Lạm phát không phải là nguyên nhân, mà là kết quả của những vấn đề kinh tế. Tuỳ theo việc những vấn đề đó là gì sẽ quyết định giá nhà đất có tăng, giữ nguyên giá trị hay giảm trong giai đoạn lạm phát. Thực tế ở Việt Nam những lần lạm phát cao bất thường gần đây đều có nguyên nhân từ nợ xấu và mất cân bằng trong hệ thống tài chính, đặc biệt có sự kết nối chặt chẽ với bong bóng bất động sản. 3 lần gần nhất là 1986 (trên 700%/năm), 1998 (gần 10%) và 2008 (25%) đều gắn với những cú sụt giảm khủng khiếp của bất động sản.
Thực tế đã chứng minh, chưa lần nào BĐS ở Việt Nam là nơi tránh bão tuyệt vời cả, dù về lý thuyết đáng ra là như vậy. Lý do là BĐS VN luôn bị định giá quá cao so với giá trị nó mang lại. Bằng chứng là phần lớn BĐS nhà ở khi cho thuê ở VN đều thấp hơn hoặc cùng lắm là tương đương lãi suất ngân hàng. Nhu cầu mua nhà để ở tại VN có tỷ lệ thấp khi so sánh với nhu cầu mua nhà để đầu cơ hoặc tích trữ. Khi lạm phát xảy ra, lãi suất buộc phải tăng mạnh khiến cho chi phí nắm giữ BĐS càng cao, làn sóng bán tháo ở nhóm đầu tư càng mạnh khiến giá nhà tụt dốc không phanh. VÌ vậy, khái niệm tránh bão với BĐS chỉ là trên lý thuyết, và sai hoàn toàn khi áp dụng tại VN.