Cảm ơn cụ!
Cụ nói đúng ý em hiểu và lo lắng, vì em có đọc thấy nói vậy, nhưng thực sự có tài liệu nào chuẩn chỉnh để tham khảo thì ko có, hixx.
Nên em cứ muốn tìm hiểu để nếu có làm thì cũng ko còn áy náy mà cũng có lý để trao đổi với bà nội cho phù hợp.
THỜ VONG Ở CHÙA
Theo quan niệm của Phật giáo, sống chết là lẽ thường nhiên, khi trút bỏ xác thân này, tùy theo nghiệp mỗi người đã gây tạo mà thụ sinh vào một trong sáu đường ( lục đạo ) thuộc Dục giới gồm:
Trời, người, a-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục. Ngoài ra, những người nhờ duyên lành tu tập thiền định thì có thể sinh vào Sắc giới hoặc Vô sắc giới. Những bậc Thánh đã giải thoát an trụ Niết Bàn hoặc các Quốc Độ của chư Phật ( vượt ra ngoài Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới ). Trong đạo Phật không có quan niệm về cõi âm. Và cõi âm hay thế giới bên kia không phải là thế giới của người chết như quan niệm của dân gian; mà là những người chết sẽ thụ sinh vào sáu cảnh giới khác nhau.
Đối với vấn đề giờ chết tốt, xấu là quan niệm của dân gian do ảnh hưởng văn hóa và phong tục của người Trung Hoa. Phật giáo không chú trọng đến vấn đề chết vào ngày giờ nào, ngày giờ tốt hay xấu. Bởi giờ khắc của sinh tử là do nhân duyên, còn duyên thì tụ, hết duyên thì tán. Quan trọng là chết như thế nào, có bình an và thanh thản hay không? Có được phúc duyên gặp chư Tăng cùng bạn hữu niệm Phật lúc lâm chung để được theo Phật về Cực lạc hay không?
Sau khi chết, hương hồn (vong) nếu gửi vào chùa thì được hưởng lộc do nhà chùa và thân nhân dâng cúng. Tuy nhiên, phương thức thiết thực nhất cho người chết hưởng lộc là thân nhân lễ Phật, cúng dường Tam bảo để được nương nhờ phước đức mà chuyển nghiệp, tăng phước để sinh vào cảnh giới an lành.
Theo truyền thống Phật giáo Việt Nam, khi người thân mất, an táng xong có thể thờ tại tư gia và cũng có thể thỉnh vong thờ tại chùa ( đưa lên chùa ). Nếu thờ tại chùa thì nhờ gần gũi với Tam Bảo nên hương hồn được nghe kinh, biết tu tập, không làm các điều ác, v.v… để sớm thức tỉnh, chuyển hóa và sinh vào cảnh giới an lành.
Việc con cháu tụng kinh niệm Phật cho người thân của mình trong thời gian 49 ngày sau khi mất, đó là điều rất tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng là trong khi tụng niệm, mọi người phải thành tâm tha thiết, đem hết lòng thành để tụng niệm cầunguyện. Theo kinh Địa Tạng nói: Người chết sau 49 ngày, gọi là chung thất, thì vong của người mất, tùy nghiệp mà thụ sinh vào cảnh giới nào. Nếu lúc sống tạo nhiều điều lành, thì sẽ thụ sinh về cảnh giới an lành. Ngược lại, thì thụ sinh vào cảnh khổ. Tùy chỗ tạo nghiệp thiện ác, mà thụ sinh vào các cảnh giới khác nhau trong vòng lục đạo luân hồi. Cũng chính theo lời dạy này, mà người ta hay cúng Trai Tăng vào ngày chung thất.Mục đích là nhờ sức chú nguyện của Tăng Ni ( Sư ), mà hương hồn thụ sinh về cảnh lành.
