).
Một buổi chiều gần giữa tháng 4-1988, chỉ huy đơn vị C7 - D3 (Lữ đoàn công binh E83) thông báo danh sách 35 người sẽ ra Trường Sa. 7g tối sẽ xuất phát. Thời gian chỉ được thông báo trước gần 30 phút! Lương thực và đồ đạc quân tư trang cá nhân đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ. Sĩ quan, chiến sĩ chỉ việc lên tàu đi.
Đó là nhiệm vụ mật. Chỉ những người trong đội cảm tử ấy và chỉ huy đơn vị mới được biết. Ông Đinh Xuân Toại kể: “Thật ra tôi đã biết nhiệm vụ này ngay lúc còn ở Trường Sa hồi tháng 3-1988. Ngày 14-3, khi Trung Quốc thảm sát anh em đồng đội tôi tại Gạc Ma, ở bên này chúng tôi đang làm nhà ở đảo Tốc Tan.
Lúc đó ở Len Đao, tàu HQ-605 đã bị bắn chìm. Len Đao bị nhiều tàu chiến Trung Quốc bao vây. Trước tình thế cấp bách lúc đó, đúng ra phải làm nhà trong 2-3 tháng mới xong nhưng chúng tôi được lệnh làm thật nhanh để quay về đất liền chuẩn bị vũ khí, lực lượng ra giành lại Len Đao”.
Biệt đội cảm tử này chỉ có 35 người lính công binh và 7 người lính chiến đấu. Vũ khí chỉ có súng DKZ, B40, AK, lựu đạn mỏ vịt, mìn chống tăng...
Ông Toại nhớ lại: “Trước khi đi, đơn vị tổ chức tuyên thệ. Toàn trẻ cả. Chỉ có anh Thống và đại đội phó có vợ. Còn lại chưa có người yêu, chưa từng trải nhiều. Chúng tôi nhận nhiệm vụ đổ bộ lên đó, khẩn cấp làm nhà chòi giữ đảo rồi sau đó làm nhà sắt kiên cố”.
Ông Toại kể tiếp: “Anh Thống đọc tuyên thệ. Rồi chúng tôi cũng tuyên thệ, hứa sống chết có nhau và tuân theo mệnh lệnh cấp trên. Tư lệnh Vùng 4 năm đó đã hơn 60 tuổi, một bên tay bị thương nên bị tật nhưng vẫn đi chỉ huy anh em. Hình ảnh đó của thủ trưởng làm chúng tôi vững thêm tinh thần.
Chúng tôi ra đi, xác định tư tưởng đi là sẵn sàng chết để giữ đảo, giống như những đồng đội mình đã anh dũng hi sinh”.
Công binh hải quân đang khẩn trương chuyển đá, tôn nền để xây nhà đóng quân trên đảo chìm Len Đao năm 1988 - Ảnh: tư liệu, My Lăng chụp lại
Mỗi người được phát sẵn một bao tử thi
Con tàu thực thi nhiệm vụ này là con tàu không số của Lữ đoàn 125. Lên tàu, mọi người mới hay mỗi người được phát một bao tử thi để chuẩn bị sẵn cho mình nếu hi sinh.
“Có bao ghi tên, có bao không. Có người còn có thẻ bài bỏ trong balô. Lúc đó có chi mô mà sợ. Có người còn đùa: mình chết còn có bao tử thi cột mang về. Đến giờ sinh hoạt, chúng tôi vẫn vui vẻ bình thường, hát bài
Vì nhân dân quên mình.
Tàu vừa xuất phát, tư lệnh vùng và tiểu đoàn trưởng hướng dẫn chúng tôi sử dụng các loại vũ khí và phương án tác chiến... Tập đi tập lại ra tới Trường Sa thì thuần thục” - ông Toại kể.
Để đảm bảo bí mật, con tàu lặng lẽ đi trong đêm tối giữa đại dương mênh mông. Không một chút ánh sáng được phép le lói trên tàu. 2g sáng thì ra đến nơi.
“Trời tối mịt. Biển cũng tối thẫm. Có nhìn thấy gì đâu. Nghe thông báo đến đảo rồi thì biết đến đảo thôi. Sóng xô ra thấy chỗ nào có dải màu trắng trắng mờ mờ thì đó là bãi cạn...” - ông Toại kể.
Anh em cứ ba người một xuồng cao su bí mật bơi vào. Nhóm đầu tiên lên cắm cờ ở ba điểm: đầu bãi, giữa bãi và cuối bãi cạn Len Đao. Các nhóm còn lại khẩn trương vận chuyển vật liệu vào. Tất cả lính công binh vào hết. Chỉ có tư lệnh Vùng 4, đại đội trưởng Đinh Xuân Toại (làm nhiệm vụ quản lý vũ khí khí tài kiêm anh nuôi) và một vài chiến sĩ liên lạc ở lại tàu.
