Con gái đầu của em bị tự kỷ, dạng cực nặng (giờ sắp 10 tuổi vẫn chưa nói năng gì) nên qua kinh nghiệm bản thân, có vài lời chia sẻ với cụ chủ:
- Biết nói nhanh hay chậm không quan trọng bằng nhận thức. Cháu nó có nhận thức tự khắc đến lúc sẽ biết nói. Chẳng hạn cụ bảo cháu nó lấy cái nọ, cái kia và cháu nó đáp ứng được, không sai hoặc tỷ lệ sai cực thấp thì hoàn toàn yên tâm nhé. Hoặc cụ bảo gì, cháu nó hiểu và nghe theo thì chắc chắn không phải tự kỷ vì trẻ tự kỷ điển hình không bao giờ làm được như vậy hoặc chỉ một phần nào đó. Như con nhà em, sai nó lấy cái này cái khác giờ thì cũng biết nhiều hơn rồi vì được dạy song tỷ lệ sai vẫn rất cao.
- Cụ cho đi khám thì chắc chắn 100% bị kết luận tự kỷ nhưng không một bác sỹ nào nói chi tiết rằng tự kỷ ở thể nào mà chỉ nói chung chung, khiến bố mẹ nào cũng hoang mạnh. Thực tế, tự kỷ có rất nhiều dạng và đa phần là nhẹ, tức là chỉ khiếm khuyết một vài yếu tố nào đó hoặc bị chậm hơn so với trẻ bình thường. Em lấy ví dụ như giao tiếp xã hội mà bây giờ người ta nói ra rả, đưa nó thành một yếu tố xét tự kỷ. Tuy nhiên không phải ai cũng giống ai. Một đứa trẻ kém giao tiếp xã hội đâu có nghĩa không thể là một người bình thường. Cụ cứ nhìn xung quanh mình xem, đâu phải người nào cũng năng động giỏi giao tiếp. Nặng nhất trong tự kỷ là không biết nói (như con em), nói năng linh tinh như kiểu vô thức hay phá phách, đập phá.
Từng có một đồng nghiệp cũ của em cũng có con chậm nói, bị một người họ hàng được cho dày dạn kinh nghiệm trong vấn đề này kết luận xanh rờn là tự kỷ, thậm chí còn bị nói là rất nặng đến nỗi nhà nó khủng hoảng. Nó liên hệ với vợ chồng em và hỏi chuyện ra mới thấy chẳng đến mức độ như thế nên mới bảo cứ yên tâm, không sao đâu. Gia đình nó về sau cho con đị học mẫu giáo, trường Việt Nam thôi chứ không phải song ngữ quốc tế gì cả (vì tiếng Việt còn không xong thì mơ gì tiếng nước ngoài) và kết quả, con hoàn toàn bình thường, chỉ đơn giản là chậm nói. Tất nhiên cháu nó có thể không lanh lợi, khôn ngoan bằng trẻ khác nhưng chẳng nhẽ trẻ con cứ phải đòi hỏi đứa nào cũng lanh lợi, khôn ngoan.
Hay như cháu của sếp em, đến 5-6 tuổi cũng chưa nói một câu nào. Nhưng như em đề cập thì nhận thức của đứa trẻ là quan trọng nhất. Khi em hỏi ra thì cháu nó nhận thức tốt, nghe lời và rồi cũng đến lúc cháu nó nói được. Sếp em thì cứ tin là do đi chạy chữa một ông nào đó chuyên trị trẻ câm, điếc nhưng thực ra nó chỉ là trùng hợp chứ chữa được trẻ câm, điếc thì nhận mẹ giải Nobel rồi. Sếp còn đưa cả địa chỉ để em mang con đến chữa nhưng em biết thừa bệnh của con mình nên cứ cảm ơn cho phải phép thôi. Dĩ nhiên một trẻ 6 tuổi mới biết nói có thể nhiều cái thua kém trẻ 2-3 tuổi biết nói như bình thường song không có nghĩa không thể phát triển được.