Vì Phật giáo cho rằng, không phải con người chết là hết. Sau khi chết, tuỳ theo nghiệp báo mà thụ sinh vào các cõi tương ứng với nghiệp nhân mà người chết đã gieo tạo. Nếu tính từ dưới lên thì có:
Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a-tu-la, nhânvà thiên. Như vậy, cúng 49 ngày thật sự có ý nghĩa chỉ đối với những người đã mất chưa quyết là được thụ sinh về cảnh giới nào. Bởi vậy làm lễ cho người quá cố thì sớm làm trong 49 ngày.Vì theo Phật Giáo sau 49 ngày thì đã phân định, giống như phiên tòa ở nhân gian đã xử xong rồi. Trong sáu đường phải đi, thì người đó sẽ theo nghiệp lực của chính họ mà thụ sinh vào một trong sáu cõi đó. Cho nên cầu nguyện cho người thân quá cố thì hãy làm trong vòng 49 ngày. Nếu người mất là Phật tử, hoặc có thiện cảm với đạo Phật, thì về chùa là hay hơn cả.Ở đó họ sẽ được nghe kinh kệ mỗi ngày, trong chùa không khí thanh tịnh nên họ sẽ có thể tham gia tu, học với các sư thầy do đó cũng dễ "siêu" hơn. Nhưng ở chùa cũng sẽ có cái bất tiện, là chùa chỉ thí thực mỗi ngày một lần vào buổi chiều, cúng gạo, muối, nước cho các vong nói chung. Vả lại ở chùa thì không ăn mặn, nếu có cúng cũng chỉ cúng thức chay, nên nếu vong nào không thích ăn chay thì chắc sẽ không thích. Và thờ ở chùa thì vong cũng sẽ không được ở gần con cháu, chỉ được về thăm con cháu mỗi năm một lần vào ngày rằm tháng bẩy. Ngoài ra thờ ở chùa thì có hộ pháp, long thần, nên vong sẽ bị câu thúc, quản lý nghiêm hơn.Còn thờ ở nhà thì ngược lại, vong được ở gần gia đình, không phải ăn chay kham khổ, không bị "thiết quân luật", tự do hơn, đương nhiên là phần "tu học" sẽ kém, nên vong khó “siêu” hơn. Lễ rước vong lên chùa: Trước đây, nghi thức rước vong lên chùa chỉ dành cho những người không có con cháu. Những người này lo sợ rằng một khi mình chết đi, không người thờ phụng vong sẽ đói khát lang thang. Vì vậy, họ cúng tài sản của mình cho nhà chùa với nguyện vọng rằng sau khi chết đi, vong được nương nhờ chốn cửa Phật, hàng năm vào dịp cúng giỗ sẽ do nhà chùa đứng ra tổ chức để họ được an lòng nơi chín suối. Vong của họ sẽ được no ấm, không phải chịu cảnh đói khát, lang thang.
Trải qua nhiều thế hệ, quan niệm này tiếp tục được duy trì. Thông thường, những người không có con cháu trước khi mất vẫn bày tỏ tâm nguyện sau này được gửi lên chùa. Các gia đình người Việt sinh sống ở vùng trung du, đồng bằng, nếu trong nhà có người thân ở hoàn cảnh như vậy cũng tiến hành đưa vong ấy gửi vào chốn chùa chiền, như một cách bày tỏ sự báo hiếu, báo ân với người đã mất. Khi đó, trong vòng 35 đến 49 ngày, gia đình thực hiện lễ đưa vong lên chùa. Khi đưa vong lên chùa thì phải tiến hành một cách chi tiết, đầy đủ theo tiến trình của một khóa lễ. Tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình mà thực hiện khóa lễ cơ bản hay khóa lễ hoàn chỉnh cầu kì, phức tạp. Sau lễ đưa vong lên chùa, gia đình được phép đặt ở ngôi chùa mà mình đến gửi vong một bát hương và bài vị của người đã mất. Hàng tháng vào ngày rằm, mùng một, con cháu, họ hàng sẽ lên chùa đi lễ, thắp hương cho vong người thân của mình./