Người tái sinh cuộc đời "những trái tim mồ côi" ở Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu 2
24/12/2012
Người thành lập trung tâm, ông Nguyễn Trung Chắt tâm sự: "Tôi muốn các em ở trung tâm sẽ có cảm giác như đang được sống trong một gia đình trọn vẹn".
Nằm sâu trong một con ngõ nhỏ của thôn Phú Cường (Phú Thịnh, Kim Động, Hưng Yên), trung tâm Hy vọng Tiên Cầu II từ lâu đã nhận và nuôi dưỡng những trẻ em mồ côi. Bỏ đi những ký ức ám ảnh tuổi thơ, trung tâm như mái nhà thứ hai vun đắp cho các em một cuộc đời mới.
Nơi tái sinh của những trái tim mồ côi
Có ý tưởng xây dựng trung tâm từ năm 2002 nhưng mãi đến năm 2004, ý định của ông Chắt mới thành hiện thực. Mỗi người khi tuổi già đến đều có ý thức hướng về nguồn cội, có người góp tiền xây chùa, đúc tượng, có người làm từ thiện, còn ông Chắt thì biến mong muốn từ những ngày tuổi thanh niên thành sự thật.
Khi còn công tác trong các dự án dành cho trẻ mồ côi của UNESCO, ông được đi nhiều nơi, thăm nhiều trại trẻ mồ côi và thấy được những hạn chế của các trung tâm này. Ông chia sẻ: "Những nơi tôi đến cơ sở vật chất rất đầy đủ nhưng có nhiều người làm việc theo trách nhiệm mà thiếu đi tấm lòng.
Lúc ấy, tôi đã nghĩ, khi nào có điều kiện sẽ xây dựng nên một trung tâm mà ở đó các em có điều kiện sống như một gia đình bình thường, được quan tâm và lắng nghe về tình cảm. Như thế, tuổi thơ của các em sẽ bình yên và có một cuộc sống tốt hơn".
Khi nghỉ hưu vào năm 1995, có thời gian thực hiện mong muốn bấy lâu của mình, ông đã trình bày với chính quyền huyện Kim Động và được huyện cấp cho ông 3000m2 đất của trung tâm Giáo dục thường xuyên đang bỏ không.
Ngôi nhà khi ấy quá xuống cấp phải phá đi để xây lại. Ông huy động tất mọi nguồn để có kinh phí, từ tiền của gia đình, đi vay bạn bè đến việc xin trợ giúp của các cá nhân, tổ chức.
Qua bao khó khăn mới thành lập được trung tâm, đến lúc đặt tên để các em đỡ mặc cảm, ông lấy tên là trung tâm Hy vọng Tiên Cầu.
Ông kể: "Tôi dùng hai chữ Hy vọng để mong muốn cho các em có niềm tin vào cuộc đời mới. Ban đầu trung tâm nhận 24 em, em bé nhất là 5 tuổi. Các em sẽ sống ở trung tâm đến khi 18 tuổi là trung tâm đã phần nào hoàn thành nhiệm vụ".
Trung tâm thành lập được một thời gian, ngày càng nhận được nhiều sự tham gia ủng hộ của mọi người. Cũng trong năm 2004, một người bạn Việt kiều của ông Chắt đang sinh sống ở Thái Lan ngỏ ý muốn cùng ông đóng góp nhưng lại muốn giúp đỡ cho các trẻ em ở miền núi.
Những năm còn đi bộ đội biên phòng, ông thấy được cuộc sống khó khăn của những người dân tộc thiểu số nơi đó, vậy là ông lên Lạng Sơn và xây dựng nên Trung tâm Hy vọng Lộc Bình. Kinh phí xây dựng khi ấy hết hơn 300 triệu đồng từ bạn của ông giúp đỡ.
