Bài này đọc hơi trừu tượng nhưng ko phải ko có lý.Mời các cụ ngâm cứu.
(Bài của Phạm Anh Tuấn, trích)
Sai lầm của các giáo trình và phương pháp dạy bơi là tập cho ta sự “nỗ lực làm nổi”. Chính “nỗ lực làm nổi” đã tạo cho ta tâm lý “sợ chìm”, càng sợ bị chìm, ta càng dễ bị chìm hơn và ta sẽ dễ phát hoảng khi bị “chìm”. “Nỗ lực làm nổi” ban đầu được hỗ trợ bằng hai cái phao nhỏ đeo ở nách và một miếng xốp đeo ở lưng. Dần dần, khi đã quen, “nỗ lực làm nổi” sẽ được thay bằng các động tác liên hoàn để giữ cho cơ thể ta luôn nổi trên mặt nước. Đó là học bơi theo giáo trình.
Với tôi, “biết bơi” có hai thứ hạng là bơi nổi và bơi chìm.
“Bơi nổi” là cách bơi mà bạn được học khi đăng ký học bơi. Đối với những người này, dù đã biết bơi
, nguy cơ bị chết đuối ở trong tự nhiên vẫn cao như người không biết bơi, thậm chí cao hơn.
“Bơi chìm” là cách bơi mang tính nhận thức: Bạn phải hiểu được nước, phải hòa vào nước, đi trong nước, nghe trong nước, nhìn trong nước, bạn không cần nhiều nỗ lực để “làm nổi” lên mặt nước, ngoại trừ để hít chút không khí. Khi đã thực sự biết bơi, bạn sẽ thấy nước không hề nguy hiểm, mà trái lại, là một môi trường đầy quyến rũ.
Biết bơi theo hai nghĩa trên, giống như đối vớimột đứa trẻ, vừa phải biết cách học giỏi vừa phải biết cách sống tốt. Mà … thực ra, chỉ cần biết cách sống tốt đã là giỏi lắm rồi.
Tôi muốn bạn bắt đầu bằng sự “chìm”.
Ở một độ sâu vừa phải (do bạn chọn), bạn hãy thả lỏng cơ thể, hít một hơi vừa phải, nhắm mắt và buông người nằm sấp để cho cơ thể chìm tự nhiên trong làn nước.
Lần thứ hai, hãy hít một hơi dài hơn, và lặp lại như lần thứ nhất, nhưng bây giờ bạn hãy mở mắt ra, và thở ra nhè nhẹ để tự mình nhìn thấy những bọt khí nổi lên trong nước.
Lần thứ ba, cũng như vậy, nhưng hãy bắt đầunhìn ra xung quanh bạn, hãy cảm nhận cơ thể bạn trong nước, hãy đưa tay ra để nhìn ngắm bàn tay mình, thử động đậy chân.
Bạn hãy lặp lại vài lần và sẽ nhận ra rằng mình “chưa hề chìm”, cho dù mình có buông xuôi tay chân và nằm sấp trong nước, cơ thể mình vẫn nổi. Nước sẽ đưa ta nổi lên, vô điều kiện.
Vậy “nỗ lực làm nổi” là không cần thiết. Khi đãlàm quen với nước, bạn sẽ cảm nhận nó, như là không khí. Bạn ở trong nước và bạn nổi, điều đó tự nhiên như khi ta đứng trên mặt đất.
Việc còn lại của bạn là học cách hít thở và di chuyển bằng những động tác đơn giản, có thể học từ một con ếch.
Cách dạy bơi của tôi rất hiệu quả, vì những người được tôi dạy chỉ mất 30 phút để bơi và bơi rất tự nhiên, như đã nói ở trên, như người ta đi bộ.
Cho tôi lạc đề chút xíu:
Trong cuộc sống nói chung, con người đều được giáo dục để ít nhiều tập được tính “nỗ lực làm nổi”. Nhưng bằng những thành công và đẳng cấp cụ thể (mà đôi khi rất hư ảo), người ta không hề nhận ra “nỗ lực làm nổi” ấy là một sự lãng phí thời gian.
Cuộc sống cũng có qui luật như tự nhiên, mà chữ “tự nhiên” bản thân nó cũng nói lên được bản chất của cuộc sống rồi. Đôi khi, cứ sống tự nhiên thôi. Sống như cái cây ngọn cỏ, như con thú trong rừng. Bớt “nỗ lực làm nổi”, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn chăng?
Đừng sợ chìm, không chìm được đâu. Khi không cảm thấy bị chìm, khi cảm thấy mình tự nhiên nổi, thì mọi việc còn lại như hít thở, khua tay, đạp chân sẽ trở nên tự nhiên và dễ dàng.
Tác giả coi những người biết bơi theo phương pháp “nỗ lực làm nổi” là người chưa hẳn đã biết bơi