Mời các cụ bớt chút thời gian đọc:
http://giadinh.net.vn/xa-hoi/luong-y-nguyen-duc-can-song-bi-an-chet-cung-bi-an-20121204043922158.htm
GiadinhNet - Nhà văn hóa tâm linh Nguyễn Đức Cần lúc sống là một nhân vật được người đời xem là kỳ lạ.
Cụ Nguyễn Đức Cần (ngoài cùng bên phải) đang điều khiển chữa bệnh cho bệnh nhân bị liệt tay. Ảnh: tư liệu.
Ông có khả năng chữa bệnh không dùng thuốc. Bí ẩn là thế, nhưng đó không phải là cách chữa bệnh mê tín mà có hàng ngàn người đã xem ông là vị ân nhân vì chữa khỏi bệnh cho họ. Và hơn 30 năm sau, những điều kỳ lạ về ông vẫn thu hút nhiều nghiên cứu xoay quanh ngôi mộ của ông.
Chữa bệnh như... phù thủy
Nguyễn Đức Cần là cái tên quá nổi tiếng trong những năm thập kỷ 70, 80 thế kỷ trước. Ông không chỉ là một vị lương y chữa bệnh tài tình, thương người nghèo mà còn là một nhân vật gây chú ý trong giới nghiên cứu lĩnh vực tâm linh.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đã từng được ở cạnh cụ Nguyễn Đức Cần 24 năm để nghiên cứu những điều kỳ lạ xung quanh con người này. Theo ông Hải, ông được gặp cụ trong một hoàn cảnh khá đặc biệt, đó là qua sự giới thiệu của một người bạn làm giáo viên. Khi gặp ông Hải, người đó có kể cho ông nghe về một con người đặc biệt, một người chữa bệnh không dùng thuốc và anh coi đó là một sự kỳ bí. "Lúc đầu tôi nói là nếu tôi chưa được nhìn tận mắt thì tôi không tin chuyện như vậy. Anh nói nếu tôi không tin thì có thể gặp trực tiếp một người ở số 10 hay 11 phố Lãn Ông - Hà Nội, đó là Trung tá bác sỹ Vũ Hữu Hiếu", ông Hải kể lại.
Ông Hiếu cho biết, ông bị bệnh nhũn não và đã được cụ Cần chữa khỏi mà không hề dùng thuốc. "Sau đó, qua ông Hiếu, tôi biết nhà cụ ở 86 làng Đại Yên - Hà Nội, lên nhà cụ thì thấy biển ghi là không tiếp khách nhưng tôi cứ vào. Tôi lên cụ vào ngày mùng 6 Tết năm Giáp Dần. Tôi còn nhớ rõ buổi sáng hôm ấy cụ cùng một số bệnh nhân vừa đi thăm đền Và (Sơn Tây) về và người bệnh đến đang ngồi chờ cụ chữa bệnh cho họ.
Thấy tôi ngồi mãi mà không nói câu gì, không xin chữa bệnh như mọi người, cụ có quay sang tôi, nói: "Thưa ông, ông cần gì đấy ạ". Tôi trả lời: "Thưa cụ, tôi không đến để xin chữa bệnh. Tôi là một cán bộ nghiên cứu của Viện khoa học Việt Nam. Tôi có nghe người ta nói về việc chữa bệnh đặc biệt của cụ. Tôi muốn lên gặp cụ để tìm hiểu về vấn đề này. Nếu đây là một sự thực chúng tôi sẽ tìm cách giới thiệu dưới ánh sáng của khoa học".
Nghe vậy cụ tiếp tôi với một trạng thái khác và cụ trả lời: "Vâng thưa ông, tôi chữa bệnh bằng cái đầu của tôi, nhưng người ta cứ bảo tôi là phù thuỷ", nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải kể về chuyện mà người ta đồn đại cụ Nguyễn Đức Cần giống như một nhà phù thủy bởi tài chữa bệnh "không giống ai".
Sau khi cụ mất, những điều bí ẩn vẫn chưa thể lý giải bởi các nhà nghiên cứu và khoa học. Để một lần "mục sở thị", chúng tôi tìm đến ngôi mộ của cụ Nguyễn Đức Cần ven quốc lộ 21B đoạn chạy qua cánh đồng thuộc xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Người ta đồn rằng, ngôi mộ ấy có một nguồn năng lượng đặc biệt, có thể chữa bách bệnh mà không cần đến thuốc thang gì...
Từ sáng sớm, ánh sáng còn nhạt nhòa, bảng lảng trong sương giá, con đường 21B thưa thớt người qua lại. Nhưng quanh ngôi mộ giữa cánh đồng thuộc xã Thanh Mai đã có hàng chục người từ khắp nơi tề tựu. Chẳng ai bảo ai, mọi người đều tự giác xếp hàng theo thứ tự, nhẹ nhàng, thành kính khấn vái rồi tĩnh tâm ngồi thiền mà không cần bất kỳ ai hướng dẫn.