Ông Hồ Văn Hân - 53 tuổi, hiện đang sống ở Bố Trạch (Quảng Bình), là một trong những người lính công binh hải quân xây đảo chìm Len Đao thời điểm đó - kể: “Mình làm nhà chòi trước tiên để cho bộ đội giữ đảo. Nhà chòi lúc đó nhỏ lắm, chỉ khoảng 9-10m2.
Khổ nhất là khâu chuyển vật liệu từ tàu xuống xuồng rồi đưa vào. Vật liệu đi làm nhà trên đảo chìm thời đó đơn sơ lắm. Chỉ có ximăng, cát, sàn gỗ, cọc. Làm nhà, mà làm trên đảo chìm lúc xung quanh tối đen, lại không được dùng đèn pin. Cứ 7-8 người làm một góc. Vừa mò mẫm vừa làm. Khi nước lên ngập bãi cạn, anh em phải lặn xuống đóng cọc”.
Ngôi nhà đơn sơ làm bằng sắt và tôn được công binh hải quân dựng lên năm 1988. Anh em hải quân thời ấy phải đóng quân trong ngôi nhà nóng bức thế này để bảo vệ đảo chìm Len Đao - Ảnh: tư liệu, My Lăng chụp lại
“Tàu Trung Quốc bao vây. Kệ chúng nó!”
Đến lúc trời hửng sáng thì mặt biển lù lù bảy tàu chiến Trung Quốc! Con tàu không số bị bảy tàu chiến Trung Quốc hung hăng bao vây.
“Lúc còn tối nó không phát hiện, nên giờ bọn nó vây kẹp tàu mình. Một chiếc áp sát, nói một tràng tiếng Trung. Phiên dịch của hải quân vùng đi cùng nói chi đó qua bên nớ, đại ý khẳng định đây là địa phận, chủ quyền của Việt Nam.
Nói thật lúc mới thấy tàu Trung Quốc nhiều vậy ai cũng căng thẳng lắm. Con người mà. Nhưng khi tàu nó giáp gần, chẳng còn sợ nữa. Nó có bắn hay không kệ nó. Một là sống. Hai là chết. Đồng đội mình đã hi sinh hết rồi đấy, nhưng Cô Lin vẫn giữ được. Cho nên bằng mọi giá phải giữ được Len Đao.
Hai người bạn thân nhất của tôi đều người Quảng Trạch, hi sinh chìm cùng với tàu HQ-604. Anh em, bạn bè mình bị nó bắn như thế mà. Chả sợ nữa. Cứ cắm đầu làm cho thật nhanh. Kệ chúng nó...” - ông Hồ Văn Hân kể.
Bao vây, áp sát không uy hiếp được những người lính Việt Nam trên đảo chìm Len Đao, tàu chiến Trung Quốc mở hết các bạt che vũ khí, chĩa súng, chĩa pháo về phía con tàu vận tải Việt Nam và về phía những người lính đang ngụp lặn trên đảo chìm.
“Chỉ huy nó ra huýt còi, lính tráng nó nhảy lên hết các vị trí súng, pháo, rồi đứng đầy bên thành tàu, chờ hành động. Mình cũng sẵn sàng rồi, vì khi đi đã xác định sẽ chiến đấu rồi. Nhưng nếu có nổ súng, chắc chắn mình sẽ chết hết. Họ toàn tàu chiến, chạy nhanh, vũ khí hiện đại gấp mấy lần mình” - ông Đinh Xuân Toại cho hay.
Uy hiếp từ 7g sáng đến 11g trưa vẫn không làm những người lính công binh Việt Nam hoảng sợ và thoái lui, các tàu Trung Quốc tản ra và cứ lảng vảng gần đảo Len Đao. Trước đó, ở Cam Ranh, những người lính công binh hải quân đã được huấn luyện xây nhà chòi cấp tốc. Tập đi tập lại nhưng cũng phải mất 15 ngày mới làm xong. Vậy mà ra đảo, chỉ bảy ngày đã xong.
Sau khi đã làm xong nhà chòi, là “cột mốc” để khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Len Đao, 35 lính công binh lại khẩn trương làm nhà sắt kiên cố hơn.
Ở đảo chìm, một ngôi nhà kiên cố trung bình phải xây trong vài tháng. Nhưng với Len Đao trong thời điểm đó, họ phải làm nhanh hơn nữa. Chỉ trong mười mấy ngày đã xây xong ngôi nhà sắt.
Sao có thể nhanh như vậy? “Vì anh em quần quật làm ngày làm đêm, không dám nghỉ ngơi. Và một phần vì căm phẫn, một phần vì xót, vì thương anh em đồng đội mình. Chúng tôi làm thay phần những anh em mình đã hi sinh” - ông Hân nói, mắt xa xăm nhìn ra phía biển.
Các phần tiếp theo:
Các kỳ trước: