Nói chung là tiêu chuẩn về PCCC cũng như tiêu chuẩn chất lượng nhà trọ nói chung đã, đang và sẽ nâng dần lên theo mức sống, theo GDP CCCM ạ. Không tăng bằng các quy định cứng về pháp luật thì cũng sẽ tăng bằng các điều chỉnh vô hình của thị trường. Cách đây chừng 20-25 năm, thời em còn là sinh viên hoặc mới đi làm. Các xóm trọ phổ biến là nhà cấp 4, lợp mái tôn hay Fibro xi măng, nền xi măng, gạch nung hoặc gạch hoa loại rẻ tiền, cửa thì chỉ có tác dụng che chắn chứ không có tác dụng bảo vệ, hầu như không có khái niệm điều hòa v.v...
Giờ đây kiểu nhà này các khu trọ ở các quận Hà Nội còn rất ít và ngày càng ít, phổ biến là các loại nhà trọ mái bê tông, công trình phụ khép kín, điều hòa khá phổ biến. Cao cấp hơn là các loại chung cư mini... Cái này là thị trường tự điều chỉnh theo mức chi trả chung đã tăng lên nhiều.
PCCC thì liên quan đến tính mạng con người nên chính phủ phải điều chỉnh, nâng cấp bằng quy định cứng.
Tất cả cái này nói lên rằng: thu nhập chung của người lao động đã tăng lên, khả năng chi trả cho chỗ ở cũng tăng lên, nhu cầu về chất lượng chỗ ở cũng tăng lên. Đấy là nhìn theo khía cạnh tích cực. Nhưng nhìn theo mặt khác thì chất lượng (bao gồm cả PCCC) tăng lên thì chi phí thuê nhà tăng theo. Điều đó cũng có nghĩa là đòi hỏi của người lao động nói chung về thù lao cũng tăng lên gây áp lực lên các doanh nghiệp.
Và các doanh nghiệp cũng sẽ phải phản ứng trong chuỗi dây chuyền theo nhiều cách khác nhau: họ có thể sẽ tăng giá bán sản phẩm, họ có thể sẽ chuyển sản xuất kinh doanh về nơi có giá nhân công rẻ hơn, họ có thể sẽ giải thể các công ty tốn nhiều lao động (da giầy, may mặc...) và lập nên các doanh nghiệp cần ít lao động hơn, các doanh nghiệp dùng ít nhân lực và nhiều tri thức, kỹ năng hơn.
Rồi đến lúc các tỉnh cũng sẽ gặp bài toán này như HN, HCM. Lúc đó trên bình diện cả nước, chúng ta phải chấp nhận thay dần các doanh nghiệp thâm dụng lao động bằng các doanh nghiệp có hàm lượng tri thức cao hơn, giá trị gia tăng cao hơn, và vì thế thù lao cho lao động cao hơn, giúp họ chi trả cho chất lượng cuộc sống cao hơn.
Đấy là trường hợp chúng ta chuyển đổi thành công, còn nếu thất bại, chúng ta sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình (TB cao, TB thấp thì tùy vào việc chúng ta dừng lại ở ngưỡng nào). Ở ngưỡng này năng suất lao động không tăng nữa, hoặc tăng rất chậm. Khả năng chi trả cũng chững lại theo, chất lượng cuộc sống cũng chững lại. Tiêu chuẩn PCCC cũng sẽ chững lại trên thực tế. Mặc dù trên giấy tờ, quy định PCCC thì có thể tăng, nhưng cuộc sống sẽ tự có các điều chỉnh để các tiêu chuẩn quá cao so với mức chi trả bị vô hiệu hóa trên thực tế.
Vì thế nếu kinh tế tiếp tục tăng trưởng, người lao động đủ tiền chi trả cho các quy định PCCC mới trong vài năm tới thì quy định PCCC mới này sẽ được đánh giá là quyết đoán, nhìn xa trông rộng, nhân văn, quý trọng tính mạng con người v.v... Còn nếu kinh tế chững lại thì tự cuộc sống sẽ vô hiệu hóa nó như đã và đang xảy ra với quy định cấm lấn chiếm vỉa hè.
Tóm lại tiền đang vận hành rất nhiều quy luật của cuộc sống CCCM ạ.