Em nghĩ khả năng là được. Em đã đọc ơ đâu đó thì cây cafe được người Pháp đem sang Việt Nam và được trồng đầu tiên ở Ba Vì ( Hà tây) chứ không phải Tây Nguyên. Vì vậy Hà Nội có thể trông được:
"BA VÌ, XỨ SỞ CÀ PHÊ ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM
Trong hành trang của người lính Pháp khi đổ bộ vào Đà Nẵng năm 1858, ngoài súng đạn còn có cà phê, thứ thức uống quen thuộc hàng ngày của người châu Âu. Con người đúng là nô lệ của thói quen. Nó cũng giống như người Việt đi lính sang Pháp đánh nhau trong thế chiến 1, dứt khoát không ra trận nếu không có trầu cau, không có thuốc lào và nước mắm khiến chính phủ Pháp phải nhập trầu cau, thuốc lào và lập hẳn 1 xưởng sản xuất nước mắm để đáp ứng cho bữa ăn hàng ngày của họ.
Năm 1864, Saigon xuất hiện 2 quán cà phê nhưng cà phê bột nhập từ Pháp. Vậy cà phê được chế biến ở Việt Nam từ bao giờ? Trước khi nói đến cà phê chế biến cũng cần biết cây cà phê được trồng khi nào, ở đâu trên đất Việt Nam. Sẽ có nhiều người nghĩ rằng nó được trồng đầu tiên ở Tây Nguyên, nơi có đất bazan mầu mỡ phù hợp với loại cây này. Tuy nhiên lại không phải như vậy, nó được trồng đầu tiên tại quanh vùng núi Ba Vì. Khi Paul Bert làm Tổng trú sứ Annam năm 1883, nhận thấy lương thực, thực phẩm cung cấp cho binh lính Pháp chiến đấu ở Bắc Kỳ phụ thuộc vào các nhà thầu Trung Hoa, để giảm bớt phụ thuộc, ông đã cho mời các nhà thực vật sang Bắc Kỳ nghiên cứu để trồng rau, quả, chăn nuôi, chế biến pho mát. Paul Bert mời nhà thực vật nổi tiếng nước Pháp khi đó là Benjamin Balansa. Vùng đất mà Balansa chọn nghiên cứu là núi Ba Vì và vùng xung quanh. Giữa năm 1886, Paul Bert cử ông sang Java (Indonesia) mang về một số cây giống trong đó có cây canhkina và cà phê. Cây cà phê được trồng ở đảo Java từ năm 1699. Khi ông mang được giống về thì Paul Bert đã chết vì kiết lỵ (1-11-1886) nhưng công việc vẫn được tiến hành Balansa đã ươm cà phê ở chân núi Ba Vì. Sau 1 thời gian những cây cà phê này bị nấm Hemilleia nhưng ông đã trị được nấm này và cây sinh trưởng tốt.
Hưởng ứng chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Toàn quyền Đồng Dương Paul Doumer, nhiều nhà tư bản Pháp đã sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội làm ăn trong đó có Marius Borel. Ông này nhận thấy cơ hội làm giầu từ trồng cà phê ở Ba Vì và nuôi dê lấy sữa, làm pho mát dê cung cấp cho quân đội. Ông mua đất vùng Bất Bạt, Tùng Thiện làm đồn điền, tổng cộng ông có 13 đồn điền khu vực này và diện tích rộng tới 2222,55 ha. Năm 1901, ông bắt đầu trồng cà phê. Giống chính là những cây cà phê do Balanca mang về từ Java ươm. Sau khi thu hoạch quả cà phê, ông cho sơ chế, một phần được rang xay tại Hà Nội cung cấp cho quân đội và dân Pháp sống tại Bắc Kỳ, số còn lại ông cho xuất khẩu sang châu Âu. Sau đó nhiều nhà tư bản Pháp cũng mua đất lập đồn điền trồng cà phê, nuôi dê lấy sữa làm pho mát ở Ninh Bình, Nghệ An…Từ Bắc kỳ, cây cà phê mới Nam tiến vào Tây Nguyên.
Về lịch sử cây cà phê ở Việt Nam thì theo cafeanam, vào năm 1857 tại một nhà thờ ở Hà Nam, do thói quen uống cà phê[ ](
http://capheconsoc.com.vn/ca-phe-rang-xay)của các thầy tu người Pháp, nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu ở Việt Nam phù hợp để trồng cây cà phê, những thầy tu này mang những giống cà phê từ đảo Martinique và vùng Guyane thuộc Pháp ở châu Mỹ Latin có khí hậu và thổ nhưỡng nhiệt đới tương tự Việt Nam về trồng. Tuy nhiên việc trồng cà phê thời gian này chưa mang tính canh tác trên diện rộng.
Năm 1883, Hà Nội xuất hiện bar rượu và quán cà phê ở phố Paul Bert (nay Tràng Tiền), khách hàng là binh lính, sỹ quan và kiều dân Pháp. Cà phê bán ở đây được đưa từ Pháp sang. Nhưng sang đầu thế kỷ 20 thì các quán cà phê Hà Nội bán cà phê Ba Vì. Ngay từ đầu thế kỷ 20, đã có sự khác biệt giữa cà phê Hà Nội và Sài Gòn, cà phê Sài Gòn pha bằng vợt khá loãng bán chủ yếu cho người lao động còn cà phê Hà Nội pha bằng phin và khách hầu hết là công chức Pháp-Việt, trí thức Việt uống kèm với những câu chuyện chính trị.
Tháng 9-1940, Nhật đưa quân vào Việt Nam, lo sợ quân Nhật chiếm đoạt tài sản và tính mạng có thể không an toàn, các chủ trang trại cà phê quanh khu vực Ba Vì bán rẻ đồn điền hoặc bỏ hoang trở về Pháp, từ đó cây cà phê dần biến mất ở Ba Vì"