Sau đi vào hoạt động, mỗi tháng người bạn trợ giúp trung tâm 15 triệu. Nhưng hoạt động được 3 năm, người bạn Việt kiều bị tai nạn qua đời. Khi ấy việc duy trì hoạt động của trung tâm rất khó khăn.
Vì sức lực của ông chỉ đủ lo cho trung tâm ở
Hưng Yên, ông bàn với chính quyền địa phương đề nghị ông và huyện mỗi bên lo một nửa. Huyện đồng ý nhưng chỉ chu cấp được một thời gian vì không có kinh phí. Đứng trước nguy cơ giải tán, ông cố gắng vận động anh em, bạn bè và vượt qua được những khó khăn trước mắt.
Ông Chắt đang ăn cơm cùng với các em nhỏ ở trung tâm.
Một mình ông Chắt phải phân thân để lo cho hai trung tâm, một ở
Hưng Yên, một ở Lạng Sơn. Mỗi tuần, ông về trung tâm ở
Hưng Yên một lần, còn trung tâm ở Lạng Sơn cứ hai tuần một lần ông lại mua gạo chuyển lên cho các em.
Ông kể rằng, trung tâm Hy vọng Tiên Cầu vốn trước kia chỉ nằm ở một địa điểm. Khi mới xây, trung tâm có 6 phòng, ở được 40 cháu nhưng sau thấy ở chung không phù hợp nên ông tách thành ba nhà, trong mỗi nhà lại có một anh chị lớn bảo ban các em nhỏ hơn. Các em được phân theo khu vực.
Ông tâm sự: "Nếu cho các cháu ở tập trung lúc bé thì không sao nhưng đến 14 - 15 tuổi chúng sẽ xảy ra nhiều mâu thuẫn, tị nạnh nhau. Các cô mỗi người có một việc, người nấu ăn, người bảo ban học tập, người chăm sóc sinh hoạt. Khi có cô nào đi vắng thì lại không có ai bảo ban các cháu nên tôi quyết định chia nhà, cho các cháu ở riêng theo gia đình, lớn bé bảo ban nhau. Vài năm nay mới thành lập mô hình này nhưng tôi thấy tốt hơn".
Nói về kinh phí hoạt động của trung tâm, ông bảo mình có may mắn vì gia đình đã ổn định, vợ lại hết mực ủng hộ. Có nhà cho thuê, ông dành một phần lo cho gia đình, phần lớn còn lại để trung tâm hoạt động.
Ông thổ lộ: "Tôi để các con tự lập, giáo dục cho chúng ý thức biết quan tâm đến những người xung quanh. Tôi cũng cố gắng lo cho các cháu ở trung tâm đến nơi đến chốn".
Những tâm sự không nói thành lời
Những em nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mất cha hoặc mẹ đều là những đối tượng được trung tâm nhận nuôi. Những em nhỏ này khi không có sự quan tâm của người sinh thành thường hay mặc cảm về bản thân. Nhiều em còn không có chỗ nương thân phải đi bán báo, đánh giày, bán vé số để kiếm sống. Trung tâm nhận nuôi các em, lo cho các em trưởng thành với mong muốn giáo dục các em từ bé, trở thành người có ích cho xã hội.
Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu II rộng 2000m2 mà chúng tôi đến thăm được xây dựng trên mảnh đất của gia đình ông Chắt đang là nơi sinh sống của 8 em nhỏ, có một em đang đi học nghề. Trong nhà có một mẹ nuôi quản lý chăm sóc cho các em tất cả mọi việc từ lo ăn uống, trông nom, ốm đau, tăng gia sản xuất, đi họp phụ huynh để quan tâm từng em một kịp thời.
Khi mới vào trung tâm, mỗi sáng đi học bọn trẻ trong làng gọi các em là trẻ mồ côi khiến các em tự ti mà bỏ học. Ông đến trao đổi với nhà trường, rồi động viên trẻ em trong làng đến rủ các em đi học. Trung thu, trung tâm tổ chức cho tất cả trẻ em trong làng đến tham gia để tạo cho các em môi trường hoà đồng, vui vẻ.
