Đọc bài "trải nghiệm kinh hoàng khoá tu" của một phụ huynh, mà mình cũng thấy kinh hoàng dần đều, lông tóc dựng ngược, rùng hết cả mình. Nhưng không phải kinh hoàng vì các chi tiết mô tả "rùng rợn"của bà mẹ xót con trong cơn bấn loạn, vì nó cũng chả kinh hoàng mấy, mà mình ớn lạnh vì cái tư duy ấu trĩ và bấy bớt như cua lột của bà mẹ này.
Chùa, hay các không gian thờ tự tín ngưỡng đâu có phải là môi trường lý tưởng của trẻ em?
Chùa, có thể là nơi chữa lành các tâm, thân, ý đầy tội lỗi của người lớn, nhưng không giúp ích nhiều cho công cuộc dưỡng dục con trẻ. Việc đó là của nhà trường, gia đình và chính bố mẹ của chúng.
Chưa nói tới thực trạng đáng lo, chùa và các vị tăng ni ngày nay, trong cơn bão kinh tế thị trường càn quét, cũng sao nhãng đường tu mà chăm lo đường kinh tài. "Đời lệch thì chùa nghiêng", xưa nay đều thế cả.
Nhu cầu gửi trẻ tới các khoá học ngắn ngày vào dịp nghỉ hè là nhu cầu có thật. Chủ yếu là tự phát, tự biên, tự diễn. Trong các loại "khoá" đó, mình thấy khoá tu là buồn cười nhất, tác dụng của nó có khi không bằng khoá Viro vang danh 1 thời, tức là ai mở cũng được, như ghế đá công viên.
Cá nhân mình thường xuyên vãng cảnh chùa, cũng cầu an yên cho bản thân, cho gia đình, thậm chí cầu mong hoà bình cho cả thế giới. Nhưng không bao giờ cho bọn trẻ lai vãng đình chùa miếu mạo hoặc tham quan lăng tẩm mồ mả các thứ. Người ta tránh đi những chỗ này còn chả được, mang trẻ con tới đó làm gì?
Thật sự thì cũng có những nơi được gọi là "chùa" mà tiện nghi, môi trường cảnh quan chả kém gì Resort, nhưng nó lại không hướng tới khách hàng là trẻ em. Thế mới buồn!
Cầu thì lớn, cung thì tự phát và hỗn loạn, nên mới xảy ra bao chuyện phiền lòng, lỗi cả đời và lạc cả đạo. Mà lỗi thì chủ yếu do người lớn gây ra.
Một khoá học trẻ em(bất kể lĩnh vực/nội dung gì) thì cũng không nên quá con số 50 trẻ, tỷ lệ người chăm sóc ít nhất 1 người lớn/10 trẻ em. Các khoá học đặc biệt thậm chí phải sơ tuyển, sàng lọc người tham gia. Những người phục vụ phải được đào tạo chuyên môn liên quan. Cơ sở vật chất phải đảm bảo không gian học tập, vui chơi, lưu trú cho trẻ. An toàn là tiêu chí hàng đầu và xuyên suốt.
Mình không thể hình dung ra, 600 trẻ em bị dồn vào một nơi thờ tự tôn giáo thì sẽ học tập và sinh hoạt kiểu gì, để an toàn?
Trong 600 em học sinh đủ mọi lứa tuổi ấy, có bao nhiêu cháu cần được chăm sóc đặc biệt về tâm lý? Có bao nhiêu cháu cần được chăm sóc đặc biệt về thể chất? Có bao nhiêu cháu có phụ huynh cần được điều trị về sức khoẻ tâm thần? Có bao nhiêu cháu có phụ huynh cho con đi "tu" để mình có thời gian đi "hú". Có bao nhiêu cháu có phụ huynh cho con đi "học" để họ khỏi bị "hành", vì họ không đủ thời gian chăm con? Họ đăng ký khoá học ngắn ngày chỉ để cai điện thoại, cai internet, hoặc đơn giản chỉ là tìm bảo mẫu giá rẻ cho con mình?
Không ai biết.
Chỉ có trời biết, đất biết và phụ huynh đó biết.
Bỏ qua những suy nghĩ tiêu cực như trên, mình có thể đồng cảm với những phụ huynh gửi con tới các khoá tu ngắn hạn. Mình đồ rằng, hầu hết trong đó người đưa ra quyết định là những bà mẹ mộ đạo, ngây thơ và tử tế, thương yêu con vô điều kiện. Nhưng tình yêu và niềm tin gửi gắm vô tội ấy, e rằng hơi lệch lạc và thiếu hiểu biết.
Đức Phật tiên đoán 5000 năm sau, đạo suy vi và tổn hại bởi bàn tay phụ nữ. Dù chưa tới thời điểm đáng sợ ấy, nhưng gần đây, các xì căng đan của đạo và đời đều bị khuấy đảo kinh thiên động địa của giới quần hồng. Hành trang của họ quá nhiều, quá kềnh càng, và khi họ hò hét rủ nhau "buông bỏ" thì hoá ra sự buông bỏ đó là buông thả và...bỏ chồng. Đạo cũng kinh, mà đời cũng khiếp!
Yêu nhau như thế quá bằng mười lần hại nhau
Chỉ mong các bậc phụ huynh nên cân nhắc giữa lợi ích và nhu cầu chăm sóc phần hồn bản thân với nhu cầu chăm sóc tinh thần của bọn trẻ và không nên phó mặc việc đó cho xã hội. Con mình là do mình đẻ ra, nhưng hãy để chúng được sống cuộc đời của chúng. Trẻ con vốn dĩ đã không có quyền lựa chọn việc mình được sinh ra, giờ lại vô tình bị cưỡng ép lựa chọn tín ngưỡng, thì tội nghiệp quá.
Quả thực là một sự bạo hành và vô minh không đáng!