Theo quan sát của chúng tôi, khu mộ được xây trên nền đất cao, rộng khoảng gần 1.000m2 nằm giữa cánh đồng với những hàng cau thẳng tăm tắp, xanh mướt. Chính giữa là ngôi mộ xây với di ảnh và tấm bia khắc rõ tên húy cụ Nguyễn Đức Cần (Trưởng Cần).
Hơn 11h trưa, khách đã vãn, chúng tôi mới có dịp tiếp cận vợ chồng ông Nguyễn Văn Ảnh và bà Nguyễn Thị Sinh (bà Sinh là con gái thứ hai của cụ Nguyễn Đức Cần), người chăm lo và hương khói cho khu mộ này. Với vẻ chân chất, thật thà, hai vợ chồng ông Ảnh chia sẻ, từ năm 1983, khi cụ Cần vừa mất, ngày nào cũng có người tìm đến. Đặc biệt, vào ngày mồng Một, ngày Rằm, ngày lễ và ngày giỗ thì lượng người kéo đến đây đông lắm. Sở dĩ có chuyện này là do nhiều nguyên nhân, người thì đến để tưởng nhớ ân nhân của mình, người thì đến để "hấp thụ" nguồn năng lượng từ ngôi mộ để giữ gìn sức khỏe, phòng chống bệnh tật...
Theo câu chuyện mà chúng tôi tìm hiểu được, cụ Nguyễn Đức Cần là một lang y chữa bệnh bằng phương pháp lạ như chữa bệnh từ xa mà không cần dùng đến thuốc có tiếng ở Hà Nội vào những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước. Nhờ phương pháp chữa bệnh này đã có hàng nghìn người khỏi bệnh mà không tốn bất kỳ một đồng nào. Cuộc đời và thân thế của cụ cũng chứa nhiều điều bí ẩn.
Cụ Nguyễn Đức Cần sinh nhằm đúng vào đêm 30 Tết năm 1909 tại làng Đại Yên (nay thuộc Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) trong một gia đình nhà nho giàu lòng yêu nước. Cụ cưới vợ nhưng chỉ mấy ngày sau người vợ đã quay về nhà ngoại ở.
Công việc làm ăn của gia đình bắt đầu thua lỗ, rơi vào kiện cáo, bố cụ đổ bệnh, chạy chữa khắp nơi không khỏi. Sau này, gia đình cụ mời được một thầy lang về chữa. Chẳng biết thầy lang đó chữa bằng cách nào, nhưng chỉ vài ngày thì bố của cụ khỏi bệnh. Không những thế, thầy lang đó bảo chỉ chữa bệnh làm phúc, không nhận tiền bạc của gia đình. Và cũng từ đó, cụ Nguyễn Đức Cần đã theo thầy lang kia bôn ba khắp nơi chữa bệnh làm phúc. Đến một ngày, thầy lang dẫn cụ Cần lên đỉnh Mẫu (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội) để tu luyện. Theo thầy lang kia thì đây là nơi "linh khí Việt Nam hội tụ", rất tốt cho việc tu luyện thần nhãn, hấp thụ dương quang và truyền dạy Tuệ quang...
Đến khoảng những năm 1940, cụ Cần bắt đầu chữa bệnh. Đầu tiên là những người trong họ tộc thân quen, sau mở rộng ra cho những ai có nhu cầu. Cách chữa bệnh của cụ rất đặc biệt: Không dùng thuốc và có thể chữa từ xa nhưng có tác dụng tốt với nhiều loại bệnh như thần kinh, dạ dày, xơ gan, thấp khớp, liệt, câm, điếc, hen suyễn... Nhưng trên hết, cụ chữa bệnh mà không hề lấy tiền hay quà cáp của bất cứ ai. Ngoài ra, vừa chữa bệnh, cụ vừa dạy mọi người phải sống có đức, nhận ra lỗi lầm của mình mà sửa sai, hướng thiện, khiến các bệnh nhân yêu mến cụ lắm. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người biết đến khả năng, tâm đức của cụ mà tìm đến mong được giúp đỡ.
Ngày 30/4/1974 có thể coi là ngày đánh dấu của khoa học ngoại cảm ở Việt Nam khi các cơ quan chức năng đã tiến hành quay phim hai ca chữa bệnh của cụ với sự phản biện của các bác sỹ công nhận việc chữa bệnh của cụ đã cho kết quả ban đầu. Đến ngày 4/6/1983, sau khi chữa bệnh cho hai bệnh nhân xong, cụ qua đời một cách nhẹ nhàng.