Ngày nay mỗi lần đi qua Nhà hát Hồ Gươm hay trước kia là cổng cơ quan cục Chính trị bộ đội Biên Phòng em đều bị thu hút ánh nhìn vào chiếc cổng tam quan cổ kính này. Đọc được bài báo có nhiều thông tin về chiếc cổng tam quan này thấy thú vị nên em muốn chia sẻ với các cụ, các mợ. Chúc các cụ, các mợ một kỳ nghỉ lễ Quốc khánh an vui.
"
Một hình ảnh bất ngờ mà người đi ngang qua 40 Hàng Bài, Hà Nội dễ dàng nhận thấy đó là chiếc cổng tam quan cổ kính đứng cạnh Nhà hát Hồ Gươm mới tinh kiến trúc Tân cổ điển. Vì sao lại có sự kết hợp ‘lạ lùng’ này là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc.
Cổng trại Bảo An Binh cổ kính đứng bên công trình Nhà hát Hồ Gươm hiện đại vừa được khánh thành - MINH KHÁNH
Nhà hát Hồ Gươm: cổng không phải là cổng
Văn phòng kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị và cộng sự đã thiết kế nhà hát gây chú ý trong mấy ngày qua. Nhưng ý tưởng trùng tu chiếc cổng tam quan cổ kính này về nguyên bản 78 năm trước, hồi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, để đứng bên cạnh nhà hát hiện đại, là ý tưởng của chủ đầu tư công trình: Bộ Công an và UBND TP Hà Nội.
Nhà hát mới này, như một số nhà hát nổi tiếng ở Hà Nội được xây dựng từ thời Pháp thuộc như Nhà hát lớn Hà Nội, rạp Công Nhân… được thiết kế không có tường rào, không cổng, mà mở thông với đường phố, kết nối trực tiếp, thân thiện với không gian xung quanh.
Không có cổng, nhưng cạnh nhà hát này lại có một chiếc cổng cổ kính vừa được hoàn thiện trùng tu cùng với việc khánh thành nhà hát, thoạt nhìn tưởng "lạc quẻ" với nhà hát hiện đại phía sau.
Tất nhiên chiếc cổng này với Nhà hát Hồ Gươm thì không có chức năng của cổng vào. Nó là dấu tích của một sự kiện lịch sử trong chuỗi sự kiện trọng đại Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.
Nhà sử học Dương Trung Quốc - một người nhiều năm tâm huyết với ý tưởng cần bảo tồn chiếc cổng này, và cũng đã trực tiếp tham gia tư vấn giải pháp tu bổ cổng thời gian qua cho Bộ Công an và UBND TP Hà Nội - cho biết đây chính là chiếc cổng của trại lính khố xanh thời Pháp thuộc.
Ở phía trên của công trình ngày nay vẫn còn dòng chữ Garde Indigène, tên gọi của trại lính khố xanh, là lực lượng vũ trang của chế độ thực dân, chuyên trách công việc bảo vệ an ninh nội địa, theo cách nói của chúng ta hiện nay. Sau trùng tu, dòng chữ này vẫn được giữ nguyên.
Cổng trại Bảo An Binh trước khi trùng tu - Ảnh tư liệu
Những bức ảnh cổng trại lính khố xanh được người Pháp chụp những năm 20 của thế kỷ 20.
Dấu tích quan trọng của Cách mạng Tháng Tám
Ông Dương Trung Quốc kể: trại lính khố xanh được xây dựng từ thế kỷ thứ 19, cho đến ngày 9-3-1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp thì chính phủ Trần Trọng Kim tuyên bố độc lập.
Lực lượng lính khố xanh chuyển sang bảo vệ an ninh trật tự của Hà Nội và khu vực, đổi tên thành trại Bảo An Binh. Nhưng số phận của chế độ Trần Trọng Kim rất ngắn ngủi, thậm chí chưa kịp thay biển tên Garde Indigène.
Từ ngày 15-8-1945, Nhật đã đầu hàng quân ta song vẫn án binh để chờ đồng minh đến tiếp quản. Chúng ta coi đó là một cơ hội giành độc lập, nên các lực lượng cách mạng đã nổi lên và ngày 19-8 diễn ra cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, giành độc lập.
Tuy nhiên để đi đến thắng lợi đó thì cách mạng đã phải vượt qua vô vàn khó khăn. Trong đó có một yếu tố đe dọa thành công của cuộc khởi nghĩa đó là sự hiện diện của lực lượng vũ trang của chính quyền thân Nhật, cũng tức là lực lượng đồn trú trong trại Bảo An Binh.
Cổng trại Bảo An Binh vẫn giữ lại dòng tên tiếng Pháp của công trình trại lính khố xanh thời Pháp thuộc - Ảnh: MINH KHÁNH
Những nhà chỉ huy cuộc khởi nghĩa, đặc biệt là ông Nguyễn Quyết (sau này là đại tướng, phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam, một trong những chứng nhân còn sống), dùng áp lực của quần chúng, thuyết phục để Nhật không can thiệp và lực lượng Bảo An Binh không cầm súng chống lại nhân dân, không ngăn cản phong trào cách mạng đang diễn ra. Những ai thuộc Bảo An Binh có thể tham gia cách mạng, còn số khác có thể về quê.
Trong đội ngũ Bảo An Binh đó có lực lượng quân nhạc do cụ Đinh Ngọc Liên chỉ huy, quyết định đi theo cách mạng và đã trở thành nòng nốt của lực lượng quân nhạc Quân đội nhân dân Việt Nam sau đó.
Sau này khi thủ đô được tiếp quản, đây vẫn là địa điểm các bậc lão thành từng tham gia cách mạng tập hợp, coi đó như là chiến công của họ khi xưa bằng sức mạnh quần chúng, lý lẽ đánh thức lòng yêu nước trong lực lượng Bảo An Binh.
Trên cổng trại Bảo An Binh còn được gắn biển thông tin cho biết về lịch sử của nơi này - Ảnh: MINH KHÁNH
"Đây là dấu tích rất hiếm hoi của sự kiện Cách mạng Tháng Tám, song không được nhớ đến như Quảng trường Nhà hát lớn, nhà 101 Trần Hưng Đạo", ông Dương Trung Quốc nói.
Ông Quốc cùng Hội Sử học Việt Nam từng nhiều lần đề xuất ý kiến cần bảo tồn cổng trại Bảo An Binh như một dấu tích lịch sử quan trọng. Bởi lẽ, cổng tọa lạc ngay tại trung tâm thủ đô, nhưng lẻ loi cô độc và xuống cấp giữa những công trình kiến trúc mới.
Nay cổng đã được trùng tu cẩn trọng, bài bản, phục dựng lại diện mạo của kiến trúc này vào đúng thời điểm cách đây 78 năm, có thể "đối thoại" bình đẳng với Nhà hát Hồ Gươm hiện đại bên cạnh. Nó còn góp phần tôn thêm sự sang trọng và văn hóa của nhà hát mới này. Hơn ai hết, ông Dương Trung Quốc rất vui mừng.
"Việc Bộ Công an và UBND TP Hà Nội đã trùng tu cổng trại lần này cho thấy rõ ý thức, trách nhiệm của những người quản lý. Chúng ta không chỉ mải mê xây dựng cái mới mà còn chắt chiu, tập trung bảo vệ những giá trị truyền thống, giá trị lịch sử. Công trình tuy không lớn nhưng giá trị lịch sử rất cao", ông Quốc nói.
"
Nguồn:
https://tuoitre.vn/vi-sao-nha-hat-ho-guom-hien-dai-lai-co-chiec-cong-tam-quan-co-kinh-20230711173950332.htm