Tổng cộng ba nhà của trung tâm Hy vọng Tiên Cầu có 28 em. Trung tâm chỉ nhận các em từ 5 tuổi trở lên vì không có điều kiện chăm sóc khi các em quá nhỏ. Chỉ có một trường hợp ngoại lệ là có cháu nhỏ có mẹ bị điên. Khi sinh ra có hơn một cân, nhiều người định xin cháu về nuôi nhưng lại sợ cháu sẽ mắc bệnh giống mẹ. Trung tâm đã nhận cháu bé về nuôi đến nay cháu đã được gần 3 tuổi và rất khoẻ mạnh.
Ban đầu theo Nghị định 67, các cháu được hỗ trợ 180 nghìn đồng/tháng. Lúc đầu khi các cháu sống ở trung tâm nguồn hỗ trợ này bị cắt vì cho rằng trung tâm đã nhận nuôi các cháu thì sẽ không có khoản kinh phí này, ông phải đi giải trình suốt 6 năm đến năm 2009 mới được cấp lại. Ông bảo mình mong muốn các cháu phải được hưởng chế độ đầy đủ, bình đẳng dù sống ở bất kỳ nơi đâu.
Bà Bình, người mẹ nuôi ở trung tâm chia sẻ: "Trong 13 khoản đóng góp, các cháu được miễn 3 khoản. Trung tâm phải đi vận động sự đóng góp của mọi người, lo gạo trước để đảm bảo mỗi cháu được 15kg một tháng. Tôi cũng chăn gà, vịt, trồng rau, nuôi cá để bớt chi phí".
Rất nhiều trường hợp các em ở trung tâm có hoàn cảnh éo le. Như em Đào Thị Luyến ở xã Ngọc Thanh. Trước đây, trung tâm có nhận nuôi em gái của Luyến.
Năm 2010, ông có đến thăm gia đình em mới được biết Luyến bị tim bẩm sinh và đã bỏ học từ lâu. Luyến được đón vào trung tâm chăm nuôi theo chế độ đặc biệt. Đến năm 2011, em được đưa đi mổ tim. Em phải trải qua hai ca phẫu thuật. Kinh phí phẫu thuật do sự gom góp của gia đình ông Chắt cộng với sự giúp đỡ của anh em bạn bè và một số tổ chức. Giờ, em đã khoẻ mạnh và phát triển bình thường.
Ông Chắt chia sẻ: "Trung tâm kêu gọi giúp đỡ và khơi dậy những tấm lòng. Tôi cũng vận động mọi người đến trung tâm vào dịp cuối năm để tổ chức liên hoan. Mọi người đến chung vui gói bánh trưng, mỗi người góp một thứ để các cháu thấy ấm áp, sẻ chia và được sống trong không khí của gia đình”.
Chia sẻ về trung tâm Hy vọng Lục Bình
Trung tâm có 50 em nhỏ, đa phần là người dân tộc thiểu số. Ở đây ông nhận cả các em có hoàn cảnh khó khăn. Có gia đình ông nhận đến bốn em. Ông tâm sự: "Nhà bốn em nhỏ đó cha đã mất, mẹ đi Trung Quốc buôn bán bỏ con lại bơ vơ, ông bà đã già, họ hàng hoàn cảnh đều khó khăn. Đón các em về, trung tâm tạo cho các cháu điều kiện để học hành, phát triển đến lúc trưởng thành và tự lo được cho mình. Hiện tại ở trung tâm có 2 em đã lập gia đình, 2 em đang học đại học, còn lại các em đều học cao đẳng và học nghề”.
(Nguồn:
http://www.hungyentv.vn/90/14793/Xa-hoi/Nguoi-tai-sinh-cuoc-doi-nhung-trai-tim-mo-coi--o-Trung-tam-Hy-vong-Tien-Cau-2.htm )