Đây là vận khí cụ đang kém rồi, cụ đọc bài giảng này của hòa thượng Tịnh Không sẽ rõ :
Hoặc đêm mộng thấy ác quỷ cho đến kẻ thân thích trong nhà, hoặc đi trên đường hiểm, hoặc nhiều lần bị bóng đè, hoặc cùng quỷ thần dạo chơi’, [việc nói trong] đoạn này tôi cũng từng trải qua, lúc trước thường có. Đặc biệt là gặp yểm quỷ, bị bóng đè tức là gặp yểm quỷ, yểm quỷ cũng là một trong bát bộ quỷ thần, chúng ta thấy trong kinh. Khi bị bóng đè trong tâm rất rõ ràng, toàn thân chẳng thể nhúc nhích, lúc trước thường bị. Đặc biệt là nhà mình ở, phần đông người ta gọi là chẳng ‘sạch sẽ’, trong nhà có quỷ. Gặp những chuyện này, hơn phân nữa là vì vận của mình kém một chút, người gặp vận may thì những quỷ thần này chẳng dám phá kẻ ấy, quỷ thần lánh xa; khi vận bạn sa sút thì quỷ thần sẽ hiếp đáp bạn. Khi bị bóng đè liền biết, biết vận mình chẳng tốt, bị họ hiếp đáp. Sau khi học Phật thì những chuyện này từ từ giảm bớt, đại khái mười năm đầu học Phật vẫn còn, sau mười năm đầu thì chẳng còn nữa. Cho nên tu học đích thật có hiệu quả, muốn biết bạn có tiến bộ không, công phu đắc lực không, hãy so sánh với lúc bạn chưa học Phật, hoặc lúc vừa mới học Phật liền biết được. Lúc trước có nhiều ác mộng, lúc nằm mộng thì rất tán loạn, sau này tuy có nằm mộng nhưng mộng rất tỉnh táo, trong mộng cũng giống như sinh hoạt thường ngày, vậy là có tiến bộ rất nhiều. Nếu thường mộng thấy Phật, Bồ Tát, chúng tôi giảng kinh thuyết pháp thường mộng thấy giảng kinh thuyết pháp, đây là chuyện tốt, có thể nhìn thấy tự mình tu học công phu được đắc lực.
Phần cuối là nói về bịnh khổ. Đoạn này trong chú giải Thanh Liên Pháp Sư cũng nói rất cặn kẽ, ngài nói trong Phật Thuyết Y Kinh có nói bốn bịnh của con người là ‘địa, thủy, hỏa, phong’, chúng ta thường nói là tứ đại chẳng điều hòa. Phía trước tôi đã báo cáo với các vị đồng tu, nguồn gốc thứ nhất của bịnh tật là ăn uống. Ăn uống là sinh hoạt vật chất của chúng ta, sơ ý, không để ý bị nhiễm những tật bịnh này, đây là loại thứ nhất. Thứ nhì là oan gia trái chủ, như trong kinh này nói mộng thấy ác quỷ, người nhà thân quyến; thân quyến là những người đã mất. Hoặc mộng thấy chỗ nguy hiểm, mộng thấy bị bóng đè, những thứ này đều liên quan đến oán thân chủ nợ. Phàm có hiện tượng này, chúng ta phải hết lòng nỗ lực, đoạn dứt ác tu thiện, sửa sai đổi mới, thật thà niệm Phật, tại sao? Gặp những chuyện này là vận khí của chúng ta suy thoái, không hưng vượng, nếu bạn có vận may, khí vượng, thì những ác quỷ, ác thần này cũng tránh xa. Dù lúc trước có chuyện xích mích, lúc đó họ cũng chẳng dám đến gây phiền phức cho bạn, họ sẽ lánh xa, đợi đến lúc vận của bạn suy thoái thì họ sẽ đến. Cho nên khi gặp những chuyện này phải biết lúc đó khí vận của mình rất suy thoái, nhất định phải nỗ lực tu học cho đàng hoàng.
Thứ ba là bịnh nghiệp chướng, phía trước có nói: “Nằm liệt mãi trên giường gối, cầu sống, cầu chết cũng chẳng thể được”, đây là bịnh nghiệp chướng. Chẳng có cách gì hết, thuốc men bác sĩ cũng chẳng giúp gì được, siêu độ, tiêu tai miễn nạn cũng chẳng được, tiêu chẳng nổi. Nhờ sức lực của người khác tiêu không nổi, nhờ tự mình sám hối, sức mạnh của sự sám hối này rất lớn, rất lớn! Chúng sanh tạo ác nghiệp, đây là nguồn gốc thật sự của bịnh tật. Phật, Bồ Tát, Thánh A La Hán chẳng tạo ác nghiệp, đây là lý do các ngài chẳng sanh bịnh, đạo lý là như vậy. Lúc Phật, Bồ Tát sanh bịnh chỉ là thị hiện, đó là hoằng pháp, giống như cư sĩ Duy Ma thị hiện bị bịnh, đó chỉ vì hoằng pháp lợi sanh, thật sự ngài chẳng bị bịnh. Ngài chẳng thể sanh bịnh, ngài chẳng có lý do gì để sanh bịnh. Hết thảy chúng sanh khởi tâm động niệm, những ý niệm nhỏ bé thì tự mình chẳng biết, sau khi chúng ta học Phật, đọc kinh mới biết chuyện này. Một niệm càng nhỏ, càng yếu ớt, nếu một niệm ấy chẳng thiện thì sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt vật lý trong thân thể, nếu là một niệm cực ác sẽ thay đổi thể chất. Hiện nay nhà khoa học, các bác sĩ hiện đại cũng dần dần hiểu được đạo lý này, cho nên người có tâm lý khỏe mạnh, tâm ổn định, tâm vui đẹp, dù bị bịnh rất nặng thân thể người ấy cũng rất dễ khôi phục. Một số người cho rằng đây là kỳ tích, thật ra đó đâu phải là kỳ tích, là có đạo lý đấy.
Hòa thượng Tịnh Không giảng